Heike Monogatari
Bài viết hoặc đoạn này cần người am hiểu về chủ đề này trợ giúp biên tập mở rộng hoặc cải thiện.tháng 2/2024) ( |
Bình Gia truyện (平家物語 (Bình Gia Vật Ngữ) Heike Monogatari) là một tác phẩm văn học thuộc thể loại sử thi của Nhật Bản được sáng tác vào khoảng năm 1330, nói về cuộc nội chiến tranh giành quyền lực của gia tộc Taira và gia tộc Minamoto nhằm giành quyền cai trị đất nước Nhật Bản trong Chiến tranh Genpei diễn ra vào cuối thế kỷ 12 (1180–1185). Từ "Heike" (平家, Bình gia) có liên quan mật thiết đến chữ "Taira" (平), trong đó, chữ"hei" là cách đọc on'yomi của kí tự Hán ngữ đầu tiên và chữ "ke" (家) có nghĩa là "gia đình". Chúng ta cần lưu ý rằng, trong thời kỳ Chiến tranh Genpei, từ "hei" được đọc thành "pei" và chữ "gen" (源) là ký tự Hán ngữ đầu tiên dùng để chi gia tộc Minamoto (tương tự với chữ "Genji" là ký tự phát âm theo kiểu on'yomi, ví dụ như tên nhân vật trong Truyện kể Genji) và cũng là ký tự chữ Hán dùng để ám chỉ gia tộc.
Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh ít nhất 5 lần, lần đầu được dịch bởi Arthur Lindsay Sadler vào năm 1918–1921. Một bản dịch hoàn chỉnh dài gần 800 trang đã được xuất bản bởi Hiroshi Kitagawa & Bruce T. Tsuchida vào năm 1975. Một bản dịch khác của Helen McCullough đã được xuất bản vào năm 1988. Một bản dịch rút gọn của Burton Watson đã được xuất bản vào năm 2006. Vào năm 2012, Royall Tyler đã hoàn thành bản dịch riêng của ông, đồng thời lồng ghép quan điểm chú trọng đến thể thức trình bày của tác phẩm nguyên gốc.
Tiểu thuyết gia lịch sử Eiji Yoshikawa đã xuất bản phiên bản kết xuất văn xuôi của tác phẩm trên tờ báo Asahi Weekly vào năm 1950 với tiêu đề là Tân truyện Heike (Shin Heike Monogatari).
Nghi vấn tác giả
[sửa | sửa mã nguồn]Người ta cho rằng Bình gia truyện không có khả năng được sáng tác bởi một cá nhân đơn lẻ nào. Giống như hầu hết các tác phẩm sử thi khác, tác phẩm là kết quả của sự chắp vá các câu chuyện dân gian truyền miệng được minh họa qua những tấm thẻ biwa được gọi là biwa hōshi.
Nhà sư Yoshida Kenkō (1282–1350) đã đưa ra giả thuyết về tác giả của tác phẩm trong ấn phẩm Tsurezuregusa nổi tiếng của ông, được viết vào năm 1330. Theo lời Kenkō thì "Cựu Thống đốc vùng Shinano là Yukinaga, đã viết Bình Gia truyện (Heike monogatari) và yêu cầu một người đàn ông mù tên Shōbutsu tụng nó như một bài thánh ca". Ông cũng đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa những lá bài biwa và người đàn ông mù đó , vốn là một "tín đồ bẩm sinh của các văn kiện tôn giáo", và là người đã gửi cho Yukinaga "những thông tin ông ta sưu tầm được từ các samurai, từ cách họ cúi đầu, cho đến những chiến thuật của họ khi ở trên lưng ngựa. Yukinaga đã viết nó sau khi được cung cấp nhưng thông tin này".
Một trong những điểm mấu chốt trong giả thuyết này là ngôn ngữ viết trong tác phẩm. Chúng chính là sự kết hợp hóc búa giữa Hán ngữ và Nhật ngữ (wakan konkō shō), và được sáng tác trong nhiều ngày bởi duy nhất một tăng lữ có học thức như Yukinaga. Tuy nhiên, cuối cùng ta vẫn phải kết luận rằng, tác phẩm là thành quả của một quá trình dài thu thập các câu chuyện dân gian truyền miệng, cá nhân sáng tác ra nó không thể xác định một cách chính xác; có lẽ Yukinaga là người đầu tiên và duy nhất biên soạn lại kiệt tác văn học này dưới dạng văn học viết. Bên cạnh đó, với việc những mẩu chuyện trong đó được trình bày dưới dạng các thể thức khác nhau, mặc dù không mang nhiều ý nghĩa nhưng điều đó cho ta thấy rằng, đây là một tác phẩm mang tính chất sưu tầm hơn là do một cá nhân sáng tác.
Nguồn gốc và đề tài
[sửa | sửa mã nguồn]Lịch sử thể loại Monogatari
[sửa | sửa mã nguồn]Người Nhật đã cho phát triển một số chiến lược bổ sung để nắm bắt, bảo tồn và phổ biến các yếu tố thiết yếu của lịch sử dân tộc được chấp nhận rộng rãi trong quần chúng – chúng là các biên niên sử về vua chúa cũng như các sự kiện, tiểu sử của các danh nhân lịch sử, cùng với những câu chuyện quân sự được gọi là gunki monogatari . Thể loại văn học này được phát triển nhờ vào mối quan tâm đến việc ghi lại các hoạt động xung đột quân sự vào cuối thế kỷ 12. Các trận chiến lớn, các cuộc giao tranh nhỏ và các cuộc chiến mang tính cá nhân (cùng các nhân vật quân sự) đều được ghi chép, tường thuật và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với các tác phẩm như Hōgen Monogatari (1156), Heiji Monogatari (1159–1160) ) và Heike Monogatari (1180–1185).
Trong mỗi tác phẩm thuộc thể loại monogatari này, các nhân vật trung tâm đều được phổ biến sâu rộng trong quần chúng, các sự kiện lớn được mọi người hiểu một cách khái quát và các vấn đề trong thời kỳ đó thường được chấp nhận như những yếu tố nền tảng của văn hóa Nhật Bản. Tính chính xác của mỗi ghi chép lịch sử này đã trở thành một chủ đề hấp dẫn để nghiên cứu sâu hơn; và có một số chi tiết tác phẩm đã được chứng minh chúng đã trải qua sự giám sát chặt chẽ, trong khi những "sự thật" hóa ra lại không chính xác.[1]
Phiên bản phổ biến và nổi tiếng nhất của Bình Gia truyện ngày nay là bản được Kakuichi chắp bút năm 1371, thường được cho là một vở kịch hư cấu dựa trên Chiến tranh Genpei. Thay vì tập trung vào các chiến binh Genpei như cách mô tả thông thường, tác phẩm lại tập trung xoáy sâu vào "... chiến binh lý tưởng được truyền tụng qua những lời thánh ca ..." [2] với nguồn cảm hứng đến từ việc tôn vinh và lý tưởng hoá hình tượng con người.
Đề tài chính
[sửa | sửa mã nguồn]Câu chuyện Heike được xem là một bộ sưu tập những câu chuyện được truyền miệng bởi các nhà sư du hành, những người đã tụng những bài trong biwa, một loại nhạc cụ tương đồng với đàn tì bà. Phiên bản được biết đến nhiều nhất của Heike monogatari đã được tụng bởi một nhà sư mù tên là Kakuichi, vào năm 1371. Sau này, Chuyện kể Heike (còn gọi là "Bình Gia truyện) được coi là tác phẩm văn học cổ điển xuất sắc nhất trong nền văn học thời Trung cổ của Nhật Bản.
Hai chủ đề đạo đức xuyên suốt tác phẩm này là tinh thần samurai và đạo Phật.
Ở một mức độ nào đó, nội dung tác phẩm là cả một câu chuyện dài về những bậc anh hùng võ nghiệp – về lòng dũng cảm, sự độc ác, quyền lực, vinh quang, sự hy sinh và cả niềm hối tiếc. Đã có nhiều người nhấn mạnh về chủ nghĩa anh hùng mà tác phẩm đề cập tới, trong đó, những chi tiết về cái chết và sự dơ bẩn của hiện thực chiến tranh đã bị phớt lờ, những cái chết trong đó cũng đã được thẩm mỹ hóa: một ví dụ điển hình trong trường hợp thứ hai này là việc so sánh một võ sĩ bị đuối nước với hình ảnh chiếc lá phong trôi theo dòng nước ra xa nhằm xoa dịu đi tình thế khắc nghiệt của chủ thể.
Mặt khác, trong khi tác phẩm vẫn chấp nhận tầm quan trọng của những hình tượng quân sự hào hùng như Yoshitsune, song vẫn hướng đến việc chú trọng những tư tưởng Phật pháp, cũng như về số phận con người. Ngay từ đầu, chúng ta đã được biết rằng tác phẩm luôn được hướng đến quy luật vô thường trong Phật giáo, đặc biệt nhấn mạnh vào những điều may mắn mong manh của con người, cũng chính là dạng thức của sic transit gloria mundi ( "Trên trần thế không có gì là mãi mãi"). Chủ đề về thuyết vô thường (mujō) đã được thể hiện trong tác phẩm thông qua đoạn mở đầu được phổ biến rộng rãi như sau:
祇園精舎の鐘の聲、諸行無常の響き有り。 沙羅雙樹の花の色、盛者必衰の理を顯す。 驕れる者も久しからず、唯春の夜の夢の如し。 猛き者も遂には滅びぬ、偏に風の前の塵に同じ。
Gionshōja no kane no koe, Shogyōmujō no hibiki ari. Sarasōju no hana no iro, Jōshahissui no kotowari wo arawasu. Ogoreru mono mo hisashikarazu, tada haru no yo no yume no gotoshi. Takeki mono mo tsui ni wa horobin(u), hitoeni kaze no mae no chiri ni onaji.
Tiếng chuông Gion Shōja ngân vang báo hiệu sự vô thường của vạn vật; màu sắc hoa vô ưu báo hiệu sự thịnh suy. Vinh quang cũng có giới hạn, chúng tựa giấc mộng đêm xuân; khi mọi thứ sụp đổ, tất cả đều chỉ như cát bụi trước gió bay. - Chapter 1.1, Helen Craig McCullough's translation
Trong tác phẩm, biểu thức 4 ký tự (yojijukugo) , hay cụm từ "Vinh quang rồi cũng phải tàn suy" (盛者必衰 jōshahissui) là một cụm từ được trích từ tác phẩm Humane King Sutra, với ý nghĩa đầy đủ là "thịnh tất yếu suy, đầy tất tất yếu trống" (盛者必衰、実者必虚 jōsha hissui, jissha hikkyo).
Hình mẫu tôn giáo thứ hai được biểu hiện trong Bình Gia truyện là một quan điểm khác của nhà Phật - nghiệp quả. Theo quy luật được gọi là "nghiệp chướng" ấy, ta phải đón nhận hậu quả của việc "gieo nghiệp" trong suốt nhiều năm cuộc đời sau đó. Do vậy, ta có thể thấy rằng, "nghiệp quả" sẽ giúp chúng ta giải quyết những khúc mắc xoay quanh cái ác về mặt tự nhiên và cả về mặt đạo đức. Bất kỳ người gieo nghiệp ác nào cũng phải chịu quả báo về sau. Điều này được thể hiện rõ thông qua chi tiết nhân vật Kiyomori gặp quả báo trong Bình Gia truyện; nhân vật này được khắc họa như một con người độc ác, để rồi phải gánh chịu nghiệp quả đau đớn với căn bệnh cướp đi sinh mạng ông ta.
Trọng tâm, các phần cấu thành và sức ảnh hưởng
[sửa | sửa mã nguồn]Thuyết vô thường Phật giáo được thể hiện trong Bình Gia truyện chính là hình ảnh thu nhỏ cho sự sụp đổ của gia tộc Taira hùng mạnh – cũng chính là gia tộc samurai đã đánh bại gia tộc Minamoto (một gia tộc được Hoàng thất hậu thuẫn) vào năm 1161. Qua đó, ta có thể thấy rằng, gia tộc chiến binh Taira đã châm ngòi cho sự sụp đổ của chính nó bằng thái độ "ngủ quên trong chiến thắng", trở nên kiêu ngạo, hống hách và cuối cùng đã bị đả bại dưới tay gia tộc hồi sinh Minamoto vào năm 1185, dẫn đến sự thành lập Chính quyền samurai đầu tiên trong lịch sử.
Các tình tiết trong truyện được sắp xếp một cách tự nhiên và được phần cốt truyện được thiết kế lại theo dạng một chuỗi những câu chuyện kể đêm khuya. Mặc dù tư tưởng trong tác phẩm phần lớn chịu ảnh hưởng của Đạo Phật, song tác phẩm vẫn thể hiện nên tinh thần võ sĩ đạo cùng văn hóa chiến binh – vốn là nền móng của võ sĩ đạo (một cụm từ chỉ cách cư xử của những chiến binh Nhật Bản cổ đại). Bên cạnh đó, Bình Gia truyện cũng chứa một lượng lớn những câu chuyện về tình yêu đôi lứa, một chi tiết liên tưởng tới nền văn học huy hoàng của thời kỳ Heian.[cần dẫn nguồn]
Câu chuyện được chia đại khái thành ba phần. Nhân vật trung tâm của phần đầu câu chuyện là Taira no Kiyomori, người được miêu tả với tính cách kiêu ngạo, độc ác, tàn nhẫn, đến khi chết vẫn ôm mối hận trong lòng. Tác phẩm đã miêu tả cơ thể bốc cháy ngọn lửa thù hằn của Kiyomori với chi tiết phóng đại như việc cơ thể ông ta vẫn rất nóng ngay cả khi rơi xuống nước. Nhân vật chính trong phần hai tác phẩm là một vị tướng thuộc gia tộc Minamoto - tức Minamoto no Yoshinaka . Tiếp nối sau cái chết của Yoshitaka, nhân vật chính của phần ba là vị samurai vĩ đại, Minamoto no Yoshitsune, một thiên tài quân sự bị anh trai Minamoto no Yoritomo , vốn là người sắc sảo về chính trị, buộc tội phản phúc.
Như vậy, có thể nói rằng, Bình Gia truyện đã cung cấp tư liệu cho nhiều tác phẩm nghệ thuật sau này, từ kịch Noh kịch Kabuki,[3] cho đến các bức tranh in mộc bản, tranh vẽ và thơ haiku ;[4] thậm chí trong các tác phẩm hiện đại, Bình Gia truyện vẫn được sử dụng như một nguồn tài liệu tham khảo.
Cốt truyện
[sửa | sửa mã nguồn]Hai chủ đề chính được đặt trong phần giới thiệu được nhiều người biết tới như "tiếng chuông của Gion Shōja: sự vô thường và sụp đổ của kẻ hùng mạnh" (chỉ Taira no Kiyomori).
Chương 1
[sửa | sửa mã nguồn]Chương này mô tả sự trỗi dậy của gia tộc Taira và những xung đột ban đầu tại triều đình. Vị đại thần họ Taira đầu tiên được vào triều là Taira no Tadamori (1131). Sau khi Tadamori qua đời (1153), con trai ông là Kiyomori đóng vai trò then chốt trong việc giúp Thiên hoàng Go-Shirakawa đàn áp biến loạn Hōgen (1156) và cuộc bạo loạn Heiji (1159), từ đó gia tăng ảnh hưởng trong triều đình. Về sau, các thành viên gia tộc Taira dần nắm giữ các vị trí quan trọng trong triều đình, con gái của trọng thần Kiyomori tiến cung cho Thiên hoàng và hơn một nửa số tỉnh của Nhật Bản thời đó đều nằm dưới sự kiểm soát của họ Taira.
Một trong những tình tiết mô tả tính nết kiêu ngạo của Kiyomori là câu chuyện nổi tiếng về Giō, nàng vũ công bị Kiyomori thất sủng và xuống tóc đi tu.
Kiyomori và nhà Taira thậm chí còn dám tranh quyền với Nhiếp chính quan quyền lực Fujiwara no Motofusa. Tức giận trước sự chuyên quyền của nhà Taira, thượng thư Fujiwara no Narichika,Thượng hoàng Go-Shirakawa, tu sĩ Phật giáo Saikō cùng các đồng minh đã có buổi họp tại Shishigatani (dinh thự trụ trì chùa Shunkan ) và bàn về âm mưu lật đổ Kiyomori. Vì xảy ra sự xung đột giữa các con trai của Saikō và các sohei của chùa Enryaku-ji trên núi Hiei nên cốt truyện tạm thời bị đứt đoạn từ cảnh này. Sau đó, một trận hỏa hoạn lớn diễn ra vào ngày 27 tháng 5 năm 1177 đã thiêu rụi Hoàng cung toạ lạc ở kinh đô Heian .
Chương 2
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1177, Thượng hoàng Go-Shirakawa xích mích với các sư sãi của chùa Enryaku-ji. Sau khi nghe lời đồn sẽ có cuộc hành thích tại Enryaku-ji, một trong những kẻ chủ mưu là Shishi-no-tani đã báo cho Taira no Kiyomori về âm mưu lật đổ này.[5] Kết quả, nhà sư Saikō bị xử tử và những người khác bị lưu đày. Kiyomori tức giận khi biết Thượng hoàng cũng nhúng tay vào âm mưu hạ bệ mình và chuẩn bị vây bắt Thượng hoàng. Taira no Shigemori, người con cả đức hạnh của Kiyomori đã khuyên răn cha mình bằng cách nhắc nhở ông về giá trị của Nho giáo và lòng trung thành đối với Quân vương.[6] Thượng thư Fujiwara no Narichika bị đày đến một hòn đảo và bị hành quyết một cách dã man. Những kẻ chủ mưu khác như Naritsune, Yasuyori và Shunkan đều bị lưu đày đến Kikaijima gần tỉnh Satsuma .
Trong khi đó, chùa Enryaku-ji bị phá hủy và một trận hỏa hoạn ở Zenkō-ji đã khiến một bức tượng Phật bị thiêu cháy. Người ta tin rằng sự bất thường này là điềm báo về sự việc chẳng lành sắp xảy đến với nhà Taira. Những người bị đày đến Kikaijima đã dựng lên một ngôi đền để cầu nguyện sớm ngày được trở lại kinh đô. Họ đã làm ra hàng nghìn bảo tháp, khắc tên từng người một và ném xuống biển. Một trong những mảnh bảo tháp ấy trôi dạt đến bờ, sau được đưa về kinh thành và cho gia đình Yasuyori xem. Tin về mảnh bảo tháp đến tai Thượng hoàng Go-Shirakawa và Kiyomori, những mảnh bảo tháp ấy khiến mọi người đều cảm động.[7]
Chương 3
[sửa | sửa mã nguồn]Con gái của Kiyomori, tức chính phi Taira no Tokuko bị mắc bệnh trong lúc mang thai. Căn bệnh của bà được cho là do những linh hồn giận dữ của những người bị hành quyết ( như Fujiwara no Narichika) và những người bị lưu đày. Taira no Kiyomori vì muốn mình có cháu trai mang huyết mạch Hoàng gia nên đã đồng ý ra lệnh ân xá. Con trai của Fujiwara no Narichika là Naritsune và Yasuyori được tha tội, nhưng Shunkan lại không được như thế. Ông bị bỏ lại một mình trên Kikaijima vì đã để những kẻ âm mưu chống Taira tụ họp tại tư dinh của mình. Một cảnh bi thảm nổi tiếng diễn ra sau khi Shunkan đập chân xuống đất trong tuyệt vọng.
Con gái Tokuko của Kiyomori đã hạ sinh Thiên hoàng Antoku (1178). Cận thần trẻ tuổi trung thành của Shunkan là Ariō đã đến hòn đảo lưu đày và phát hiện Shunkan đang thoi thóp. Tuyệt vọng trước tin gia đình mình qua đời, Shunkan đã tự sát bằng cách tuyệt thực (1179). Việc nhà sư ấy ra đi trong đau khổ cũng như hiện tượng gió lốc tràn vào kinh thành được coi là dấu hiệu báo trước sự sụp đổ của gia tộc Taira.
Người con trai đức hạnh của Kiyomori là Taira no Shigemori đã có chuyến hành hương đến Kumano và cầu xin các vị thần an bài cho ông một cái chết nhanh chóng trong trường hợp nhà Taira sụp đổ. Một thời gian ngắn sau đó, ông lâm bệnh và qua đời. Nếu không có sự can gián của con trai, Kiyomori có thể gây ra cuộc binh biến để đối phó với Thượng hoàng Go-Shirakawa. Quả đúng như vậy, về sau ông ta dẫn quân đến Kyoto, sau đó lưu đày và cách chức 43 trọng thần triều đình, trong đó có cả Nhiếp chính quan Fujiwara no Motofusa. Tiếp theo, Kiyomori đã giam giữ Thượng hoàng trong một cung điện hoang phế mang tên Seinan (1179).
Chương 4
[sửa | sửa mã nguồn]Thiên hoàng Takakura bị ép thoái vị và nhường ngôi cho cháu trai 3 tuổi của Kiyomori, tức Thiên hoàng Antoku sau này. Thượng hoàng Takakura đã khiến các nhà sư chùa Enryaku-ji tức giận với việc đến viếng Đền Itsukushima thay thế Enryaku-ji. Trước tình hình rối ren, Minamoto no Yorimasa đã thuyết phục Thân vương Mochihito, con trai thứ hai của Thượng hoàng Go-Shirakawa lãnh đạo lực lượng quân sự thuộc phe Minamoto chống lại nhà Taira và lên ngôi Tân đế. Thân vương Mochihito đưa ra lời kêu gọi lật đổ Taira bằng biện pháp quân sự. Cuộc chiến công khai giữa nhà Minamoto và nhà Taira được châm ngòi bởi việc Taira no Munemori - con trai của Kiyomori - đã sỉ nhục con trai của Minamoto no Yorimasa bằng cách tước đi con ngựa của đối phương và gọi nó bằng tên của người chủ.
Âm mưu chống gia tộc Taira đã bị Taira no Kiyomori phát hiện. Thân vương Mochihito chạy trốn đến Miidera để tránh sự truy lùng. Yorimasa và các nhà sư chùa Miidera đã đối đầu với lực lượng phe Taira tại cây cầu bắc qua sông Uji (năm 1180) . Các nhà sư đã chiến đấu một cách kiên cường bất khuất, song lực lượng Taira đã vượt qua sông và giành chiến thắng trong trận chiến. Yorimasa tự sát tại ngôi đền Byōdōin và Thân vương Mochihito bị ám sát trên đường đến Kōfuku-ji cùng đồng minh ở Nara . Một trong những người con trai của Thân vương Mochihito bị buộc phải xuất gia, nhưng một người con khác đã tháo chạy về phương bắc để gia nhập lực lượng thuộc phe phái nhà Minamoto. Kiyomori ra lệnh đốt chùa Miidera; sau đó, nhiều ngôi đền bị đốt cháy và người dân coi đó là điềm xấu cho nhà Taira .
Chương 5
[sửa | sửa mã nguồn]Kiyomori dời đô từ Kyoto đến thành trì Fukuhara-kyō của mình vào năm 1180. Có cảnh về những bóng ma kỳ lạ xuất hiện trước Kiyomori như khuôn mặt đáng sợ, tiếng cười quỷ dị, đầu lâu chết chóc và những cơn ác mộng. Tin tức về tình trạng bất ổn ở các tỉnh phía đông (do Minamoto kiểm soát) đã được truyền đến kinh đô mới.
Nhà sư Mongaku được chọn làm nhân vật làm nền cho cuộc nổi dậy của Minamoto no Yoritomo. Mongaku được mô tả là một nhà tu khổ hạnh có sức mạnh kỳ diệu, người đã yêu cầu quyên góp ngân sách cho triều đình vào năm 1179. Sau khi bị Thượng hoàng Go-Shirakawa từ chối, ông ta đã gây loạn trong triều đình và bị lưu đày đến tỉnh Izu .
Tại Izu, Mongaku thuyết phục Minamoto no Yoritomo nổi dậy chống lại nhà Taira. Sau đó, ông ta đến Fukuhara và mang về Chiếu thư do Thượng hoàng phê chuẩn nhằm cho phép Minamoto no Yoritomo lật đổ Taira. Kiyomori cử một đoàn quân đi dẹp yên cuộc nổi loạn ở Yoritomo. Khi đến sông Fuji, phe Taira sau khi nghe những câu chuyện về sự hùng mạnh của các chiến binh phía đông đã lo sợ rằng phe Minamoto đông hơn họ. Vào ban đêm, một đàn chim nổi lên đã gây ra tiếng ồn lớn khiến quân Taira tưởng rằng họ bị tấn công nên hoảng sợ rút lui.
Dưới sức ép của các sư sãi và cận thần, Kiyomori đành phải dời đô về Kyoto. Nghe lời đồn về một cuộc khởi binh do nhà Taira lên kế hoạch, các nhà sư của chùa Kōfukuji (vốn ủng hộ cuộc binh biến của Thân vương Mochihito) đã nổi dậy và giết tên sứ giả do Kiyomori cử đến. Lực lượng Taira tới bao vây Nara và đốt cháy nhiều ngôi chùa quan trọng ( Tōdai-ji, Kōfuku-ji), cũng như các pho tượng và kinh Phật. Hai vị Thượng hoàng cùng các cận thần than thở về sự điêu tàn của Nara. Về sau, hành động xấu xa này đã được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Kiyomori.
Chương 6
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1181, Thượng hoàng Takakura băng thệ trong tình hình rối loạn xảy ra trong suốt nhiều năm qua. Kiso no Yoshinaka (anh họ của Minamoto no Yoritomo tại các tỉnh phía tây bắc) đã lên kế hoạch nổi dậy chống lại nhà Taira và thành lập một đội quân. Tin tức về cuộc nổi loạn do lực lượng chống nhà Taira đang tập hợp dưới sự lãnh đạo của Minamoto ở các tỉnh phía đông, Kyūshū, Shikoku đã được lan truyền. Với quân phe Taira lúc này, việc đối phó với tất cả các cuộc biến loạn dần trở nên khó khăn.
Trưởng tộc nhà Taira là Kiyomori đổ bệnh khiến tình hình càng thêm loạn. Cơ thể ông nóng như lửa đến nỗi có bao nhiêu nước cũng không thể làm dịu được. Bất cứ giọt nước nào phun vào người ông đều biến thành ngọn lửa và khói đen tràn ngập khắp căn phòng. Vợ của Kiyomori mơ thấy một chiếc xe ngựa bốc cháy sẽ đưa Kiyomori xuống Địa ngục để trừng phạt về việc đốt tượng Phật ở Tōdai-ji. Trước khi chết trong đau đớn, Kiyomori ước rằng đầu của đối thủ Minamoto no Yoritomo được treo trước mộ mình. Cái chết của ông ta vào năm 1181 đã trở thành điểm sáng trong việc minh hoạ về sự vô thường và sự sụp đổ của kẻ hùng mạnh. Kiyomori sẽ bị tra tấn nơi Địa ngục bởi chính những việc làm xấu xa của mình. Danh tiếng và quyền lực của ông ta giờ đây đã tan thành mây khói.
Ở phía đông, lực lượng Taira giành thắng lợi trong một số trận chiến, nhưng không thể đánh bại lực lượng Minamoto. Tuy vậy, một thế lực thần thánh đã xuất hiện để trừng phạt và giết chết thống đốc do Kiyomori bổ nhiệm nhằm dập tắt cuộc biến loạn của Kiso no Yoshinaka. Kiso no Yoshinaka về sau đã giành thắng lợi quan trọng trong trận chiến ở Yokotagawara (1182). Taira no Munemori, tân trưởng tộc Taira đã được phong một chức quan cao trong triều đình.
Chương 7
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1183, nhà Taira tập hợp một đội quân lớn (chủ yếu đến từ các tỉnh phía Tây) và điều quân đi đánh phe Minamoto no Yoshinaka và Minamoto no Yoritomo.Tại phía bắc, quân đội Taira cướp bóc của cải thuộc các ngôi làng địa phương. Taira no Tsunemasa đã đến một hòn đảo để cầu nguyện và sáng tác một bài thơ. Tại Cuộc vây hãm Hiuchi, nhà Taira đã nhận được sự giúp đỡ từ một trụ trì trung thành và đánh bại quân đồn trú của Yoshinaka. Yoshinaka thỉnh cầu tại Đền Hachiman để cầu xin sự tương trợ đến từ lực lượng siêu nhiên cho trận chiến sắp tới. Yoshinaka tấn công quân Taira vào ban đêm từ phía trước và phía sau, buộc chúng phải rút lui và tiến xuống Thung lũng Kurikara, nơi hầu hết trong số 70.000 kỵ binh Taira bị đè bẹp thành từng lớp người chồng lên nhau. Tại núi Shio-no-yama, Yoshinaka giúp người chú Yoshiie đánh bại lực lượng Taira (kết quả là con trai của Kiyomori là Tomonori bị giết trong trận chiến). Quân đội Taira cũng bị đánh bại trong Trận chiến Shinohara . Trong khi đó, Yoshinaka thuyết phục các nhà sư ở Núi Hiei đứng về phía mình.
Trưởng tộc Taira là Taira no Munemori tháo chạy đến các tỉnh phía Tây cùng với Thiên hoàng Antoku và Tam chủng Thần khí (trong khi Thượng hoàng Go-Shirakawa tìm cách trốn thoát theo một hướng khác). Taira no Tadanori (anh trai của Kiyomori) trốn khỏi kinh đô và để lại một số bài thơ của mình cho nhà thơ nổi tiếng Fujiwara no Shunzei . Tsunemasa trả lại cây sáo trứ danh của mình cho chùa Ninna-ji .Tại Fukuhara-kyō, Munemori khiến mọi người cảm động với lời khẩu dụ tuân theo Thiên hoàng, sau đó phóng hỏa cung điện và dùng thuyền chạy trốn khỏi Fukuhara-kyō đến Kyūshū.
Chương 8
[sửa | sửa mã nguồn]Thượng hoàng Go-Shirakawa trở lại kinh thành từ chùa Enryaku-ji cùng với quân đội của Minamoto no Yoshinaka. Ông ra chỉ dụ sắc phong Tân đế cho Thiên hoàng Go-Toba, và loại bỏ gia tộc Taira khỏi các vị trí trong triều đình.
Nhà Taira muốn thành lập thủ phủ mới ở Kyūshū, nhưng cuối cùng phải chạy trốn khỏi các chiến binh địa phương đứng về phía Thượng hoàng. Họ đến Yashima ở Shikoku, nơi họ phải sống trong những túp lều bé nhỏ thay cho chốn cung điện xa hoa.
Cuối năm 1183, Minamoto no Yoritomo (vẫn ở Kamakura) được Thượng hoàng Go-Shirakawa bổ nhiệm làm "Chinh di Tướng quân" (shōgun). Yoritomo tiếp đón sứ giả kinh thành hết sức trang trọng bằng việc mời ông ta đến dự tiệc và tặng cho ông ta nhiều món quà. Cách cư xử của Yoritomo hoàn toàn trái ngược với cách cư xử kiêu ngạo của Minamoto no Yoshinaka ở kinh thành. Sự thô lỗ và thiếu hiểu biết phép tắc của Yoshinaka được thể hiện một cách lố bịch trong một số cảnh: chọc cười cận thần,mặc áo choàng đi săn, không biết cách xuống xe ngựa.
Trong khi đó, nhà Taira đã lấy lại sức lực và tập hợp một đội quân hùng mạnh. Yoshinaka điều quân kháng cự, nhưng lần này nhà Taira đã chiến thắng trong trận chiến Mizushima. Sau chiến thắng trong Trận Muroyama, ảnh hưởng của họ đã tăng lên đáng kể .
Tại kinh đô, Yoshinaka đối đầu với Thượng hoàng Go-Shirakawa trong trận chiến tại Hōjūji và giành quyền kiểm soát kinh thành cũng như triều đình bằng vũ lực. Minamoto no Yoritomo đã phái Minamoto no Yoshitsune đến chấm dứt sự chuyên quyền của Yoshinaka.
Chương 9
[sửa | sửa mã nguồn]Khi Minamoto no Yoshinaka chuẩn bị hành quân về phía Tây chống lại nhà Taira vào đầu năm 1184, đội quân do Minamoto no Yoshitsune chỉ huy đã đến tấn công ông từ phía đông. Cuộc đấu tranh trong nội bộ lực lượng Minamoto đã diễn ra sau đó. Yoshinaka cố gắng bảo vệ kinh thành, nhưng các chiến binh của Yoshitsune đã thành công vượt sông Uji và đánh bại lực lượng của Yoshinaka tại Uji và Seta. Yoshitsune chiếm quyền kiểm soát và canh giữ tư dinh của Thượng hoàng Go-Shirakawa nhằm tránh cho Thượng hoàng bị vây bắt bởi người của Yoshinaka. Yoshinaka hầu như không vượt qua được lực lượng của kẻ thù. Ông gặp người anh nuôi là Imai Kanehira và họ cố gắng trốn thoát khỏi sự truy đuổi của quân địch. Trong một cảnh được lan truyền rộng rãi, Yoshinaka đã bị giết khi con ngựa của ông bị mắc kẹt trong đống bùn lầy. Kanehira đánh trận cuối cùng và tự sát.
Trong khi phe Minamoto chiến đấu nội bộ trong kinh thành, phe Taira đã quay về Fukuhara và thiết lập phòng thủ tại thành trì Ichi-no-tani (gần khu vực ngày nay là Suma-ku, Kobe ). Quân đội của Minamoto no Yoshitsune tiến về phía tây để tấn công nhà Taira từ phía sau trong khi người anh cùng cha khác mẹ Noriyori của ông tiến lên tấn công doanh trại Taira từ phía đông. Yoshitsune lên kế hoạch tấn công bất ngờ vào Ichi-no-tani từ phía tây, cưỡi con ngựa già dẫn đoàn quân của mình băng qua những ngọn núi.
Trong khi đó, cuộc giao tranh ác liệt bắt đầu ở Ikuta-no-mori và Ichi-no-tani, nhưng không một bên nào giành được lợi thế. Kỵ binh của Yoshitsune đi xuống một con dốc lớn ở đèo Hiyodori và tấn công dứt khoát vào phía sau quân Taira. Quân Taira hoảng sợ và bỏ chạy lên thuyền. Taira no Tadanori (anh trai của Kiyomori, người đã đến thăm nhà thơ Shunzei ) bị giết. Taira no Shigehira (con trai của Kiyomori, người đã phóng hoả Nara ) bị người của ông bỏ rơi ở Ikuta-no-mori, sau bị bắt sống khi đang cố gắng tự sát.
Trong một đoạn truyện được lưu truyền rộng rãi, Taira no Atsumori (cháu trai nhỏ tuổi của Kiyomori) bị chiến binh dưới trướng Kumagai Naozane thách đấu. Naozane đã áp đảo thành công, nhưng không dám giết đối thủ vì nhớ đến đứa con trai nhỏ của mình. Nhìn thấy cảnh những người lính trẻ suýt bị giết hại, Naozane quyết định giết Atsumori và tìm thấy cây sáo của ông ta (về sau Naozane đã quyết định xuất gia). Quân Taira bị đánh bại và phải chạy trốn bằng thuyền xuôi về các hướng khác nhau.
Chương 10
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1184, Taira no Shigehira (bị bắt sống) và đầu của những tên lính Taira bại trận được diễu hành trên đường phố thủ đô. Thượng hoàng Go-Shirakawa đề nghị Taira đổi Tam chủng thần khí để chuộc Shigehira, nhưng bị từ chối. Như vậy, chắc chắn sau đó Shigehira sẽ bị hành quyết. Shigehira lo rằng mình sẽ phải trả giá cho sự kiêu ngạo và hành động xấu xa trong quá khứ (đốt chùa Nara ), nên sau đó ông đã tình nguyện dâng hiến cho Phật giáo. Sư Hōnen (người sáng lập Phật giáo Tịnh độ tông ở Nhật Bản) đã phác thảo ngắn gọn những giáo lý thiết yếu (niệm danh hiệu A Di Đà, sám hối, đức tin sâu sắc đảm bảo vãng sinh về Tịnh độ). Shigehira đã có chuyến đi đến Kamakura . Trên hành trình dọc theo con đường mang tên Tōkaidō, Shigehira đã đi qua nhiều địa điểm gợi lên những liên tưởng về lịch sử và văn học.
Minamoto no Yoritomo tiếp đãi Shigehira, sau khi nghe ông ta tuyên bố rằng việc đốt ngôi đền Nara chỉ là một tai nạn. Trước khi gặp các nhà sư ở Nara, Shigehira được tiếp đón nồng hậu tại Izu (chuẩn bị nước tắm, rượu được phục vụ, một người phụ nữ xinh đẹp tên Senju-no-mae được cử đến hầu hạ Yoritomo, cùng một số bài hát mang ý nghĩa Phật giáo được biểu diễn cùng sáo. Shigehira cũng hát và chơi điệu sáo – sau khi Shigehira bị xử tử, Senju-no-mae xuống tóc làm ni.
Tại Yashima, Taira no Koremori, cháu trai của Taira no Kiyomori, đang đau buồn khi phải rời xa gia quyến tại kinh thành. Ông bí mật rời Yashima và đi lên núi Kōya. Ở đó, ông đã gặp một người đàn ông thánh thiện tên là Takiguchi Tokiyori.
Một câu chuyện về mối tình bi thảm đã được lồng ghép vào giai đoạn khi Tokiyori vẫn còn là cận thần trong triều: Ông từng đem lòng yêu một cô gái xuất thân thấp kém tên Yokobue. Cha ông phản đối cuộc hôn nhân của họ và Tokiyori xuống tóc quy y. Yokobue đến tìm ông, nhưng ông kiên quyết không chịu gặp. Về sau, ông đã đến núi Kōya và trở thành một nhà sư đáng kính với pháp hiệu Takiguchi. Yokobue xuống tóc làm ni và qua đời khi còn trẻ. Koremori đến gặp Takiguchi, sau đó đi tu và hành hương đến Kumano. Sau khi được Takiguchi truyền đạt giáo lý Tịnh độ tông của Phật giáo, Koremori đã từ bỏ chấp niệm của mình, trầm mình xuống biển tự vẫn. Tin tức về việc ông ta tự sát truyền đến Yashima (doanh trại quân đội Taira). Quân Taira bị tấn công tại Fujito và rút lui.
Chương 11
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1185, một lực lượng nhỏ do Minamoto no Yoshitsune chỉ huy đổ bộ lên đảo Shikoku. Yoshitsune lên kế hoạch tấn công bất ngờ từ phía sau (đây là lần thứ hai triển khai kế sách này sau Trận Ichi-no-Tani ) vào thành trì nhàTaira trong Trận Yashima . Gia tộc Taira nghĩ rằng lực lượng chính của Minamoto đang tấn công họ nên hoảng sợ bỏ chạy theo đường thuỷ. Các chiến binh dưới trướng Taira bắn tên vào lực lượng của Yoshitsune. Taira no Noritsune, cháu trai của Kiyomori và là chỉ huy cầm đầu quân lính Taira bắn tên vào Minamoto no Yoshitsune, nhưng Tsuginobu, thuộc hạ của Yoshitsune đã chết để cứu chủ.
Một phân cảnh trong truyện được truyền bá rộng rãi đã miêu tả một phu nhân thuộc gia tộc Taira cầm một chiếc quạt đứng trên thuyền như một lời thách thức hướng tới các chiến binh Minamoto và Nasu no Yoichi, một cung thủ trẻ của nhà Minamoto đã khéo léo dùng mũi tên của mình bắn trúng chiếc quạt.
Trong cuộc giao tranh hỗn loạn trên bờ biển, Yoshitsune đã đánh mất cây cung của mình và liều mạng đến lấy lại cây cung đó. Cách giải thích phổ biến cho việc rằng Yoshitsune không muốn người họ Taira lấy được cây cung đó và chế giễu ông. Gia tộc Taira buộc phải rời Shikoku và rút lui về tỉnh Nagato (mũi phía nam của Honshū ).
Trước trận chiến cuối cùng mang tên Dan-no-ura, phe gia tộc Minamoto đã có được những đồng minh mới: trụ trì đền Kumano quyết định hỗ trợ nhà Minamoto sau khi dùng cách đá gà để xem vận mệnh cho nhà Minamoto (cụ thể, phe đồng minh đã viện trợ 200 chiếc thuyền) cùng 150 chiếc thuyền đến từ tỉnh Shikoku. Như vậy, số phương tiện hỗ trợ cho nhà Minamoto tổng cộng khoảng 3000 chiếc tàu, lớn hơn nhiều so với con số 1000 của nhà Taira.
Trước trận chiến, Yoshitsune đã có xích mích về việc dẫn đầu cuộc tấn công, thậm chí còn suýt đánh nhau với Kajiwara Kagetoki (chỉ huy quân Minamoto mang lòng đố kị với Yoshitsune).
Bắt đầu trận chiến, quân Taira hừng hực khí thế và đã gần như giành phần thắng nhờ cách sắp xếp khéo léo của các cung thủ trên thuyền. Sau màn bắn tên từ xa, lực lượng chính bắt đầu chiến đấu. Tuy nhiên, sau đó đã xuất hiện những điềm báo đến từ trời cao (cờ trắng hạ xuống trên thuyền quân Minamoto, nhiều cá heo bơi đến thuyền quân Taira), dường như đã báo trước thắng lợi của nhà Minamoto. Taguchi Shigeyoshi đến từ tỉnh Awa ở Shikoku đã phản bội nhà Taira và báo cho nhà Minamoto biết về những chiếc thuyền chở lực lượng chính của Taira đã được nguỵ trang từ trước. Các chiến binh từ Shikoku và Kyūshū cũng đổi phe và quay sang hỗ trợ nhà Minamoto.
Cảnh trận chiến được lồng ghép thêm một chi tiết cực kì bi thống: bà quả phụ Kiyomori ôm lấy vị Thiên hoàng nhỏ tuổi Antoku, cả hai đều chết do đuối nước. Nhiều người thuộc gia tộc Taira đã tự sát, hoặc bị quân đối thủ giết chết trong trận Dan-no-ura. Tomomori (con trai Kiyomori) tự tử. Taira no Noritsune, cháu trai của Kiyomori và là một chiến binh dũng mãnh đã thất bại trong cuộc chiến với Minamoto no Yoshitsune và hy sinh anh dũng. Trưởng tộc Taira là Taira no Munemori, cùng con gái Kiyomori là Taira no Tokuko bị bắt sống.
Sau trận chiến, Yoshitsune trở về kinh thành cùng Tam chủng thần khí (thanh kiếm thiêng đã bị mất) và các binh lính đối thủ bị bắt sống. Các tù binh phe Taira bị bắt và đem đi diễu hành dọc đường phố trong sự thương xót của mọi người. Yoshitsune giao Munemori cho Minamoto no Yoritomo ở Kamakura, nhưng sau khi bị Kajiwara Kagetoki vu tội tạo phản, Yoritomo nghi ngờ Yoshitsune và không cho phép ông được vào Kamakura nữa. Minamoto no Yoshitsune đã viết một Bức thư đến từ Koshigoe, nhằm liệt kê những chiến công trong quân ngũ và lòng trung thành của ông, song Yoritomo vẫn giữ ông ở lại kinh thành. Taira no Munemori và con trai ông Kiyomune bị xử tử, đầu của họ bị treo gần cổng nhà lao sát kinh thành.
Taira no Shigehira (con trai của Taira no Kiyomori, bị bắt trong trận Ichi-no-Tani ) được phép gặp vợ trước khi giao cho các nhà sư Nara quản thúc. Shigehira đặt hy vọng vào lòng từ bi và sự tái sinh của Phật A-di-đà ở miền cực lạc và cõi tịnh độ của vị Phật thiêng liêng ấy. Ông bị quân lính xử tử ngay trước mặt các nhà sư. Đầu của ông bị đóng đinh ở một nơi gần ngôi đền Nara. Sau khi hỏa táng đầu và thi thể ông, vợ ông quyết định xuống tóc làm ni.
Chương 12
[sửa | sửa mã nguồn]Một trận động đất mạnh tấn công thủ phủ Heian. Sự ngờ vực của Minamoto no Yoritomo đối với Minamoto no Yoshitsune ngày càng lớn. Yoritomo cử sát thủ đi giết Yoshitsune (nhưng thất bại). Sau đó, Yoritomo giết chếtMinamoto no Noriyori (anh trai cùng cha khác mẹ của Yoshitsune), người luôn trung thành với Yoshitsune. Khi Yoritomo điều một đạo quân hùng mạnh do Hōjō Tokimasa chỉ huy đến khống chế, Yoshitsune chạy trốn khỏi kinh đô đến một tỉnh phía bắc.
Sau khi nắm quyền kiểm soát Bình An kinh, Tokimasa đã xử tử tất cả những người thừa kế tiềm năng của gia tộc Taira . Đã có người báo cho ông ta biết về tư dinh nơi gia đình Koremori (bao gồm cả Rokudai) đang ẩn náu. Rokudai (12 tuổi) là người thừa kế cuối cùng của gia tộc Taira. Rokudai bị bắt, nhưng vú nuôi của ông đã đi tìm nhà sư Mongaku ( xem Ch.5), sau đó sư đã đồng ý đến Kamakura để xin ân xá. Mongaku quay lại với một lá thư từ Yoritomo và cứu Rokudai ngay trước khi ông bị hành quyết. Yoritomo nghi ngờ Rokudai và buộc ông phải đi tu vào năm 1189, khi ấy ông mới 16 tuổi. Rokudai đã lên núi Núi Kōya và Kumano, nơi người cha Koremori của ông chết đuối.
Trong khi đó, một số thành viên gia tộc Taira bị phát hiện và hành quyết. Năm 1192, Thượng hoàng Go-Shirakawa qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Yoritomo, lúc này vì vẫn còn nghi ngờ về sự duy trì của dòng họ Taira nên ra lệnh xử tử Rokudai (khoảng hơn 30 tuổi). Dòng dõi Taira chấm dứt.
Sau khi Yoritomo qua đời năm 1199, nhà sư Mongaku, lúc này đã hơn 80 tuổi, lên kế hoạch cho cuộc binh biến để đưa một Thân vương lên ngai vàng. Âm mưu của ông bị phanh phui và Thượng hoàng Go-Toba lưu đày ông đến đảo Oki.
"Cuốn sách khai tâm"
[sửa | sửa mã nguồn]Được coi như một đoạn truyện tuyệt mật được viết bởi [một nhóm biwahōshi], phần truyện được xem như đã có người chắp bút vào khoảng cuối thế kỷ 13, sau phần truyện kể về Bình gia. [...] Nó đã cung cấp thêm thông tin về con gái của Kiyomori là Hoàng hậu Kenreimon'in (Kiến Lễ Môn viện), sinh mẫu Thiên hoàng Antoku. [...] Đó là cả một "thực thể văn học" duy nhất – cậu chuyện được viết theo phong cách monogatari cổ xưa, cùng với những vần thơ giàu hình ảnh, những lời văn giàu nhịp điệu, waka, và những lời bày tỏ nỗi muộn phiền tương tư.[8]
Năm 1185, Taira no Tokuko đi tu và chuyển đến sống trong một túp lều cũ gần kinh đô. Cuộc sống của bà tràn ngập nỗi khổ đau trong sự ám ảnh về những ký ức vinh quang trong quá khứ. Sau trận động đất năm 1185, túp lều bị đổ nát.
Vào mùa thu năm 1185, Taira no Tokuko sống ẩn dật tại Phật đường hẻo lánh Jakkō-in ở vùng núi Ohara để tránh sự chú ý của dân chúng. Ở đó, bà đã cống hiến hết mình cho Phật giáo. Cảnh sắc thiên nhiên gợi lên hình ảnh về cõi Cực Lạc và vô thường hiện lên trong tâm trí.
Vào mùa xuân năm 1186, Thượng hoàng Go-Shirakawa đến thăm nơi bà sống ẩn dật trên núi. Bà đã trò chuyện với Thượng hoàng về nỗi đau khổ của con người và những ý tưởng của Phật giáo về đau khổ và tái sinh ở cõi tịnh độ.
Khi nhớ lại vinh quang trong quá khứ của nhà Taira và sự sụp đổ của gia tộc, bà đã so sánh những sự kiện trong cuộc đời mình với sáu cõi tái sinh . Bà cũng nhắc đến một giấc chiêm bao, trong đó bà đã nhìn thấy những người họ Taira, và họ yêu cầu bà cầu nguyện cho họ được cứu rỗi.
Tiếng chuông của Jakkō-in vang lên (song song với tiếng chuông của tu viện Gion trong những dòng đầu tiên của Truyện ) và Thượng hoàng rời nơi Phật đường hẻo lánh để về kinh. Những bất hạnh của nhà Taira đều quy hết cho Taira no Kiyomori vì những hành động xấu xa của hắn khi còn sống đã gây ra đau khổ cho cả gia tộc Taira. Năm 1191, Tokuko lâm bệnh. Trước lúc băng thệ, bà cầu nguyện với Phật A-di-đà và được Phật đón về miền cực lạc.
Cốt truyện bổ sung
[sửa | sửa mã nguồn]Genpei Jōsuiki, còn được gọi là Genpei Seisuiki (源平盛衰記 (Nguyên - Bình thịnh suy ký)) , là phần cốt truyện bổ sung gồm 48 cuốn của Heike Monogatari
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Danh sách nhân vật trong Heike Monogatari
- Genji: Dawn of Samurai (trò chơi điện tử)
- Genji: Days of the Blade (trò chơi điện tử)
- Chiến tranh Genpei, 1180–1185
- Biến loạn Hōgen, 1156
- Câu chuyện về Hōgen hay Hōgen monogatari, một tác phẩm văn học ăn theo.
- Biến loạn Heiji, 1159–1160
- Truyện Heiji, còn gọi Heiji monogatari
- Heikegani
- Chuyện Bình gia (tiểu thuyết năm 2016, được chuyển thể thành bộ anime năm 2021)
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Brown, Delmer. (1979). Gukanshō, pp. 385–386.
- ^ Kenneth Dean Butler, "The Heike monogatari and The Japanese Warrior Ethic", Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. 29, (1969), 108.
- ^ H McAlpine, Japanese Tales and Legends (OUP 1958) p. 212
- ^ L Zolbrod, Haiku Painting (1982) p. 12 and p. 24
- ^ H McAlpine, Japanese Tales and Legends (OUP 1958) p. 38
- ^ H McAlpine, Japanese Tales and Legends (OUP 1958) p. 42-4
- ^ H McAlpine, Japanese Tales and Legends (OUP 1958) p. 49
- ^ McCullough, Helen Craig. (1994). Genji and Heike, p. 446.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Brown, Delmer và Ichiro Ishida. (1979). Tương lai và quá khứ: bản dịch và nghiên cứu về 'Gukanshō', một cuốn lịch sử diễn giải về Nhật Bản được viết vào năm 1219. Berkeley: Nhà xuất bản Đại học California . ; OCLC 5145872
- Kitagawa, Hiroshi và Bruce T. Tsuchida, biên tập. (1975). Câu chuyện về Heike. Tokyo: Nhà xuất bản Đại học Tokyo .ISBN 9784130870245 ;ISBN 9784130870238 ;ISBN 9780860081883 ;ISBN 9780860081890 ; OCLC 193064639
- McCullough, Helen Craig . (1988). Câu chuyện về Heike . Stanford: Nhà xuất bản Đại học Stanford .ISBN 9780804714181 ; OCLC 16472263
- __________. (1994). Genji và Heike. Các lựa chọn từ 'Truyện kể Genji' và 'Truyện kể về Heike'. Stanford: Nhà xuất bản Đại học Stanford .ISBN 0-8047-2258-7ISBN 0-8047-2258-7
- Watson, Burton và Haruo Shirane. (2006). Câu chuyện về Heike (tóm tắt). New York: Nhà xuất bản Đại học Columbia .ISBN 9780231138024ISBN 9780231138024 ;ISBN 9780231510837 ; OCLC 62330897