[go: up one dir, main page]

Bước tới nội dung

Tấn Beo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tấn Beo
Tấn Beo vào năm 2018
SinhPhạm Tấn Danh
13 tháng 1, 1965 (59 tuổi)
Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệpDiễn viên
Năm hoạt động1981 – nay
Phối ngẫu
Phùng Thị Dung (cưới 1993)
[1]
Con cái3
Cha mẹ
Người thânTấn Bo (em trai)

Phạm Tấn Danh (sinh ngày 13 tháng 1 năm 1965)[2][3], thường được biết đến với nghệ danh Tấn Beo, là một nam diễn viên người Việt Nam. Ông là một diễn viên gạo cội của sân khấu phía Nam, với lối diễn chân chất, mộc mạc được khán giả dành nhiều tình cảm.[4]

Khởi đầu sự nghiệp với sân khấu cải lươngtuồng cổ từ khi còn khá nhỏ, nhưng Tấn Beo lại sớm bộc lộ năng khiếu diễn hài của mình[4]. Năm 1990, ông chính thức chọn hài kịch làm bộ môn nghệ thuật chính và lần lượt tham gia một số nhóm hài như: "Mỹ Chi", nhóm hài "Kim Ngọc",... Tấn Beo để lại ấn tượng với khán giả bằng nhiều vở diễn như: Vì sao lên chùa, Tình Lương Sơn Bá, Rồng Vàng, Mơ làm ca sĩ, Năm Nổ về làng,...[5]

Tấn Beo từng đoạt khá nhiều giải thưởng như: "Diễn viên hài xuất sắc nhất Gala cười 2003", "Danh hài được yêu thích nhất 2004", "Mai vàng 2003"[6]... Ông và người em ruột của mình - nghệ sĩ Tấn Bo là hai thành viên của nhóm hài "Tấn Beo - Tấn Bo". Năm 2009, nhóm đã phát hành album hài kịch ca nhạc đầu tiên mang tên Tình Lương Sơn Bá.[7]

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Tấn Beo sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Cha ông là nghệ sĩ vọng cổ Tấn Tài, người nổi tiếng một thời với biệt danh "hoàng đế đĩa nhựa". Mẹ là nghệ sĩ Như Ngọc, chuyên đóng vai đào lẳng nổi tiếng trên sân khấu trong thập niên 60[4][8]. Em trai của Tấn Beo là nghệ sĩ hài Tấn Bo, hai anh em từng lập nhóm hài chung.

Gia đình của Tấn Beo còn là bầu gánh hát Tân Thủ Đô nên ngay từ khi lên 9, ông được cha cho theo gánh hát và có cơ hội làm quen với bộ môn nghệ thuật cải lương[9]. Năm 1977, đoàn hát của gia đình ông được giao lại cho Sở Văn hóa thành phố quản lý. Tấn Beo theo cha mẹ tới đoàn cải lương Bến Tre, sau đó là đoàn Sông Hậu.

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1981, khi mới 16 tuổi, Tấn Beo được giao cho vai diễn đầu tiên trong đời, vai Tấn Lực trong vở tuồng Phạm Công Cúc Hoa. Nhân vật của ông là một cậu bé bất hạnh luôn bị bà mẹ ghẻ đánh đập, hành hạ nhưng lại thường được linh hồn của người mẹ Cúc Hoa hiện về chăm sóc. Tuy được giao cho đóng vai bi kịch, vai kép mùi nhưng Tấn Beo lại bị đánh giá là chỉ thích hợp với những vai hài, vai diễu trên sân khấu[4]. Khi cha mẹ rời đoàn Sông Hậu, anh ở lại đoàn và theo học nghề diễn của nghệ sĩ hài Thanh Việt. Một thời gian sau Tấn Beo chuyển sang đoàn Văn công An Giang rồi sau đó là đoàn Kim Thanh biểu diễn và trở thành diễn viên hài chính của cả hai đoàn này. Với đoàn Kim Thanh, Tấn Beo được coi như là một cái tên để bán vé của đoàn trong suốt các chuyến lưu diễn ở miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long.[9]

Năm 1992, sau hơn 10 năm đi diễn cùng các đoàn hát tại đồng bằng sông Cửu Long, Tấn Beo trở về biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh[8]. Ông gia nhập và trở thành diễn viên hài chính của đoàn Văn công Thành phố Hồ Chí Minh, cùng trong đoàn là những diễn viên đang rất được ái mộ như Diệp Lang, Minh Vương, Lệ Thủy, Hoài Thanh[9]. Thời gian này ông để lại ấn tượng với khán giả bằng vai "Siêng" trong vở tuồng Bàn thờ tổ, vở Truyền thuyết tình yêu, Một chuyện tình buồn cùng một số vở thuộc thể loại tuồng cổ, tuồng Tàu. Tuy nhiên, một thời gian sau đoàn hát này không còn tiếp tục hoạt động.[4][9]

Năm 1996, cải lương không còn ở thời kỳ đỉnh cao, Tấn Beo và Tấn Bo cùng nữ diễn viên hài Mỹ Chi đã thành lập một nhóm hài mang tên "Mỹ Chi", với những tiểu phẩm thành công như Cái bang thời đại, Mơ làm ca sĩ,... nhóm được khá nhiều khán giả cả trong và ngoài nước yêu thích và được mệnh danh là "Tam kiếm hợp bích"[4]. Sau nhóm "Mỹ Chi", Tấn Beo còn gia nhập nhóm hài Kim Ngọc và Sân khấu Kịch Sài Gòn. Năm 1998, Tấn Beo cùng người em ruột Tấn Bo lập thành một nhóm hài riêng mang tên "Tấn Beo - Tấn Bo".[9]

Năm 2003, chương trình Gala Cười do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện lần đầu tiên được ra mắt công chúng[10]. Trong những số đầu tiên được thực hiện tại khu vực phía Nam, Tấn Beo và Tấn Bo đã góp mặt bằng tiểu phẩm hài Vì sao lên chùa. Vở diễn nói về một người thanh niên tên Tèo (Tấn Beo thủ vai) vì mê cờ bạc mà phải lên chùa bán nhang để kiếm sống đồng thời cũng là để tránh mặt người thân. Tuy nhiên, nhờ người bạn thân (Tấn Bo) khuyên giải, người kia cũng nhận ra được giá trị của gia đình và bạn bè và cuối cùng chấp nhận làm lại từ đầu. Trong lễ trao giải Gala cười 2003, Tấn Beo đã đoạt "Giải diễn viên, nhóm hài xuất sắc nhất" với tiểu phẩm Vì sao lên chùa[11]. Sau đó, cũng với vở diễn này, Tấn Beo đã giành giải "Nam diễn viên hài xuất sắc nhất" trong lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 9.[6]

Năm 2004, trong cuộc thi Nụ cười vàng, nhóm hài Tấn Beo - Tấn Bo đã đoạt danh hiệu là một trong 10 nhóm hài được yêu thích nhất. Đây là cuộc thi do Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Sân khấu và Báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức để tìm những gương mặt hài và nhóm hài thành công nhất. Tham dự cuộc thi còn có các diễn viên hài tên tuổi như Hồng Vân, Hoài Linh, Bảo Chung, Thúy Nga,[12]... Ngày 1 tháng 1 năm 2009, nhóm hài Tấn Beo - Tấn Bo cho ra mắt album hài kịch ca nhạc đầu tiên mang tên "Tình Lương Sơn Bá". sau nhiều năm biểu diễn, album được chia làm hai phần bao gồm các tiểu phẩm ăn khách của nhóm và một số bài hát do Tấn Beo trình bày.[7]

Ngoài lĩnh vực sân khấu, Tấn Beo còn tham gia vào một số bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình như vai Tấn trong phim Khi đàn ông có bầu, vai Đông Tà trong phim Võ lâm truyền kỳ, vai Hùng sửa xe trong phim truyền hình Mùi ngò gai,...

Năm 2010 tại lễ trao giải HTV Awards lần thứ 4, với hơn 10.000 phiếu bình chọn từ khán giả, Tấn Beo đã giành được giải "Nam diễn viên phụ phim truyền hình xuất sắc nhất" với vai anh người ở tên Quân trong bộ phim Tình án[13]. Tháng 7 năm 2010, Tấn Beo lần đầu tiên được giao đảm nhiệm một vai chính trong bộ phim truyền hình dài 30 tập mang tên 30 ngày làm cha, phim do hãng phim tư nhân Lasta và đạo diễn Nguyễn Dương - người từng thành công với bộ phim Cổng mặt trời hợp tác sản xuất.[14]

Năm 2015, Tấn Beo cho ra mắt bộ phim Thám tử Hên Ry do anh làm đạo diễn kiêm diễn viên chính. Bộ phim được ra rạp ngay trong dịp Tết Nguyên Đán 2015 được nhận xét là "Món lẩu vừa miệng" nhận được nhiều lời khen.

Nghệ danh

[sửa | sửa mã nguồn]

Nghệ danh Tấn Beo được giải thích là khi sinh ông bị nhẹ ký, hay đau ốm và khó nuôi nên gia đình gọi là "Beo" với mong ước anh sẽ mạnh mẽ như con beo[9]. Tuy nhiên cũng có thông tin cho rằng nghệ danh này là do cha ông và danh hài Thanh Việt đặt theo điệu cười của Tấn Beo.[8]

Danh sách hài kịch

[sửa | sửa mã nguồn]

DVD/CD/Album

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiêu biểu:

  • Tình Lương Sơn Bá
  • Đón xuân vui vẻ
  • Mơ làm ca sĩ
  • Cái máy nói
  • Gái miệt vườn
  • Năm Nổ về làng
  • Vì sao lên chùa
  • Cười với Tấn Beo 1, 2, 3, 4, 5
  • Nụ cười Tấn Beo 1, 2, 3, 4, 5
  • Tấn Beo về làng
  • Đốc tờ Beo
  • Mr Beo hành động
  • The best of Tấn Beo
  • Thử thời vận - Câu chuyện tình yêu
  • Cưới vợ cho thằng Beo
  • MV Đạo làm con (CD)
  • Và nhiều DVD/CD/Album khác

Hài kịch

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiêu biểu:

  • Vì sao lên chùa / Lên chùa bán nhang: vai Tèo
  • Rồng vàng: vai anh chàng MC
  • Mơ làm ca sĩ: vai anh chàng người Tây Nguyên
  • Năm Nổ về làng: vai Năm Nổ
  • Cái bang thời đại: vai anh chàng ăn mày
  • Tình Lương Sơn Bá: vai Lương Sơn Bá
  • MC tranh tài: vai Trần Lẻo Lự
  • Thạch Sanh Lý Thông: vai Thạch Sanh
  • Chuyện tình nàng Thy: vai Phù Sai
  • Tứ đại mỹ nhân: vai đạo diễn phim
  • Thám tử nhà quê: vai thám tử "không không thấy"
  • Trộm bắt trộm: vai Út Cò
  • Nhặt của rơi: vai anh chàng lừa đảo
  • Hoa hậu hành tinh: vai Ngọc Hoàng
  • Kiếm tiền ăn Tết chơi: vai Tủn
  • Ngủm vì cướp tiệm vàng: vai anh chàng hàng xóm
  • Sui gia đại chiến: vai Đoàn
  • Chuyện Trạng: vai thái giám
  • Hổ beo tranh hùng: vai ông Beo
  • Gác kiếm: vai đại ca
  • Bảo vệ 24/24: vai anh chàng bảo vệ
  • Em nói anh đừng la: vai Beo
  • Kinh hoàng nhà trọ: vai anh chàng thuê phòng
  • Bảo vệ tiểu thư: vai bảo vệ
  • Điệp ơi đừng bỏ Lan: vai Điệp
  • Hoa hậu vũ trụ
  • Vợ người ta
  • Mình của tui đâu
  • Tình cha
  • Cô hàng xóm
  • Mừng tuổi đầu xuân
  • Tìm vợ
  • Ai là triệu phú
  • Lên chùa phóng sanh
  • Cuộc thi đờ doi cút
  • Năm Nổ gặp Sáu Lựu Đạn
  • Kiếm tiền ăn chơi tết
  • Đi tu
  • Gái miệt vườn
  • Đầu xuân chúc nhau
  • Chơi đố vui
  • Cười muốn xỉu
  • Men rượu đầu xuân
  • Bắt ghen di động
  • Út khờ đi hỏi vợ
  • Xóm lá
  • Quá khôn dồn dại
  • Trúng số
  • Sau những lần nói dối
  • Không chịu đâu
  • Thánh nổ là đây
  • Hết biết
  • Khôn hay dại
  • Chuyện chàng ở rể
  • Tư xỉn xông nhà
  • Tìm kiếm tài năng
  • Tìm vợ
  • Gác kiếm
  • Đứa con rể cà chớn
  • Ai ngu hơn ai
  • Quỹ đen
  • Beo Hổ tranh hùng
  • Talk chồng thời hiện đại
  • Chạy theo trào lưu
  • Tờ vé số 10tr đồng
  • Cô dâu đại náo - Đám cưới tụi mình: hài DVD (của Danh hài Thuý Nga)
  • Và nhiều vở tiêu biểu khác

Kịch nói

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiêu biểu:

  • Bảnh Hữu Lợi
  • Chia đôi
  • Bàn thờ tổ
  • Đôi mắt của biển
  • Dương Thái Chân
  • Đam mê và quyền lực
  • Truyền thuyết tình yêu
  • Đố vui có thưởng
  • Thử thời vận
  • Câu chuyện tình yêu
  • Tình chị duyên em
  • Và nhiều vở tiêu biểu khác

Danh sách phim

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Tựa Phim Vai diễn Kênh / Định dạng
2005 Khi đàn ông có bầu Tấn Phim điện ảnh
Áo gió bụi hồng Mạnh SCTV1
2006 Mùi ngò gai Hùng HTV9
2007 Võ lâm truyền kỳ Đông / Đông Tà Phim điện ảnh
2008 Bốn thí nghiệm đêm tâm hồn Đạo Phim ngắn
2009 Tình án Quân HTV9
2010 Nhật ký bạch tuyết Chú Lùn Quay phim Phim điện ảnh
Công chúa teen và ngũ hổ tướng Mộc
Định mệnh Thành Nhân HTV7
Tây Sơn hào kiệt công tử Bàng Quang Phim điện ảnh
30 ngày làm cha Hoàng Bách Let's Viet
2011 Mùi hoa dại Lúa ĐN1
Thiên sứ 99 thiên thần Phim điện ảnh
2012 Giấc mộng giàu sang Chin Chin
Tết ơi! Xuân à! Địa HTV2
Hello cô Ba Châu Lợi Nhuận Phim điện ảnh
Cưới ngay kẻo lỡ cậu Ba
Nàng men chàng bóng tía của Út Chót
Khoảnh khắc tình cờ Lân VTV9
2013 Nhà có 5 nàng tiên Hùng Phim điện ảnh
Bay vào cõi mộng Tiến "sộp"
2014 Hai Lúa Tư Tiền
Yêu không dễ Tiểu Tài SCTV14
Khung trời mơ ước Bảy HTV9
2015 Thám tử Hênry (do Tấn Beo đạo diễn) Thám tử Hênry Phim điện ảnh
Hy sinh đời trai Linh
Quy tử bất đắc dỹ Mẹo
Cầu vồng sau mưa Trầm Phim truyền hình
2016 Tía tui là cao thủ Ông Bá Phim điện ảnh
Mặt nạ máu Cu Lì
2017 Bí mật của người khác Ông Tiến Phim truyền hình
Con xin hẹn xuân sau Ông chủ nhà khó tính Phim ngắn
2018 Đích tôn độc đắc Ngọc Đường Phim điện ảnh
2022 Tình thắm duyên xuân Ông Hai Tráng THVL1
2023 Trùm Nổ Tấn Phim chiếu mạng
  • Và nhiều bộ phim khác

Danh sách tuồng cải lương

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiêu biểu:

  • Phạm Công Cúc Hoa - vai Tấn Lực
  • Đam mê và quyền lực - vai Đặng Mậu Lân
  • Bàn thờ tổ
  • Tình Lương Sơn Bá
  • Tựa tuồng ca cổ cải lương
  • Võ đông sơ
  • Tâm tình cùng anh bán chiếu
  • Truyền thuyết tình yêu
  • Nhớ quê
  • Khi rừng thu thay lá
  • Oan tình ai thấu
  • Cưới vợ cho thằng Beo
  • Nội tôi
  • Kẻ chợ người quê
  • Dương Thái Chân
  • Một chuyện tình buồn
  • Trả nợ Mạnh Thường Quân: vai Mặc Tao
  • Và nhiều vở tiêu biểu khác
  • Liveshow Tấn Beo: Đốc Tờ Beo
  • Liveshow Tấn Beo: Mr Beo hành động
  • Liveshow Tấn Beo: The best of Tấn Beo

Giải thưởng

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiêu biểu:

Gala Cười 2003:

  • Diễn viên hài xuất sắc nhất Gala cười
  • Nhóm hài xuất sắc nhất – của Tấn Beo

Nụ cười vàng 2004:

  • Top 10 nhóm hài được yêu thích nhất

Giải Mai Vàng:

  • Nam diễn viên hài xuất sắc nhất (2003)
  • Danh hài được yêu thích nhất (2004)

HTV Awards:

  • Nam diễn viên phụ phim truyền hình xuất sắc nhất (2010)

Chương trình truyền hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiêu biểu:

  • Gala cười (2003) - Diễn viên
  • Tam sao thất bản (2008) - Người chơi
  • Chung Sức (2010) - Người chơi
  • Chiếc nón kỳ diệu (2012) - Người chơi
  • Tài tiếu tuyệt (2011-2014) - Diễn viên
  • Kỳ án Đông Tây kim cổ (2013, 2014) - Diễn viên
  • Vitamin cười (2014) - Diễn viên
  • The Winner Is! Tôi là người chiến thắng! (2014, 2015) - Giám khảo
  • Cùng nhau tỏa sáng (2014, 2016) - Giám khảo
  • Hội ngộ danh hài (2015 - 2017) - Diễn viên, MC
  • Ca sĩ giấu mặt (2017) - Giám khảo
  • Cười xuyên Việt (2016, 2017) - Giám khảo
  • Người nghệ sĩ đa tài (2016, 2017) - Giám khảo
  • Người bí ẩn (2015, 2017) - Giám khảo
  • Trời sinh một cặp (2017) - Giám khảo
  • Đêm tiệc cùng sao (2018) - Diễn viên
  • Chuông vàng vọng cổ (2019) - Giám khảo
  • Thiên đường ẩm thực (2020) - Khách mời
  • Chuông vàng vọng cổ (2018, 2020) - MC
  • Lạ lắm à nha (2021) - Ca sĩ
  • Thách thức danh hài (2021) - Giám khảo vòng casting
  • Ký ức vui vẻ (2019, 2022) - Giám khảo
  • Và nhiều chương trình khác

Nhận xét

[sửa | sửa mã nguồn]

"Tấn Beo là một diễn viên biết cách chắt chiu tiếng cười có ý nghĩa, đem lại cho sân khấu kịch những mảng miếng mang giá trị giáo dục sâu sắc. Tấn Beo không dừng lại ở việc ăn sẵn cái duyên hài đã có mà biết khai thác để tạo nét riêng. Bằng chứng các vai diễn của Tấn Beo luôn làm sân khấu sôi động lên, dẫu đó chỉ là một đoạn lắng đọng và một động tác nhỏ".[8]

"Có thể nói Tấn Beo là nghệ sĩ hài có cách diễn tỉnh không ai qua bằng. Anh ấy còn có gương mặt trẻ mãi không già, đã vậy còn hát rất hay". [15]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Nghệ sĩ Tấn Beo: "Vợ tui là số một". Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2024.
  2. ^ “PHẠM TẤN DANH (TẤN BEO)”. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2024.
  3. ^ “Con gái nuôi của nghệ sĩ Tấn Tài”. Người Lao Động. 27 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2024. |tên= thiếu |tên= (trợ giúp)
  4. ^ a b c d e f Nghệ sĩ hài Tấn Beo, con nhà tông, không giống lông cũng không giống cánh--RFA. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2009
  5. ^ “Tấn Beo: Tên tuổi chưa khi nào nguội lạnh”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2010.
  6. ^ a b Danh sách đoạt giải Mai Vàng 15 năm Lưu trữ 2012-08-02 tại Wayback Machine--Người Lao động. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2009
  7. ^ a b Cặp hài anh em Tấn Beo - Tấn Bo ra mắt album đầu tiên--Thethaovanhoa.vn. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2009
  8. ^ a b c d "Con beo" thích... cười--Người Lao động. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2009
  9. ^ a b c d e f Tấn... da beo[liên kết hỏng]--Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2009
  10. ^ Gala cười sẽ hay hơn Gặp nhau cuối tuần?[liên kết hỏng]--Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2009
  11. ^ Kết thúc bằng Lễ trao giải rộn tiếng cười Lưu trữ 2009-03-20 tại Wayback Machine--Vietnamnet. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2009
  12. ^ Đãi cát tìm... nụ cười vàng[liên kết hỏng]--Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2010
  13. ^ Trao giải HTV Awards lần 4 --Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2010
  14. ^ Tấn Beo 30 ngày làm cha Lưu trữ 2010-08-27 tại Wayback Machine, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh Online. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2010.
  15. ^ “Việt Hương khóc nức nở khi được Tấn Beo cõng trên sân khấu”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2018.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]