Tiếng Jeju
Tiếng Jeju (tiếng Triều Tiên: 제주어 Jeju-eo, tiếng Triều và tiếng Jeju: 제주말 Jeju-mal[2]) là một ngôn ngữ Triều Tiên nói trên đảo Jeju, Hàn Quốc. Dù thường được cho là phương ngôn Jeju (tiếng Triều Tiên: 제주방언 Jeju bang'eon) của tiếng Triều Tiên, thứ tiếng này ngày một được nhìn nhận là một ngôn ngữ bởi cả chính quyền địa phương lẫn giới học thuật nước ngoài.
Tiếng Jeju | |
---|---|
Jejueo, Cheju | |
제주말 Jeju-mal | |
Sử dụng tại | Hàn Quốc |
Khu vực | Tỉnh Jeju |
Tổng số người nói | 5.000 (2014) |
Dân tộc | Người Triều Tiên ở đảo Jeju |
Phân loại | Triều Tiên
|
Hệ chữ viết | Hangul |
Mã ngôn ngữ | |
ISO 639-3 | jje |
Glottolog | jeju1234 [1] |
ELP | Jejueo |
Hệ thống phụ âm tiếng Jeju tương tự tiếng Triều Tiên Seoul, song tiếng Jeju có hệ thống nguyên âm lớn, nguyên thủy hơn. Tiếng Jeju là một ngôn ngữ chắp dính thêm hậu tố, giống tiếng Triều Tiên. Theo sau danh từ là tiểu từ mà trong nhiều trường hợp đóng vai trò như từ chỉ cách. Động từ biến tố để thể hiện thì, thể, thức, tính hữu chứng, địa vị xã hội, mức độ trang trọng, cùng một số thông tin ngữ pháp khác. Tiếng Triều Tiên và Jeju khác nhau đáng kể về hình hệ động từ. Ví dụ, thể tiếp diễn[3] trong tiếng Jeju vắng mặt trong tiếng Triều Tiên. Dù phần lớn khối từ vựng có chung với tiếng Triều Tiên, ngôn ngữ này lưu giữ nhiều từ hiện diện trong tiếng Triều Tiên trung đại nay đã mất đi trong tiếng Triều Tiên chuẩn. Tiếng Jeju không thông hiểu với các phương ngữ tiếng Triều Tiên trên đất liền.
Từ trước thế kỷ XV, tiếng Jeju đã tách biệt khỏi tiếng Triều Tiên Seoul. Người Triều Tiên thế kỷ XVI từ đất liền cũng không thông hiểu được nó. Trải qua cuộc khởi nghĩa Jeju (1948), cuộc chiến tranh Triều Tiên, rồi quá trình hiện đại hoá Hàn Quốc, ngôn ngữ này ngày càng mai một. Tất cả người nói lưu loát trên đảo Jeju đều trên 70 tuổi. Hầu hết người trên đảo Jeju nói một dạng tiếng Triều Tiên với một lớp nền tiếng Jeju. Ngôn ngữ này có phần ổn định hơn trong cộng đồng kiều dân ở Osaka, Nhật Bản, song cả ở đây, người trẻ tuổi chủ yếu nói tiếng Nhật. Từ năm 2010, UNESCO xác định rằng đây là một ngôn ngữ bị "đe doạ nghiêm trọng", mức đe doạ cao nhất.
Địa vị ngôn ngữ cùng mối quan hệ với tiếng Triều Tiên
sửaTiếng Jeju có quan hệ gần gũi với tiếng Triều Tiên. Trong quá khứ, nó thường bị coi là một phương ngữ Triều Tiên dị biệt khác thường. Cả Quốc lập Quốc ngữ viện lẫn Bộ Giáo dục đều vẫn xem nó là phương ngữ.[4] Tuy cụm từ "tiếng Jeju" (tiếng Triều Tiên: 제주어, Jeju-eo) xuất hiện từ năm 1947, phải đến giữa thập niên 1990 thì nó mới dần phổ biến trong giới học thuật Hàn Quốc. Dù "phương ngữ Jeju/Tế Châu phương ngôn" vẫn được ưa dùng hơn trong suốt thập niên 2000, đến thập kỷ 2010, đa phần giới học thuật Hàn Quốc đã chuyển sang "tiếng Jeju".[5] Trước đó vài năm, chính quyền địa phương cũng lấy "tiếng Jeju" làm tên gọi chính, như trong Điều lệ Bảo tồn và Phát triển tiếng Jeju (tiếng Triều Tiên: 제주어 보전 및 육성 조례 Jeju-eo bojeon mit yukseong jorye) năm 2007.[6] Chuyên khảo tiếng Anh duy nhất hiện có về tiếng Jeju, ra mắt năm 2019, cũng gọi nó là "ngôn ngữ".[7]
Tiếng Jeju không thông hiểu kể cả với phương ngữ tiếng Triều Tiên hiện đại cực nam. Trong một cuộc khảo sát năm 2014 về độ mức độ thông hiểu, người nói tiếng Triều Tiên từ ba vùng phương ngữ khác nhau (Seoul, Busan, Yeosu) được tiếp xúc với tiếng Jeju trong vòng một phút, với sự tham gia người bản ngữ tiếng Jeju. Nói chung, người bản ngữ tiếng Triều Tiên từ cả ba vùng phương ngữ trả lời đúng chưa tới 10% câu hỏi nghe hiểu cơ bản, còn người bản ngữ tiếng Jeju trả lời đúng đến hơn 89%. Kết quả này ngang hàng với mức độ thông hiểu tiếng Na Uy đối với người bản ngữ tiếng Hà Lan.[8] Kiều dân Jeju ở Nhật Bản cũng ghi nhận rằng họ thường dùng đến phụ đề tiếng Nhật khi xem chương trình truyền hình Hàn Quốc.[9]
Phân bố địa lý
sửaTrước đây, tiếng Jeju được nói khắp tỉnh Jeju (trừ quần đảo Chuja nằm ở giữa đảo Jeju với bán đảo Triều Tiên, nơi người dân nói một phương ngữ tiếng Triều Tiên miền Tây Nam).[10] Đây còn ngôn ngữ của một bộ phận kiều dân thế hệ thứ nhất và thứ hai[a] trong đồng người Triều Tiên Zainichi ở Ikuno-ku, Osaka, Nhật Bản.[11]
So với các nhóm phương ngữ Triều Tiên đất liền, tiếng Jeju kém cạnh về độ đa dạng. Đôi lúc người ra đặt ra phương ngữ bắc và nam, lấy Hallasan làm cột mốc địa lý, song một đường phương ngữ đông-tây, cắt ngang thành phố Jeju và Seogwipo có thể lý giải thoả đáng cho một vài khác biệt địa phương.[12][13] Một cuộc khảo sát 2010 về biến thể địa phương của 305 mục từ chỉ ra rằng cả trục bắc-nam lẫn đông-tây tồn tại, tức có bốn phương ngữ tiếng Jeju.[14]
-
Có thể thấy khác biệt đông-tây đối với từ "thằn lằn".
Đông Seogwipo dùng 장쿨레비 jangkullebi còn tây Seogwipo dùng 독다구리 dokdaguri.[15] -
Sự phân biệt bắc-nam phần nào rõ rệt hơn với từ "cua"
Ghi chú
sửa- ^ Cụm từ "thế hệ thứ nhất và thứ hai" ở đây chỉ cả người nói tiếng Jeju sinh ra ở Jeju, giờ sống ở Nhật Bản (thế hệ thứ nhất) lẫn con cái họ sinh ra ở Nhật Bản (thế hệ thứ hai).
Nguồn tham khảo
sửa- ^ Nordhoff, Sebastian; Hammarström, Harald; Forkel, Robert; Haspelmath, Martin biên tập (2013). “Jejueo”. Glottolog. Leipzig: Max Planck Institute for Evolutionary Anthropology.
- ^ Yang C., Yang S. & O'Grady 2019, tr. 4.
- ^ Yang C., Yang S. & O'Grady 2019, tr. 11.
- ^ Yang C., Yang S. & O'Grady 2019, tr. 5.
- ^ Cho T.-r. 2014, tr. 123–126.
- ^ Cho T.-r. 2014, tr. 129–130.
- ^ Yang C., Yang S. & O'Grady 2019.
- ^ Yang C. và đồng nghiệp 2019.
- ^ Kim B. 2014, tr. 120.
- ^ Choi M. 1998, tr. 16.
- ^ Kim B. 2014.
- ^ Choi M. 1998, tr. 25.
- ^ Ko J. và đồng nghiệp 2014, tr. 214.
- ^ Kim S. 2010.
- ^ Kim S. 2010, tr. 271.
Tài liệu
sửaTiếng Anh
sửa- Yang, Changyong; Yang, Sejung; O'Grady, William (tháng 10 năm 2019). Jejueo: The Language of Korea's Jeju Island. Honolulu, Hawaii: University of Hawaiʻi Press. ISBN 9780824874438.
- Yang, Changyong; O'Grady, William; Yang, Sejung; Hilton, Nanna Haug; Kang, Sang-gu; Kim, So-young (2019). “Revising the Language Map of Korea”. Trong Brunn, Stanley D.; Kehrein, Roland (biên tập). Handbook of the Changing World Language Map. Springer International Publishing. tr. 215–230. ISBN 9783030024376.
Tiếng Triều Tiên
sửa- 조태린 (Cho Tae-rin) (tháng 12 năm 2014). “Jeju-eo-wa Jeju-bang'eon, ireum-ui jeongchi-eoneo-hak” 제주어와 제주방언, 이름의 정치언어학. 어문학. 126: 117–135. ISSN 1225-3774. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2020.
- 김보향 (Kim Bo-hyang) (tháng 8 năm 2014). “Osaka Ikuno-ku jiyeok jaeil-Jeju-in-ui Jeju bang'eon sayong siltae-e gwanhan yeon'gu” 오사카 이쿠노쿠 지역 재일제주인의 제주방언 사용 실태에 관한 연구 (PDF). 영주어문. 28: 111–136. ISSN 1598-9011. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2020.[liên kết hỏng]
- 최명옥 (Choi Myung-ok) (tháng 4 năm 1998). “Gugeo-ui bang'eon guhoek” 국어의 방언 구획 [Dialectal Divisions of Korean] (PDF). 새국어생활. 8 (4): 5–29. ISSN 1225-7168. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2020.
- 고재환 (Ko Jae-hwan); 송상조 (Song Sang-jo); 김지홍 (Kim Jee-hong); 오창명 (Oh Chang-myung); 오승훈 (Oh Seung-hun); 문순덕 (Moon Soon-deok) (tháng 11 năm 2014). Jeju-eo pyogi-beop haeseol 제주어 표기법 해설 [Exposition of the Orthography of the Jeju Language]. Jeju City, Jeju: 제주발전연구원. ISBN 978-89-6010-387-0.
- 김순자 (Kim Sun-ja) (tháng 12 năm 2010). Jeju-do bang'eon-ui eoneo-jiri-hak-jeok yeon'gu 제주도방언의 언어지리학적 연구 [A Geolinguistic Study on the Jeju Dialect] (PhD). Jeju National University.