[go: up one dir, main page]

Bước tới nội dung

Bikini

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bikini của một cô gái ở thành phố Hồ Chí Minh.

Áo tắm hai mảnh hay bikini là một kiểu đồ bơi phụ nữ có đặc trưng được chia làm hai mảnh riêng biệt[1] gồm một mảnh che vòng 1 một mảnh che vòng 3 khoảng thân thể khác để phơi trần. Hình dạng của hai mảnh bikini rất giống với đồ lót phụ nữ, và phần dưới của bikini vì thế có thể chỉ đơn giản là một dải dây hay nhiều vải hơn giống kiểu quần soóc.

Đồ hai mảnh phụ nữ dùng trong thể thao từng xuất hiện trong các hình vẽ trên bình thời Hy Lạp ngay từ năm 1400 TCN.

Thỉnh thoảng từ bikini còn được sử dụng để gọi kiểu đồ bơi nam giới cũng thường được gọi là speedos.

Nguồn gốc hiện đại

[sửa | sửa mã nguồn]
Micheline Bernardini mặc giới thiệu chiếc bikini đầu tiên

Theo chính sử, bikini hiện đại do một kỹ sư người Pháp là Louis Réard và nhà thiết kế thời trang Jacques Heim phát minh tại Paris năm 1946 và đưa ra giới thiệu ngày 5 tháng 7 tại một cuộc trình diễn thời trang ở Piscine Molitor, Paris[2]. Đó là một bikini dây với một mảnh vải nhỏ (g-string) phía sau. Bộ đồ này được đặt theo tên Đảo san hô Bikini, địa điểm diễn ra cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân vài ngày trước đó ở Quần đảo Marshall, với lý do nó cũng gây nhiều kích động như sự kiện hạt nhân đó. Tuy nhiên, phụ nữ tại Paris đã mặc bikini một năm trước khi nó được "phát minh". Sự thực này đã được đề cập với ảnh chụp trong ấn bản ngày 16 tháng 7 năm 1945 của tạp chí Life. Bộ phim về những người đi nghỉ tại Đức trong thập kỷ 1930 đã có những cảnh phụ nữ mặc đồ tắm hai mảnh.

Tất nhiên tờ tạp chí không gán cái tên "bikini" cho bộ đồ tắm đó. Ở thời điểm đó, vụ thử bom hạt nhân vẫn còn chưa diễn ra và rõ ràng chưa ai từng nghe tới cái tên Đảo san hô Bikini. Thay vào đó họ gọi nó là "Đồ bơi Pháp". Nhưng dù cái tên vẫn chưa được chấp nhận, bộ đồ bơi phụ nữ Paris mặc rõ ràng đã được công nhận là những bộ bikini đầu tiên theo kiểu dáng và diện tích che phủ.

Một sự trùng khớp ngẫu nhiên, ngày xuất bản tạp chí, 16 tháng 7, 1945, cũng là ngày quả bom hạt nhân đầu tiên được giới thiệu ở sa mạc bên ngoài Alamogordo, New Mexico.

Bộ đồ của Reard là sự cải tiến tác phẩm trước đó của Jacques Heim, hai tháng trước, ông này đã đưa ra giới thiệu "Atome" (nguyên tử - được đặt tên theo kích thước của nó) và quảng cáo đó là "bộ đồ tắm nhỏ nhất thế giới". Reard đã chia nhỏ "atome" ra nữa, nhưng ông không tìm ra được người mẫu nào dám mặc nó. Cuối cùng ông thuê Micheline Bernardini, một vũ nữ thoát y từ Sòng bài Paris làm người mẫu.

Trở nên phổ biến

[sửa | sửa mã nguồn]
Phụ nữ mặc đồ tắm hai mảnh

Phải mất mười lăm năm bộ bikini mới được chấp nhận tại Hoa Kỳ. Năm 1951 việc mặc bikini đã bị cấm trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Tuy nhiên, năm 1957 bộ bikini của Brigitte Bardot trong bộ phim Và Chúa đã tạo ra Đàn bà đã mở ra một thị trường mới cho đồ tắm tại Hoa Kỳ và trong năm 1960, bài hát nhạc pop "Itsy Bitsy Teenie Weenie Yellow Polka Dot Bikini" của Brian Hyland đã gây nên một cao trào mua đồ bơi bikini. Cuối cùng bikini trở nên nổi tiếng vào năm 1963, bộ phim Beach Party, với diễn viên Annette Funicello (thật sự không mặc bikini, theo yêu cầu cá nhân của Walt Disney) và Frankie Avalon, đã dẫn tới một làn sóng phim đưa bikini lên làm biểu tượng của văn hoá pop.

Tại Malta mất nhiều thời gian mới trở nên thông dụng. Trong thập kỷ 1960 cảnh sát đã bác bỏ đề xuất của Giám mục Michael Gonzi cấm những khách du lịch mặc bikini vì sợ làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch của nơi này. Những phụ nữ theo Đảng Lao động Malta cảm thấy mình được bảo vệ khi mặc bikini tham gia những bữa tiệc trên bờ biển nhưng điều này lại không thể chấp nhận được với những người theo Đảng Quốc gia.

Những người hiểu biết về lịch sử Đảo san hô Bikini —đặc biệt là những người phản đối phát triển vũ khí hạt nhân— có thể coi từ nguyên và việc sử dụng tên "bikini" đặt cho một loại trang phục là không thích hợp, bởi vì danh tiếng "nổi như cồn" một cách mỉa mai của nó đã làm giảm sự chú ý tới mức độ nghiêm trọng của một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong lịch sử— một cuộc khủng hoảng vẫn còn để lại ảnh hưởng trong nền chính trị Quần đảo Marshall— chỉ còn lại đơn giản là một biểu tượng sex của văn hóa pop trong ý thức đa số mọi người. Thuật ngữ "hai mảnh" được coi là sự thay thế trung lập nhất.

Nhiều tạp chí cũng đã tự đánh bóng tên tuổi của mình bằng cách in ảnh những người đẹp mặc bikini lên trang bìa. Vì có ảnh hưởng của truyền thông, phụ nữ tìm cách giảm cần trước mùa hè để có được một "thân hình bikini" lý tưởng. Những mục tiêu giảm cân này thường là phi hiện thực và không có lợi cho sức khoẻ.

Các loại bikini

[sửa | sửa mã nguồn]
Bikini của một cô gái trẻ tại Phuket, Thái Lan.

Trong những năm gần đây, thuật ngữ monokini (bikini một mảnh) đã được sử dụng để chỉ những phụ nữ mặc đồ tắm hở ngực: nếu bikini có hai mảnh thì monobikini chỉ có mảnh bên dưới. Ở những nơi có nhiều phụ nữ mặc như vậy, từ bikini có thể được dùng một cách bỡn cợt để gọi bộ đồ hai mảnh gồm một mảnh dưới và một chiếc mũ che nắng. Thuật ngữ này do Rudi Gernreich đưa ra.

Tankini là một bộ đồ tắm gồm một tank top bên trên và một bikini bên dưới.

Bikini dây là kiểu cải tiến của bikini truyền thống thường gồm những mảnh vải nhỏ nhất có thể để che phần trên và phần dưới, cả hai phần đều chỉ là những mảnh vải nhỏ màu tam giác, nối với nhau bằng dây. Đối với một số phụ nữ, thực tế là kiểu bikini đẹp nhất. Bikini dây thích hợp nhất với những phụ nữ ngực nhỏ. Vì phụ nữ ngực nhỏ không cần đến áo ngực với nhiều vật liệu đỡ, một áo ngực tam giác kiểu truyền thống phía trên có thể cải thiện hình dạng và tăng đường cong ngực. Hơn nữa, áo ngực tam giác với dây kín bên trong có thể hoạt động tương tự như một áo ngực kiểu push-up để làm tăng kích thước ngực.

Phần phía dưới của bikini còn được giảm kích thước hơn nữa trong thập niên 1970 để trở thành kiểu thong của Brasil, phần phía sau của nó nhỏ tới mức nó biến mất vào khe mông.

Những vận động viên bóng chuyền bãi biển nữ chuyên nghiệp thường phải mặc đồ hai mảnh khi thi đấu. Tuy nhiên, vì để phục vụ thể thao nên loại bikini này thường dày hơn, bền và kín đáo hơn so với bikini thông thường.

Miêu tả truyền thông

[sửa | sửa mã nguồn]
Một người mẫu mặc bikini tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sự khêu gợi của loại trang phục này đã là cảm hứng cho nhiều bộ phim và chương trình truyền hình ngay khi quan niệm đạo đức thay đổi và mọi người chấp nhận nó. Trong số này có nhiều phim lướt sóng ngay từ đầu thập kỷ 1960 và loạt chương trình truyền hình, Baywatch. Những phim miêu tả hình tượng bikini gồm Ursula Andress với vai Bond girl Honey Ryder trong phim Dr. No (1962), Raquel Welch trong vai cô gái trong hang thời tiền sử ở bộ phim One Million Years B.C. năm 1966 và Phoebe Cates trong bộ phim tuổi teen Fast Times at Ridgemont High năm 1982. Những cảnh đó gần đây đã được Chanel 4 (Anh Quốc) xếp hạng thứ 1, 86, và 84 trong bảng xếp hạng 100 Thời điểm Sexy Vĩ đại nhất (trong phim) Lưu trữ 2010-01-06 tại Wayback Machine.

Ngoài ra, một biến thể khác của bikini thường thấy trong văn học tưởng tượng là một bộ bikini chế tạo bằng sắt (không mang tính hiện thực) giáp sắt, thỉnh thoảng được gọi là một "bikini áo giáo" hay "bikini đồng"; nhân vật Red Sonja là một ví dụ điển hình. Một thuật ngữ để gọi nó, khi mục đích gợi tình quan trọng hơn tính hiện thực là "babes-at-arms" (được nhại lại thành "men-at-arms" để chỉ các binh sĩ được trang bị tận răng).

Trong phim khoa học viễn tưởng, Sự trở lại của Jedi có bộ Bikini của công chúa Leia, nó được nhân vật Công chúa Leia mặc khi cô bị bắt giữ ở đoạn phim mở đầu. Bộ bikini đặc biệt này từ đấy đã được đưa lên trở thành biểu tượng của văn hóa pop, làm xuất hiện nhiều kiểu bắt chước và lời nói nhại (đáng chú ý nhất là 1 tập phim Friends).

Bị loại bỏ trong các cuộc thi Hoa hậu

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong lịch sử thi hoa hậu, đã có không ít lần trang phục bikini bị phản đối. Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới đầu tiên vào năm 1951 đã có phần thi bikini. Giáo hoàng Pius XII lúc đó đã ra tuyên cáo lên án, coi việc trình diễn loại trang phục hở hang đó là một tội lỗi rất nghiêm trọng và là sự hủy hoại các giá trị đạo đức Ki-tô giáo.

Các tổ chức đấu tranh vì quyền phụ nữ trên thế giới đã phê phán phần thi bikini trong các cuộc thi sắc đẹp, vì ở đó công chúng thoải mái buông ra những lời nhận xét khiếm nhã (dù vô tình hay cố tình) có thể làm tổn thương phụ nữ. Màn thi bikini đã trực tiếp cổ vũ tâm lý coi cơ thể phụ nữ là vật trưng bày mua vui, hạ thấp nhân phẩm phụ nữ, nhiều cô gái tham dự đã trở thành đối tượng bị chê bai, xúc phạm nặng nề chỉ vì cơ thể họ có khiếm khuyết[3]

Cuộc đấu tranh lâu dài của các nhóm nữ quyền đã bước đầu có kết quả và làm ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu ở các quốc gia khác phải suy nghĩ lại. Đến đầu thập niên 2010, nhiều cuộc thi hoa hậu trên thế giới bắt đầu loại bỏ phần thi trang phục bikini do những chỉ trích về văn hóa và đạo đức. Các cuộc thi này nhận thấy việc buộc thí sinh mặc trang phục bikini diễu qua lại trước đông đảo người xem không phải là "tôn vinh nét đẹp", mà là sự thiếu tôn trọng đối với phụ nữ, đó là một dạng lợi dụng cơ thể hở hang, thiếu vải của phụ nữ để câu khách[4]. Một xã hội văn minh, coi trọng nhân phẩm phụ nữ cần phải chấm dứt những màn thi buộc phụ nữ phải mặc trang phục hở hang, thiếu vải, chịu sự săm xoi của khán giả về những ưu khuyết điểm trên cơ thể họ. Trong xã hội hiện nay, vấn đề bình đẳng giới, quyền phụ nữ ngày càng được coi trọng, nâng cao thì việc thi bikini bị loại bỏ ở các cuộc thi nhan sắc được coi là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra.[5]

Hoa hậu Thế giới

[sửa | sửa mã nguồn]
Julia Morley cùng Hoa hậu Thế giới 2006 Tatana Kucharova

Năm 2013, ban tổ chức Hoa hậu Thế giới (cuộc thi hoa hậu quốc tế lớn nhất thế giới) đã phải chuyển từ phần thi bikini sang trang phục đi biển kín đáo trước sức ép của người dân Đạo hồi ở nước chủ nhà Indonesia. Hội đồng Hồi giáo Indonesia, cho rằng màn trình diễn bikini cần phải bị hủy bỏ vì nó thúc đẩy "chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa tiêu dùng," và rằng "thi bikini chỉ là một cái cớ để khoe mẽ các bộ phận cơ thể của phụ nữ vốn cần phải kín đáo"[6]

Sau đó, Hoa hậu Thế giới 2014 diễn ra tại Anh đã không còn phần trình diễn trang phục bikini trong đêm thi chung kết. Đồng thời, bà Julia Morley - chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Thế giới thông báo phần thi bikini chính thức bị loại bỏ khỏi đấu trường nhan sắc lớn nhất thế giới này kể từ năm 2015. Bà cho rằng phần thi bikini không còn cần thiết và muốn các thí sinh cạnh tranh nhau ở vẻ đẹp trí tuệ, cách ứng xử, lòng nhân ái... hơn là vẻ đẹp hình thể, và đó mới là phương châm "sắc đẹp vì mục đích cao cả" mà cuộc thi theo đuổi[7]

Julia Morley thể hiện quan điểm rằng bà không muốn nhìn những cô gái diễu qua lại trên sân khấu trong những bộ áo tắm: “Nó không có tác dụng gì với phụ nữ và cũng không có bất cứ tác dụng nào với bất cứ ai trong chúng ta". Thay vào đó, Hoa hậu Thế giới sẽ tập trung vào trí tuệ, sự nhân hậu và tinh thần mạnh mẽ của các cô gái. Quyết định của bà Morley được đánh giá là bước đi tiên phong, tạo bước chuyển về bản chất của các cuộc thi sắc đẹp, để các thí sinh không còn bị đánh giá chỉ bởi vẻ bề ngoài cũng như phải hứng chịu những bình luận khiếm nhã về cơ thể họ.

Hoa hậu Trái Đất

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại phần trình diễn hình thể mở đầu cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2017, mặt các thí sinh đều phải che lại trong khi tạo dáng với áo tắm nhằm làm người xem không rõ đó là ai. Sự thay đổi này của cuộc thi nhằm xoa dịu những chỉ trích về vấn đề buộc thí sinh phải trình diễn bikini trong cuộc thi.

Hoa hậu Mỹ (Miss America)

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2018, cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America) đã quyết định loại bỏ phần thi bikini nhằm ủng hộ phong trào #MeToo (phong trào chống quấy rối tình dục và bình phẩm vẻ ngoài phụ nữ) đang lan rộng, đặc biệt là sau khi những người lãnh đạo cũ của cuộc thi gặp bê bối lộ email phân biệt giới tính và gọi các thí sinh là "gái điếm". Bà Gretchen Carlson, Chủ tịch mới của Tổ chức Hoa hậu Mỹ và cũng là Hoa hậu Mỹ 1989, nói rằng “Tôi đã trò chuyện với rất nhiều cô gái trẻ và họ nói với tôi rằng họ muốn tham gia cuộc thi nhưng không muốn sải bước trên sân khấu trong bộ đồ bikini. Tôi hiểu điều đó. Và chúng tôi sẽ không chấm điểm bạn chỉ dựa trên diện mạo bên ngoài của bạn. Chúng tôi đang tiến về phía trước và thay đổi để phù hợp với cuộc cách mạng văn hoá này”. Theo đó, cuộc thi người đẹp nói riêng và việc đánh giá phụ nữ nói chung cần tập trung vào những thành tựu học thức, sự nghiệp, đóng góp xã hội của họ, phần thi áo tắm có thể làm ảnh hưởng xấu đến thông điệp đó. Cuộc thi sẽ là một cuộc đua thực sự về trí tuệ, tài năng, lòng nhân ái chứ không chỉ là nơi trình diễn sắc đẹp. 9 thành viên của Hội đồng quản trị cuộc thi Miss America, trong đó 7 người là phụ nữ đã nhất trí với sự thay đổi này[cần dẫn nguồn].

Theo Blain Roberts, ở thời điểm phong trào phụ nữ đòi quyền bình đẳng và cần được đánh giá đúng về bản thân, không chỉ ở vẻ ngoài, thì mục đích và tiêu chí của cuộc thi Hoa hậu Mỹ cần thay đổi cho phù hợp. Hoa hậu Mỹ 2015, Kira Kazantsev, chia sẻ trên tờ Times: "Hoa hậu Mỹ sẽ phải thăm nhiều thành phố, di chuyển nhiều, trở thành đại sứ cho các dự án từ thiện... Tất cả đòi hỏi hoa hậu phải là người nhanh nhẹn, khỏe khoắn, truyền cảm hứng... không có nghĩa người đó bắt buộc phải mặc bikini đẹp. Nói thật, tôi thích phần thi bikini. Tôi thích sải bước trên sân khấu ở khoảnh khắc ấy vì nó phù hợp tính cách của mình. Nhưng khi nhìn lại, tôi nhận ra nó chẳng đóng góp gì cho trách nhiệm hoa hậu tôi phải làm. Ngược lại, phần thi ấy cản trở công việc của tôi. Những người tôi gặp sẽ không đánh giá tôi nghiêm túc, thậm chí đưa ra những nhận xét dâm dục, chế nhạo tôi"[8].

Hoa hậu Tuổi Teen Mỹ

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2016, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (tổ chức từng nắm quyền điều hành ba cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu MỹHoa hậu Tuổi Teen Mỹ) đưa ra thông báo sẽ loại bỏ phần thi áo tắm khỏi sân chơi sắc đẹp dành cho đối tượng từ 15-19 tuổi này. Theo đó, phần thi áo tắm sẽ được thay thế bằng trang phục thể thao.

Bà Paula Shugart, chủ tịch tổ chức Miss Universe, cho biết sự thay đổi này mang ý nghĩa tích cực, nhằm tôn vinh vẻ đẹp, sức mạnh của phụ nữ theo một cách khác. "Quyết định này phản ánh sự biến đổi văn hóa quan trọng. Chúng ta đang tôn vinh những người phụ nữ mạnh mẽ, có khả năng làm chủ cuộc sống của mình và khuyến khích người khác làm theo. Chúng tôi hy vọng khán giả cũng sẽ nhận ra đó là những cô gái tràn đầy năng lượng và truyền cảm hứng" - bà Paula Shugart nói.

Ở các nước khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2005, cuộc thi Hoa hậu Pháp bắt đầu xem xét lại về màn thi bikini, 12 người vào vòng chung kết sẽ trình diễn bikini trong khi các ứng viên còn lại sẽ trình diễn áo tắm một mảnh. Bà Geneviève de Fontenay, Chủ tịch Ủy ban Hoa hậu Pháp, nói với phóng viên AFP rằng quyết định này là thể hiện sự tôn trọng khán giá truyền hình, bởi bikini là trang phục gây phản cảm với người già, trẻ nhỏ hoặc các tín đồ tôn giáo[9]:

Năm 2012, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Italia thông báo cấm thí sinh mặc bikini dự thi. Họ chỉ chấp nhận những bộ áo tắm một mảnh hoặc áo tắm kiểu cổ điển, kín đáo như ở thập niên 1950. Patrizia Mirigliani - nhà tổ chức Miss Italia - cho hay quyết định này nằm trong nỗ lực nhằm đưa cuộc thi về với "vẻ đẹp cổ điển". Việc loại bỏ bikini cũng đồng thời mang lại "yếu tố tao nhã" cho sàn đấu sắc đẹp này. Ngoài quy định cấm mặc bikini, Miss Italia cũng cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, xăm trổ và xỏ khuyên trên cơ thể.[5][10]

Năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc thi Hoa hậu Venezuela sẽ không công bố số đo 3 vòng (vòng ngực, vòng eo, vòng hông) của 24 thí sinh tham dự nữa, dù đây là quốc gia nổi tiếng về thi hoa hậu. Quyết định không công bố số đo 3 vòng của các thí sinh được đưa ra trong bối cảnh các cuộc thi nhan sắc đang đối mặt với những chỉ trích của công luận vì quá chú trọng tới vẻ đẹp hình thể. Cô Gabriela Isler, người phát ngôn của cuộc thi Hoa hậu Venezuela và cũng là Hoa hậu Hoàn vũ 2013, nói: "Vẻ đẹp của một phụ nữ không phải là 90, 60, 90… Nó được đo bằng tài năng của mỗi người"[11]

Nam Phi, cuộc thi Hoa hậu Namibia (được diễn ra từ năm 1980) đã quyết định loại bỏ phần trình diễn áo tắm từ năm 2019. Họ đi theo xu hướng quốc tế giống với Hoa hậu Thế giới năm 2015. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: vòng phỏng vấn, cách biểu hiện trên sân khấu, trang phục dạ hội và trả lời câu hỏi từ ban giám khảo.

Hàn Quốc, chuyên gia vũ đạo Lee Myeong Seok - người nhiều năm là tổng đạo diễn đêm chung kết các cuộc thi hoa hậu - cho biết vài năm gần đây, các cuộc thi người đẹp ở Hàn Quốc ngày một suy giảm, một phần nguyên nhân là quan niệm công chúng đã nâng lên, họ nhận ra các cuộc thi người đẹp chỉ là một hình thức kinh doanh lợi dụng thân thể, nhan sắc của người phụ nữ[12].

Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Trung Quốc cũng loại bỏ phần thi áo tắm kể từ năm 2015. Ông Vu Tử Xuyên, thư ký ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Trung Quốc vừa cho biết việc bỏ phần thi áo tắm nhằm thể hiện sự tôn trọng với phụ nữ và sự đa dạng văn hóa. Việc các thí sinh mặc trang phục áo tắm thiếu vải, phô diễn cơ thể cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với phụ nữ và đây cũng là quan niệm sai lầm tại các cuộc thi nhan sắc. "Một cuộc thi nhan sắc tận dụng hình ảnh những cô gái mặc đồ bơi để câu khách là không thể hiện sự tôn trọng đối với phụ nữ và đưa ra những thông điệp sai lầm trong quan niệm về cái Đẹp ở những cuộc thi nhan sắc" - Ủy ban khẳng định. Ban tổ chức sẽ loại bỏ phần thi áo tắm để cuộc thi trở nên gần gũi với thuần phong mỹ tục Trung Quốc, thay vào đó họ sẽ tập trung chủ yếu vào việc phô diễn tài năng về nghệ thuật, văn hóa truyền thống. Ủy ban đặt ra tiêu chí rằng các thí sinh tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Trung Quốc đều phải hiểu biết sâu về văn hóa Trung Hoa để giúp mở rộng tầm phủ sóng của văn hóa Trung Quốc ra thế giới[4]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Charleston, Beth Duncuff (tháng 10 năm 2004) "The Bikini" Lưu trữ 2016-07-08 tại Wayback Machine,Heilbrunn Timeline of Art History. New York: The Metropolitan Museum of Art. (Truy cập 15 tháng 8 năm 2013.)
  2. ^ "The Bikini: Not a brief affair", BBC News, ngày 5 tháng 6 năm 2006”. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2014.
  3. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2018.
  4. ^ a b http://dantri.com.vn/van-hoa/phan-thi-ao-tam-lan-dau-tien-bi-loai-khoi-cuoc-thi-sac-dep-trung-quoc-1081511.htm
  5. ^ a b “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2015.
  6. ^ “Miss World Beauty Pageant Bans Bikinis”. The Huffington Post. ngày 10 tháng 6 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2013. The bikini segment is one of the cornerstones of the Miss World Beauty Pageant but the 2013 event will not be featuring them. Out of respect to this year's Muslim host nation Indonesia, the 137 contestants at the event in Jakarta will be wearing the traditional long sarongs of Bali instead.
  7. ^ “Miss World Pageant Removing Swimsuit Round from Competition”. ABC News. Truy cập 26 tháng 9 năm 2015.
  8. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2018.
  9. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2018.
  10. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2015.
  11. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2019.
  12. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2018.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]