Tham nhũng
Tham nhũng (Tiếng Anh: corruption) là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Cùng với tham nhũng là tham ô (Tiếng Anh: embezzlement) là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham nhũng và tham ô là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.
Tham nhũng và tham ô làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước và đến chừng mực nào đó nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.
Nguồn gốc tham nhũng và tham ô
[sửa | sửa mã nguồn]Tham nhũng xuất hiện từ rất sớm từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Có ý kiến cho rằng tham nhũng, tham ô bắt nguồn từ nền văn hóa đề cao lợi ích cá nhân, coi trọng biếu xén. Ý kiến khác cho rằng xã hội thay đổi các chuẩn mực về đạo đức, nền kinh tế biến đổi mạnh khiến lòng tham của con người gia tăng, sinh ra tham nhũng, tham ô.
Tham nhũng và tham ô thường xuất hiện nhiều hơn từ các nước có nền kinh tế kém phát triển hoặc có mức thu nhập bình quân đầu người thấp. Tại các nước này, do luật pháp lỏng lẻo và thu nhập từ việc làm công chức còn thấp nên nhiều người thường có ý đồ nắm các cương vị cao trong hàng ngũ lãnh đạo để tham nhũng. Đối với một số nước kinh tế phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu người cao, một số cá nhân có sở hữu tài sản lớn mới bắt đầu tham gia chính trường để làm lãnh đạo, nên họ ít có động cơ để tham nhũng tài sản hơn (nhưng ngược lại họ sẽ động cơ để tham nhũng chính sách cao hơn)
Công cụ nhận dạng
[sửa | sửa mã nguồn]Các tác giả trong cuốn sách Tools to support transparency in local governance (Công cụ hỗ trợ cho tính minh bạch trong công tác cai trị ở địa phương) đã xác định ra quy luật hoạt động của tham nhũng trong thực tế công quyền dưới dạng công thức tạm dịch như sau:
Tham nhũng (Corruption) = Độc quyền (Monopoly) + Bưng bít thông tin (Discretion) - Trách nhiệm giải trình (Accountability).
Theo công thức trên, có thể dễ dàng nhận dạng tham nhũng trong các biểu hiện của nó: thừa độc quyền, thừa bưng bít thông tin, thiếu (phi) trách nhiệm giải trình.
Một công cụ nhận dạng khác dựa theo công thức của C. Stephan[1] tạm dịch như sau:
Tham nhũng (Corruption) = Độc quyền (Monopoly) + Bưng bít thông tin (Discretion) - Tính minh bạch (Transparency) - Đạo đức luân lý (Morality)
Theo đó, tham nhũng dựa trên 4 yếu tố, là độc quyền cùng với bưng bít thông tin và thiếu đi sự minh bạch, thiếu đạo đức.
- Độc quyền: Một hệ thống (thường là chính quyền) sở hữu phần lớn hoặc toàn bộ tài sản, và chi phối thị trường mà không thông qua quy luật thị trường.
- Bưng bít thông tin: Nắm quyền chi phối thông tin, thậm chí định hướng và lừa dối dư luận.
- Tính minh bạch: Minh bạch trong chính sách hành chính công, các chi phí công, và minh bạch trong đấu thầu dự án công.
- Đạo đức luân lý: Năng lực đạo đức luân lý của người tham gia vào hệ thống, năng lực này để nhận biết điều đúng sai, và có khả năng làm điều đúng tránh điều sai.
Công cụ nhận dạng tham nhũng cho thấy được bản chất của tham nhũng, mà con người là yếu tố quan trọng tham gia vào.
Tham nhũng chính sách (Lobby)
[sửa | sửa mã nguồn]Tham nhũng chính sách không nhắm đến việc chiếm đoạt tài sản công như tham nhũng thông thường, mà nhằm tác động lên quá trình ra quyết sách về một vấn đề nào đó để chính sách đó có lợi cho đối tượng.
Ở một khía cạnh nào đó, những kiểu "chạy" giấy phép, "chạy" dự án của các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem là một phần của tham nhũng chính sách. Nhưng trong khi ở Việt Nam hoạt động này bị xem là bất hợp pháp, tại các nước như Hoa Kỳ, Anh... nó được gọi là vận động hành lang (Lobby) và được coi là hợp pháp.
Tham nhũng ở nhiều nước phát triển được thực hiện một cách tinh vi dưới những vỏ bọc hợp pháp với danh nghĩa lobby. Đó là việc gián tiếp đưa hối lộ bằng nhiều hình thức hợp pháp như thông qua việc quyên góp, ủng hộ quỹ cho các chiến dịch của các chính trị gia, các nghị sĩ... Tổ chức Minh bạch đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng vận động hành lang thao túng các quyết sách của giới lãnh đạo châu Âu, nhưng khó có thể trừng phạt các hình thức tham nhũng chính sách nếu châu Âu không cải cách luật vận động hành lang, do đây là hoạt động được coi là hợp pháp.[2].
Những vụ lobby nổi tiếng:
- Hãng Pepsi đã dùng nhiều ưu đãi để tạo dựng quan hệ tốt với nghị sỹ Richard Nixon. Khi lên làm tổng thống Mỹ, Nixon đã chỉ thị gỡ bỏ hết máy tự động bán Coca trong dinh tổng thống và thay vào đó là Pepsi. Đến lượt hãng Coca-Cola cũng làm chiêu tương tự với Jimmy Carter. Sau khi Carter lên làm tổng thống, ông cũng chỉ thị gỡ bỏ hết máy bán Pepsi trong dinh tổng thống và thay bằng Coca.
- Trong thảm họa dầu loang trên Vịnh México vào tháng 4-2010, các nhà làm luật đảng Dân chủ bắt đầu bàn bạc về số tiền hợp lý mà công ty làm tràn dầu phải đóng phạt. Hãng BP chi 8,43 triệu USD trong năm 2011 để vận động các nhà làm luật "thấy rằng" thảm họa tràn dầu không phải xuất phát từ nguyên do chủ quan của công ty. Năm 2011, họ trả The Duberstein Group 400.000 USD để lobby các nhà điều tra vụ tràn dầu, và chi 90.000 USD cho Stuntz, Davis & Staffier để giúp vận động Quốc hội điều chỉnh Đạo luật "Offshore Moratorium", chi 320.000 USD cho The Podesta Group để vận động các nhà làm luật cho phép công ty khai thác trở lại ở Vịnh México. Không chỉ giúp giảm nhẹ các hình phạt, tờ The New York Times hồi tháng 3 cho rằng những đồng tiền lobby còn giúp BP giành được lợi lớn trong việc đấu thầu những giếng dầu và khí đốt ở Vịnh Mexico khi Chính quyền tổng thống Barrack Obama đấu giá mời thầu các giếng dầu/khí đốt ở đó vào tháng 12-2011.
Thực trạng tham nhũng trên thế giới
[sửa | sửa mã nguồn]Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ, công bố ngày 18 tháng 10 năm 2005 [1] có tới 2/3 trong 159 nước được thăm dò có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng.
- Các nước Bắc Âu được đánh giá là tốt nhất: Iceland (1), Phần Lan và New Zealand (2), Đan Mạch (4), Thụy Điển (6) và Na Uy (8). Các nước nghèo cũng chính là những nước có tình trạng tham nhũng và tham ô nặng đội sổ: Bangladesh và Tchad (158). Tiếp đó là Haiti, Myanmar và Turkmenistan, Nigeria, Guinea Xích Đạo, Côte d'Ivoire, Angola cũng là những nước có chỉ số nhận thức tham nhũng thấp (từ 1,7 đến 2 điểm).
- Châu Á: Singapore (5), Hồng Kông (15), Nhật Bản (21), Đài Loan (32), Malaysia (39), Hàn Quốc (40), Thái Lan (59), Trung Quốc (78), Ấn Độ (88), Philippines (117) và Indonesia (137). Trong đó Việt Nam (107) cùng hạng với Belarus, Eritrea, Honduras, Kazakhstan, Nicaragua, Palestine, Ukraina, Zambia và Zimbabwe.
- Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), hàng năm trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ.
- Theo tổ chức TI, chỉ riêng ở châu Phi hàng năm có khoảng 148 tỷ USD đã bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng gây ra, tương đương với 1/2 khoản nợ nước ngoài của lục địa này. (Theo con số nợ nước ngoài của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), châu Phi nợ nước ngoài khoảng 248 tỷ USD).
- Chủ tịch của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Peter Eigen, nhận xét: "Tham nhũng là nguyên nhân chính của đói nghèo khóa chặt người dân trong vòng nghèo khổ."
Những chính trị gia tham nhũng, tham ô
[sửa | sửa mã nguồn]Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa lập danh sách những chính trị gia tham nhũng nhất trong những thập kỷ 1990 (13 tháng 10 năm 2005)
- Đứng hàng đầu trong danh sách là cựu Tổng thống Mobutu Sese Seko của Cộng hoà Dân chủ Congo, biển thủ 5-8 tỷ đô la; cựu Tổng thống Suharto của Indonesia, tài sản gần bằng một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia; cựu Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines biển thủ 100 tỷ đô la (theo báo cáo của ủy ban trong sạch phủ tổng thống Philippines); và cựu Tổng thống Alberto Fujimori của Peru, biển thủ hàng trăm triệu đô.
Biện pháp chống tham nhũng và tham ô
[sửa | sửa mã nguồn]Nhiều quốc gia họp tại Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng đều thống nhất cho rằng sự minh bạch là một biện pháp chống tham nhũng hữu hiệu nhất.
Công cụ chiến đấu tham nhũng, tham ô = Minh bạch khiếu nại của dân chúng + Minh bạch ngân sách, tài chính + Minh bạch mua sắm
Công ước Liên Hợp Quốc phòng chống tham nhũng có hiệu lực từ tháng 12 năm 2005, sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý quốc tế trong việc chống lại tham nhũng, thu hồi lại những khoản tiền bị tham nhũng, thúc đẩy ngân hàng và các tổ chức tài chính có những hành động chống rửa tiền, cho phép các quốc gia thanh tra các công ty nước ngoài và cá nhân mà có dính dáng tới tham nhũng tại nước của mình, cấm việc đưa hối lộ của các quan chức nước ngoài.
Loại bỏ tham nhũng, tham ô và thực hiện cải cách việc nhận tiền tài trợ là những điều quan trọng để các khoản hỗ trợ tài chính, tài trợ hiệu quả hơn và để mục tiêu phát triển kinh tế của thế giới được thành công ông David Nussbaum, giám đốc điều hành TI nói: "Tham nhũng, tham ô không phải là một thảm hoạ tự nhiên. Đó là những khoản ăn cắp cơ hội được tính toán từ những kẻ tham lam. Các nhà lãnh đạo phải cải thiện cách làm việc, thông thoáng và tin cậy hơn thay vì chỉ hứa suông".
Ngày Quốc tế chống tham nhũng là ngày 09 tháng 12.
Số liệu điều tra tham nhũng
[sửa | sửa mã nguồn]Từ năm 1995, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) đã công bố một chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) hàng năm[3] xếp thứ tự các quốc gia trên thế giới theo "mức độ tham nhũng mà được nhận thức tồn tại trong các giới công chức và chính trị gia".[4] Tổ chức định nghĩa tham nhũng là "lạm dụng chức vụ công để hưởng tư lợi".[4]
Trừng phạt
[sửa | sửa mã nguồn]Tham nhũng là một tội lỗi gây hại cho quốc gia và là một trong các nguyên nhân gây ra nạn đói nghèo cho người dân nhưng nó được hiểu khác nhau tuỳ theo từng thời kỳ, tuỳ theo quan điểm của giai cấp cầm quyền cũng như ý thức quyền lợi của công dân mà có các biện pháp trừng phạt khác nhau trong lịch sử:
- Ở thành Athena trong thời Hy Lạp cổ đại, các quan chức tham nhũng sẽ bị tước quyền công dân và quyền tham gia vào các tổ chức chính trị của thành bang vì theo luật, việc nhận hối lộ đáng phải chịu sự ô nhục và ruồng bỏ mà bị tước quyền công dân cũng như việc bị huỷ bỏ sinh mạng chính trị là hình phạt ô nhục đối với dân Hy Lạp cổ đại. Cũng có khi họ bị tử hình.
- Ở Byzantium vào thế kỉ thứ 11, các quan chức tham nhũng thường bị làm cho mù mắt và bị thiến. Bên cạnh việc chịu đòn và bị làm cho mù mắt, những kẻ nhận hối lộ thường bị đày ải, còn tài sản của họ thì bị tịch thu sung công. Hình phạt thiến không phải do pháp luật quy định mà là kết quả của việc xúc phạm và sỉ nhục công chúng.
- Cộng hòa La Mã áp dụng hình phạt xử tử đối với những quan tòa nhận hối lộ theo bộ luật hợp pháp đầu tiên của nước cộng hòa Twelve Tables.
- Ở Hoa Kỳ thời mới thành lập người nhận hối lộ phải đi tù hoặc nộp phạt.
- Ở Trung Quốc, tham nhũng bị phạt tù, ở mức nghiêm trọng thì sẽ bị tử hình. Mỗi năm, Trung Quốc tử hình hàng chục quan chức tham nhũng, trong đó có cả những quan chức ở cấp cao trong chính quyền.
- Ở Việt Nam người nhận hối lộ sẽ được giảm nhẹ tội nếu nộp lại tiền hối lộ. Theo Bộ Luật hình sự 2015 bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 cán bộ tham nhũng bị phạt tù, ở mức nghiêm trọng thì sẽ bị tử hình, nhưng trong thực tế hiếm khi mức án này được áp dụng. Từ sau năm 2015, do tham nhũng ngày càng tăng cũng như dư luận xã hội bức xúc, một số cán bộ tham nhũng cũng đã bị tuyên án tử hình.
Vào năm 1923, có một lần, toà án Moskva xử nhẹ một vụ ǎn hối lộ, lãnh tụ Lenin liền viết trong một bức thư: "Không xử bắn bọn ǎn hối lộ mà xử nhẹ như thế, là một việc đáng xấu hổ cho những người cộng sản, những người cách mạng...".[5]
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Ông lớn (chính trị học)
- Tham nhũng tại Việt Nam
- Chống tham nhũng ở Singapore
- Vụ bê bối 1Malaysia Development Berhad
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Stephan, Constantin (2012), Industrial Health, Safety and Environmental Management, MV Wissenschaft, Muenster, 3rd edition 2012, pp. 26-28, ISBN 978-3-86582-452-3
- ^ “Lobby - tham nhũng tinh vi”. Báo Điện tử Tiền Phong. 19 tháng 4 năm 2015. Truy cập 3 tháng 8 năm 2023.
- ^ Corruption Perception Report Lưu trữ 2006-06-19 tại Wayback Machine Truy cập vào ngày 9 tháng 1 năm 2007
- ^ a b “Frequently Asked Questions: TI Corruption Perceptions Index (CPI 2005)”. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2005.
- ^ Báo Nhân dân, số 42, ngày 24-1-1952.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]Tiếng Anh
- Hiệp định Chống tham nhũng của Liên hiệp quốc tại Law-Ref.org Lưu trữ 2010-02-26 tại Wayback Machine
- Transparency International
- Tool to analyze anti-corruption and institutional reform
Tiếng Việt
- Chuyên trang chống tham nhũng Lưu trữ 2006-09-29 tại Wayback Machine ở Vietnam Net
- Dự thảo luật phòng chống tham nhũng Lưu trữ 2006-04-22 tại Wayback Machine
- Tham nhũng: Chống thế nào cho hiệu quả?
- 6 nhóm giải pháp chống tham nhũng Lưu trữ 2005-11-03 tại Wayback Machine
- Chống tham nhũng không có lời giải?
- Tham nhũng giúp bảo vệ quyền lực
- Chống Tham Nhũng Thông Qua Quản trị Quốc gia Theo Nguyên Tắc Dân Chủ Lưu trữ 2006-04-12 tại Wayback Machine
- Chuyển đổi văn hóa tham nhũng Lưu trữ 2007-05-22 tại Wayback Machine
- Cổng Thông tin Phòng Chống Tham Nhũng Lưu trữ 2009-05-07 tại Wayback Machine Cổng thông tin chính thức Chống Tham Nhũng của chính phủ Việt Nam
- Chống tham nhũng - cuộc chiến "liên thời đại"
- Luật Phòng chống tham nhũng và những điều cần biết Lưu trữ 2018-04-05 tại Wayback Machine