[go: up one dir, main page]

Bước tới nội dung

Vĩnh Yên (tỉnh)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tỉnh Vĩnh Yên
Tỉnh thuộc Xứ bảo hộ Bắc Kỳ

1899–1950

Cờ Tỉnh Vĩnh Yên

Cờ
Vị trí của Tỉnh Vĩnh Yên
Vị trí của Tỉnh Vĩnh Yên
Bản đồ tỉnh Vĩnh Yên năm 1909
Thủ đô phủ Vĩnh Tường
Chính phủ Quân chủ chuyên chế dưới Chính quyền thuộc địa
Lịch sử
 -  Thành lập 1899
 -  Hợp nhất với tỉnh Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc 1950

Vĩnh Yên là một tỉnh cũ của Việt Nam. Tỉnh Vĩnh Yên được thành lập ngày 29 tháng 12 năm 1899, do tách toàn bộ phủ Vĩnh Tường (gồm 5 huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên LãngTam Dương) của tỉnh Sơn Tây và huyện Bình Xuyên (thuộc tỉnh Sơn Tây từ năm 1891, trước thuộc phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Như vậy tỉnh Vĩnh Yên khi thành lập gồm 1 phủ, 6 huyện. Tỉnh lị đặt tại xã Tích Sơn, huyện Tam Dương (nay là thành phố Vĩnh Yên).

Bản đồ đạo Vĩnh Yên năm 1891

Trước đó, từ ngày 20 tháng 10 năm 1890 đến ngày 12 tháng 4 năm 1891, đã tồn tại đạo Vĩnh Yên, cũng gồm phủ Vĩnh Tường và huyện Bình Xuyên của tỉnh Thái Nguyên, cùng với một phần đất của huyện Kim Anh (thuộc tỉnh Bắc Ninh). Lỵ sở đóng tại Hương Canh. Sau đó đạo Vĩnh Yên bị bãi bỏ và nhập trở lại tỉnh Sơn Tây cùng với huyện Bình Xuyên.

Ngày 6 tháng 10 năm 1901, huyện Yên Lãng của tỉnh Vĩnh Yên được tách ra, cùng với phủ Đa Phúc, huyện Kim Anh, một phần huyện Đông Khê (thuộc phủ Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh) lập thành tỉnh mới Phù Lỗ. Năm 1904, tỉnh Phù Lỗ đổi tên thành tỉnh Phúc Yên. Đến năm 1913, tỉnh Phúc Yên chuyển thành đại lý hành chính Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Năm 1923 tỉnh Phúc Yên được tái lập trên cơ sở đại lý Phúc Yên.

Sau đó tỉnh Vĩnh Yên bao gồm 1 phủ Vĩnh Tường với 4 huyện Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương, Yên Lạc.

Công sứ Pháp ở Vĩnh Yên (1899-1937)

  1. Lomé: 1899 - 1900
  2. Conrandy: 1900 - 1901
  3. Frebault: 1901 - 1906
  4. Marc: 1906 - 1907
  5. Cullieret: 1907
  6. Tournois: 1907 - 1908
  7. Cullieret: 1908
  8. Moulie: 1908 - 1909
  9. Le Gallen: 1909 - 1910
  10. Ferrand: 1910 - 1911
  11. Cullieret: 1911 - 1919
  12. Pech: 1919
  13. Bouchet: 1919 - 1921
  14. Graffeuil: 1921
  15. Bride: 1921 - 1924
  16. Forsan: 1924 - 1931
  17. Tharaud: 1931
  18. Regnier: 1931
  19. Lotzer: 1931 - 1933
  20. Delsalle: 1933 - 1937
  21. Meneault: 1937 - 1940?

Tuần phủ Vĩnh Yên:

  1. Đỗ Phú Túc: 1899 - 1904
  2. Mai Trung Cát: 1904 - 1916
  3. Nguyễn Trung Tiên: 1916 - 1918
  4. Nguyễn Văn Giáp: 1918 - 1922
  5. Nguyễn Văn Bân: 1922 - 1924
  6. Phạm Gia Thụy: 1924 - 1927
  7. Đào Trọng Vận: 1927 - 1929
  8. Bùi Huy Tiến: 1929 - 1932
  9. Vũ Tuân: 1932 - 1933
  10. Nguyễn Hữu Thư: 1933 - 1934
  11. Hà Lương Tín: 1934 - 1937
  12. Dương Thiệu Tường: 1937 - 1939?

Trong kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Yên thuộc Liên khu Việt Bắc.

Trước khi hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên có tỉnh lỵ là thị xã Vĩnh Yên và 5 huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc.

Ngày 12 tháng 2 năm 1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 1952, chính quyền Quốc gia Việt Nam thân Pháp do Bảo Đại đứng đầu mà đại diện là Thủ hiến Bắc Việt cũng hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành một tỉnh mới nhưng lại lấy tên là tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Tên gọi này chỉ tồn tại đến giữa năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết và đất nước tạm thời bị chia đôi, theo đó chính quyền Quốc gia Việt Nam chuyển vào miền Nam.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]