[go: up one dir, main page]

Bước tới nội dung

Ketuanan Melayu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Ketuanan Melayu (nghĩa là "bá quyền của người Mã Lai") là một khái niệm chính trị nhấn mạnh tính ưu việt của người Mã Lai tại Malaysia hiện nay. Người Mã Lai tại Malaysia yêu sách về một vị thế đặc biệt cùng các quyền lợi đặc thù do họ cư trú từ lâu[1] và thực tế là quốc gia Malaysia hiện nay tiến hóa từ một thực thể Mã Lai.[2]

Người Hoa và người Ấn nhập cư tạo thành một thiểu số đáng kể tại Malaysia, họ được xem là phải chịu ân huệ của người Mã Lai vì được cấp quyền công dân, đổi lại người Mã Lai được cấp đặc quyền theo Điều 153 của Hiến pháp Malaysia. Dàn xếp trao đổi này thường được gọi là khế ước xã hội Malaysia. Khái niệm ketuanan Melayu thường được các chính trị gia trích dẫn, đặc biệt là những nhân vật từ Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, chính đảng có ảnh hưởng nhất tại Malaysia. Trong lịch sử, các đảng có cơ sở phi Mã Lai phản đối chính trị mạnh mẽ nhất đối với khái niệm này.

Sự kiện bạo loạn sắc tộc vào năm 1969 tạo ra biến đổi lớn trong cách tiếp cận của chính phủ với các vấn đề sắc tộc, và dẫn đến thi hành một chính sách thiên vị mạnh người Mã Lai mang tên Chính sách Kinh tế Mới. Chính sách văn hóa quốc gia được ban bố vào năm 1970, nhấn mạnh sự đồng hóa các dân tộc phi Mã Lai vào dân tộc Mã Lai. Tuy nhiên, trong thập niên 1990 Thủ tướng Mahathir Mohamad bác bỏ cách tiếp cận này. Mặc dù tư tưởng này có từ khi Malaysia độc lập, song cụm từ ketuanan Melayu chỉ trở nên thịnh hành từ đầu thập niên 2000.

Tiền độc lập

[sửa | sửa mã nguồn]
Người Anh công nhận các quân chủ Mã Lai có chủ quyền đối với Malaya.

Chủ nghĩa dân tộc Mã Lai sơ khởi

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ khi các thế lực ngoại bang xâm chiếm, chủ nghĩa dân tộc Mã Lai trở thành một phong trào chính trị có tổ chức. Tuy nhiên, những người Hoa và người Ấn nhập cư không nhìn nhận bản thân là người Malaya.[3] Một báo cáo của Thứ trưởng Thường trực Bộ Thuộc địa Anh Quốc vào đầu thập niên 1930 viết rằng "số người phi Mã Lai chấp thuận Malaya là quê hương của họ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong toàn bộ cư dân".[4]

Mặc dù người Anh cai trị hữu hiệu đối với Malaya, song trên pháp lý người Mã Lai bị buộc phải tuân theo các hiệp định hư cấu để tiếp thu sự thống trị của người Anh thông qua một chế độ trú quản. Cao ủy Anh Hugh Clifford bày tỏ hệ tư tưởng của Anh mà theo đó hợp lý hóa chủ nghĩa thực dân tại Malaya[5] khi ông tuyên bố "mọi người trong quốc gia này hãy lưu tâm đến thực tế rằng đây là một quốc gia Mã Lai, và người Anh chúng tôi đến đây theo lời mời của các quân chủ Mã Lai điện hạ của họ, và nhiệm vụ của chúng tôi là trợ giúp người Mã Lai cai trị quốc gia của mình."[6]

Bề ngoài, người Anh chấp thuận một chính sách "thân Mã Lai" công khai để người Mã Lai có thể, theo lời của Cao ủy Laurence Guillemard, được trang bị nhằm "đạt được vị thế thích hợp của mình trong sinh hoạt hành chính và thương nghiệp trong các quốc gia này."[7] Trong thực tế, người Mã Lai không thuộc tầng lớp thượng lưu cảm thấy bị gạt ra ngoài lề do các chính sách kinh tế và chính trị của chính phủ thực dân, trong khi trên thực tế họ là trụ cột trong quyền lực của người Anh, và các chính sách kinh tế và nghề nghiệp được tách biệt theo giới hạn dân tộc.[8]

Các cộng đồng phi Mã Lai sinh tại địa phương sớm khởi đầu đấu tranh giành quyền tự trị. Năm 1936, cộng đồng người Ấn sinh tại Malaya yêu cầu Cao ủy Shenton Thomas ban cho họ một phần các chức vụ hành chính. Thomas bác bỏ yêu cầu này, quy người Ấn sinh tại địa phương là "người ngoại quốc".[9] Mặc dù người Anh có vẻ nhìn nhận người Hoa là một "lực lượng lao động tạm thời," với các thống kê biểu thị rằng hầu hết người Hoa nhập cư cuối cùng sẽ trở về quê, song các nhà phê bình tranh luận rằng dân số người Hoa sinh tại địa phương tăng trưởng đều đặn. Tuy thế, người Anh khẳng định rằng sẽ nguy hiểm nếu nhận định người Hoa có "một khuynh hướng định cư vĩnh cửu"; cộng đồng người Ấn sinh tại địa phương chiếm 20% dân số người Ấn, phần còn lại là các lao động phổ thông nhập cư với lý do tương tự như người Hoa khi đó, họ cũng phần lớn bị bỏ qua.[10]

Người Anh giữ người Mã Lai trong sinh hoạt nông dân "truyền thống" của họ nhiều nhất có thể, hạn chế di chuyển, kinh doanh và giáo dục. Chính sách này được duy trì với lòng tin rằng việc được giáo dục đã khiến người Bengal tại Ấn Độ bất mãn và nổi loạn.[11] Người Anh chỉ mời giai cấp thống trị Mã Lai tham dự chính phủ và các vấn đề hành chính. Bất chấp việc loại trừ các dân tộc phi Mã Lai khỏi các chức vụ quyền lực tượng trưng, nhiều công vụ viên là người phi Mã Lai, nhiều trong số họ là người Ấn được biệt phái vì mục đích này.[10] Một số sử gia mô tả các chính sách thân Mã Lai được thiết kế chỉ nhằm duy trì vị thế của người Anh, thay vì củng cố vị thế của người Mã Lai; nhiều đặc điểm trong cách thức tiếp cận của người Anh là một trong các phương pháp "chia để trị", giữ các sắc tộc trong cự ly thích hợp với nhau nhằm đạt được hài hòa từ xa trong công tác cai trị Malaya vốn tồn tại các yếu tố bất đồng.[12][13]

Người Hoa sinh tại địa phương vốn giữ quyền lực kinh tế đáng kể, và trong thập niên 1920 họ bắt đầu chủ động nhằm đạt được một vị thế lớn hơn trong chính phủ Malaya.[14] Phần lớn cộng đồng người Hoa, lúc này chiếm đến 45% dân số Malaya, vẫn là các lao động tạm thời. Tuy thế, cộng đồng người Hoa Eo biển, chiếm phần lớn người Hoa sinh tại địa phương, muốn được trao cho các chức vụ trong chính phủ và được công nhận là người Malaya. Một nhân vật lãnh đạo người Hoa Eo biển nói rằng "Ai bảo rằng đây là một quốc gia Mã Lai?... Khi Thuyền trưởng [Francis] Light đến, ông ấy đã tìm thấy người Mã Lai, hoặc các làng Mã Lai? Ông cha chúng ta đến đây và làm việc cực nhọc trong thân phận cu li — không thấy hổ thẹn khi làm cu li — và họ không gửi tiền của mình về Trung Quốc. Họ kết hôn và chi tiêu tiền của họ tại đây, và nhờ vậy Chính phủ có thể khai hóa quốc gia từ rừng rậm đến văn minh. Chúng ta đã trở thành bộ phận không thể tách rời của quốc gia này. Đây là quốc gia của chúng ta..." Những nhà trí thức người Mã Lai phản đối lập luận này, cho rằng lập luận như vậy hoàn toàn vô lý và đưa ra một suy diễn với người Hoa là thợ xây và Malaya là một ngôi nhà. Họ lập luận rằng, một thợ xây được trả công thì không được quyền chia phần sở hữu với ngôi nhà mà anh ta xây. Do vậy, họ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm cấp quyền công dân hoặc các quyền lợi chính trị khác cho người Hoa.[15]

Một số dân tộc Indonesia như người JavaBugis di cư trong khu vực quần đảo Mã Lai trong thế kỷ 19 và 20, và rất nhanh chóng đồng hóa vào bản sắc văn hóa Mã Lai.[16] Cuối cùng, những lời thỉnh cầu của người Hoa Malaya có vẻ có một số tác động với người Anh. Năm 1927, Thống đốc của Các khu định cư Eo biển gọi người Hoa là "các cư dân bản địa của Malaya thuộc Anh".[17] Ngay trước khi bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa dân tộc Mã Lai bắt đầu nhấn mạnh ketuanan Melayu, họ lo ngại rằng các chính sách của người Anh đương thời dường như hướng đến việc thiết lập một dân tộc Malaya chung gồm cả người Hoa và người Ấn. Một số người Mã Lai do đó nỗ lực bảo tồn hiện trạng với người Anh là một bức tường chống lại các dân tộc phi Mã Lai. Những người khác bắt đầu kêu gọi về độc lập và chủ quyền của quốc gia Mã Lai, chẳng hạn như "Đại Indonesia".[18]

Liên hiệp Malaya (1946–48)

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người Anh tuyên bố thành lập Liên hiệp Malaya, cùng với đó là nới lỏng các chính sách nhập cư, giảm chủ quyền của các quân chủ Mã Lai, và không công nhận quyền tối cao của người Mã Lai, đặt Malaya là một quốc gia bảo hộ của Anh Quốc. Với tư cách các cư dân sinh tại địa phương, hầu hết người Hoa và người Ấn đủ điều kiện về quyền công dân theo nguyên tắc Jus soli của Liên hiệp. Với việc tất cả các dân tộc được đảm bảo quyền lợi bình đẳng, người Mã Lai trở nên bất mãn, ngay cả thành trì truyền thống của họ là công vụ cũng sẽ mở cửa đối với toàn bộ người Malaya.[19][20] Ngay từ đầu, người Mã Lai đã không nhìn nhận bản thân nằm dưới nhãn "người Malaya".[21]

Người Mã Lai trở nên có ý thức chính trị, kháng nghị việc thành lập Liên hiệp. Trong một cuộc họp, các tranh cổ động viết rằng "Malaya thuộc về người Mã Lai. Chúng tôi không muốn các sắc tộc khác được trao quyền lợi và các đặc quyền của người Mã Lai."[22] Một tổ chức Mã Lai biểu thị với người Anh rằng các điều khoản quyền công dân của Liên hiệp sẽ dẫn đến "xóa bỏ sự tồn tại của chủng tộc Mã Lai cùng với lãnh thổ và các quân chủ của họ".[23] Một nhóm những người bảo hoàng và công vụ viên người Mã Lai dưới sự lãnh đạo của Onn Ja'afar thành lập Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) nhằm phản đối việc hình thành Liên hiệp Malaya.[24]

Mặc dù Liên hiệp được thành lập theo đúng kế hoạch, song chiến dịch kháng nghị vẫn tiếp tục; đến năm 1948, người Anh thay thế Liên hiệp Malaya bằng Liên bang Malaya. Liên bang khôi phục chủ quyền cho các quân chủ Mã Lai, thắt chặt các hạn chế nhập cư và quyền công dân, và trao cho người Mã Lai đặc quyền.[25] Tuy thế, mục tiêu công khai của người Anh vẫn giống như trong năm 1946: nhằm thi hành "một hình thức quyền công dân chung mở rộng với tất cả mọi người, không phân biệt sắc tộc, những người nhận định Malaya là quê hương thực sự của mình và là đối tượng mà họ trung thành."[26]

Sự đối lập hạn chế với ketuanan Melayu và Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất trong giai đoạn này đến từ một liên minh giữa Hội đồng Hành động Liên hiệp Toàn Malaya (AMCJA) và Pusat Tenaga Rakyat (PUTERA). Mặc dù một trong các tổ chức cấu thành của PUTERA khẳng định ketuanan Melayu là một "quyền lợi huyết thống dân tộc" của người Mã Lai, song PUTERA sát cánh cùng AMCJA trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi chính trị bình đẳng cho các dân tộc phi Mã Lai. Sau khi người Anh từ chối lưu ý đến liên minh PUTERA-AMCJA, họ rút khỏi các cuộc đàm phán với người Anh, sau đó phát động một tổng đình công lớn nhằm kháng nghị những điều mà họ cho là khuyết điểm của chính thể mới. Sau khi Liên bang được thành lập bất chấp sự chống đối của họ, liên minh tan rã.[21]

Trước khi liên bang hóa, các dân tộc phi Mã Lai về đại thể là không tham dự chính trị và chủ nghĩa dân tộc Malaya; họ quan tâm hơn đến chính trị của quê hương gốc của mình, chưa từng ủng hộ công khai đáng kể Liên hiệp Malaya song sự im lặng của họ là một sự ủng hộ đối với động thái này.[27] Thành viên của AMCJA hầu hết thuộc các dân tộc phi Mã Lai, song họ không đại diện cho một phần lớn của các cộng đồng phi Mã Lai tại Malaya.[28]

Một số sử gia kết luận thất bại của Liên hiệp khiến người Hoa nhận thức được sự cần thiết về đại diện chính trị. Một chính đảng vận động cho quyền lợi chính trị của người Hoa mang tên Công hội người Hoa Malaya (MCA) được thành lập ngay sau khi thành lập Liên bang.[29] Những người khác cho rằng động lực chính đằng sau sự tham gia của các dân tộc phi Mã Lai trong chính trị Malaya, và việc họ khẳng định các quyền lợi nhất định, là do sự gia tăng của số lượng người phi Mã Lai sinh tại địa phương. Báo cáo tương tự đến từ Thứ trưởng Thường trực của Bộ Thuộc địa từ trước đó rằng người phi Mã Lai sinh tại Malaya "chưa từng trông thấy lãnh thổ quê hương mình và họ yêu cầu rằng con và cháu của họ nên được đối xử công bằng."[30]

Hướng tới độc lập

[sửa | sửa mã nguồn]

Đạt được mục tiêu ban đầu, Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất xác định bản thân là một chính đảng đấu tranh vì độc lập. Đồng thời, Đảng Cộng sản Malaya (MCP) phát động nổi loạn vũ trang nhằm thiết lập một chính phủ cộng sản tại Malaya, lên đến cực điểm trong Tình trạng khẩn cấp Malaya kéo dài cho đến sau khi độc lập. Trong cuộc nổi loạn, xảy ra một sự phân chia sắc tộc rõ rệt; phản đối nổi loạn hầu như đều là người Mã Lai, trong khi người Hoa chi phối trong hàng ngũ cộng sản. Người Anh khuyến khích thành lập một Ủy ban Liên lạc Cộng đồng (CLC), gồm những thủ lĩnh hàng đầu trong giới chính khách Malaya từ các cộng đồng khác nhau, nhằm giải quyết các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sắc tộc. Đạt được thỏa hiệp trên một số vấn đề, trong đó có quyền công dân, giáo dục, dân chủ, và quyền tối thượng Mã Lai. Cuối cùng, một sự "mặc cả" giữa người Mã Lai và các dân tộc phi Mã Lai được chế định; đổi lại việc từ bỏ ketuanan Melayu, người Mã Lai sẽ được hỗ trợ trong việc thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa các cộng đồng Mã Lai và phi Mã Lai, Thành viên Ủy ban Liên lạc Cộng đồng E.E.C. Thuraisingham sau đó nói rằng, "Tôi và những người khác cho rằng người Mã Lai lạc hậu nên có được một sự đối đãi tốt hơn. Người Mã Lai cần được hỗ trợ nhằm đạt được sự cân bằng với các dân tộc phi Mã Lai nhằm tạo nên một quốc gia Malaya thống nhất trong bình đẳng."[31]

Các vấn đề tiếp tục nổi lên, nhiều thanh niên người Hoa Malaya bị cưỡng bách tòng quân nhằm chống các cuộc tấn công của cộng sản song đã tẩu thoát khỏi quốc gia; hầu hết những người tham dự tiếp nhận giáo dục tiếng Anh và không được tiếp nhận giáo dục tiếng Hoa. Đối với người Mã Lai, điều này biểu thị rằng người Hoa không có lòng trung thành đặc biệt với Malaya và hợp lý hóa ketuanan Melayu, làm tăng thêm nhận thức tương tự bắt nguồn từ sự phân chia sắc tộc rõ ràng giữa những người mạnh mẽ phản đối cộng sản và những người ủng hộ Đảng Cộng sản Malaya.[32]

Đầu thập niên 1950, Onn Ja'afar đề xuất mở rộng quyền thành viên Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất cho toàn bộ các dân tộc Malaya, và đổi tên thành Tổ chức Dân tộc Malaya Thống nhất, theo đó sẽ giảm bớt nhận thức đoàn thể là một thế lực đấu tranh cho ketuanan Melayu. Onn Ja'afar thất bại trong một cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ, và từ chức vào năm 1951 để thành lập Đảng Độc lập Malaya (IMP). Người kế nhiệm lãnh đạo Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất là Tunku Abdul Rahman nhân vật này khẳng định quyền tối thượng Mã Lai ban đầu. Ông bày tỏ lo ngại về việc các dân tộc phi Mã Lai thiếu trung thành với Malaya, yêu cầu họ làm rõ lòng trung thành của mình trước khi được ban cho quyền công dân, phát biểu: "Với những người yêu mến và cảm thấy họ có trách nhiệm hoàn toàn trung thành với quốc gia này, chúng tôi sẽ hoan nghênh họ trong vị thế người Malaya. Họ cần phải thực sự là người Malaya, và họ sẽ có các quyền lợi và đặc quyền tương tự như người Mã Lai."[33] Tuy nhiên, không lâu sau, vào năm 1952, ông có vẻ mâu thuẫn với bản thân và khẳng định rằng người Mã Lai bảo vệ vị thế đặc biệt của họ: "Malaya là của người Mã Lai và nó không nên bị quản lý bởi một sự hỗn hợp các sắc tộc."[34]

Đầu thập niên 1950, có một phong trào ly khai tích cực của người Hoa Eo biển tại Penang nhằm kích động chống ketuanan Melayu.

Trong giai đoạn này, một số người Hoa Eo biển bắt đầu quan tâm đến chính trị địa phương, đặc biệt là tại Penang, tại đây có một phong trào ly khai tích cực của người Hoa. Họ đồng cảm với người Anh nhiều hơn là với người Mã Lai, đặc biệt tức giận khi bị ám chỉ là pendatang asing ("ngoại kiều"). Họ xa lánh cả Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và Công hội người Hoa Malaya, cho rằng trong khi Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và những người cực đoan Mã Lai có ý định khoách trương đặc quyền của người Mã Lai và hạn chế quyền lợi của người Hoa, thì Công hội người Hoa Malaya lại quá "ích kỷ", và không thể dựa vào được.[35] Họ bực bội trước việc hợp nhất Các khu định cư Eo biển với Malaya, không có một cảm giác thuộc về một "Malaya cho người Mã Lai", nơi mà họ không được nhìn nhận là bumiputra (người bản địa). Một thủ lĩnh người Hoa Eo biển phẫn nộ tuyên bố, "Tôi có thể khẳng định là anak Pulau Pinang [một người con của Penang] thực chất hơn 99% người Mã Lai sống tại đây ngày nay." Do chính phủ kiên quyết bác bỏ ly khai, phong trào cuối cùng đuối dần.[36]

Một số ý kiến cho rằng các dân tộc phi Mã Lai không cảm thấy trung thành với Malaya do họ không tự nhận là dân tộc Malaya và gắn bó hoàn toàn với xuất thân văn hóa dân tộc của mình. Nhằm chống lại điều này, vào năm 1952 quyền công dân được cấp cho gần như toàn bộ những người phi Mã Lai sinh tại địa phương, và quyền công dân kép bị cấm chỉ, buộc những người phi Mã Lai lựa chọn giữa quê hương tổ tiên và Malaya.[37]

Khi Malaya chuyển dịch theo hướng tự quản, người Anh khởi xướng thể chế thành viên, theo mô hình của thể chế nội các; giống như CLC, thể chế thu hút thành viên từ các cộng đồng khác nhau, và sau đó được mô tả là thiết lập một tiền lệ cho sự chia sẻ quyền lực trong các nội các Malaya và Malaysia đa sắc tộc hậu độc lập. Đồng thời, người Anh cũng bắt đầu đặt khuôn khổ cho thể chế giáo dục quốc dân, theo đó sẽ thiết lập "một tình cảm công dân chung". Tuy nhiên, Báo cáo Barnes lại bị cộng đồng người Hoa mạnh mẽ phản đối vì "thấm đẫm chủ nghĩa dân tộc Mã Lai" và bênh vực ketuanan Melayu. Báo cáo Fenn-Wu được người Hoa ủng hộ song không được người Mã Lai tán thành. Cuối cùng, khuyến nghị trong Báo cáo Barnes về các trường quốc lập Anh ngữ được thi hành theo Sắc lệnh Giáo dục 1952, bất chấp người Hoa mạnh mẽ kháng nghị, họ lo ngại trước việc thiếu điều khoản cho các trường học bản ngữ phi Mã Lai. "Báo cáo Razak" đề nghị rằng các trường tiểu học bản ngữ sẽ được phép duy trì, song chia sẻ một khóa trình chung với các trường quốc lập. Giáo dục trung học bản ngữ sẽ không được chế tài; chỉ các trường trung học quốc lập mới được tài trợ. Cộng đồng người Hoa tích cực phản đối Báo cáo Razak, phát động một chiến dịch có tổ chức nhằm chống đối; việc Công hội người Hoa Malaya từ chối phản đối Báo cáo Razak khiến họ chịu tổn thất chính trị tại một số khu vực bầu cử của người Hoa.[38]

Nguồn gốc của ketuanan Melayu

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo nhiều sử gia, nguồn gốc gây nên xung đột sắc tộc và ketuanan Melayu là việc thiếu pha trộn giữa người Mã Lai và các dân tộc phi Mã Lai. Một ngoại lệ là người Hoa Eo biển, họ giải quyết vấn đề đồng hóa tương đối tốt, song đồng hóa diễn ra trong 600 năm bao gồm cả liên hôn. Theo Minh thực lục, các tổ tiên của người Hoa Eo biển là tặng phẩm cho Quốc vương Malacca nhằm công nhận quan hệ song phương giữa Đại MinhMalacca, và chủ quyền của người Mã Lai. Thời người Anh cai trị, hầu hết họ là các thương nhân giàu có thay vì là các lao động phổ thông và nhiều người thường xuyên nói tiếng Mã Lai, mặc y phục theo phong cách Mã Lai, và ưa thích ẩm thực Mã Lai.[39]

Chính sách giáo dục của người Anh cách ly các sắc tộc khác nhau — cung cấp giáo dục công cộng tối thiểu cho người Mã Lai, để cho các dân tộc Mã Lai tự tiến hành giáo dục mà không cung cấp trợ giúp. Người Mã Lai chủ yếu là cư dân nông thôn, họ không được khuyến khích xã hội hóa với những người phi Mã Lai có tính thành thị hơn.[40] Sự bần cùng về kinh tế của người Mã Lai đặt họ cách xa người Hoa có kinh tế tốt hơn cùng làm thổi bùng các tình cảm sắc tộc.

Yếu tố khác góp phần vào ketuanan Melayu là sự chiếm đóng của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến tranh "đánh thức một nhận thức chính trị nhiệt thành trong người Malaya bằng cách tăng cường chủ nghĩa tự trị địa phương và thù hận sắc tộc". Các chính sách của người Nhật "chính trị hóa giai cấp nông dân Mã Lai", cố ý thổi bùng chủ nghĩa dân tộc Mã Lai. Hai sử gia Mã Lai viết rằng "Các hành động thù địch của người Nhật chống người Hoa và sự đối xử có vẻ thiện chí hơn của họ với người Mã Lai khiến cộng đồng người Hoa cảm thấy bản sắc riêng biệt của họ thêm sâu sắc..." Một nhà bình luận ngoại quốc tán thành, nói rằng "Trong giai đoạn chiếm đóng... cảm tình dân tộc Mã Lai trở thành một thực tế; nó chống đối mạnh mẽ người Hoa, và khẩu hiệu tập hợp của nó là 'Malaya cho người Mã Lai'..."[41]

Liên minh-bầu cử hội đồng lập pháp liên bang 1955

[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất ủng hộ ketuanan Melayu, song họ hình thành một "Liên minh" với Công hội người Hoa Malaya và Đại hội người Ấn Malaya (MIC) để tranh cử trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Liên bang 1955. Điều này khiến nhiều người bất ngờ, do Công hội người Hoa Malaya tích cực khẳng định về quyền lợi chính trị bình đẳng cho toàn bộ công dân. Chủ tịch của đảng là Trần Trinh Lộc (陈祯禄) là một người Hoa Eo biển, song không cực đoan như những người chủ trương ly khai. Mặc dù ban đầu bị cho là một sự kết hợp vụ lợi, song Liên minh giành được 51 trong số 52 ghế. Ghế còn lại thuộc về Đảng Hồi giáo Liên Mã Lai (PMIP; sau là PAS), một đảng có cơ sở trong cộng đồng Mã Lai và mạnh mẽ tán thành ketuanan Melayu. Thất bại hoàn toàn của các đảng phi chủng tộc khiến Liên minh nhận thấy không khí chính trị không thích hợp với các đảng đa sắc tộc. Một chính phủ liên minh gồm các đảng đơn dân tộc được hình thành, trong đó các lãnh đạo đảng hiệp thương riêng nhằm dàn xếp các quyết định được nhận định sẽ ổn định hơn và phủ hợp hơn với chính trị Malaya.[42]

Trước bầu cử, Onn Ja'afar thay đổi cách tiếp cận của ông, hình thành Parti Negara sau khi IMP đại bại trước Liên minh trong bầu cử địa phương. Parti Negara tán thành các chính sách thân Mã Lai mạnh mẽ hơn, công nhận địa vị thống trị chính trị của người Mã Lai, song vẫn thất bại trong việc làm lung lay địa vị khống chế quyền lực của Liên minh. Tuy nhiên, một số cho rằng các đề xuất của Parti Negara gây ảnh hưởng tới các chính trị gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất theo hướng các chính sách thân Mã Lai triệt để hơn.[43][44] Bản thân người Anh khẳng định chỉ chuyển giao quyền lực cho một chính phủ đa sắc tộc, và Liên minh được nhận định là đáp ứng yêu cầu này.[45]

Độc lập và Malaysia

[sửa | sửa mã nguồn]

Độc lập và Hiến pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên bang Malaya chính thức độc lập từ Đế quốc Anh vào năm 1957. Hiến pháp của quốc gia mới gồm các điều khoản, như Điều 153, đảm bảo người Mã Lai có các đặc quyền nhất định, một loại đãi ngộ ưu đãi. Ủy ban Reid là cơ quan soạn thảo Hiến pháp, thế chế này phát biểu rằng Điều 153 có tính chất tạm thời, và cần phải được Quốc hội tái xét 15 năm sau độc lập.[46] Tuy vậy, trong hiến pháp không trình bày rõ ràng về điều này, cũng không làm rõ mục đích của Điều 153. Hiến pháp tuyên bố rằng toàn bộ người Malaya bình đẳng theo luật pháp, không đề cập đến "quyền tối thượng Mã Lai" hoặc bất kỳ tư tưởng nào có liên hệ với ketuanan Melayu. Quyền công dân được cấp cho bất cứ ai sinh tại Liên bang, song không được hồi tố; đây là một nhượng bộ lớn của người Mã Lai, cộng đồng từng vận động mạnh mẽ nhằm chống quyền công dân jus soli trong Liên hiệp Malaya.[47]

Trên phương diện khác, ngôn ngữ Mã LaiHồi giáo trở thành ngôn ngữ quốc gia và tôn giáo chính thức, các quân chủ Mã Lai được tại vị. Điều này được thực hiện nhằm mục đích khiến người Mã Lai được tôn trọng với vị thế cộng đồng mang tính quyết định của Malaya, và trong cách nhìn nhận của nhiều người là trao cho Malaya một bản sắc Mã Lai.[48] Một học giả cho rằng "Người Mã Lai có một cảm giác ăn sâu rằng riêng họ là người bumiputra, những người con của đất, và do vậy có quyền lợi đặc thù nhất định đối với lãnh thổ." Tunku Abdul Rahman từng nói vào năm 1964 rằng "mọi người đều hiểu rằng quốc gia này theo ngay tên của nó, truyền thống và đặc tính của nó, là Mã Lai.... Tại bất kỳ quốc gia nào khác, nơi những ngoại kiều cố gắng chi phối kinh tế và các lĩnh vực khác, cuối cùng sẽ là phản đối gay gắt từ người bản địa. Tuy nhiên, điều này không đúng với người Mã Lai. Do đó, đổi lại, họ cần phải đánh giá đúng vị thế của người Mã Lai..."[34] Có ý kiến cho rằng một dân tộc Malaysia sẽ không xuất hiện do "toàn bộ các tượng trưng quốc gia tại Malaysia đều bắt nguồn từ truyền thống Mã Lai".[49]

Hạn chế hiến pháp về quy mô các khu vực bầu cử quốc hội nông thôn sau đó được loại bỏ, tạo ra điều mà một nhà bình luận gọi là "một trụ cột gián tiếp" cho đặc quyền của người Mã Lai; do người Mã Lai tập trung tại các khu vực nông thôn, điều này gián tiếp tăng cường quyền lực chính trị của người Mã Lai. Hiến pháp nguyên bản hoàn toàn tuân theo phổ thông đầu phiếu, cải biến được tuyên bố là "trao cho mỗi người một phiếu, một số phiếu khác: được nói là không dựa trên năng lực tri thức hoặc bất thường địa lý, mà nhằm đảm bảo sự thống trị của một nhóm cụ thể."[50]

Các điều khoản hiến pháp được gọi là "Nghị trình người Mã Lai" chỉ tạo ra ít cảm tình bất mãn từ các dân tộc phi Mã Lai, mặc dù hầu hết trong số họ giành được quyền công dân và do đó về lý thuyết được bình đẳng với các công dân người Mã Lai theo hiến pháp. Điều này có thể được quy là sự chấp thuận đối với khế ước xã hội, một sử gia viết rằng: "Tại cấp thượng lưu, những người phi Mã Lai công nhận rằng người Mã Lai có địa vị chính trị cao hơn do địa vị bản địa của họ và rằng chính thể Malaysia sẽ có một đặc tính Mã Lai... Người Mã Lai sẽ được đảm bảo đa số an toàn trong cả nghị viện cấp bang và liên bang... Người Mã Lai sẽ kiểm soát các chức vụ cao nhất trong chính phủ và... các thành viên chiếm ưu thế trong nội các liên bang." Một sử gia Mã Lai viết rằng "Đổi lại người Hoa giành được nhiều hơn những điều mà người Hoa hải ngoại tại Đông Nam Á mộng tưởng — quyền công dân bình đẳng, tham gia chính trị và giữ các chức vụ công vụ, cơ hội kinh tế nguyên vẹn, khoan dung đối với các thể chế ngôn ngữ, tôn giáo, và văn hóa của họ."[51]

Một số bày tỏ bất an về Điều 153; ngay trước khi độc lập Trung Quốc báo viết rằng trong khi đặc quyền "có thể dung thứ được khi bắt đầu kiến thiết một quốc gia," song nếu "thời kỳ 'đặc quyền' không bị hạn chế, hoặc mục đích của đặc quyền không được xác định rõ ràng, thì tranh chấp không ngừng... sẽ phát sinh về sau," và kết luận rằng đặc quyền cuối cùng sẽ phân liệt thay vì thống nhất người Malaya.[52] Tuy thế, vào thời điểm độc lập, một số sử gia khẳng định "có một cảm giác chân thực về quyền công dân chung, nguyện vọng chung, và một vận mệnh chung."[53].

Hợp nhất

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1961, khi chính phủ Malaya bắt đầu thảo luận về khả năng hợp nhất với các lãnh thổ lân cận Singapore, Sabah, SarawakBrunei, các vấn đề về quan hệ quyền lực dân tộc lại nổi lên. Đề xuất "Malaysia" không bao gồm Sabah và Sarawak đã có từ hơn một thập niên; song các đàm phán trước đó không có kết quả. Bản thân người Singapore không khao khát được cai trị bởi một thế chế mà học nhận định là một chính phủ của người Mã Lai.[54] Tuy nhiên, đến năm 1961, Singapore dần tiếp thu ý tưởng về vấn đề gia nhập Malaysia, phần lớn là do tư tưởng phổ biến đương thời rằng Singapore công nghiệp hóa không thể tồn tại mà không được tiếp cận thị trường Malaya.[55]

Chính phủ Malaya không thiết tha với việc có thêm cư dân người Hoa Singapore, họ sẽ đẩy người Mã Lai xuống địa vị thiểu số trong Malaysia mới. Nhiều người Mã Lai cảm thấy rằng để mất tính chất chi phối của người Mã Lai trong quân đội và cảnh sát sẽ đặt họ vào một tình huống nguy hiếm. Cũng có lập luận rằng vị thế kinh tế thấp kém của người Mã Lai sẽ càng rõ nét khi tiếp nhận một cộng đồng người Hoa còn giàu có hơn, gây nên bất mãn lớn.[56] Người Malaya quyết định giải quyết điều này bằng cách hợp nhất với Sabah và Sarawak; cả hai đều là thuộc địa của Anh và có một lượng lớn cư dân bản địa được chính phủ nhận định là người "Mã Lai". Tuy nhiên, theo Điều 160 của Hiến pháp; hầu hết họ không phải là người Mã Lai; các cư dân bản địa chủ yếu theo thuyết vật linh hoặc Cơ Đốc giáo thay vì Hồi giáo như yêu cầu trong Hiến pháp. Nhằm giải quyết vấn đề này, chính phủ mở rộng định nghĩa chính thức của người "Mã Lai" nhằm bao gồm những cộng đồng này.[57]

Người Sabah và Sarawak không nhận thấy họ được hưởng lợi từ việc hợp nhất này. Nhiều người xem Malaya chỉ là cho người Mã Lai, một nhóm người mà họ không thuộc về. Ám ảnh về "Malaysia" — việc bao gồm cụm từ "Malay" được cho là đáng sợ — cùng với tôn giáo chính thức là Hồi giáo và ngôn ngữ chính thức là tiếng Mã Lai, tuyệt nhiên không làm dịu những lo ngại của họ về "sự thống trị Mã Lai". Đề hợp nhất, họ khẳng định người bản địa tại Sabah và Sarawak phải được trao các đặc quyền tương tự như người Mã Lai.[58]

"Malaysia của người Malaysia!"

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong bầu cử năm 1963 tại Singapore, Liên minh thách thức quyền thống trị của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) thông qua Đảng Liên minh Singapore. Các chính trị gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất tích cực vận động tại Singapore cho Đảng Liên minh Singapore, tranh luận rằng người Mã Lai Singapore bị đối xử như các công dân hạng hai dưới quyền chính phủ Đảng Hành động Nhân dân do người Hoa chi phối mặc dù bề ngoài là đa sắc tộc. Tuy nhiên, toàn bộ các ứng cử viên người Mã Lai được Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất ủng hộ đều thất cử trước Đảng Hành động Nhân dân. Các chính trị gia của Đảng Hành động Nhân dân nhìn nhận điều này là một sự phản bội thỏa thuận trước đó với Liên minh rằng hai bên không tranh cử tại Malaya và Singapore (tương ứng), do vậy họ quyết định tranh cử tại đại lục trong tổng tuyển cử năm 1964. Mặc dù Đảng Hành động Nhân dân thu hút đông quần chúng trong các cuộc tập hợp của mình, song họ chỉ giành được 1 ghế — đó là Devan Nair đại diện cho khu vực bầu cử Bangsar. Một số sử gia cho rằng do Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Công hội người Hoa Malaysia Trần Tu Tín (陈修信) kêu gọi người Hoa tránh thách thức các quyền lợi đặc thù của người Mã Lai và nguy cơ hợp nhất với Indonesia, giúp Công hội người Hoa Malaysia duy trì vị thế là "lãnh đạo không bị tranh chấp của người Hoa tại bán đảo Mã Lai.[59] Tuy thế, các lãnh đạo Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất giận dữ với Đảng Hành động Nhân dân.[60][61]

Lý Quang Diệu là lãnh đạo trong chính phủ Singapore, ông công khai phản đối ketuanan Melayu, và truyền bá tư tưởng của mình về một "Malaysia của người Malaysia".

Các vấn đề mới nhanh chóng nảy sinh. Lãnh đạo chính phủ Singapore và Đảng Hành động Nhân dân là Lý Quang Diệu tuyên bố phản đối công khai của ông với ketuanan Melayu, kêu gọi về một "Malaysia của người Malaysia" thay vì mặc nhiên Malaysia của người Mã Lai.[43] Ông lý luận rằng "Người Mã Lai bắt đầu nhập cư đến Malaysia với số lượng đáng kể chỉ từ 700 năm trước. Trong số người Mã Lai chiếm 39% cư dân Malaysia hiện nay, khoảng một phần ba là những người nhập cư tương đối gần đây như Syed Jaafar Albar, họ đến Malaya từ Indonesia ngay trước chiến tranh ở độ tuổi trên ba mươi. Do đó sẽ là sai lầm và vô lý khi cho một dân tộc cụ thể nghĩ rằng họ phù hợp hơn để được gọi là người Malaysia và rằng những người khác có thể trở thành người Malaysia chỉ nhờ ân huệ của họ."[62]

Lý Quang Diệu sau đó than thở: "Malaysia - thuộc về ai? về người Malaysia. Tuy nhiên ai là người Malaysia? Tôi hy vọng có tôi, thưa ngài Bộ trưởng. Tuy nhiên đôi khi, ngồi trong phòng này, tôi hồ nghi bản thân có được phép làm một người Malaysia hay không. Đây là hồ nghi treo trong lòng nhiều người, và... [một khi] các cảm xúc chuyển thành hành động, và người với người đấu tranh theo những ranh giới hiểu ngầm này, ngài sẽ có một kiểu chiến tranh sẽ làm phân liệt quốc gia từ trên xuống dưới và phá hủy Malaysia."[63] Tuy nhiên, có lúc Lý Quang Diệu làm cho mọi thứ tệ hơn khi có các bình luận chủng tộc. Nhiều phát biểu của ông lập lại về thành phần dân tộc của Malaysia, nhắc nhở thính giả rằng người phi Mã Lai hiện chiếm đa số, với 61% dân số so với 39% của người Mã Lai, một lần ông đặt câu hỏi "Tại sao chúng ta cần phải trở lại Singapore cũ và một lần nữa lại giáng người phi Mã Lai tại Malaya thành thiểu số?"[64] Lý Quang Diệu làm xấu đi quan hệ Đảng Hành động Nhân dân-Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất khi liên tục yêu cầu rằng chính phủ liên bang nghiêm khắc đả kích những kẻ cực đoan chủng tộc, trong đó bao gồm các nhà lãnh đạo nổi bật của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất như Syed Jaafar AlbarSyed Nasir Ismail.[65][66]

Những phát biểu của Lý Quang Diệu khiến nhiều người khó chịu, đặc biệt là các chính trị gia trong Liên minh. Trần Tu Tín gọi ông là "kẻ nhiễu loạn lớn nhất trong lịch sử Malaysia và Malaya."[67] Tunku Abdul Rahman nhận định Lý Quang Diệu có quan điểm cực đoan, trong khi các chính trị gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất khác cho rằng Lý Quang Diệu chỉ đơn giản là dùng ngôn luận nhằm để khích động người Hoa Malaysia.[68] Phát biểu của Lý Quang Diệu về điều được cho là sự nhập cư gần đây của người Mã Lai bị bài xích nghiêm khắc; Albar tuyên bố: "Nói rằng người Mã Lai nằm trong cùng loại như các sắc tộc khác là một sự lăng mạ..." Báo Malaya Merdeka của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất cảnh báo: "Nếu người Mã Lai phải chịu áp lực lớn và lợi ích của họ không được bảo vệ," họ sẽ hợp nhất Malaysia với Indonesia.[69] Đây là điều mà Tunku Abdul Rahman lo ngại nhất, đối với ông thì những người cực đoan chủng tộc không phải là những người cực đoan thực sự, đó là những người mưu cầu một "Đại Indonesia" nhằm "giáo huấn" người Hoa rằng tồn tại một đe dọa thực tế.[70]

Căng thẳng trong quan hệ chủng tộc dẫn đến các vụ náo loạn sắc tộc năm 1964 tại Singapore,[61] chính trị gia người Mã Lai trong Đảng Hành động Nhân dân là Othman Wok sau này ám chỉ đó là do những người cực đoan chủng tộc lập kế hoạch từ trước.[71] Vào năm sau các vụ náo loạn, căng thẳng tiếp tục gia tăng. Syed Jaafar Albar tuyên bố rằng "Bất kể tôi ở đâu, tôi là một người Mã Lai", Lý Quang Diệu đáp trả gay gắt: "Nếu tôi đi xung quanh và nói điều mà [ông ta] đã nói — Bất kể tôi ở đâu, tôi là một người Hoa — chúng tôi sẽ được đối đãi như thế nào? Tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục nhắc nhở nhân dân rằng tôi là một người Malaysia. Tôi đang học Bahasa Kebangsaan [tiếng Mã Lai, quốc ngữ] và tôi chấp thuận Điều 153 của Hiến pháp."[72]

Lý Quang Diệu khẳng định rằng ông không phản đối các quyền lợi đặc thù của người Mã Lai hoặc Điều 153, nói rằng: "nếu các cộng đồng nhập cư... không nhận thức vấn đề, nếu họ không thể cảm thấy điều này giống như cảm thông cho một người Mã Lai bần cùng, vậy thì có thể nói rằng rất nhanh anh ta sẽ biểu thị sự bất mãn của mình theo một cách thức rất kiên quyết và toàn bộ quốc gia sẽ rơi vào hỗn loạn."[73] Chỉ vài người trong Liên minh cho rằng tuyên bố này là nghiêm túc. Các chính trị gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất khẳng định rằng một "Malaysia của người Malaysia" bao hàm quyền bình đẳng hoàn toàn, dẫn đến thủ tiêu các đặc quyền của người Mã Lai.[74] Một bộ trưởng trong chính phủ liên bang là Senu Abdul Rahman cảm nhận việc Lý Quang Diệu đề xướng sự bình đẳng sẽ cản trở khả năng tham gia kinh tế của người Mã Lai: "Điều mà chúng ta muốn là cơ hội, cơ hội đạt được thịnh vượng kinh tế cho nhân dân chúng ta." Chỉ trích Lý Quang Diệu vì phát biểu ông tự nhiên là một người Malaysia, Senu nói: "quyền lợi mà Lý Quang Diệu có được ngày nay không từ trên trời rơi xuống. Nó được trao cho ông ta. Sao ông ta không có chút cảm xúc biết ơn với những người bản địa của quốc gia này?" Lý Quang Diệu trả lời: "Không, Tôi không được hưởng khoản đãi của bất kỳ ai. Tôi ở đây là quyền lợi của tôi. Và 61% nhân dân Malaysia có bổn phận phải bênh vực điều đó hoặc nó sẽ mất đi. Không có nó họ sẽ không có tương lai."[75] Một số người như Syed Jaafar Albar, đưa lập trường của Senu đi xa hơn và gọi người Mã Lai, với vị thế Bumiputra, như "những chủ nhà", khoản đãi của họ bị bangsa asing (ngoại kiều) hoặc orang tumpangan (người ở thuê) như Lý Quang Diệu lạm dụng. Điều này gây một phản ứng mạnh từ thành viên nội các Lâm Thụy An (林瑞安), ông khẳng định "chúng ta là cùng là chủ nhân, không có người thuê nhà, không có khách."[76][77]

Một số nhân vật đi ngược lại quan điểm chung của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất. Ismail Abdul Rahman phát biểu tại Quốc hội rằng "...cả Liên minh và Đảng Hành động Nhân dân tán thành quan điểm một Malaysia của người Malaysia," song có khác biệt trong phương pháp của họ. Ismail mô tả đặc điểm phương pháp tiếp cận của Đảng Hành động Nhân dân là "phương thức trực tiếp phi cộng đồng chủ nghĩa," trong khi Liên minh yêu cầu "hai bước. Thứ nhất là hài hòa giữa các sắc tộc; thứ hai là cuối cùng có một quốc gia phi cộng đồng chủ nghĩa." Những tuyên bố này bị Lý Quang Diệu bác bỏ vì cho là lời nói xoa dịu và không thể được thực hiện nghiêm túc trừ khi những người cực đoan chủng tộc bị kiềm chế.[78][79]

Phân tách

[sửa | sửa mã nguồn]

Lý Quang Diệu tiếp tục chiến dịch của mình, thành lập Đại hội Đoàn kết Malaysia (MSC) gồm các đảng đa sắc tộc như Đảng Hành động Nhân dân, Đảng Tiến bộ Nhân dân (PPP) và Đảng Dân chủ Liên hiệp (UDP) vào năm 1965. Trong cuộc họp toàn thể lần đầu tiên và duy nhất của MSC, một số lãnh đạo từ các đảng này phát biểu ủng hộ một Malaysia cho người Malaysia. D.R. Seenivasagam của Đảng Tiến bộ Nhân dân cáo buộc Liên minh sử dụng Điều 153 để "áp bức người phi Mã Lai", trong khi Vương Kỳ Huy (王其辉) của Đảng Nhân dân Liên hiệp Sarawak (SUPP) nói rằng "Chúng tôi nhận thấy một thái độ không khoan dung và gia tăng các dấu hiệu phủ nhận tình bình đẳng chính trị cho những người phi Mã Lai. Vì lợi ích của nước ta và bản thân chúng ta, điều này cần phải được ngưng lại... Quyền bình đẳng chính trị nên được ban cho toàn bộ những người sống tại đây và biến quốc gia này thành quê hương của họ, bất kể nguồn gốc sắc tộc của họ."[80]

Ngay sau đó, nghị viên hậu tọa của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất là Mahathir bin Mohamad công kích Lý Quang Diệu trong Quốc hội: "[người Hoa Singapore] chưa từng biết đến sự cai trị Mã Lai và không thể chịu đựng được ý tưởng rằng dân tộc mà họ từ lâu đã để dưới gót chân nay lại ở trong một vị thế cai trị họ."[81] Lý Quang Diệu đáp lại bằng một bài phát biểu không soạn sẵn bằng tiếng Mã Lai, phản đối các chính sách thân Mã Lai của chính phủ: "Đương nhiên có những triệu phú người Hoa có xe lớn và nhà lớn. Đáp án có phải là tạo ra một vài triệu phú người Mã Lai có xe lớn và nhà lớn?... Nếu chúng ta lừa dối nhân dân tin rằng họ bần cùng do họ không có các quyền lợi Mã Lai hoặc do sự phản đối của một số thành viên với quyền lợi Mã Lai, chúng ta sẽ đi đến đâu? Các bạn khiến mọi người trong làng tin rằng họ bần cùng là do chúng tôi không nói tiếng mã Lai, do chính phủ không sử dụng tiếng Mã Lai, thế là anh ta hy vọng điều thần kỳ diễn ra [khi tiếng Mã Lai trở thành quốc ngữ duy nhất]. Thời điểm tất cả chúng tôi bắt đầu nói tiếng Mã Lai, anh ta sẽ được nâng cao chất lượng sinh hoạt, và nếu điều đó không diễn ra, thì sau đó điều gì sẽ diễn ra? Trong khi đó, bất cứ khi nào có một thất bại trong các chính sách kinh tế, xã hội và giáo dục, các bạn quay lại và nói rằng, ôi, do những người Hoa, người Ấn và những người khác phản đối quyền lợi Mã Lai xấu xa. Họ không phản đối các quyền lợi Mã Lai. Người Mã Lai có quyền lợi như những công dân Malaysia trong việc đạt đến trình độ đào tạo và giáo dục mà các xã hội cạnh tranh hơn, xã hội phi Mã Lai, đã tạo ra. Đó là những gì cần phải làm, chẳng phải sao? Không phải là nuôi dưỡng họ bằng học thuyết ngu dân rằng tất cả điều họ phải làm là giành quyền lợi Mã Lai có một vài người Mã Lai đặc thù và vấn đề của họ được giải quyết."[82]

Cuối cùng Tunku Abdul Rahman chán nản với tất cả vận động chính trị và tin chắc rằng bất kỳ xung đột ngôn luận hơn nữa sẽ chỉ biến thành bạo lực, ông yêu cầu Singapore thoát ly. Singapore trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1965, Lý Quang Diệu giữ chức thủ tướng.[83] Mặc dù Điều 152 trong Hiến pháp Singapore ghi rằng người Mã Lai là "dân nguyên trú" của Singapore và yêu cầu bảo vệ đặc biệt đối với quyền lợi và đặc quyền của họ, song không định rõ bất kỳ chính sách nào nhằm bảo vệ như vậy.

Sau này, một số người đổ lỗi việc thành lập Malaysia làm củng cố ketuanan Melayu: "Đúng như Ủy ban Reid có thể từng nghi ngờ, quyền lợi của người Mã Lai được tăng cường so với tình trạng bị hao mòn trước khi Malaysia thành lập 5-6 năm dựa trên một nền tảng đối xử tổng thể bất bình đẳng" sau khi hình thành Malaysia.[84]

13 tháng 5 và Chính sách Kinh tế Mới

[sửa | sửa mã nguồn]

Vấn đề ngôn ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiến pháp xác định trì hoãn 10 năm sau độc lập trong việc thay đổi ngôn ngữ quốc gia từ tiếng Anh sang tiếng Mã Lai. Mốc dự kiến là năm 1967 tới gần, một số người Hoa bắt đầu vận động cho một chính sách ngôn ngữ tự do hơn nhằm cho phép sử dụng Quan thoại trong một số công vụ. Những người cực đoan trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và Đảng Hồi giáo Liên Malaysia đả kích họ, song Liên minh đề xuất một thỏa hiệp trong Dự luật Ngôn ngữ quốc gia mà theo đó xác định tiếng Mã Lai là ngôn ngữ chính thức, song cho phép tiếng Anh trong những hoàn cảnh nhất định và sử dụng các ngôn ngữ phi Mã Lai cho mục đích phi chính thức. Tunku Abdul Rahman mô tả điều này như "một bước đi đảm bảo hòa bình",[85] song Dự luật bị nhiều người Mã Lai chế nhạo phổ biến, họ thành lập Mặt trận Hành động Ngôn ngữ Quốc gia với hy vọng hủy bỏ hoặc sửa đổi dự luật. Địa vị lãnh dạo của Tunku Abdul Rahman cũng bị nghi ngờ công khai.[86]

13 tháng 5

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1969, một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức. Đây là lần đầu tiên các đảng đối lập có cơ sở phi Mã Lai tranh cử trên một quy mô lớn, nếu không kể Đảng Hành động Nhân dân thách thức Liên minh tại Malaysia bán đảo vào năm 1964. Hai chính đảng chính ở phe đối lập trong tổng tuyển cử năm 1969 là Đảng Hành động Dân chủ (DAP) — tổ chức kế thừa tại Malaysia của Đảng Hành động Nhân dân, được nhận định phổ biến là có căn cứ tại cộng đồng người Hoa — và Parti Gerakan Rakyat Malaysia (Gerakan), một đảng bề ngoài là đa sắc tộc dưới quyền lãnh đạo của cựu đảng viên tích cực của Công hội người Hoa Malaysia là Lâm Thương Hựu (林苍佑), và các tri thức trung lưu khác như Trần Chí Cần (陈志勤) và Syed Hussein Alatas. Cả hai đảng đều đề xuất các chính sách về ngôn ngữ, giáo dục, và quyền lợi Mã Lai hoàn toàn đối nghịch với các chính sách của chính phủ, Đảng Hành động Dân chủ tiếp tục chiến dịch "Malaysia của người Malaysia" mà Lý Quang Diệu để lại. Một số nhân vật mà hầu hết là từ Đảng Hành động Dân chủ kêu gọi trao địa vị ngôn ngữ chính thức cho tiếng Anh, Quan thoại và tiếng Tamil bên cạnh tiếng Mã Lai. Họ cũng yêu cầu hỗ trợ cao hơn của chính phủ cho tiến trình giáo dục Hoa ngữ.[87]

Trên phương diện khác, Đảng Hồi giáo Liên Malaysia nỗ lực thu hút phiếu bầu bằng cách cáo buộc Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất bán quyền lợi nguyên trú của người Mã Lai cho "pendatang asing" (ngoại kiều). Khi kết quả được công bố, Đảng Hồi giáo Liên Malaysia có được xâm nhập nhỏ, song Đảng Hành động Dân chủ và Gerakan lật đổ quyền lực của Liên minh tại ba bang, và gần như tiệt trừ đa số hai phần ba truyền thống của Liên minh trong Quốc hội.[88] Một phần lớn kết quả này bắt nguồn từ tổn thất của Công hội người Hoa Malaysia, đảng này ngay sau đó tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia trong chính phủ mới sau bầu cử, do Công hội người Hoa Malaysia không còn được ủy thác đại diện cho lợi ích của người Hoa trong chính phủ. Các cuộc tập hợp có tổ chức nhằm mừng thắng lợi của Đảng Hành động Dân chủ và Gerakan được diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur vào ngày 11 và 12 tháng 5, những người tham dự chế nhạo những người Mã Lai và mang những khẩu hiệu như "Semua Melayu kasi habis" ("Kết liễu toàn bộ bọn Mã Lai"). Một lời xin lỗi nhanh chóng được đưa ra sau các cuộc tập hợp. Tuy vậy, những người Mã Lai bị kích động trách mắng cử tri người Hoa vì phản bội "công thức Liên minh bằng cách bỏ phiếu cho một đảng đối lập, làm hồi sinh các vấn đề cơ bản về ngôn ngữ và quyền lợi đặc thù của người Mã Lai".[89]

Những người cực đoan Mã Lai hoan nghênh động thái của Công hội người Hoa Malaysia, họ cảm thấy chính phủ do Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và người Mã Lai chi phối sẽ đáp ứng tốt hơn các mục tiêu của họ.[90][91] Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất tổ chức các tập hợp riêng của mình, song nó nhanh chóng biến thành một cuộc náo loạn, vào ngày 13 tháng 5. Sự kiện này sau đó được đặt tên là "Sự kiện 13 tháng 5". Những người ủng hộ Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất tập hợp tại nhà của Harun vào tối ngày 13 tháng 5, nơi cuộc tập hợp bắt đầu theo kế hoạch, nhiều người trong số họ khua dao và các vũ khí khác. Một số nhà lãnh đạo chỉ trích "những lời lăng mạ" của "những kẻ ngoại đạo" trong các cuộc diễu hành mừng thắng lợi trước đó, kêu gọi phản tập hợp "để dạy cho người Hoa một bài học" về việc thách thức quyền tối cao của người Mã Lai. Ngay sau đó, đám đông bắt đầu tấn công những lái xe ô tô là người Hoa, và phát động các cuộc tấn công đốt phá nhằm vào nhà ở và cửa hàng của người Hoa. Náo loạn lan rộng, bất chấp việc quân đội được triệu đến, và tiếp diễn trong hai ngày khác.[92][93]

Như một kết quả của các vụ náo loạn, Quốc hội bị đình chỉ, và một tình trạng khẩn cấp được tuyên bố. Một Hội đồng Hành động Quốc gia (NOC) được thành lập nhằm giám sát quản lý quốc gia dưới tình trạng khẩn cấp. Mặc dù náo loạn sớm kết thúc, song căng thẳng tiếp tục nhen nhóm. Một cuộc tẩy chay của cộng đồng phi Mã Lai đối với các hàng hóa và dịch vụ của người Mã Lai nhận được sự ủng hộ "gần như hoàn toàn", trong khi nhiều người Mã Lai như Mahathir Mohamad và Raja Muktaruddin Daim bắt đầu kêu gọi về một chế độ chuyên quyền chỉ do Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất lãnh đạo, và loại bỏ Tunku Abdul Rahman. Theo một số nguồn, một nhóm phần tử cực đoan chủng tộc, gồm có Syed Nasir Ismail, Musa Hitam, và Tengku Razaleigh, cảm thấy rằng Hiến pháp chia sẻ quyền lực đã thất bại, và tán thành việc quốc gia được "trở lại" với người Mã Lai. Họ được cho là tán thành việc triệu tập Mahathir Mohamad đến Kula Lumpur, tại đây nhân vật này lãnh đạo chiến dịch chống Tunku Abdul Rahman của mình.[94]

Mahathir Mohamad viết một thư ngỏ đến Tunku Abdul Rahman, cáo buộc ông "trao cho người Hoa thứ mà họ yêu cầu... ông trao cho họ quá nhiều phương diện." Ngay sau đó, các sinh viên trên toàn quốc bắt đầu tổ chức các cuộc tuần hành lớn, kêu gọi Tunku Abdul Rahman từ chức và ủng hộ một lãnh đạo sẽ khôi phục "quyền tối cao Mã Lai". Bạo động lẻ tẻ nổ ra, được cho là do các địch thủ của Tunku Abdul Rahman xúi giục.[95]

Thay vì nhượng bộ các yêu cầu của họ, Tunku Abdul Rahman trục xuất Mahathir Mohamad và Musa Hitam khỏi Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất. Bộ trưởng Nội vụ Ismail Abdul Rahman cho rằng "Những kẻ cực đoan chủng tộc này tin vào một thuyết hoang dại và không tưởng về quyền thống trị tuyệt đối của một sắc tộc đối với các cộng đồng khác, bất chấp Hiến pháp.... Tình trạng phân hóa diễn ra trong chính trị Malaysia và những kẻ phân biệt chủng tộc cực độ trong đảng cầm quyền tiến hành một nỗ lực tuyệt vọng nhằm lật đổ hàng ngũ lãnh đạo hiện nay."[96]

Khốn cảnh người Mã Lai và Chính sách Kinh tế Mới

[sửa | sửa mã nguồn]

Mahathir Mohamad dành thời gian lưu vong chính trị của mình để viết The Malay Dilemma (Khốn cảnh người Mã Lai), trong đó ông tranh luận "rằng người Mã Lai là cư dân nguyên trú hoặc bản địa của Malaya và là dân tộc duy nhất có thể tuyên bố Malaya là quốc gia duy nhất của họ. Căn cứ phương thức thực tiễn được thi hành trên khắp thế giới, điều này trao cho người Mã Lai các quyền bất khả xâm phạm nhất định về các hình thức và nghĩa vụ của quyền công dân..." (đề cập đến khế ước xã hội.)[97]

Mahathir Mohamad bày tỏ bất mãn với "quá nhiều công dân phi Mã Lai, họ có thể lấn át người Mã Lai"[98] khi "...đột nhiên nhận ra rằng anh ta thậm chí không thể gọi Malaya là lãnh thổ của mình. Không tồn tại Tanah Melayu — lãnh thổ của người Mã Lai nào khác. Anh ta nay là một cá nhân khác, một người Malaysia, song một quyền uy mà người Mã Lai Malaysia sở hữu tại Malaya — lãnh thổ của họ — nay không chỉ phân hưởng với những người khác, mà còn phân hưởng bất công. Và nếu điều này chưa đủ, anh ta bị yêu cầu phải từ bỏ ngày càng nhiều lực ảnh hưởng."[99] Biện hộ của Mahathir Mohamad đối với quyền lợi Mã Lai đều tập trung vào cách lý luận "dân tộc quyết định" và tranh luận ủng hộ đãi ngộ ưu đãi.[100] Một thời gian ngắn sau khi trở thành Thủ tướng, Mahathir Mohamad phủ nhận mình thay đổi bất kỳ quan điểm nào từ khi viết cuốn sách.[101]

Mahathir Mohamad và Musa Hitam sau đó tái gia nhập Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và chính phủ dưới quyền thủ tướng thứ nhì là Tun Abdul Razak, nhân vật này thi hành Chính sách Kinh tế Mới (NEP) dựa trên một số cải cách mà trong sách của Mahathir Mohamad tán thành. Mục tiêu được công bố của NEP là loại trừ "sự đồng nhất sắc tộc với chức năng kinh tế".[102] Nhằm phục vụ mục đích này, NEP đặt mục tiêu "Bumiputra" (người Mã Lai và các dân tộc nguyên trú khác) đóng góp 30% kinh tế vào năm 1990. Điều này được gọi là "giải pháp 30 phần trăm", đặt ra "hạn ngạch Bumiputra" trên nhiều lĩnh vực, bao gồm phát hành mới cổ phần công khai trên thị trường và kế hoạch nhà ở cá nhân mới. Một vài nhà bình luận cho rằng điều này nuôi dưỡng "một thái độ gần như 'tổng bằng không', chủ yếu là giữa người Mã Lai và người Hoa".[103] Tuy nhiên, mục tiêu được công bố của NEP không phải là trực tiếp tái phân phối của cải mà là mở rộng chiếc bánh kinh tế trong khi cung cấp một tỷ lệ đóng góp lớn hơn dành cho người Mã Lai, do đó gia tăng sự tham gia của toàn bộ cư dân trong kinh tế.[104]

Nhân tố chính của NEP như được đề ra trong Kế hoạch Malaysia thứ nhì là nhằm giải quyết "thiếu cân bằng kinh tế" giữa người Hoa và người Mã Lai. Năm 1969, tỷ lệ cổ phần của người Mã Lai theo tường thuật là ở mức 1,5% trong khi người Hoa nắm giữ 22,8%; phần còn lại phần lớn nhằm trong tay ngoại quốc.[105] Một số lời dèm pha cho rằng tỷ lệ đóng góp của người Hoa trong kinh tế làm tăng chi phí của người Mã Lai, song tốc độ tăng trưởng sự bất bình đẳng diễn ra đáng kể hơn giữa những người Mã Lai giàu nhất và nghèo nhất — từ năm 1957 đến năm 1970, tỷ lệ đóng góp của 20% người Mã Lai giàu nhất trong đóng góp kinh tế chung của người Mã Lai tăng từ 42,5% lên 52,5%, trong khi 40% nghèo nhất giảm từ 19,5% xuống 12,7%.[106]

NOC ban hành một báo cáo gồm các phân tích của mình về căn nguyên của sự kiện bạo lực 13 tháng 5, cho thấy rằng ngay cả trong dịch vụ công, một lĩnh vực về truyền thống là do người Mã Lai chiếm ưu thế, số người phi Mã Lai đông hơn số người Mã Lai tại nhiều khu vực, đa số Mã Lai đáng kể chỉ trong Cảnh sát và Quân đội. Báo cáo kết luận: "Những luận điệu rằng các dân tộc phi Mã Lai bị loại trừ được người Mã Lai cho là cố ý xuyên tạc. Người Mã Lai là những người cảm thấy bị loại trừ trong sinh hoạt kinh tế quốc dân, nay bắt đầu cảm thấy một sự đe dọa đối với vị thế của họ trong dịch vụ công. Các chính trị gia phi Mã Lai chưa từng đề cập đến thái độ gần như đóng cửa với người Mã Lai của những người phi Mã Lai trong phần lớn các lĩnh vực trong khu vực tư nhân tại quốc gia này."[107]

Theo Kế hoạch Malaysia thứ hai, NEP nhằm mục đích "thiết lập một cộng đồng công thương Mã Lai" thông qua "các doanh nghiệp toàn sở hữu hoặc liên doanh". Trước đó, theo lời một nhà kinh tế địa phương, chính phủ đóng vai trò "hành chính, khuyến khích, và điều tiết" trong nỗ lực giải quyết mất cân bằng kinh tế, song tránh "thể hiện trực tiếp và tích cực xúc tiến" các lợi ích của người Mã Lai.[108] Bây giờ, chính phủ sẽ không chỉ "[hạn chế] tiếp cận của cư dân người Hoa và người Ấn với các đại học, công việc công cộng và tài sản công cộng," mà còn tích cực can thiệp vào kinh tế nhằm trao cho "[Bumiputra] mảnh lớn hơn trong hoạt động kinh doanh".[109] Một chỉ trích về sự gia tăng can thiệp này là Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất được cho là "trở thành một thế lực thụ hưởng chính khi mở rộng vai trò của nhà nước".[110]

Có nhiều chương trình đãi ngộ ưu đãi hạn chế được thi hành trước đây. Tuy nhiên, chúng chủ yếu tập trung vào dịch vụ công, theo Điều 153 trong Hiến pháp. Nhập học trong giáo dục bậc đại học phần lớn dựa trên năng lực. Chính phủ Tunku Abdul Rahman ưu tiên các chính sách tư do kinh doanh, giảm đến mức tối thiểu can thiệp kinh tế.[43] Mặc dù tồn tại một số cơ quan như Cơ quan Phát triển Công nghiệp Nông thôn (RIDA) nỗ lực hỗ trợ các doanh nhân người Mã Lai, song chương trình của họ bị chỉ trích là dựa trên bố thí và thiên vị các quan hệ chính trị. RIDA được đổi tên thành Majlis Amanah Rakyat (Hội Tín thác của cư dân bản địa) hoặc MARA vào năm 1965, và trở thành tượng trưng cho sự phát triển của doanh nhân Mã Lai.[111]

Mặc dù NEP là nhằm mục đích giải quyết mất cân bằng kinh tế, song nó nhanh chóng liên kết với ketuanan Melayu. Mặc dù hai khái niệm hiếm khi được đánh đồng trực tiếp, song chúng thường được đề cập đến cùng nhau, với ngụ ý rằng NEP được bắt nguồn từ ketuanan Melayu. Sự can thiệp lớn hơn của NEP vào kinh tế khiến một số người "đánh đồng hình tượng nhất thể của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất trong vai trò chiến sĩ không thể tranh nghị cho quyền tối cao của người Mã Lai với năng lực ứng phó của đảng với giao dịch thương nghiệp sinh lợi."[112][113][114]

Tu chính hiến pháp và các thay đổi chính sách khác

[sửa | sửa mã nguồn]
Quốc hội thông qua một số tu chính Hiến pháp ngay sau sự kiện 13 tháng 5, giới hạn tự do ngôn luận và "vi phạm" các điều khoản nhất định liên quan đến quyền lợi đặc thù của Bumiputra.

Quốc hội cuối cùng được tái triệu tập vào năm 1971. Mặc dù NEP được thông qua mà không được Quốc hội phê chuẩn, song muốn sửa đổi Hiến pháp thì cần phải được Quốc hội tán thành. Đạo luật hiến pháp (Sửa đổi) 1971 do chính phủ trình lên, cùng với một số sửa đổi trong Đạo luật Khích động nổi loạn,[115] hạn chế tự do ngôn luận trong "các vấn đề nhạy cảm" như ngôn ngữ quốc gia, quyền lợi đặc thù của người Mã Lai, các quân chủ Mã Lai, và các điều khoản về quyền công dân. Những hạn chế này cũng áp dụng cho các thành viên của Quốc hội, bác bỏ quyền miễn trừ nghị sĩ trước đây của họ. Các tu chính cũng làm rõ ý nghĩa của Điều 152, và bao gồm "bất kỳ người bản địa nào của các bang Sabah và Sarawak" theo Điều 153, mở rộng các quyền lợi nguyên chỉ thuộc về người Mã Lai cho toàn bộ Bumiputra.[116] Thêm vào đó, Yang di-Pertuan Agong (quân chủ liên bang) nay có thể chỉ thị bất kỳ đại học hoặc cao đẳng nào thi hành một hệ thống hạn ngạch dựa trên tỷ lệ nhằm chiếu cố Bumiputra. Toàn bộ các cơ sở giáo dục bậc đại học lập tức ban hành các hệ thống hạn ngạch theo lệnh của Bộ Giáo dục; một số sau đó đặt vấn đề về tính pháp lý của hành động này với lý do bản thân Quốc vương không ban hành bất kỳ chỉ thị nào.[117]

Nhằm chấm dứt tất cả điều này, sửa đổi các điều khoản đề cập đến "các vấn đề nhạy cảm" như được nêu ở trên, cũng như quy định điều khoản sửa đổi hiến pháp hữu quan, bị cấm nếu không có tán thành của Hội nghị các quân chủ. Các nghị sĩ đối lập chỉ trích mạnh mẽ, họ tuyên bố rằng nếu Quốc hội có thể bị ngăn thảo thuận các vấn đề cụ thể, thì quyến tối cao của Quốc hội đã bị phá hoại. Cũng không rõ ràng nếu việc cấm chỉ nói về "các vấn đề nhạy cảm" áp dụng đối với chính nó. Tuy thế, các điều khoản được thông qua.[116] Đạo luật An ninh nội bộ (ISA) cũng được sửa đổi vào năm 1971 nhằm nhấn mạnh "sự duy trì hài hòa liên cộng đồng", đạo luật cho phép chính phủ bắt giữ bất kỳ ai mà họ cho là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia trong một thời gian vô hạn định mà không cần tái xét tư pháp.[118]

Nhiều thay đổi gặp phải phản đối dữ dội trong Quốc hội và bên ngoài, Khi những đề xuất thay đổi được công bố lần đầu tiên, báo chí Anh cáo buộc họ sẽ "duy trì vĩnh viễn hệ thống phóng kiến thống trị xã hội Mã Lai" bằng cách "trao cho thể chế cổ xưa gồm các tiểu quân chủ lập hiến này quyền lực cản trở lạ thường". Công tác kiểm duyệt các vấn đề nhạy cảm được cho là nghịch lý khi tương phản với phát biểu của Tun Abdul Razak về "hoàn toàn nhận thức rõ rằng các vấn đề quan trọng cần phải không bị giấu diếm thêm nữa..."[119] Những chỉ trích khác cho rằng Điều 153 không khác gì một "bát cơm giấy", và thậm chí còn không bao gồm orang asli ("người bản địa") hoặc người nguyên trú trong phạm vi đặc quyền của nó, khiến động cơ của nó phần nào bị nghi ngờ.[120]

Một thay đổi chính sách quan trọng khác đến trong lĩnh vực giáo dục. Năm 1970, chính phủ xác định tiếng Mã Lai là ngôn ngữ giảng dạy trong giáo dục tiểu học, trung học và đại học, thay thế tiếng Anh. Mặc dù chính phủ tiếp tục cấp kinh phí cho các tiến trình giáo dục tiếng Hoa và tiếng Tamil, song nhiều người phi Mã Lai nhận định chính sách mới này là "phân biệt đối xử nhất" cho đến nay. Động cơ căn bản của chính phủ là điều này cung cấp cơ hội giáo dục tốt hơn cho người Mã Lai, đặc biệt là những người trước đây chuyển đổi từ các trường tiểu học và trung học Mã Lai ngữ sang các trường đại học Anh ngữ. Nó cũng lý luận rằng các học sinh đoàn kết trong một ngôn ngữ sẽ tạo ra hòa hợp sắc tộc lớn hơn, trong khi gián tiếp nhấn mạnh "tính chất Mã Lai của quốc gia".[108]

Cũng trong năm tiếng Mã Lai trở thành ngôn ngữ giảng dạy, Chính sách Dân tộc Quốc gia (NCP) đượcc ông bố. Syed Nasir Ismail mô tả các chính sách của chính phủ là nhằm tạo ra một "bản sắc Hồi giáo Bumiputra" (identiti Islam Kebumiputraan) cho người Malaysia.[121] Về bản chất, mục tiêu của NCP là cuối cùng sẽ đồng hóa các cư dân phi bản địa vào một bản sắc Malaysia bản địa. Bất chấp phản đối gay gắt từ các nhóm áp lực của người Hoa, chính phủ từ chối hủy bỏ NCP.[122] Nhằm khuyến khích đoàn kết dân tộc, Rukunegara, hoặc tư tưởng quốc gia, cũng được giới thiệu. Mặc dù bản thân Rukunegara không gồm các ám chỉ đến ketuanan Melayu hoặc khế ước xã hội, một bình luận của chính phủ đề cập rằng "vị thế của người Mã Lai và các dân tộc bản địa khác, lợi ích hợp pháp của các cộng đồng khác, và cấp quyền công dân" là những phương diện trọng yếu của Hiến pháp trong khi khẳng định: "Không công dân nào cần phải đặt câu hỏi về lòng trung thành của các công dân khác dựa trên việc họ thuộc về một cộng đồng cụ thể." Một nhà phê bình chính trị mô tả đây là một tuyên bố chính thức về khế ước xã hội hay "Racial Bargain".[123]

Chính trị và "sự thống trị Mã Lai"

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo mô hình Liên minh cũ, mỗi sắc tộc được đại diện bằng một đảng, song mô hình này bị bác bỏ bằng việc hình thành Barisan Nasional (BN, hay Mặt trận Dân tộc) vào năm 1974. Một số đảng đối lập trước đây, bao gồm Gerakan, Đảng Tiến bộ Nhân dân và Đảng Hồi giáo Liên Malaysia, gia nhập Mặt trận Dân tộc do Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất lãnh đạo. Mặc dù Công hội người Hoa Malaysia và Đại hội người Ấn Malaysia cũng tham dự, song ảnh hưởng của họ bị phai nhạt trước các đảng phi Mã Lai khác trong liên minh. Năm 1977, việc trục xuất Đảng Hồi giáo Liên Malaysia khiến Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất trở thành đảng phái Mã Lai duy nhất trong Mặt trận Dân tộc, song một số đảng bề ngoài là đa sắc tộc cũng đại diện cho người Mã Lai.[124] Sau khi rời đi, Đảng Hồi giáo Liên Malaysia chọn một cách tiếp cận khác biệt với đặc quyền Mã Lai, lên án NEP là kỳ thị sắc tộc và "phi Hồi giáo".[125]

Năm 1974, Mahathir Mohamad được bổ nhiệm làm một bộ trưởng trong nội các của Tun Razak. Ông trở thành phó thủ tướng hai năm sau đó.[126]

Trong thập niên 1970 — thời kỳ hoàng kim của NEP — "vị thế thống trị Mã Lai" là một thực tế sinh hoạt được chấp thuận trên quy mô lớn đối với người Malaysia.[126] Trong khi giai đoạn 1957-1969 được nhận định là thời gian khi "vị thế thống trị Mã Lai" ít nhất cũng bị kiềm chế bởi một hình thức "thương lượng liên sắc tộc" trong chính phủ Liên minh, thì từ sau sự kiện 13 tháng 5 trở đi, các nhà phê bình chính trị cho rằng môi trường chính trị nay nằm dưới "kiểm soát" bá chủ hiển nhiên của người Mã Lai và Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất;[127] Năm 1970, một thành viên nội các tuyên bố rằng quyền lợi đặc thù của người Mã Lai sẽ duy trì "hàng trăm năm tới".[128] Tunku Abdul Rahman nhận xét vào năm 1977 rằng "xuất hiện trong tâm trí của những người phí Bumiputra rằng họ đang bị biến thành các công dân hạng hai trong nước."[129] Các chính sách dân tộc của chính phủ dựa trên và được hợp lý hóa qua hai luận điểm cơ bản mà Mahathir Mohamad viết trong Dilemma của mình; vị thế "lịch sử" của tính ưu việt Mã Lai đối với Malaya, và "nhu cầu đặc biệt" của người Mã Lai.[130] Do thảo luận hoặc đặt câu hỏi công khai về những vấn đề này bị hình sự hóa, có ít xuất bản phẩm địa phương thảo luận phê bình về quyền tối cao Mã Lai.

Những phần tử cực đoan chủng tộc bị cáo buộc lợi dụng hỗn loạn 13 tháng 5 nay nằm trong sự kiểm soát của quốc gia. Bộ trưởng Tài chính Razaleigh được ca ngợi là "Cha của kinh tế Bumiputra".[131] Hai ngôi sao đang lên trên chính trường là Musa Hitam và Mahathir Mohamad duy trì hình ảnh của họ là các "phần tử cực đoan chủng tộc", song không rõ họ có mục đích này không. Nhà báo K. Das từng nói Musa đã kể với ông "rằng một chính trị gia Malaysia trẻ tuổi chơi quân bài sắc tộc nhằm đạt được mục đích ngay cả khi không có dù chỉ một khúc xương chauvin trong thân thể anh ta."[132] Sau khi nghỉ hưu, Musa nói rằng "các nhà lãnh đạo quốc gia có khuynh hướng tìm ra một vật tế thần khi phải đối diện với một tình huống khủng hoảng tuyệt vọng" và sử dụng chiến thuật sắc tộc nhằm lấp đầy "dạ dày trống" của họ.[133]

Đoàn Thanh niên UMNO nói riêng duy trì hình thành "cực đoan chủng tộc" của mình từ thập niên 1960. Một trong các phó chủ tịch của thể chế này cho biết trong phản ứng trước các thảo luận về việc mở các đội khác nhau trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất dựa trên tư tưởng chính trị rằng "mục tiêu ban đầu của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất là để đấu tranh cho lợi ích của chủng Mã Lai và điều này cần phải tiếp tục. Chúng tôi không muốn tư tưởng bè phái trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất."[134]

Chính phủ Mahathir

[sửa | sửa mã nguồn]

Đãi ngộ ưu đãi và người Hoa kháng nghị

[sửa | sửa mã nguồn]
Thủ tướng Mahathir Mohamad.

Các chính sách đãi ngộ ưu đãi của NEP tiếp tục dưới thời Mahathir Mohamad. Các nhà phê bình chính trị nhìn nhận chính phủ này, trong giai đoạn đầu, là một sự tiếp nối "kiểm soát bá chủ" chính trị Malaysia của người Mã Lai, mà cụ thể là Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất.[127] Trong thời gian này, Mahathir Mohamad tập trung vào củng cố quyền lực của bản thân trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và chính phủ.[135] Kết quả là ít có đối đầu tích cực giữa người Mã Lai và phi Mã Lai trong vấn đề ketuanan Melayu vào đương thời.

Năm 1981, Công hội người Hoa Malaysia đánh giá NEP và các chính sách khác của chính phủ theo một quan điểm của người Hoa. Các phát hiện khiến họ lo ngại về một số vấn đề, bao gồm điều được cho là thiếu tôn trọng quyền công dân của người Hoa Malaysia, và dịch vụ công do người Mã Lai chi phối, tuyên bố mục tiêu của NEP về việc tiệt trừ đồng nhất sắc tộc với chức năng kinh tế đã được bài trừ.[136] Thêm vào đó, họ lý luận rằng người phi Mã Lai không được đại diện đầy đủ trong Quốc hội và Nội các do sắp xếp khu vực bầu cử không công bằng; các khu bầu cử Quốc hội nông thôn mà hầu hết là cử tri Mã Lai đông hơn một cách lạ lùng so với các khu vực bầu cử đô thị, mặc dù tổng dân số các khu vực bầu cử đô thị vượt tổng dân số các khu vực bầu cử nông thôn.[137] Tuy nhiên, Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất tránh trực tiếp đối diện với Công hội người Hoa Malaysia xung quanh vấn đề.

Căng thẳng gia tăng sau tổng tuyển cử năm 1986, khi bản thân Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội, cho phép họ có thể cai trị mà không có sự ủng hộ của các đảng khác. Một số nhà lãnh đạo trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất nghiêm túc thảo luận về khả năng một mình cai trị; Abdullah Ahmad công khai tán thành quyền tối cao Mã Lai vĩnh cửu và giáng những người phi Mã Lai xuống công dân hạng hai. Những luận điệu đơn phương chủ nghĩa như vậy cuối cùng bị bỏ qua, và chính phủ Mặt trận Dân tộc được duy trì. Tuy nhiên, một số quan chức Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất cảnh cáo các đảng phi Mã Lai tránh "chơi với lửa" bằng cách đặt vấn đề về quyền lợi đặc thù và đặc quyền của người Mã Lai hoặc Hak Keistimewaan Orang Melayu. Trong đại hội cùng năm của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, Mahathir Mohamad nói rằng: "Chúng ta không muốn cướp đi của người khác các quyền lợi của họ. Nhưng cần phải khiến cho không ai cố gắng tước đoạt quyền lợi của chúng ta." Khi Quốc hội được tái triệu tập, Đảng Hành động Dân chủ bắt đầu gia tăng phản đối điều mà họ cho là phân chia người Malaysia thành "các công dân hạng nhất và hạng hai". Đáp lại, một số nghị sĩ Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất bắt đầu ám chỉ người phi Mã Lai là pendatang asing (ngoại kiều) trong Quốc hội. Khi Đảng Hành động Dân chủ nỗ lực nhằm tìm hiểu phân bổ kinh tế bằng đẳng giữa các sắc tộc nhằm đánh giá tiến triển của NEP, quy tắc nghị sự của Quốc hội được sửa đổi nhằm cấm chỉ các chất vấn như vậy. Điều này khiến cho Đảng Hành động Dân chủ cho rằng các mục tiêu của NEP đã đạt được, và rằng nó có thể được cho hết hiệu lực vào năm 1990.[138]

Một số người như nghị viên thành phố Petaling Jaya Dương Dũng Vĩ (杨勇伟) thì cho rằng Abdullah Ahmad, một phụ tá của Mahathir Mohamad, là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "ketuanan Melayu". Dương Dũng Vĩ mô tả bối cảnh mà Ahmad sử dụng nó là "một phát biểu khá lành tính và hầu hết chúng tôi có thể đã không có vấn đề gì với nó, song một số nhà lãnh đạo của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất sử dụng nó để nói về quyền tối cao của người Mã Lai cho dù họ không cần biết ý nghĩa xác thực của nó."[139]

Căng thẳng sắc tộc tiếp tục phát triển không lâu sau khi Mahathir Mohamad suýt thất bại trước Tengku Razaleigh Hamzah trong bầu cử chủ tịch Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất vào năm 1987. Khoảng thời gian này, một số hợp tác xã tín dụng (DTCs) sụp đổ, một số có liên hệ với Công hội người Hoa Malaysia. Nhằm cứu giúp các nhà đầu tư người Hoa, Công hội người Hoa Malaysia yêu cầu chính phủ bảo lãnh cho DTCs, trích dẫn một sự cứu trợ tài chính trước đó đối với các thể chế tài chính Bumiputra. Việc Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất không sẵn lòng chấp thuận yêu cầu khiến Phó Chủ tịch Công hội người Hoa Malaysia Lý Kim Sư (李金狮) cảnh cáo rằng Công hội người Hoa Malaysia có thể rời bỏ chính phủ. Trong cùng năm đó, chính phủ bổ nhiệm một vài cán bộ có học thức không phải người Hoa vào các chức vụ cấp cao trong các trường học bản ngữ tiếng Hoa. Bộ trưởng Giáo dục Anwar Ibrahim bác bỏ nhượng bộ trước kháng nghị từ Công hội người Hoa Malaysia, và tuyên bố rằng quyết định này là cuối cùng, bất chấp thỏa thuận phi chính thức trước đó vần vấn đề này giữa các cộng đồng người Mã Lai và người Hoa.[140]

Gerakan, Công hội người Hoa Malaysia và Đảng Hành động Dân chủ tổ chức các cuộc tập hợp và tẩy chay các lớp học trong các trường tiểu học Hoa ngữ nhằm kháng nghị hành động này;[141] Đoàn Thanh niên UMNO tổ chức các cuộc tập hợp riêng để chủ trương ketuanan Melayu, mang các biểu ngữ có ghi các khẩu hiệu như "thu hồi quyền công dân của những kẻ phản đối các quân chủ Mã Lai", "13 tháng 5 đã bắt đầu", và "ngâm nó [keris, một loại dao găm Mã Lai] với máu người Hoa".[142] Thủ lĩnh Đoàn Thanh niên UMNO đương thời là Najib Razak (con của Tun Razak) đe dọa tắm một keris bằng máu người Hoa.[143] Tình hình thêm căng thẳng khi trong một sự kiện không liên quan, một binh sĩ người Mã Lai chạy điên cuồng trong một khu vực có cư dân chủ yếu là người Hoa, sát hại một người và làm bị thương hai người khác.[141]

Chính phủ sau đó phát động Chiến dịch Lalang (nhổ cỏ), giam giữ 55 người theo Đạo luật An ninh nội bộ. Có thêm nhiều người bị bắt giữ trong vài tháng sau đó. Mặc dù hầu hết người bị bắt là các chính trị gia đối lập, bao gồm thủ lĩnh đối lập trong Quốc hội là Lâm Cát Tường (林吉祥), song một vài thành viên từ Mặt trận Dân tộc cũng bị bắt. Toàn bộ các chính trị gia Mặt trận Dân tộc được phóng thích sau hai tháng, trong khi những người từ phe đối lập bị giam giữ lâu hơn. Chính phủ sau đó hợp pháp hóa những vụ câu lưu này với lý do an ninh, nói rằng những người bị câu lưu lợi dụng vấn đề giáo dục Hoa ngữ nhằm kích động tình cảm sắc tộc.[144] Một số người ủng hộ của Mahathir Mohamad nhìn nhận điều này như là một chứng minh cho tính chính đáng việc ông bác bỏ "thỏa hiệp" của Tunku Abdul Rahman với những người phi Mã Lai, giáo huấn người phi Mã Lai không chỉ trích chính phủ và các chính sách thân Mã Lai.[145]

Nhiều người chỉ trích không nhìn nhận sự giải thích này là nghiêm túc. Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất đương thời ở trong khủng hoảng, phe của Mahathir Mohamad suýt thất bại trước phe của Razaleigh trong bầu cử nội bộ. Những người ủng hộ của Razaleigh đệ đơn kiện cáo buộc sai phạm trong quá trình bầu cử với khả năng thành công có vẻ là cao, sẽ kéo theo các cuộc bầu cử mới trong đảng. Trong bối cảnh này, một chính trị gia của Công hội người Hoa Malaysia cáo buộc rằng chính phủ theo đuổi một "nghị trình giấu giếm," làm trệch sự chú ý của công chúng khỏi khủng hoảng của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất bằng một "sự trệch hướng trong thi hành chính sách giáo dục Hoa ngữ." Bản thân Tunku Abdul Rahman tuyên bố rằng Mahathir Mohamad sử dụng vấn đề này để huy động người Mã Lai "như một lực lượng thống nhất trước một kẻ thù chung — và kẻ thù tưởng tượng trong trường hợp này là cộng đồng người Hoa."[146]

Cuối cùng, phe của Mahathir Mohamad "thắng" trong vụ tố tụng khi có phán quyết rằng do Đảng là một tổ chức bất hợp pháp theo Đạo luật Đoàn thể do một số chi nhánh không được chính thức đăng ký, việc thưa kiện của nguyên đơn là không hợp lệ; một đoàn thể bất hợp pháp không thể tổ chức cuộc bầu cử mới để bầu lãnh đạo của mình. Mahathir Mohamad lập tức thiết lập "UMNO (Baru)" (UMNO Mới), chuyển đổi toàn bộ tài sản của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất cũ sang đảng mới. Hầu hết những người ủng hộ của ông cũng tham gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (Baru), và cuối cùng "(Baru)" bị loại bỏ, khiến đảng này tương tự như Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất cũ trong ý đồ và mục đích. Khi Tòa án Tối cao chấp thuận nghe kháng cáo về vụ án này, chính phủ đình chỉ và sau đó cách chức Chủ tọa Salleh Abas và năm thành viên thẩm phán của Tòa án Tối cao, dẫn đến khủng hoảng hiến pháp Malaysia 1988. Tòa án Tối cao mới sau đó bác bỏ vụ kiện này.[147]

Razaleigh sau đó thành lập Đảng Semangat 46 (Tinh thần 46) nhằm thách thức chính phủ. Trong tổng tuyển cử năm 1990, ketuanan Melayu được sử dụng như một vấn đề, khi Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất cáo buộc Semangat 46, Đảng Hồi giáo Liên Malaysia, Đảng Hành động Dân chủ và các đảng đối lập khác âm mưu kết thúc quyền tối cao của người Mã Lai. Chính phủ cũng liên tục cảnh cáo rằng náo loạn 13 tháng 5 sẽ lặp lại nếu họ không duy trì đa số hai phần ba trong Quốc hội. Các quảng cáo toàn trang mô tả đổ máu và chém giết được phát hành tại các tờ báo lớn của quốc gia. Căng thẳng tăng thêm khi Tunku Abdul Rahman kêu gọi các cử tri ủng hộ Semangat 46 thay vì Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất mới, một số chính trị gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất yêu cầu rằng hiệu "Bapa Kemerdekaan" (Cha của Độc lập) của ông cần phải bị thu hồi, và tượng của ông bị loại bỏ khỏi Tòa nhà Quốc hội. Bất chấp điều này, chính phủ duy trì đa số hai phần ba trong Quốc hội, còn Semangat 46 chỉ giành được tám ghế.[148]

Tái xét và cải tạo các chính sách kinh tế

[sửa | sửa mã nguồn]

Trước khi mãn hạn NEP vào năm 1990, có nhiều tranh luận về việc có nên phục hồi, thay thế hoặc loại bỏ hoàn toàn chính sách. Chính phủ tổ chức tái xét chính thức NEP trong những năm gần đến khi mãn hạn. NEP đối diện với một số chỉ trích trong suốt thời gian tồn tại của nó, hầu hết liên quan đến tham nhũng chính trị và những sự thiếu khả năng khác.

Một điểm tranh luận là tính toán sự công bằng đối với người Mã Lai. Mặc dù về chính thức, tính đến năm 1992, người Mã Lai kiểm soát 18% kinh tế, song một số người bác bỏ số liệu này vì cho rằng nó sai lầm. Họ lý luận rằng trên thực tế, phần lớn số lượng này gồm vốn sở hữu của các cơ quan chính phủ, do đó thuộc về toàn thể người Malaysia.[149] Việc thi hành các hợp đồng công cộng chủ yếu được trao cho người Bumiputra được lý luận là đã giết chết năng lực của người Mã Lai do tạo cho họ ít động lực để cải tiến. Nhiều nhà thầu người Mã Lai chuyển các hợp đồng phụ trong công việc của họ cho những người khác, và trong một số trường hợp là cho người Hoa; các dàn xếp "Ali Baba" mà theo đó "người Mã Lai [Ali] sử dụng đặc quyền của mình để có được các đăng ký và cấp phép nguyên không dành cho người phi Mã Lai, sau đó nhận một khoản phí trong vai trò môi giới trong khi người phi Mã Lai [Baba] vận hành kinh doanh," là hiện tượng phổ biến. Một số đề xuất rằng NEP "có thể có kết quả, nếu người Mã Lai thực sự muốn nắm vững cách thức làm việc. Song thường là không phải, anh ta chỉ muốn trở nên giàu có."[150]

Một số nói rằng việc giải ngân các cổ phiếu thiên vị theo liên kết chính trị, nhiều người trong số họ lập tức bán cổ phần theo giá thị trường, thu được tiền chênh lệch thay vì nắm giữ và gia tăng tỷ lệ sở hữu của người Mã Lai như điều mà NEP hướng tới. Mặc dù NEP nỗ lực thiết lập một tầng lớp các triệu phú người Mã Lai, song nó bị cáo buộc chủ yếu là nhằm phục vụ thân tín, lợi ích chỉ dành cho các liên kết chính trị.[151] Một số người tán thành, song cũng lập luận phản đối hành động; một chính trị gia từ Đảng Hồi giáo Liên Malaysia nói rằng: "Người Mã Lai không muốn công bằng tác động đến lợi ích của họ."[152] Một số nhà bình luận khác cho rằng gần như hầu hết các lợi ích khi thi hành NEP đổ dồn về liên kết chính trị, chính phủ có ý định để chúng "chảy xuống cho quần chúng Mã Lai", và cũng nhằm tạo ra những phú ông mới nổi người Mã Lai nhằm cung cấp "các mô hình vai trò thầu khoán" cho những người Mã Lai khác.[109]

Trong thập niên 1980, quan tâm tiếp tục phát triển về vấn đề phân biệt đối xử trong các thể chể giáo dục bậc đại học. Đương thời, Bộ trưởng Giáo dục phát biểu trước Quốc hội về "bất mãn" và "thất vọng" trong người phi Mã Lai về việc "giảm cơ hội" đối với giáo dục bậc đại học.[153] Đến năm 1997, Bộ trưởng Giáo dục Najib Tun Razak bảo vệ các hạn ngạch là điều cần thiết, tuyên bố rằng chỉ còn 5% tổng sinh viên địa phương theo học là người Mã Lai nếu các hạn ngạch bị bãi bỏ.[154]

Chỉ trích khác là NEP và các đãi ngộ ưu đãi khác trên thực tế làm giảm lòng tự tin của người Mã Lai, mặc dù ý định của Mahathir Mohamad khi kiến thiết một giai cấp kinh doanh Mã Lai là nhằm trở thành các mô hình mẫu cho những người Mã Lai bần cùng. Một nhà báo người Mã Lai phát biểu: "[Theo Chính sách Kinh tế Mới này, không bao giờ có người Bumiputra nào có thể đảm bảo rằng 'các thành công' như vậy đến với mình là hoàn toàn xứng đáng."[155] NEP cũng bị chỉ trích vì tìm cách cải thiện đóng góp tổng thể của người Mã Lai trong kinh tế, dù rằng một số lượng nhỏ người Mã Lai đã nắm giữ phần đóng góp này.[156] Một số nguồn cáo buộc NEP là quá mạnh tay trong cách thức tiếp cận của họ đối với đãi ngộ ưu đãi, việc duy trì nó đã "tước đi tư cách của người phi Mã Lai trong cơ hội giáo dục bậc đại học và thăng tiến công việc" và buộc nhiều người phi Mã Lai di cư.[157] Điều này kết hợp với các cảm giác rằng NEP tham nhũng và có liên kết với ketuanan Melayu, dẫn đến "oán hận sâu sắc", đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa.[158] NEP bị chỉ trích là "đặt những người Malaysia này ở vị thế rất vinh dự khi họ ở trên những người còn lại, cấp cho họ những ưu đãi của NEP," trong khi "phân chia người Malaysia thành các công dân hạng nhất và hạng hai".[159]

Năm 1990, Chính sách Phát triển Quốc gia (NDP) thay thế cho NEP, nó duy trì hầu hết các chính sách thời NEP. Tỷ lệ đóng góp của người Mã Lai trong kinh tế dù lớn hơn đáng kể song chưa đến gần mục tiêu 30% theo số liệu của chính phủ. Khi tái xét NEP, chính phủ thấy rằng mặc dù bất bình đẳng thu nhập đã giảm, song một số mục tiêu quan trọng liên quan đến quyền sở hữu tổng thể của các công ty Mã Lai chưa đạt được. Cả Mahathir Mohamad và Tunku Abdul Rahman bày tỏ lo ngại rằng người Mã Lai vẫn quá phụ thuộc người Hoa về kinh tế.[160][161]

Tuyên bố rằng NEP làm chậm tăng trưởng kinh tế bị bác bỏ; rằng NEP nỗ lực nhằm ngăn ngừa náo loạn sắc tộc thêm nữa, và náo loạn là điều sẽ gây thiệt hại đến tăng trưởng kinh tế hơn là NEP. NEP cũng được biện hộ do tạo ra một tầng lớp trung lưu Mã Lai và nâng cao chất lượng sinh hoạt mà không làm tổn hại đến đóng góp của những người phi Bumiputra trong kinh tế theo số liệu tuyệt đối; thống kê biểu thị rằng tầng lớp trung lưu người Hoa và người Ấn cũng tăng trưởng khi thi hành NEP, dù không nhiều như người Mã Lai. Về tổng thể, tỷ lệ nghèo của người Malaysia giảm từ 50% khi độc lập xuống 7%. Cũng có lập luận rằng các định kiến dân tộc phần lớn bị dập tắt do thành công của NEP trong việc thiết lập một tầng lớp thượng lưu người Mã Lai. Mặc dù nhiều mục tiêu của NEP được NDP tái khởi động, song chính sách mới có vẻ phục vụ mục đích hướng nhiều hơn đến duy trì thịnh vượng và sáng tạo, trái ngược với tái phân phối giản đơn.[109][162][163] Tuy thế, nhiều chính sách từ thời kỳ NEP được giữ lại theo NDP, NDP mãn hạn vào năm 2020.[164]

Bangsa Malaysia và tự do hóa chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong thập niên 1990, Mahathir Mohamad và Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất công khai đổi thái độ trong các chính sách văn hóa của chính phủ, với việc hình thành các kế hoạch Wawasan 2020 (Viễn cảnh 2020) và Bangsa Malaysia (Dân tộc Malaysia). Mahathir nói rõ một trở ngại trong việc đưa Malaysia thành một quốc gia phát triển vào năm 2020 là: "thác thức trong việc thiết lập một xã hội thành thục, tự do và khoan dung mà trong đó người Malaysia thuộc mọi màu da và tín ngưỡng được tự do thi hành và bày tỏ các phong tục, văn hóa và đức tin tôn giáo nhưng cảm nhận rằng họ thuộc về một quốc gia." Mahathir đề xuất thiết lập "một Bangsa Malaysia với lòng trung thành chính trị và cống hiến cho quốc gia". Sau chiến thắng trong tổng tuyển cử năm 1995, Mahathir nói chi tiết hơn: "Bangsa Malaysia nghĩa là những người có thể đồng cảm bản thân với quốc gia, nói Bahasa Malaysia (tiếng Malaysia hoặc tiếng Mã Lai) và chấp thuận Hiến pháp."[165]

Mahathir Mohamad sau đó giải thích rằng "Ý tưởng trước đây là mọị người cần phải trở thành người Mã Lai 100% để trở thành người Malaysia. Chúng ta nay chấp thuận rằng đây là một quốc gia đa sắc tộc. Chúng ta cần xây những cây cầu thay vì cố loại bỏ hoàn toàn các chướng ngại chia tách chúng ta." Một sự thay đổi đáng kể như vậy được các cộng đồng phi Mã Lai hiểu là một "rút lại toàn bộ" các chính sách trước đó nhấn mạnh đồng hóa người phi Mã Lai. Chính phủ tiến hành các biện pháp nhằm nhấn mạnh thay đổi này, giảm sự nhấn mạnh về việc tiếng Mã Lai là ngôn ngữ chính thức duy nhất bằng việc cho phép các đại học địa phương sử dụng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy trong các môn học nhất định. Các chứng chỉ của Học viện Tunku Abdul Rahman do Công hội người Hoa Malaysia tài trợ và người Hoa chiếm đa số được chính phủ chính thức công nhận đối với công việc trong dịch vụ công.[166] Lần đầu tiên các tôn giáo ngoài Hồi giáo được phát trên đài phát thanh và truyền hình quốc doanh, song không được phép khuyên thính giả nhập đạo.[167] Múa sư tử truyền thống của người Hoa từng bị cấm trong nhiều thập niên, nay không chỉ được phép trình diễn mà thậm chí Mahathir Mohamad và các quan chức chính phủ cấp cao khác cũng tham dự.[168]

Mặc dù kinh tế Malaysia tăng trưởng đáng kể vào đầu thập niên 1990, song các nhà bình luận cho rằng các chính sách tự do của Mahathir Mohamad đã đóng một vị thế quan trọng trong tính đại chúng của ông và đại thắng của Mặt trận Dân tộc trong tổng tuyển cử năm 1995. Một nhà bình luận viết rằng "Hầu hết người Malaysia có thể không nhớ tới một thời gian thịnh vượng hơn hay ít phản kháng liên sắc tộc hơn. ... Chỉ riêng các chỉ số kinh tế sẽ không thu được sự hãnh diện mà người Malaysia đã nhận thấy, có lẽ là lần đầu tiên, trong thân phận người Malaysia."[169]

Lâm Cát Tường quy thất bại của phe đối lập cho chủ nghĩa tự do của Mahathir Mohamad và việc chính phủ chấp thuận lập trường của Đảng Hành động Dân chủ về các vấn đề như "ngôn ngữ, văn hóa và giáo dục". Tuy nhiên, một số người nghi ngờ về sự chân thành của Mahathir Mohamad. Một quan chức Đoàn Thanh niên UMNO cho rằng "hành động linh hoạt của chính phủ Barisan ... chỉ thể hiện rằng chúng ta đang hưởng thụ trình độ tối cao của tính khoan dung, nó thuần túy dựa trên mức độ tin tưởng liên quan đến vị thế chính trị và kinh tế của người Mã Lai. Chúng ta phân hưởng quyền lực chính trị với người Hoa. Nay họ cần tăng cường sự ủng hộ chính trị của bản thân từ cộng đồng của họ, phục vụ các quan tâm chính của người Hoa là điều hết sức quan trọng đối với họ. Do vậy, sao chúng ta không cho phép điều đó? Chúng ta có thể ... đạt được tình thế cùng thắng. Điều này thuần túy là động thái chính trị. ... Tương tự như Đoàn Thanh niên UMNO chúng ta thường được nhận định là một đoàn thể chính trị rất chủng tộc chủ nghĩa đấu tranh cho các lợi ích của người Mã Lai. ... Tuy nhiên, những nghị trình mà chúng ta đã hoàn thành, như Hồi giáo, Bahasa Melayu [tiếng Mã Lai] và địa vị đặc thù của người Mã Lai, không nên bị nghi ngờ trong bất kỳ hoàn cảnh nào do đây là những vấn đề hết sức nhạy cảm."[170]

Phần cuối của thập niên 1990, các chính sách của chính phủ được nới lỏng nhằm chiến đấu với Khủng hoảng tài chính châu Á bằng cách khuyến khích đầu tư nước ngoài. Năm 1999, một đảng đối lập mới được thành lập mang tên Đảng Công chính Nhân dân (PKR) với sự ủng hộ bởi cựu phó thủ tướng của Mahathir Mohamad là Anwar Ibrahim dẫn đến một sự hồi sinh các cảnh cáo "13 tháng 5". Tuy nhiên, chính phủ duy trì thế đa số trong Quốc hội.[171] Năm 2003, Mahathir Mohamad chính thức từ chức thủ tướng, người kế nhiệm là Abdullah Ahmad Badawi.

Abdullah Ahmad Badawi, chế độ nhân tài, và ketuanan Melayu

[sửa | sửa mã nguồn]

Một thủ tướng mới

[sửa | sửa mã nguồn]
Sau khi Abdullah Ahmad Badawi kế nhiệm Mahathir trong vai trò thủ tướng Malaysia, Ketuanan Melayu được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường trung học quốc lập.

Trước khi Abdullah nhậm chức năm 2003, mặc dù ketuanan Melayu từng được một vài lãnh đạo Mã Lai nổi bật phát biểu, song nó chưa có danh xưng tương thích. Khoảng thời gian này, thuật ngữ "ketuanan Melayu" — "tuan" trong tiếng Mã Lai nghĩa là "quân vương" hoặc "chủ nhân" — được sử dụng phổ biến, thậm chí tiến vào chương trình giảng dạy trung học quốc lập.[172] Giáo sư xã hội học từ Đại học Quốc gia Malaysia Norani Othman từng nói rằng tên gọi gợi lên "khái niệm nô dịch hóa," do "Trong ngôn ngữ Mã Lai cổ, từ 'ketuanan' ngụ ý quyền chiếm hữu đối với các tù nhân, đó là một khái niệm tiền phong kiến cách xa năm 1957, 1963 và ngày nay."[139]

Một sách giáo khoa lịch sử trung học quốc lập phát hành năm 2004 bởi công ty phát hành quốc doanh Dewan Bahasa dan Pustaka định nghĩa ketuanan Melayu là:

Semangat cinta akan apa saja yang berkaitan dengan bangsa Melayu seperti hak politik, bahasa, kebudayaan, warisan, adat istiadat dan tanah air. Semenanjung Tanah Melayu dianggap sebagai tanah pusaka orang Melayu.[173]

Dịch:

Một cảm xúc mạnh mẽ đối với tất cả sự vật có liên quan đến chủng tộc Mã Lai, như quyền lợi chính trị, ngôn ngữ, văn hóa, di sản, truyền thống và tổ quốc. Bán đảo Mã Lai được nhận định là lãnh thổ của người Mã Lai theo quyền huyết thống.

Năm 2003, Trưởng ban thông tin của Đoàn Thanh niên UMNO là Azimi Daim phát biểu: "Tại Malaysia, mọi người đều biết rằng người Mã Lai là chủ nhân của lãnh thổ này. Chúng tôi cai trị quốc gia này như được quy định trong hiến pháp liên bang. Bất kỳ ai đả động đến các sự vụ của người Mã Lai hoặc chí trích người Mã Lai là [mạo phạm] tính nhạy cảm của chúng tôi."[174]

Mặc dù những người đề xướng khái niệm tuyên bố rằng ketuanan Melayu trực tiếp bắt nguồn từ Điều 153 trong hiến pháp, Ủy ban Reid từng soạn thảo một khuôn khố cho Hiến pháp đã tuyên bố rằng các quy định về đặc quyền của người Mã Lai có tính chất tạm thời, và cuối cùng bị bãi bỏ, viện dẫn lý do duy nhất cho sự tồn tại của chúng là truyền thống và nhu cầu kinh tế trong việc có một hình thức đãi ngộ ưu đãi với người Mã Lai. Mặc dù vậy, những người thách thức ketuanan Melayu hoặc "quyền lợi Mã Lai" vẫn thường xuyên bị chê trách, đặc biệt là từ các chính trị gia trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất.[46] Nhiều chính trị gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất tiếp tục ám chỉ những người phi Mã Lai là "orang pendatang" hoặc "pendatang asing" (dân nhập cư ngoại quốc).

Chế độ nhân tài

[sửa | sửa mã nguồn]

Trước khi rời nhiệm sở, Mahathir Mohamad chỉ trích những người Mã Lai dựa dẫm vào các đặc quyền của họ. Abdullah tiếp tục điều này, cảnh cáo người Mã Lai phải học cách sống mà không cần gậy chống hoặc kết thúc trong xe lăn.[175] Chính phủ của ông bắt đầu thi hành chế độ nhân tài, điều mà Mahathir Mohamad dự kiến đề xuất, và hạn ngạch nhập học đại học được bãi bỏ. Tuy nhiên, một số người cáo buộc rằng điều này không tiệt trừ phân biệt đối xử trong giáo dục. Khóa trình tiền đại học chia làm hai; một khóa trình chuẩn bị cho sinh viên trong khảo thí tiêu chuẩn hóa Sijil Tinggi Persekolahan Malaysia, kéo dài trong hai năm, khóa trình còn lại gồm các hình thức tuyển sinh khác nhau do cá nhân các giảng viên phân hạng, thường kéo dài một năm.

Những người chỉ trích bác bỏ chế độ nhân tài giống như một sự giả bộ, cho rằng nó không công bằng khi nhận định hai khóa trình tương đương đối với mục đích nhập học. Mặc dù bề ngoài là cởi mở với người phi Bumiputra, song những người chỉ trích cho rằng hầu hết những người trúng tuyển là người Mã Lai.[176][177]

Trước đây, tính hợp hiến của các khóa trình tuyển sinh chỉ cho người Mã Lai hoặc Bumiputra bị đặt vấn đề, do Điều 153 được sửa đổi nghiêm cấm từ chối nhập học của học sinh chỉ dựa trên cơ sở sắc tộc.[153] Do vậy, các khóa trình tuyển sinh được mở cửa đối với những người phi Bumiputra. Tuy nhiên, một số thành viên Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất nhận định chế độ nhân tài quá khắc nghiệt đối với các học sinh Mã Lai tại nông thôn, họ có địa vị bất lợi so với các đồng môn tại đô thị, và kêu gọi khôi phục hạn ngạch nhằm tránh một "sân chơi không công bằng".[178]

Trong đại hội năm 2004 của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, Phó chủ tịch thường trực Badruddin Amiruldin vẫy một cuốn sách về Sự kiện 13 tháng 5, cảnh cáo: "58 năm trôi qua chúng ta có một thỏa thuận với các sắc tộc khác, trong đó chúng ta cho phép họ menumpang [cư trú tạm thời] trên lãnh thổ này.... Để không bao giờ có ai trong các sắc tộc khác nghi ngờ về quyền lợi của người Mã Lai trên lãnh thổ này. Đừng đặt câu hỏi về tôn giáo, do điều này là quyền của tôi trên lãnh thổ này." Bộ trưởng Giáo dục bậc đại học Shafie Salleh cũng tuyên bố trong đại hội rằng người phi Bumiputra sẽ không bao giờ được phép nhập học Đại học Công nghệ MARA (UiTM), trường này chỉ dành cho Bumiputra: "Tôi sẽ không thỏa hiệp về vấn đề này."[174][179]

Trong đại hội vào năm sau, Bộ trưởng Giáo dục và người đứng đầu Đoàn Thanh niên UMNO là Hishammuddin Hussein vung keris trong khi kêu gọi khôi phục NEP với vị thế là bộ phận của Chính sách Phát triển Quốc gia (NDP) mà Mahathir Mohamad khởi xướng. Theo Hishammuddin, keris tượng trưng cho vị thế của Đoàn Thanh niên UMNO trong đấu tranh cho chủng tộc Mã Lai. Trong khi đó, cấp phó của ông là Khairy Jamaluddin tranh luận về sự hồi sinh của NEP theo hình thức một thực thể riêng biệt mang tên Nghị trình Quốc gia Mới (NNA).[180] Hishammuddin sau đó mô tả keris như một "biểu tượng đoàn kết", nói rằng "thanh niên ngày này không còn nhìn nhận là như một tượng trưng cho việc tán thành ketuanan Melayu."[181]

"Chính trị sắc tộc"

[sửa | sửa mã nguồn]

Nửa cuối năm 2005, các chính trị gia người Hoa trong chính phủ đề xướng vấn đề hiến pháp. Lâm Kính Ích (林敬益) của Gerakan yêu cầu tái xét khế ước xã hội để xác định Bangsa Malaysia có thể đạt được hay không.[182] Lâm Kính Ích bị nhiều chính trị gia Mã Lai nổi bật chỉ trích nghiêm khắc, trong đó có Khairy Jamaluddin và Ahmad Shabery Cheek. Báo chí tiếng Mã Lai vốn chủ yếu thuộc sở hữu của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, cũng chạy các bài viết lên án nghi ngờ khế ước xã hội.[183] Lâm Kính Ích trả lời: "Làm sao các ông mong đợi người phi Mã Lai dốc trái tim và linh hồn của họ cho quốc gia, và đến một ngày chết vì nó nếu các ông vẫn lặp lại về điều này? Vẫy quốc kỳ và hát 'Negaraku' (quốc ca) là những nghi thức, trong khi tình yêu thực chất đối với quốc gia nằm trong tim."[182]

Một năm trước đó, Abdullah nói rằng "khía cạnh quan trọng" nhất của khế ước xã hội là "người bản địa đồng ý cấp quyền công dân cho những người Hoa và Ấn nhập cư". Tuy nhiên, Abdullah tiếp tục nói rằng thuộc tính quốc gia chuyển biến đến mức "các công dân người Hoa và người Ấn có thể gọi đó là quốc gia của họ,"[184] phát biểu phần lớn không được để ý. Cuối cùng, Lâm Kính Ích nói rằng báo chí Mã Lai phóng đại phát biểu của ông và trích dẫn sai lời của ông. Vấn đề kết thúc khi Chủ tịch Đoàn Thanh niên UMNO Hishammuddin Hussein cảnh cáo mọi người không "đem vấn đề ra một lần nữa do nó đã được thỏa thuận trước đây, được đánh giá, lý giải và chứng thực bởi Hiến pháp."[185]

Trong tháng 1 năm 2006, chính phủ công bố một chiến dịch nhận thức Rukunegara. Thông tấn xã của chính phủ là BERNAMA trích dẫn lời Tunku phát biểu vào năm 1986 rằng "Người Mã Lai không chỉ là người bản địa mà còn là chủ nhân của quốc gia này và không ai có thể tranh luận thực tế này". Các điều khoản trong Hiến pháp đề cập đến tôn gáo quốc gia là Hồi giáo, quân chủ, địa vị của tiếng Mã Lai là ngôn ngữ quốc gia, và quyền lợi đặc thù của người Mã Lai được mô tả "giải thích rõ ràng thừa nhận và nhận thức rằng người Mã Lai là 'pribumi' [người bản địa] nguyên trú trên lãnh thổ này." BERNAMA viết rằng tăng cường mới đối với Rukunegara là để ngăn ngừa nghi ngờ về khế ước xã hội, trong đó "quyết định về cực tính chính trị và vị thế xã hội-kinh tế của người Malaysia".[186]

Sau đó, một cuộc khảo sát người Malaysia cho thấy rằng 55% số người trả lời đồng ý rằng các chính trị gia nên "bị khiển trách vì phân chia nhân dân bằng cách vận dụng chính trị sắc tộc". Mukhriz Mahathir bảo vệ các hành động của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất do các cách biệt kinh tế, khẳng định rằng "Chừng nào điều đó vẫn còn, sẽ luôn có người đấu tranh với mỗi chủng tộc để cân bằng mọi thứ." Shahrir Abdul Samad thuộc Mặt trận Dân tộc lập luận rằng các chính trị gia chỉ đơn giản là phản ứng trước "một quốc gia... bị phân chia trong các sắc tộc khác nhau," hỏi rằng, "nếu các ông thảo luận về sự vụ của người Mã Lai trước cộng đồng Mã Lai, nó có phải là vận dụng chính trị sắc tộc?" Chủ tịch của Đảng Tiến bộ Nhân dân là M. Kayveas bất đồng: "Mỗi 12 tháng, các đảng lại quay về mục tiêu đấu tranh chủng tộc đơn nhất của họ, và đến lúc kết thúc đại hội, khi tổng tuyển cử tới, chúng ta mới đàm luận về 'Bangsa Malaysia'."[187]

Phản ánh môi trường bất tín nhiệm và các chính sách chủng tộc chủ nghĩa tại cả Singapore và Malaysia (tại Singapore, các chính sách bị cáo buộc là thân Hoa),[188] Lý Quang Diệu gây nên một cuộc tranh luận khác trong tháng 9 về vị thế của ưu việt của người Mã Lai trong chính trị Malaysia, nói rằng người Hoa "bị gạt ra lề có hệ thống" tại cả Malaysia và Indonesia. Kết quả là sự cố ngoại giao, Lý Quang Diệu sau đó phủ nhận sự duyên biên hóa này bắt nguồn từ các chính trị gia trong chính phủ Malaysia, ông đưa ra lời xin lỗi cho những nhận xét của mình và cũng cố biện hộ cho nó. Abdullah biểu thị rằng ông không hài lòng với điều mà ông gọi là một "lời xin lỗi hạn chế", song chính phủ Malaysia chấp thuận nó.[189][190][191]

Tháng sau đó, một tranh luận nổi lên sau khi Viện Nghiên cứu Chiến lược và Lãnh đạo châu Á (ASLI) phát hành một báo cáo tính toán rằng phần đóng góp của Bumiputra là 45%, một khác biệt rõ rệt so với số liệu chính thức là 18,9%, con số được các chính trị gia sử dụng nhằm duy trì hoặc khôi phục NEP. Một nhà phân tích địa phương cho rằng "Nếu phần đóng góp của Bumiputra là 45%, thì chắc chắn câu hỏi tiếp theo là tại sao cần có những quyền lợi Bumiputera? Điều này có quan hệ mật thiết đối với chính sách của chính phủ và nó (loại bỏ quyền lợi người bản địa) là một điều mà Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất sẽ không chấp thuận vào hiện thời." Phương pháp học của báo cáo bị chỉ trích do sử dụng giá trị thị trường thay vì giá trị danh nghĩa để tính toán phần đóng góp, và giới hạn phạm vi trong 1000 công ty niêm yết công khai. Nó cũng tính các công ty có liên hệ với chính phủ (GLCs) là các công ty thuộc sở hữu của Bumiputra.[192] Tuy nhiên, một số người chỉ trích chính phủ, lý luận rằng giá trị danh nghĩa không phản ánh chính xác giá trị của các doanh nghiệp được nghiên cứu, và tuyên bố rằng một bộ phận đóng góp của GLCs nên được nhận định là thuộc sở hữu Bumiputra.[193] Báo cáo sau đó được rút lại, song tranh cãi tiếp tục sau khi một hãng truyền thông độc lập trích dẫn một nghiên cứu theo phương pháp học của chính phủ theo đó biểu thị đóng góp của Bumiputra vượt mốc 30% vào năm 1997.[194]

Trong cùng tháng, thống đốc Johor Abdul Ghani Othman chỉ trích các chính sách Bangsa Malaysia và "chế độ nhân tài". Ghani miêu tả Bangsa Malaysia là một mối đe dọa đối với người Mã Lai và vị thế theo hiến pháp của họ, cho rằng nó cũng có thể "đe dọa tính ổn định quốc gia". Ghani khẳng định rằng chính sách "phải được áp dụng trong bối cảnh... với người Mã Lai giữ vị thế sắc tộc trung tâm" mô tả chế độ nhân tài là một "hình thức phân biệt đối xử và đàn áp" do học sinh Mã Lai tại nông thôn không thẻ cạnh tranh với các đồng môn tại đô thị.[195] Một vài bộ trưởng liên bang chỉ trích Ghani, một người nói rằng Bangsa Malaysia "không có quan hệ với một sắc tộc được trao cho một vị thế trung tâm so với những người khác", và những người khác lập luận rằng "Nó không động chạm đến các quyền lợi của Bumiputera hoặc các cộng đồng khác."[196]

Trong tháng 10 năm 2007, Lý Quang Diệu lại gây thêm tranh luận sau khi đề xuất rằng "Nếu họ (Malaysia) bằng lòng cung cấp giáo dục công bằng cho người Hoa và người Ấn, sử dụng và đối đãi họ như những công dân của mình, họ có thể ngang bằng với chúng tôi (Singapore) và thậm chí khá hơn chúng tôi và chúng tôi sẽ vui lòng tái gia nhập họ." Trưởng ban thông tin Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất Muhammad Muhammad Taib trả lời, phát biểu trước báo chí rằng Malaysia thi hành các chính sách nhằm giúp đỡ người Mã Lai vốn chịu thiệt thòi về kinh tế, thay vì bỏ mặc họ như Singapore thực hiện, rằng tại một thời điểm người Mã Lai sẽ phải cạnh tranh trên một sân chơi hoàn toàn bình đẳng với những người Malaysia khác.[197]

Phân lưu chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong tổng tuyển cử năm 2008, Mặt trận Dân tộc lần đầu tiên không đạt đa số tuyệt đối quá 2/3 trong Dewan Rakyat, có nghĩa họ không còn có thể sửa đổi hiến pháp mà không cần sự ủng hộ của các đảng đối lập. Kết quả bầu cử được nhận định là phản ánh bất mãn về tình trạng kinh tế của quốc gia và gia tăng căng thẳng sắc tộc trong nước; ba đảng đối lập chính vận động dựa trên một nền tảng chỉ trích NEP và phản ứng của chính phủ trước bất bình đẳng kinh tế mở rộng. Tháng sau đó, Thế tử của bang Kelantan là Tengku Faris Petra phát biểu rằng do người Mã Lai đã cấp quyền công dân những người phi Mã Lai, họ không nên tìm kiếm sự bình đẳng hoặc đối đãi đặc biệt.[198] Trong phát biểu của mình, thế tử cũng kêu gọi người Mã Lai đoàn kết nhằm đảm bảo chủ quyền và quyền tối cao của người Mã Lai được duy trì.[199]

Cựu phó chủ tịch Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và cựu Phó thủ tướng Anwar Ibrahim là thủ lĩnh Đảng Công chính Nhân dân, đảng này trở thành đảng lớn thứ nhì trong Quốc hội sau tổng tuyển cử năm 2008, và ông cũng là thủ lĩnh trên thực tế của liên minh Pakatan Rakyat, lựa chọn bác bỏ ketuanan Melayu để ủng hộ "ketuanan rakyat" (quyền tối cao của nhân dân). Tháng 4 năm 2008, ông phát biểu với các ký giả: "Chúng tôi ở đây để chống lại chiến dịch tuyên truyền đại quy mô của các lãnh đạo Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, những người nói về quyền tối cao của người Mã Lai. Và đưa ra câu trả lời dứt khoát rõ ràng để đáp lại điều này, để nói rằng điều chúng tôi muốn, điều chúng tôi yêu cầu là một Malaysia mới, là quyền tối cao cho toàn bộ người Malaysia."[200] Sau đó, phu nhân của ông là Chủ tịch Đảng Công chính Nhân dân Wan Azizah Wan Ismail phát biểu với báo chỉ rằng "chúng ta không nên tiếp tục đàm luận về quyền tối cao Mã Lai hoặc bài xích một chủng tộc nào đó, đó không phải là điều nhân dân muốn thấy," kêu gọi thay vào đó hãy chấp nhận ketuanan rakyat.[201]

Không lâu sau, Hishammuddin xin lỗi vì hành động vung dao keris tại ba đại hội thường niên trước đó của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, nói rằng ông lấy làm tiếc "nếu nó ảnh hưởng đến những người phi Mã Lai". Ông từ chối bình luận về việc liệu ông có lặp lại hành động này trong tương lai hay không.[202] Lời xin lỗi có điều kiện của ông gặp phải chỉ trích gay gắt từ bên trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất; một hãng truyền thông mô tả phản ứng như sau: "cảm nghĩ trong nhiều người trong đảng là người Hoa và người Ấn đã phản bội Mặt trận Dân tộc khi họ bỏ phiếu cho Pakatan Rakyat. Đây là sự tổn thương, là sự tức giận. Vậy tại sao Hishammuddin lại quá quan tâm đến việc người phi Mã Lai nghĩ gì về hành động vung keris?" Nhiều người cảm thấy rằng bản thân hành động xin lỗi đe dọa đến quyền tối cao Mã Lai.[203] Abdullah hoan nghênh lời xin lỗi, nói điều này là thông minh và "nói rõ với người phi Mã Lai vị thế quan trọng của keris có trong cộng đồng Mã Lai".[204] Phản ứng trước các nghi ngờ về giảm bớt quyền tối cao Mã Lai hậu bầu cử, ông nói rằng:

Vì vậy khi chúng tôi nói về (quyền tối cao Mã Lai), chúng tôi muốn nói chúng tôi cần phải thành công trong nhiều lĩnh vực. Nó không bao giờ có nghĩa là thống trị những người khác, hoặc buộc quyền lực của họ dựa vào chúng tôi... Chúng tôi không chuẩn bị trở thành một chủng tộc thống trị những người khác. Chúng tôi muốn trở thành một đảng đại diện cho người Mã Lai và sẵn sàng hợp tác cho tương lai của người Mã Lai và nhân dân, do người Mã Lai cũng sẽ thành công khi toàn bộ người Malaysia thành công.... Đó là quyền tối cao Mã Lai và tôi hy vọng nhân dân sẽ hiểu điều đó.[205]

Bộ trưởng Thông tin Ahmad Shabery Cheek khẳng định rằng ketuanan Melayu không hàm ý một quan hệ chủ nhân-nô lệ theo bất kỳ ý nghĩa nào giữa người Mã Lai và phi Mã Lai. Thay vào đó, nó ám chỉ thể chế các quân chủ Mã Lai, những người từng là "chủ nhân", song từ bỏ quyền tối cao của họ khi hiến pháp liên bang được thông qua khi độc lập. Shabery trích dẫn Điều 182 trong Hiến pháp, theo đó trao một số miễn trừ pháp lý nhất định cho vương thất, như một ví dụ về quyền tối cao Mã Lai.[206] Tuy nhiên, một số thành viên nổi bật trong hàng ngũ vương thất như Quân chủ Perlis và cực Quân chủ liên bang Sirajuddin tự chỉ trích ketuanan Melayu; vào đầu năm 2009, Raja nói rằng "Tại Malaysia, mọi sắc tộc là tuan [chủ nhân]... Tôi tin rằng nếu bất kỳ ai hiểu rằng mọi cá nhân thuộc về một chủng tộc, không nên bị tước đoạt quyền lợi của họ, vậy thì có thể ngưng lại nỗ lực của các đảng nhất định nghĩ rằng quyền tối cao hoặc quyền lợi chỉ nên được trao cho một chủng tộc cụ thể."[207]

Cuối năm 2009, Nội các quyết định thay đổi khóa trình của các chương trình Biro Tata Negara (Cục Giáo dục công dân quốc gia), là điều bắt buộc với các công chức học sinh và sử dụng ngân quỹ quốc gia. Nhiều người, đặc biệt là các chính trị gia đến từ Pakatan Rakyat, trước đó chỉ trích các chương trình của BTN là tuyên truyền cho ketuanan Melayu; với lý do này, chính phủ bang Selangor (PKR lãnh đạo) cấm chỉ các công chức của mình và học sinh tham dự các khóa học BTN.[208] Một số bộ trưởng và Cựu thủ tướng Mahathir Mohamad bảo vệ BTN là điều cần thiết để thầm nhuần những người tham dự các giá trị của kỷ luật và trung thực, phủ nhận chúng có bất kỳ liên quan gì đến ketuanan Melayu.[209] Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Nazri Aziz khẳng định Nội các có quyền yêu cầu biến đổi trong BTN, gọi Mahathir Mohamad là một người chủng tộc chủ nghĩa và nói rằng:

Họ đều biết đại cương của khóa trình ra sao vậy thì sao chúng ta phủ nhận được nó? Bạn muốn lừa gạt? Bạn khiến mọi người buồn cười. Tôi muốn nói có những người tham dự các khóa trình xong người ta cảm thấy rất tức giận. Có nhiều thí dụ sử dụng các từ như ketuanan Melayu. Điều này thật lố bịch...[208]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Ooi Keat Gin (2008). Historical Dictionary of Malaysia. The Scarecrow Press, Inc. tr. 154. ISBN 0-8108-5955-6.
  2. ^ K.Das (1987). Malay Dominance? The Abdullah Rubric. K Das Ink. tr. 34. ISBN 978-0-9679999-0-6.
  3. ^ Ye, Lin-Sheng (2003). The Chinese Dilemma, pp. 26–27. East West Publishing. ISBN 0-9751646-1-9.
  4. ^ Hwang, In-Won (2003). Personalized Politics: The Malaysian State under Mahathir, p. 24. Institute of Southeast Asian Studies. ISBN 981-230-185-2.
  5. ^ Kratoska, Paul H., ed. Honorable Intentions: Talk on the British Empire in Southeast Asia Delivered at the Royal Colonial Institute, 1874-1928. Singapore: Oxford University Press,1983 (introduction)
  6. ^ Keith, Patrick (2005). Ousted!, p. 140. Media Masters. ISBN 981-05-3865-0.
  7. ^ Roff, W.R. (1974). The Origins of Malay Nationalism, pp. 114, 118. Penerbit Universiti Malaya. No ISBN available.
  8. ^ Hirschman, Charles "The Making of Race in Colonial Malaya: Political Economy and Racial Ideology." Sociological Forum, Vol. 1, No. 2 (Spring, 1986), 330-361.Lee, Edwin. The British as Rulers: Governing Multiracial Singapore, 1867-1914. Singapore: Singapore University Press, National University of Singapore, 1991.Nonini, Donald M. British Colonial Rule and the Resistance of the Malay Peasantry, 1900-1957, New Haven: Yale University Southeast Asia Studies, 1992.Rahim, Lily. The Singapore Dilemma: The Political and Educational Marginality of the Malay Community. New York: Oxford University Press, 1998. Hussein Alatas, Syed. The Myth of the Lazy Native: A Study of the Image of the Malays, Filipinos and Javanese From the 16th to 20th century and Its Function in the Ideology of Colonial Capitalism. London: Frank Cass, 1977, Ch 12. 116-17
  9. ^ Roff, pp. 109–110.
  10. ^ a b Roff, pp. 110–111.
  11. ^ Thomas Metcalf, "Empire Recentered: India in the Indian Ocean Arena," in Colonialism and the Modern World: Selected Studies, eds. Gregory Blue, Martin Bunton, and Ralph Crozier (Armonk NY: M.E. Sharpe, 2002), 31.
  12. ^ Abdullah, Asma & Pedersen, Paul B. (2003). Understanding Multicultural Malaysia, p. 44. Pearson Malaysia. ISBN 983-2639-21-2.
  13. ^ Rashid, Rehman (1993). A Malaysian Journey, p. 28. Self-published. ISBN 983-99819-1-9.
  14. ^ Swettenham, Frank. British Malaya: An Account of the Origin and Progress of British Influence in Malaya. By Sir Frank Swettenham, K.C. M. G. Late Governor of the Straits Colony. London: John Lane Co., 1900. (pg 232-4).
  15. ^ Roff, pp. 207–210.
  16. ^ Abdullah & Pedersen, p. 20.
  17. ^ Hickling, R.H. (1991). Essays in Malaysian Law, pp. 51–52. Pelanduk Publications. ISBN 967-978-385-5.
  18. ^ Roff, pp. 235–236.
  19. ^ Hwang, p. 37.
  20. ^ Ongkili, James P. (1985). Nation-building in Malaysia 1946–1974, p. 42. Oxford University Press. ISBN 0-19-582681-7.
  21. ^ a b Ongkili, pp. 59–66, 73.
  22. ^ Ongkili, p. 47.
  23. ^ Ongkili, p. 50.
  24. ^ Hwang, p. 38.
  25. ^ Hwang, p. 39.
  26. ^ Hickling, p. 87.
  27. ^ Jawan, Jayum A. (2003). Malaysian Politics & Government, p. 37. Karisma Publications. ISBN 983-195-037-2.
  28. ^ Ongkili, p. 68.
  29. ^ Ye, p. 34.
  30. ^ Hwang, p. 25.
  31. ^ Ongkili, pp. 82–84.
  32. ^ Ongkili, p. 84.
  33. ^ Putra, Tunku Abdul Rahman (1986). Political Awakening, pp. 30, 31. Pelanduk Publications. ISBN 967-978-136-4.
  34. ^ a b Josey, Alex (1980). Lee Kuan Yew: The Crucial Years, pp. 83–84. Times Books International. ISBN 981-204-448-5.
  35. ^ Sopiee, Mohamed Noordin (1976). From Malayan Union to Singapore Separation: Political Unification in the Malaysia Region 1945 – 65, pp. 77 – 78. Penerbit Universiti Malaya. No ISBN available.
  36. ^ Sopiee, pp. 61–62, 69.
  37. ^ Ongkili, pp. 88–90.
  38. ^ Ongkili, pp. 90–91, 107–111.
  39. ^ Hwang, pp. 25–26.
  40. ^ Hwang, pp. 30–31.
  41. ^ Hwang, pp. 34–35.
  42. ^ Keith, pp. 31–33.
  43. ^ a b c Lee, Hock Guan (2001). "Political Parties and the Politics of Citizenship and Ethnicity in Peninsular Malay(si)a, 1957-1968" Lưu trữ 2006-01-18 tại Wayback Machine. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2006.
  44. ^ Ongkili, pp. 94–97.
  45. ^ Keith, pp. 142–143.
  46. ^ a b Ooi, Jeff (2005). "Social Contract: 'Utusan got the context wrong'"[liên kết hỏng]. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2005. Được lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2005 tại Wayback Machine
  47. ^ Ongkili, p. 113.
  48. ^ Milne, R.S. & Mauzy, Diane K. (1999). Malaysian Politics under Mahathir, p. 34. Routledge. ISBN 0-415-17143-1.
  49. ^ Hwang, p. 49.
  50. ^ Hickling, pp. 69, 166, 229.
  51. ^ Hwang, p. 67.
  52. ^ Hickling, p. 179.
  53. ^ Hickling, p. 95.
  54. ^ Sopiee, p. 102.
  55. ^ Sopiee, p. 146.
  56. ^ Keith, p. 21.
  57. ^ Sopiee, p. 144.
  58. ^ Sopiee, p. 150.
  59. ^ Keith, p. 149.
  60. ^ Goh, Cheng Teik (1994). Malaysia: Beyond Communal Politics, pp. 36–37. Pelanduk Publications. ISBN 967-978-475-4.
  61. ^ a b Goh, Jenny (ngày 23 tháng 7 năm 1997). "Small spark can create big mess"[liên kết hỏng]. Straits Times. Được lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2006 tại Wayback Machine
  62. ^ Ye, p. 143.
  63. ^ Keith, pp. 115–116.
  64. ^ Sopiee, p. 204.
  65. ^ Sopiee, p. 194.
  66. ^ Keith, p. 118.
  67. ^ "'Impossible to co-operate with Singapore while Lee is Premier'" Lưu trữ 2005-03-10 tại Wayback Machine. (ngày 2 tháng 6 năm 1965). Straits Times.
  68. ^ Khaw, Ambrose (1998). "This man is making too much noise" Lưu trữ 2006-05-22 tại Wayback Machine. Truy cập 11 tháng 11 năm 2005.
  69. ^ Keith, p. 124.
  70. ^ Keith, pp. 66–67.
  71. ^ Veloo, Ravi (ngày 25 tháng 1 năm 1997). "Othman Wok on race relations" Lưu trữ 2015-05-02 tại Wayback Machine. Straits Times.
  72. ^ Keith, p. 128.
  73. ^ Lee, Kuan Yew (1998). The Singapore Story, p. 598. Marshall Cavendish Editions. ISBN 981-204-983-5.
  74. ^ Keith, pp. 72–73, 121.
  75. ^ Keith, pp. 179–181.
  76. ^ Lee, p. 620.
  77. ^ Keith, p. 115.
  78. ^ Ongkili, p. 211.
  79. ^ Josey, pp. 269–270.
  80. ^ Lee, pp. 616–617.
  81. ^ Keith, pp. 128–129.
  82. ^ Lee, pp. 612–613.
  83. ^ Ooi, Jeff (2005). "Perils of the sitting duck"[liên kết hỏng]. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2005. Được lưu trữ ngày 25 tháng 11 năm 2005 tại Wayback Machine
  84. ^ Hickling, p. 160.
  85. ^ Hwang, pp. 66–67.
  86. ^ Hwang, p. 71.
  87. ^ Hwang, p. 74, 89.
  88. ^ Hwang, p. 75.
  89. ^ Hwang, pp. 77–78.
  90. ^ Khoo, Boo Teik (1995). Paradoxes of Mahathirism, p. 22. Oxford University Press. ISBN 967-65-3094-8.
  91. ^ Maidin, Zainuddin (1994). The Other Side of Mahathir, pp. 19–21. Utusan Publications & Distributors. ISBN 967-61-0486-8.
  92. ^ Kamarudin, Raja Petra (2000). "A Reporter's Account of an Interview With Tunku Abdul Rahman On 13 May Incident"[liên kết hỏng]. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2006. Được lưu trữ ngày 15 tháng 6 năm 2006 tại Wayback Machine
  93. ^ Means, pp. 6–7.
  94. ^ Von Vorys, Karl (1975). Democracy without Consensus: Communalism and Political Stability in Malaysia, p. 317. Princeton University Press. ISBN 0-691-07571-9.
  95. ^ Means, pp. 8–9.
  96. ^ Means, p. 10.
  97. ^ Mohamad, Mahathir bin (1970). The Malay Dilemma, p. 133. Times Books International. ISBN 981-204-355-1.
  98. ^ Mohamad, p. 31.
  99. ^ Mohamad, p. 121.
  100. ^ Mohamad, p. 76.
  101. ^ Khoo, p. 25.
  102. ^ Musa, M. Bakri (1999). The Malay Dilemma Revisited, p. 113. Merantau Publishers. ISBN 1-58348-367-5.
  103. ^ Khoo, p. 105.
  104. ^ Musa, p. 115.
  105. ^ Hwang, p. 80.
  106. ^ Hilley, John (2001). Malaysia: Mahathirism, Hegemony and the New Opposition, p. 33. Zed Books. ISBN 1-85649-918-9.
  107. ^ Ongkili, p. 221–222.
  108. ^ a b Hwang, p. 113.
  109. ^ a b c Abdullah & Pedersen, p. 53.
  110. ^ Hwang, p. 114.
  111. ^ Musa, pp. 97–100.
  112. ^ Kamarudin, Raja Petra (ngày 1 tháng 8 năm 2005). Umno’s relevance lies in Ketuanan Melayu[liên kết hỏng]. Malaysia Today. Được lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2006 tại Wayback Machine
  113. ^ Kamarudin, Raja Petra (ngày 26 tháng 9 năm 2005). Article 153 of Malaysia’s Federal Constitution[liên kết hỏng]. Malaysia Today. Được lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2006 tại Wayback Machine
  114. ^ Mohamad, Maznah (1999). "Can UMNO Survive?" Lưu trữ 2012-04-15 tại Wayback Machine. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2006.
  115. ^ Khoo, p. 108.
  116. ^ a b Khoo, p. 104– 106.
  117. ^ Trinidade, F.A. & Lee, H.P. (eds., 1986). The Constitution of Malaysia: Further Perspectives and Developments, pp. 48–49. Penerbit Fajar Bakti. ISBN 967-65-0030-5.
  118. ^ Khoo, p. 107.
  119. ^ Emery, Fred (ngày 8 tháng 11 năm 1969). "Malaysia unity call against a background of fear", p. 7. The Times.
  120. ^ Hickling, pp. 74–75.
  121. ^ b. Maaruf, Shaharuddin (1984). Concept of a Hero in Malay Society, p. 122. Eastern Universities Press. ISBN 9971-71-204-0.
  122. ^ Hilley, p. 129.
  123. ^ Means, p. 13.
  124. ^ Hwang, pp. 115, 117.
  125. ^ Musa, p. 81.
  126. ^ a b Khoo, p. 35.
  127. ^ a b Hwang, pp. 10–11.
  128. ^ Lim, Kit Siang (1978). Time Bombs in Malaysia, p. 218 (2nd ed.). Democratic Action Party. No ISBN available.
  129. ^ Hickling, p. 181.
  130. ^ Ye, pp. 34–35.
  131. ^ Khoo, p. 49.
  132. ^ Khoo, p. 24.
  133. ^ Hwang, p. 145.
  134. ^ b. Maaruf, p. 121.
  135. ^ Hwang, pp. 134–135.
  136. ^ Tan, Koon Swan (1982). Introduction. In Federal Territory MCA Liaison Committee (Ed.), Malaysian Chinese, pp. vii–xi. Eastern Universities Press. No ISBN available.
  137. ^ Yeoh, Michael Oon Kheng (1982). The Politics of Under-Representation. In Federal Territory MCA Liaison Committee (Ed.), Malaysian Chinese, pp. 61–71. Eastern Universities Press. No ISBN available.
  138. ^ Means, pp. 187–189.
  139. ^ a b Razak, Aidila (ngày 12 tháng 12 năm 2009). “Forum speakers flay 'Ketuanan Melayu'. Malaysiakini. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2010.
  140. ^ Hwang, pp. 149–150, 153.
  141. ^ a b Hwang, p. 151.
  142. ^ Lim, Kit Siang (2000). "GPMS' extremist demands - a prelude to escalation of ethnic tensions to justify another Operation Lalang mass crackdown to shore up Mahathir and UMNO's tottering position?". Truy cập 21 tháng 12 năm 2005.
  143. ^ Raja Petra Kamarudin "Umno's relevance lies in Ketuanan Melayu" Lưu trữ 2006-02-18 tại Wayback Machine. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2012
  144. ^ Hwang, pp. 151–152.
  145. ^ Maidin, pp. 179–180.
  146. ^ Hwang, pp. 153–154.
  147. ^ Hwang, pp. 161–162, 164–165, 168–169.
  148. ^ Hwang, pp. 186, 192–194, 205.
  149. ^ Musa, pp. 217–218.
  150. ^ Rashid, pp. 134–135.
  151. ^ Musa, pp. 178, 180, 181–182, 187, 259, 261.
  152. ^ b. Maaruf, p. 58.
  153. ^ a b Trinidade & Lee, p. 50.
  154. ^ Musa, p. 182.
  155. ^ Rashid, p. 99.
  156. ^ Bennet, Abang (2005). "UMNO: A threat to national prosperity" Lưu trữ 2006-01-04 tại Wayback Machine. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2005.
  157. ^ Abdullah & Pedersen, p. 56.
  158. ^ Branegan, Jay (ngày 20 tháng 8 năm 1990). A Working Racial Bias Lưu trữ 2003-10-17 tại Wayback Machine. TIME.
  159. ^ Rashid, pp. 98, 135.
  160. ^ Maidin, pp. 252–253.
  161. ^ Putra, pp. 97–99.
  162. ^ Ye pp. 85, 92, 94, 156.
  163. ^ Milne & Mauzy, pp. 72–74.
  164. ^ Musa, p. 113.
  165. ^ Hwang, pp. 245–246.
  166. ^ Hwang, pp. 246–247, 248–249, 250.
  167. ^ Milne & Mauzy, p. 96.
  168. ^ Hwang, p. 249.
  169. ^ Hilley, p. 65.
  170. ^ Hwang, pp. 209, 258.
  171. ^ Kamarudin, Raja Petra. "An Analysis of Malaysia's 1999 Tenth General Elections". Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2006.
  172. ^ Lim, Guan Eng (2005). "'Merdeka' Constitution Driving Force Towards National Unity"[liên kết hỏng]. Truy cập 19 tháng 2 năm 2006. Được lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2007 tại Wayback Machine
  173. ^ Adam, Ramlah binti, Samuri, Abdul Hakim bin & Fadzil, Muslimin bin (2004). Sejarah Tingkatan 3, p. 45. Dewan Bahasa dan Pustaka. ISBN 983-62-8285-8.
  174. ^ a b Gatsiounis, Ioannis (ngày 2 tháng 10 năm 2004). "Abdullah stirs a hornets' nest" Lưu trữ 2011-08-04 tại Wayback Machine. Asia Times.
  175. ^ Badawi, Abdullah Ahmad (2004)."Moving Forward — Towards Excellence". Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2005. Lưu trữ 2007-09-12 tại Wayback Machine
  176. ^ Yeoh, Oon (ngày 4 tháng 6 năm 2004). "Meritocracy: The truth must be well told" Lưu trữ 2005-03-16 tại Wayback Machine. The Sun.
  177. ^ Lim, Guan Eng (2004). "Will qualified non-bumi students be sacrificed by Shafie for his defeat in UMNO?"[liên kết hỏng]. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2005. Được lưu trữ ngày 7 tháng 9 năm 2005 tại Wayback Machine
  178. ^ "Johor Umno Says Meritocracy A Form Of Discrimination". (ngày 9 tháng 7 năm 2005). BERNAMA.
  179. ^ Noor, Farish A. (2005). From Majapahit to Putrajaya: Searching for Another Malaysia, p. 241. Silver Fish Books. ISBN 983-3221-05-X.
  180. ^ Kumar, R. Surenthira & Yusop, Husna (ngày 29 tháng 7 năm 2005). Rebranding the NEP Lưu trữ 2008-12-08 tại Wayback Machine. The Sun.
  181. ^ Hishammuddin: Keris is a unifying symbol[liên kết hỏng]. (ngày 27 tháng 8 năm 2006). New Straits Times. Được lưu trữ ngày 2 tháng 9 năm 2006 tại Wayback Machine
  182. ^ a b Ooi, Jeff (2005). “New controversy: Social Contract and Bangsa Malaysia”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2005. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2005.
  183. ^ Yusoff, Marzuki & Samah, Nazeri Nong (ngày 14 tháng 8 năm 2005). "Kontrak sosial: Kenyataan Keng Yaik bercanggah Perlembagaan Persekutuan" Lưu trữ 2005-11-18 tại Wayback Machine. Utusan Malaysia.
  184. ^ Badawi, Abdullah Ahmad (2004). "The Challenges of Multireligious, Multiethnic and Multicultural Societies"[liên kết hỏng]. Truy cập 12 tháng 11 năm 2005. Được lưu trữ ngày 25 tháng 2 năm 2006 tại Wayback Machine
  185. ^ "Don't Raise Social Contract Issue, Umno Youth Chief Warns". (ngày 15 tháng 8 năm 2005). BERNAMA.
  186. ^ Ramly, Rosliwaty (ngày 25 tháng 1 năm 2006). Appreciating The Rukun Negara Lưu trữ 2007-03-24 tại Wayback Machine. BERNAMA.
  187. ^ "Racial politics. And so, who's to blame?", p. 12. (ngày 21 tháng 3 năm 2006). New Straits Times.
  188. ^ Rahim, Lily. The Singapore Dilemma: The Political and Educational Marginality of the Malay Community. New York: Oxford University Press, 1998, et al.
  189. ^ Lau, Leslie (ngày 25 tháng 9 năm 2006). Chinese Malaysians are marginalised: DAP[liên kết hỏng]. Straits Times. Được lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2007 tại Wayback Machine
  190. ^ Ahmad, Reme (ngày 4 tháng 10 năm 2006). Reply gets prominent play in Malaysian media[liên kết hỏng]. Straits Times. Được lưu trữ ngày 8 tháng 11 năm 2006 tại Wayback Machine
  191. ^ Umno and Mca accept MM's 'apology'[liên kết hỏng]. (ngày 4 tháng 10 năm 2006). BERNAMA. Được lưu trữ ngày 8 tháng 11 năm 2006 tại Wayback Machine
  192. ^ Ahmad, Abdul Razak & Chow, Kum Hor (ngày 22 tháng 10 năm 2006). "The nation's economic pie in perspective", pp. 20–21. New Sunday Times.
  193. ^ Ooi, Jeff (2006). "Equity share: Is race-based methodology relevant?" Lưu trữ 2006-11-08 tại Wayback Machine. Truy cập 5 tháng 11 năm 2006.
  194. ^ Beh, Lih Yi (ngày 1 tháng 11 năm 2006). Bumi equity hit NEP target 10 years ago. Malaysiakini.
  195. ^ Nambiar, Ravi & Nadzmi, Siti Nurbaiyah (ngày 6 tháng 11 năm 2006). "Ghani: Bangsa Malaysia is rojak and unacceptable"[liên kết hỏng], p. 10. New Straits Times. Được lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2007 tại Wayback Machine
  196. ^ "'Rejection of concept affects integration efforts'", p. 7. (ngày 7 tháng 11 năm 2006). New Straits Times.
  197. ^ Hong, Carolyn (ngày 13 tháng 10 năm 2007). “Flap over MM's remarks on non-Malays”. The Straits Times. Malaysia Today. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2007.
  198. ^ Ong, Andrew (ngày 12 tháng 4 năm 2008). “Tengku Faris: Non-Malays should not seek equality”. Malaysiakini. Malaysiakini. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2008.
  199. ^ “TENGKU MAHKOTA OF KELANTAN CALLS FOR MALAY UNITY”. Bernama. Yahoo! Malaysia News. ngày 13 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2008.[liên kết hỏng]
  200. ^ Madzlan, Azreen (ngày 15 tháng 4 năm 2008). “Kampung Baru hails 'Ketuanan Rakyat'. Malaysiakini. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2008.
  201. ^ Kong, See Hoh` (ngày 24 tháng 4 năm 2008). “PKR to champion for 'Ketuanan Rakyat'. The Sun. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2008.
  202. ^ Chan, Kok Leong (ngày 25 tháng 4 năm 2008). “Hisham apologises for keris act”. Malaysiakini. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2008.
  203. ^ “Keris apology fans unrest in divided Umno”. The Malaysian Insider. ngày 28 tháng 4 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2008.
  204. ^ “Keris apology fans unrest in divided Umno Let's put keris issue to rest, says PM”. The Malaysian Insider. ngày 29 tháng 4 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2008.
  205. ^ Ritikos, Jane; Manjit Kaur (ngày 29 tháng 4 năm 2008). “Pak Lah explains meaning of 'ketuanan Melayu'. The Star. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2008.
  206. ^ “Don't bring politics into Malay supremacy issue, says Ahmad Shabery”. The Malaysian Insider. ngày 9 tháng 5 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2008.
  207. ^ “Equal rights for all Malaysians, says Perlis ruler”. New Straits Times. ngày 6 tháng 3 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2019. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2009.
  208. ^ a b Abdullah Sani, Asrul Hadi (ngày 7 tháng 12 năm 2009). “Nazri calls Dr M a racist for defending BTN”. The Malaysian Insider. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2009.
  209. ^ Mustafa Kamal, Shazwan (ngày 7 tháng 12 năm 2009). “Dr M says criticisms against BTN an 'exaggeration'. The Malaysian Insider. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2009.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • James Chin. (2009) The Malaysian Chinese Dilemma: The Never Ending Policy (NEP), Chinese Southern Diaspora Studies, Vol 3, 2009
  • Abdullah, Asma & Pedersen, Paul B. (2003). Understanding Multicultural Malaysia. Pearson Malaysia. ISBN 983-2639-21-2.
  • Adam, Ramlah binti, Samuri, Abdul Hakim bin & Fadzil, Muslimin bin (2004). Sejarah Tingkatan 3. Dewan Bahasa dan Pustaka. ISBN 983-62-8285-8.
  • Goh, Cheng Teik (1994). Malaysia: Beyond Communal Politics. Pelanduk Publications. ISBN 967-978-475-4.
  • Hickling, R.H. (1991). Essays in Malaysian Law. Pelanduk Publications. ISBN 967-978-385-5.
  • Hilley, John (2001). Malaysia: Mahathirism, Hegemony and the New Opposition. Zed Books. ISBN 1-85649-918-9.
  • Hwang, In-Won (2003). Personalized Politics: The Malaysian State under Mahathir. Institute of Southeast Asian Studies. ISBN 981-230-185-2.
  • Jawan, Jayum A. (2003). Malaysian Politics & Government. Karisma Publications. ISBN 983-195-037-2.
  • Josey, Alex (1980). Lee Kuan Yew: The Crucial Years. Times Books International. ISBN 981-204-448-5.
  • Keith, Patrick (2005). Ousted! Media Masters. ISBN 981-05-3865-0.
  • Khoo, Boo Teik (1995). Paradoxes of Mahathirism. Oxford University Press. ISBN 967-65-3094-8.
  • Lee, Kuan Yew (1998). The Singapore Story. Marshall Cavendish Editions. ISBN 981-204-983-5.
  • Lim, Kit Siang (1978). Time Bombs in Malaysia (2nd ed.). Democratic Action Party. No ISBN available.
  • b. Maaruf, Shaharuddin (1984). Concept of a Hero in Malay Society. Eastern Universities Press. ISBN 9971-71-204-0.
  • Maidin, Zainuddin (1994). The Other Side of Mahathir. Utusan Publications & Distributors. ISBN 967-61-0486-8.
  • Means, Gordon P. (1991). Malaysian Politics: The Second Generation. Oxford University Press. ISBN 0-19-588988-6.
  • Milne, R.S. & Mauzy, Diane K. (1999). Malaysian Politics under Mahathir. Routledge. ISBN 0-415-17143-1.
  • Mohamad, Mahathir bin (1970). The Malay Dilemma. Times Books International. ISBN 981-204-355-1.
  • Musa, M. Bakri (1999). The Malay Dilemma Revisited. Merantau Publishers. ISBN 1-58348-367-5.
  • Noor, Farish A. (2005). From Majapahit to Putrajaya: Searching for Another Malaysia. Silver Fish Books. ISBN 983-3221-05-X.
  • Ongkili, James P. (1985). Nation-building in Malaysia 1946–1974. Oxford University Press. ISBN 0-19-582681-7.
  • Putra, Tunku Abdul Rahman (1986). Political Awakening. Pelanduk Publications. ISBN 967-978-136-4.
  • Rashid, Rehman (1993). A Malaysian Journey. Self-published. ISBN 983-99819-1-9.
  • Roff, W.R. (1974). The Origins of Malay Nationalism. Penerbit Universiti Malaya. No ISBN available.
  • Sopiee, Mohamed Noordin (1976). From Malayan Union to Singapore Separation: Political Unification in the Malaysia Region 1945 – 65. Penerbit Universiti Malaya. No ISBN available.
  • Federal Territory MCA Malaysia Liaison Committee (Ed.), Malaysian Chinese. Eastern Universities Press. No ISBN available.
  • Trinidade, F.A. & Lee, H.P. (eds., 1986). The Constitution of Malaysia: Further Perspectives and Developments. Penerbit Fajar Bakti. ISBN 967-65-0030-5.
  • Von Vorys, Karl (1975). Democracy without Consensus: Communalism and Political Stability in Malaysia. Princeton University Press. ISBN 0-691-07571-9.
  • Ye, Lin-Sheng (2003). The Chinese Dilemma. East West Publishing. ISBN 0-9751646-1-9.