[go: up one dir, main page]

Bước tới nội dung

Vương quốc Hồi giáo Dahlak

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vương quốc Hồi giáo Dahlak
Tên bản ngữ
960–1557
Vương quốc Hồi giáo Dahlak (hồng) và những nước láng giềng, k. 1200
Vương quốc Hồi giáo Dahlak (hồng) và những nước láng giềng, k. 1200
Thủ đôDahlak Kebir
Ngôn ngữ thông dụngTiếng Ả Rập, tiếng Dahalik
Tôn giáo chính
Hồi giáo
Chính trị
Chính phủQuân chủ
Sultan 
• ?-1093
Mubarak
• ?-14??
Ismail
• ?-1540
Ahmad (sultan cuối cùng được biết đến)
Lịch sử
Thời kỳTrung Cổ
• Thành lập
960
• Chư hầu Đế quốc Ethiopia
1464/65
• Bị Đế quốc Ottoman sáp nhập
1557
Kinh tế
Đơn vị tiền tệDinar
Tiền thân
Kế tục
Vương quốc Aksum
Đế quốc Ottoman
Hiện nay là một phần của Eritrea

Vương quốc Hồi giáo Dahlak (tiếng Ả Rập: سلطنة دهلك‎, chuyển tự Salṭanat Dahlak) là một vương quốc nhỏ thời Trung Cổ bao gồm quần đảo Dahlak và một phần duyên hải Eritrea, được chứng thực lần đầu tiên vào năm 1093. Nhờ vị trí giao thương chiến lược, chủ yếu do gần với Yemen cũng như Ai CậpẤn Độ nên vương quốc nhanh chóng thu nhiều lợi nhuận thương mại. Từ giữa thế kỷ 13, Dahlak mất độc quyền thương mại và bắt đầu suy tàn. Cả hai đế chế Ethiopia và Yemen đều cố gắng thống trị vương quốc, trước khi Đế quốc Ottoman sáp nhập Dahlak vào tỉnh Habesh năm 1557.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc và lịch sử ban đầu

[sửa | sửa mã nguồn]
Bia mộ từ Dahlak với dòng chữ Kufi

Sau khi Caliphate Umayyad chiếm Dahlak vào năm 702, họ đã biến nơi đây thành nhà tù và nơi lưu đày cưỡng bức, như cách những vị vua nhà Abbas đầu tiên đã làm. Vào thế kỷ thứ 9, quần đảo Dahlak nằm dưới sự cai trị của vua Abyssinia. Vào khoảng năm 900, ông ký kết một hiệp ước hữu nghị với vua Ziyad, người cai quản ZabidYemen. Đến giữa thế kỷ thứ 10, Dahlak buộc phải cống nạp cho Sultan Ishaq ibn Ibrahim.[1] Một thế kỷ sau, Dahlak tham gia vào cuộc tranh giành quyền bính giữa nhà Ziyad và nhà Najah. Sau khi thua trận, nhà Najah đã chạy trốn đến đây vào năm 1061. Giao tranh diễn ra cho đến năm 1086, khi nhà Najah khôi phục quyền cai trị thành công ở Zabid.[2] Lúc này là nửa sau thế kỷ 11, dưới sự cai trị của nhà Najah, khi quần đảo Dahlak thịnh vượng nhất.[3]

Vị sultan đầu tiên chứng thực được là Sultan Mubarak, theo bia mộ qua đời năm 1093. Dường như triều đại của ông kéo dài cho đến năm 1230[4]/1249.[2] Chính trong thời kỳ từ thế kỷ 11 đến giữa thế kỷ 13, Vương quốc Hồi giáo đã đạt đến đỉnh cao, chủ yếu nhờ sự độc quyền ngoại thương của nội địa Ethiopia,[5] nhưng cũng liên quan đến thương mại quá cảnh giữa Ai CậpẤn Độ.[2] Cũng nhờ Dahlak mà Ethiopia duy trì quan hệ ngoại giao với Yemen.[6] Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 13, các vị vua Zagwe bắt đầu sử dụng tuyến đường thương mại mới ở phía nam với điểm cuối là thị trấn cảng Zeila, khiến Dahlak mất đi độc quyền kinh doanh.[7] Cùng lúc đó, Ibn Sa'id al-Maghribi ghi lại rằng các quốc vương Dahlak đã đấu tranh bảo vệ nền độc lập khỏi nhà Rasul.[8]

Từ thế kỷ 12, các vị vua Dahlak kiểm soát thị trấn thương mại quan trọng Massawa trên bờ Biển Đỏ châu Phi,[9] do một quan chức cấp phó mang tước Nai'b cai quản. Họ có thể cũng đã kiểm soát các khu định cư ven biển khác trên lục địa Phi, ít nhất là tạm thời.[8] Người Ethiopia gọi quốc vương Dahlak là Seyuma Bahr ("Quận trưởng của Biển"), trái ngược với tên gọi Bahr Negash ("Chúa tể của Biển") của tỉnh bán tự trị Medri Bahri.[9]

Ngay khi Sultan Mubarak băng hà, vương quốc Dahlak bắt đầu đúc tiền xu, sử dụng loại tiền này để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu như hàng dệt Ai Cập và nhựa thơm an tức hương.[10]

Người Hồi giáo ở Dahlak có lẽ đã không thành công trong việc truyền đạo ở miền bắc Abyssinia, khi chỉ được chấp nhận với tư cách thương nhân. Điều này là do Giáo hội Ethiopia đã được củng cố vững chắc tại Abyssinia trong nhiều thế kỷ.[11]

Suy tàn và sụp đổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Đến thế kỷ 15, nền kinh tế của vương quốc không chỉ suy thoái, mà nước này còn buộc phải cống nạp cho các hoàng đế Ethiopia.[12] Vào năm 1464–1465, hoàng đế Zara Yaqob cướp phá Massawa và quần đảo Dahlak. Đến năm 1513, Dahlak trở thành chư hầu của nhà Tahir. Vào năm 1517 và 1520, vương quốc xung đột với Đế quốc Bồ Đào Nha và chịu sự tàn phá nặng nề.[13] Đến năm 1526, vua Dahalik là Ahmad đã bị giáng xuống thành một chư hầu.[14] Vương quốc tạm hưng thịnh trở lại trong Chiến tranh Ethiopia-Adal, khi Vương quốc Hồi giáo Adal tiến hành một cuộc thánh chiến thành công chống lại Đế quốc Ethiopia.[12] Sultan Ahmad gia nhập phe Adal và được ban cho thị trấn cảng Arkiko.[14][15] Tuy nhiên, vào năm 1541, một năm sau khi quốc vương Ahmad băng hà, người Bồ Đào Nha quay trở lại và phá hủy Dahlak một lần nữa.[14] Mười sáu năm sau, Đế quốc Ottoman chiếm đóng quần đảo và sáp nhập vào tỉnh Habesh. Dưới sự cai trị của người Ottoman, quần đảo Dahlak không còn nhiều ý nghĩa.[12]

Dahlak Kebir

[sửa | sửa mã nguồn]
Bia mộ của sultan Ahmad, băng hà năm 1540

Nằm trên hòn đảo cùng tên, Dahlak Kebir chứa đựng các vật liệu có niên đại từ thời kỳ vương quốc.[16] Các nhà khảo cổ học phát hiện gần 300 ngôi mộ, cho thấy một cộng đồng quốc tế có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới Hồi giáo đã sinh sống tại đây.[17] Một số qubba (mái vòm trong kiến trúc Hồi giáo) đã được ghi nhận, đang trong tình trạng xấu đi.[16] Bản thân khu định cư bao gồm những ngôi nhà bằng đá được xây dựng tốt bằng san hô cùng một số gò đất định cư.[18] Người dân thời Trung Cổ sử dụng các bể chứa nước phức tạp để đảm bảo cung cấp nước ngọt liên tục.[19]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ van Donzel & Kon 2005, tr. 65.
  2. ^ a b c van Donzel & Kon 2005, tr. 67.
  3. ^ Chekroun & Hirsch 2020, tr. 91.
  4. ^ Margariti 2009, tr. 158.
  5. ^ Tamrat 1977, tr. 121.
  6. ^ Tamrat 1977, tr. 152.
  7. ^ Tamrat 1977, tr. 122.
  8. ^ a b van Donzel & Kon 2005, tr. 68.
  9. ^ a b Bosworth 2007, tr. 339.
  10. ^ Margariti 2009, tr. 159.
  11. ^ Tamrat 1977, tr. 121–122.
  12. ^ a b c Connel & Killion 2011, tr. 160.
  13. ^ van Donzel & Kon 2005, tr. 68–69.
  14. ^ a b c van Donzel & Kon 2005, tr. 69.
  15. ^ Pankhurst 1997, tr. 104–105.
  16. ^ a b Insoll 1997, tr. 383.
  17. ^ Margariti 2009, tr. 157.
  18. ^ Insoll 1997, tr. 384–385.
  19. ^ Insoll 1997, tr. 385.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Bosworth, Clifford Edmund (2007). Historic Cities of the Islamic World [Các thành phố lịch sử của thế giới Hồi giáo]. Brill. ISBN 9789004153882.
  • Chekroun, Amélie; Hirsch, Bertrand (2020). “The Sultanates of Medieval Ethiopia” [Những vương quốc Hồi giáo ở Ethiopia thời Trung Cổ]. Người bạn đồng hành với Ethiopia và Eritrea thời Trung Cổ". Brill. tr. 86–112.
  • Connel, Dan; Killion, Tom (2011). Historical Dictionary of Eritrea [Từ điển Lịch sử Eritrea]. The Scarecrow. ISBN 9780810859524.
  • Insoll, Timothy (1997). “An Archaeological Reconnaissance made to Dahlak Kebir, the Dahlak Islands, Eritrea: Preliminary Observations”. Ethiopia in Broader Perspective: Papers of the 13th International Conference of Ethiopian Studies. Volume 1 [Ethiopia ở góc nhìn rộng hơn: Các bài viết của Hội nghị quốc tế về nghiên cứu Ethiopia lần thứ 13. Tập 1]. tr. 382–388. ISBN 4879749761.
  • Margariti, Roxolani Eleni (2009). “Thieves of Sultans? Dahlak and the Rulers and Merchants of Indian Ocean Port Cities, 11th-13th Centuries AD” [Kẻ trộm của Sultan? Dahlak và những người cai trị và thương nhân của các thành phố cảng Ấn Độ Dương, thế kỷ 11-13 sau Công Nguyên]. Connected Hinterlands. Proceedings of Red Sea Project IV [Vùng nội địa được kết nối. Kỷ yếu Dự án Biển Đỏ IV]. tr. 155–163. ISBN 9781407306315.
  • Pankhurst, Richard (1997). The Ethiopian Borderlands: Essays in Regional History from Ancient Times to the End of the 18th Century [Vùng biên giới Ethiopia: Các tiểu luận về lịch sử khu vực từ thời cổ đại đến cuối thế kỷ 18]. ISBN 9780932415189.
  • Tamrat, Tadesse (1977). “Ethiopia, the Red Sea and the Horn” [Ethiopia, Biển Đỏ và Sừng Châu Phi]. Trong Roland Oliver (biên tập). The Cambridge History of Africa [Lịch sử Cambridge của Châu Phi]. 3. Cambridge University. tr. 89–182. ISBN 0521209811.
  • van Donzel, Emeri; Kon, Ronald E. (2005). “Dahlak islands. History of the Dahlak islands until 1945” [Quần đảo Dahlak. Lịch sử quần đảo Dahlak cho đến năm 1945]. Encyclopedia Aethiopica. D-Ha. Harrassowitz. tr. 64–69. ISBN 3447052384.