[go: up one dir, main page]

Bước tới nội dung

Trận La Habana (1870)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trận chiến La Habana
Một phần của cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ



Tranh vẽ trận đánh của một họa sĩ Đức (phía trên) và Pháp (phía dưới).
Thời gian9 tháng 11 năm 1870 [1]
Địa điểm
Ngoài khơi La Habana, Cuba [2]
Kết quả Bất phân thắng bại,[1] tàu Pháp bị buộc phải triệt thoái.[3]
Tham chiến
Đế quốc Đức Liên bang Bắc Đức

Pháp Pháp

Chỉ huy và lãnh đạo
Đế quốc Đức Edouard von Knorr [4] Pháp Franquet [5]
Lực lượng
1 pháo hạm (64 người) [6] 1 thông báo hạm (85 người) [6]
Thương vong và tổn thất
1 pháo hạm bị hư hại
2 người chết và 1 bị thương (theo một nguồn Phổ đương thời) [6]
3 người bị thương (theo một nguồn Phổ đương thời), 10 người chết và bị thương (theo các nguồn khác) [6]

Trận La Habana là trận hải chiến duy nhất trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ, đã diễn ra vào ngày 9 tháng 11 năm 1870[1], ở ngoài khơi La Habana, Cuba (khi ấy là thuộc địa của Tây Ban Nha)[2]. Đây là một cuộc giao chiến bất phân thắng bại giữa pháo hạm Meteor của Hải quân Liên bang Bắc Đức dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Edouard von Knorr với thông báo hạm Bouvet của Hải quân Pháp, trong đó ưu thế vượt trội về pháo của tàu chiến Phổ đã buộc chiếc tàu chiến lớn hơn của Pháp phải triệt thoái.[1][3][4][5][7]

Vào lúc 8 giờ sáng vào ngày 7 tháng 11 năm 1870, tàu chiến Meteor đã cập bến tại La Habana, sau khi rời bỏ Nassau vài ngày trước đó. Một tiếng đồng hồ sau đó, thông báo hạm Bouvet của Pháp, từ Martinique, cũng chạy đến theo hướng đối diện với pháo hạm của Phổ. Ngày hôm sau, chiếc tàu thư Nouveau Monde của Pháp cũng rời hải cảng La Habana đến Veracruz, nhưng bị buộc phải trở về vài tiếng đồng hồ sau đó do lo sợ bị pháo hạm của Phổ. Sau đó, cũng trong ngày 8 tháng 11, thuyền trưởng của tàu Meteor đã chính thức khiêu chiến với thuyền trưởng của tàu Bouvet, để đánh một trận vào ngày hôm sau. Thông báo hạm Bouvet đã chấp thuận và chạy khỏi hải cảng để chờ Meteor. Trong khi đó, pháo hạm Meteor phải chờ đợi trong vòng 24 tiếng đồng hồ trước khi có thể đụng độ với thuyền chiến của Pháp dựa theo luật trung lập, bởi do Tây Ban Nha là một nước trung lập trong cuộc chiến tranh.

Sau khi thời gian chờ đợi kết thúc, pháo hạm Meteor đã khởi hành để giao đấu với tàu Bouvet – vốn đang chờ đối phương ngoài ranh giới của hải phận Cuba 10 dặm Anh. Ngay sau khi tàu Meteor vượt qua ranh giới, Bouvet đã nhả đạn vào pháo hạm của Đức. Sau hai tiếng đồng hồ giao tranh quyết liệt, trận chiến cuối cùng đã chấm dứt khi tàu Bouvet, vốn đã tiếp cận gần Meteor để tấn công tàu chiến này, chịu hư hại ở một ống dẫn nước làm cho động cơ đẩy của tàu bị hỏng và buộc người Pháp phải căng buồm rút vào vùng hải phận trung lập, nơi họ một lần nữa được phía Tây Ban Nha bảo vệ. Cả hai con tàu đều không bị phá hỏng hoàn toàn, chủ yếu bị thiệt hại ở các cột buồm và dây buộc (các nồi hơi và đầu máy của Bouvet vẫn còn nguyên và hoạt động), và rất ít người chết và bị thương ở cả hai bên. Các nhà bình luận đương thời không xem trận đánh là một sự kiện quan trọng.[2][8]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d Stephen Shann, French Army 1870-71 Franco-Prussian War (2): Republican Troops, trang 19
  2. ^ a b c David H. Olivier, German Naval Strategy, 1856-1888: Forerunners to Tirpitz, các trang 67-68.
  3. ^ a b Wilhelm Rüstow, The war for the Rhine frontier, 1870: Its political and military history, Tập 1, trang 243
  4. ^ a b Terell D. Gottschall, By Order of the Kaiser: Otto Von Diederichs and the Rise of the Imperial German Navy, 1865-1902, các trang 37-38.
  5. ^ a b E. J. Hoffschmidt, German Army, Navy Uniforms and Insignia: 1871-1918, trang 100
  6. ^ a b c d Jack Greene, Alessandro Massignani, Ironclads at War: The Origin and Development of the Armored Warship, 1854-1891, các trang 24-25.
  7. ^ Patrick J. Kelly, Tirpitz and the Imperial German Navy, các trang 34-35.
  8. ^ “The Atlantic Duel”. The New York Times. ngày 12 tháng 11 năm 1870.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]