[go: up one dir, main page]

Bước tới nội dung

Đức Huệ

Đức Huệ
Huyện
Huyện Đức Huệ
Một góc thị trấn Đông Thành
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
TỉnhLong An
Huyện lỵthị trấn Đông Thành
Trụ sở UBND​Khu phố 2, thị trấn Đông Thành
Phân chia hành chính1 thị trấn, 10 xã
Thành lập1959
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDNguyễn Thanh Nguyên
Chủ tịch HĐNDTrần Thanh Phong
Bí thư Huyện ủyTrần Thanh Phong
Địa lý
Tọa độ: 10°51′57″B 106°15′48″Đ / 10,86583°B 106,26333°Đ / 10.86583; 106.26333
MapBản đồ huyện Đức Huệ
Đức Huệ trên bản đồ Việt Nam
Đức Huệ
Đức Huệ
Vị trí huyện Đức Huệ trên bản đồ Việt Nam
Diện tích428,92 km²
Dân số (2019)
Tổng cộng65.961 người[1]
Thành thị5.851 người (9%)
Nông thôn60.110 người (91%)
Mật độ154 người/km²
Dân tộcKinh, Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Nùng, Cao Lang
Khác
Mã hành chính801[2]
Biển số xe62-S1
Websiteduchue.longan.gov.vn

Đức Huệ là một huyện nằm ở phía đông bắc tỉnh Long An, Việt Nam.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Đức Huệ nằm ở phía bắc của tỉnh Long An, có vị trí địa lý:

Huyện có diện tích tự nhiên là 43.092,4 ha.[3]

Huyện Đức Huệ giáp vùng "Mỏ vẹt" của Campuchia. Nằm rìa phía đông bắc vùng Đồng Tháp Mười. Kinh tế của huyện chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Huyện có tiềm năng phát triển thương mại với Campuchia.

Đức Huệ ở vào vị trí là rìa phía đông bắc vùng Đồng Tháp Mười, tiếp giáp vùng Đông Nam Bộ, là nơi chuyển tiếp từ Đông Nam Bộ xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Từ vị trí địa lý kể trên, tiếp nhận nguồn nước ngọt bổ sung từ hồ Dầu Tiếng, Đức Huệ phát huy thế mạnh sản xuất nông sản hàng hóa đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long như: lúa, mía đường, thịt (heo, bò, vịt), tôm cá và lâm sản (tràm). Đồng thời, với vị trí là cửa ngõ gần nhất từ biên giới Campuchia - qua thị trấn Hậu Nghĩa về Thành phố Hồ Chí Minh, nên có lợi thế phát triển dịch vụ thương mại (xuất nhập khẩu qua biên giới), thu hút vốn đầu tư từ ngoài vào (kinh tế trang trại, dịch vụ, thương mại,...)[3].

Trong tương lai, khi hoàn thành xây dựng các trục giao thông chính và tuyến đường vành đai biên giới N1 sẽ giúp cho Đức Huệ khai thác các lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế dịch vụ phát triển mạnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Tuy nhiên, vị trí địa lý cũng gây cho Đức Huệ một số hạn chế: Do là nơi chuyển tiếp giữa Đông Nam BộĐồng bằng sông Cửu Long với mẫu chất là phù sa cổ và phù sa mới cùng các vật liệu sinh phèn xen kẽ phủ lên nhau, nên 100% diện tích đất thuộc loại đất có vấn đề, cộng với khi chưa có hồ Dầu Tiếng thì toàn bộ lãnh thổ huyện Đức Huệ bị nhiễm mặn 4 g/l từ 3 - 4 tháng/năm[3], kết cấu hạ tầng chậm được đầu tư và cũng là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Long An (số hộ nghèo còn đến 19,3%). Đồng thời, với 25 km đường biên giới (thuộc 4 xã) là địa bàn nóng của nạn buôn lậu, lôi cuốn không ít nguồn nhân lực tham gia, gây trễ nải sản xuất nông nghiệp cũng như tâm lý kiếm tiền dễ dàng hơn là lao động chân chính. [3].

Dân số trung bình năm 2000 của huyện Đức Huệ là 62.567 người, mật độ dân số 145 người/km², chỉ bằng 50% mức trung bình mật độ dân số của tỉnh Long An (294 người/km²) nên Đức Huệ được xem là vùng đất rộng người thưa; đặc biệt dân số khu vực thành thị chỉ có 5.606 người, chiếm 8,96% tổng dân số (chỉ bằng 1/3 tỷ lệ dân số thành thị cả nước), dân số nông thôn 56.912 người (chiếm 90,9%), tốc độ tăng dân số bình quân 1,36%/năm. Điểm đáng lưu ý là phần lớn cư dân đến đây định cư sau năm 1975 (dân kinh tế mới), cần cù chịu khó lao động, song thiếu kinh nghiệm, trình độ văn hóa và chuyên môn thấp.

Lao động

[sửa | sửa mã nguồn]

Tổng lao động toàn huyện năm 2000 là 31.910 người; trong đó, lao động nông - lâm nghiệp 28.086 người chiếm 88,02%, lao động công nghiệp - TTCN 325 người chiếm 1,02% và lao động thương mại - dịch vụ 1.765 người chiếm 5,53%, lao động khác 5.43%. Như vậy, nguồn nhân lực tập trung chủ yếu cho sản xuất nông - lâm nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra chậm và có phần chưa được hợp lý.

Nguồn nhân lực ở huyện Đức Huệ có chất lượng thấp, đây là một nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vì nhân lực là nhân tố quan trọng hàng đầu của lực lượng sản xuất. Số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý trong các ngành là 713 người (chiếm 2,23% lao động xã hội); trong đó, trình độ đại học 69 người, cao đẳng 136 người, trung cấp 461 người, dưới trung cấp 47 người. Nếu kể cả trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật ước khoảng 3% lao động thì tổng cộng số lao động được đào tạo là 5,25%, song lại chủ yếu tập trung ở khu vực quản lý nhà nước, giáo dục, y tế. Do vậy, đây là một tồn tại lớn của huyện Đức Huệ.

Để phát triển kinh tế - xã hội, nhất thiết phải đào tạo, nâng cao mặt bằng dân trí, trình độ chuyên môn cho người lao động, để họ có khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất (với chỉ tiêu là 15 - 20% số lao động được đào tạo).

Khí hậu - Thời tiết

[sửa | sửa mã nguồn]

Khí hậu huyện Đức Huệ mang tính chất đặc trưng nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt cao đều quanh năm, ánh sáng dồi dào, lượng mưa khá lớn và phân bố theo mùa[3].

Theo số liệu quan trắc của trạm Hiệp Hòa, nhiệt độ bình quân năm là 27,2 °C, tháng 5 là tháng nóng nhất với nhiệt độ trung bình 29,7 °C và tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất 23,6 °C.

Biên độ nhiệt trong năm dao động khoảng 6,1 °C và biên độ nhiệt ngày và đêm dao động cao (từ 8 đến 10 °C). Tổng tích ôn 9.928 °C/năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, đặc biệt là cây mía, lúa, ngô, rau đậu thực phẩm.

Lượng mưa trung bình năm khá lớn (1.970 mm/năm) và phân bố theo mùa rõ rệt. Tổng lượng mưa trong mùa mưa khoảng 1.325mm, bắt đầu ngày 16/5 và kết thúc ngày 21/10 (kéo dài 164 ngày)[3]. Mùa mưa trùng với mùa lũ gây ngập úng, cản trở quá trình sản xuất của phần lớn diện tích đất nông nghiệp.

Nước - Thủy văn

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn nước

[sửa | sửa mã nguồn]

Đức Huệ nằm ở vùng dự án thủy lợi kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ ĐôngVàm Cỏ Tây, song nguồn nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp và đời sống,... chủ yếu từ sông Vàm Cỏ Đông phát nguyên từ vùng đồi thấp thuộc tỉnh Kam Pong Cham của Campuchia, chảy len lỏi và uốn lượn qua các khe đồi bát úp rồi đổ vào lãnh thổ Việt Nam tại Gò Dầu Hạ (tỉnh Tây Ninh), tiếp đó chảy qua Long An đổ ra Biển Đông tại cửa Soài Rạp. Dòng chính dài 260 km, phần sông Vàm Cỏ Đông là ranh giới phía đông bắc của Đức Huệ dài 32 km, đây là đoạn trung lưu (Hiệp Hòa), sông rộng bình quân 200m, sâu -17m, lưu lượng mùa kiệt tại Gò Dầu hạ 12,9 m3/s[3].

Khi chưa xây dựng hồ Dầu Tiếng, Vàm Cỏ Đôngdòng sông chết về mùa khô, mặn 4g/l qua khỏi cửa Rạch Tràm (Đức Huệ) hàng chục km, nên lúc đó Đức Huệ chỉ là vùng đất hoang hoặc có một số diện tích trồng một vụ lúa mùa mưa.

Hiện nay, nhờ có hồ Dầu Tiếng xả nước qua kênh Tây và nước hồi quy nên mặn 4g/l đã lùi xuống Xuân Khánh, phần sông Vàm Cỏ Đông thuộc Đức Huệ đã được ngọt hóa quanh năm. Bằng hệ thống các kênh nối trực tiếp với sông Vàm Cỏ Đông kéo nước ngọt vào nội đồng (hướng Đông - Tây) đã tạo động lực quan trọng và có ý nghĩa gần như quyết định thúc đẩy phát triển sản xuất và cải thiện đời sống cho nhân dân ở huyện Đức Huệ.

Trên bề mặt đất huyện Đức Huệ có 62,86% diện tích được phủ bởi lớp trầm tích Holocene (QIV), còn gọi là phù sa mới; còn lại 36,02% phủ bằng trầm tích cổ Pleistocene (QI - QIII). Trong trầm tích Holocene, nước ngầm bị nhiễm phèn, độ sâu xuất hiện tầng nước ngầm từ 120 - 200m, có độ khoáng hóa cao (> 3g/l). Nước ngầm ở trầm tích cổ có hàm lượng tổng số độ khoáng hóa: 1 - 3 g/l[3].

Quá trình thực hiện chương trình nước sạch nông thôn và khoan khai thác nước ngầm của UNICEF thường phải khoan sâu > 150m, nước giếng khoan muốn sử dụng an toàn phải qua thiết bị lọc.

Như vậy, Đức Huệ là nơi nghèo nước ngầm, nước có độ khoáng hóa cao, đầu tư khoan khai thác (giếng) phải đủ độ sâu và bắt buộc phải có thiết bị lọc nước mới sử dụng cho sinh hoạt được, nên cần đầu tư lớn và đồng bộ.

Chế độ thủy văn

[sửa | sửa mã nguồn]

Sông rạch huyện Đức Huệ chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều của Biển Đông, thời gian một ngày triều là 24 giờ 50 phút, có hai đỉnh và hai chân triều, song biến động không đều theo tháng.

Đỉnh triều lớn nhất vào tháng 12, nhỏ nhất vào tháng 4, tháng 5; biên độ triều trung bình mùa kiệt 0,75 - 0,85m, mùa lũ 0,45 - 0,60m[3]. Do vậy, vào mùa khô có thể lợi dụng thủy triều để tưới nước hoàn toàn tự chảy; song do biên độ triều không lớn và cường độ triều không đủ mạnh như ngoài dòng chính nên khả năng đẩy nước từ sông Vàm Cỏ Đông vào sâu trong nội đồng bị yếu dần.

Lũ lụt ở Đức Huệ do ảnh hưởng của hai nguồn sinh lũ là: lũ từ thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông và lũ từ sông MêKông chuyển qua sông Vàm Cỏ Tây gây ra. Lũ đến muộn (tháng 9, 10), độ sâu ngập dao động từ 0,7 - 1,5m, nơi ngập sâu nhất là các xã phía nam như Bình Hòa Hưng, Bình Thành, Bình Hòa Nam.

Nói chung, lũ có tác động ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, nhưng không ác liệt như ở các huyện đầu nguồn (Vĩnh Hưng, Tân Hưng,...). Song, lũ lịch sử năm 2000 cũng gây tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống (làm chết 9 người, 4.767 ha lúa bị ngập, trong đó bị mất trắng: 2.612 ha, chết 250.000 cây lâm nghiệp, 307 phòng học bị ngập, 166 km đường bị ngập, cầu bị hư hỏng, cuốn trôi: 39 chiếc xe, 5.520 hộ có nguy cơ bị đói,...)[3].

Tài nguyên Đất

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo kết quả điều tra xây dựng bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000 năm 1998 của Phân viện Quy hoạch

Toàn huyện có 3 nhóm đất với 9 đơn vị chú giải bản đồ đất; trong đó, nhóm đất phù sa nhiễm phèn 3.063 ha (chiếm 7,11% diện tích tự nhiên), nhóm đất xám có 15.523 ha (chiếm 36,02% diện tích tự nhiên) và nhóm đất phèn 24.024 ha (chiếm 55,75% DTTN)[3]. Như vậy, 100% diện tích đất của huyện Đức Huệ thuộc loại đất có vấn đề, do đó sử dụng vào sản xuất nông nghiệp được xem là một hạn chế lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đức Huệ.

Đất huyện Đức Huệ xếp ở cấp ít thích nghi hoặc phải cải tạo mới thích nghi với 2 vụ lúa, mía, đậu phộng, đậu đỗ nên cây sinh trưởng phát triển cho năng suất thấp hơn các vùng đất tốt (đất phù sa). Vì vậy, đây cũng là một hạn chế trong sản xuất nông nghiệp.

Đất đai của huyện Đức Huệ hình thành từ hai loại trầm tích: Trầm tích phù sa non trẻ (Holocene) và trầm tích phù sa cổ (Pleistocene); trong đó đa số là trầm tích Holocene có chứa vật liệu sinh phèn.

  • Trầm tích Holocene bao phủ trên 60% diện tích tự nhiên của huyện, nó phủ trùm lên trầm tích phù sa cổ.
  • Mẫu chất phù sa cổ bao trùm gần 36% diện tích tự nhiên.
  • Trầm tích không phân chia khoảng 4% diện tích tự nhiên.

Do vậy, khi xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cần tính toán đầu tư đảm bảo độ ổn định bền vững.

Tài nguyên rừng

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1995 diện tích rừng chỉ có 676 ha[3], trong đó tràm cừ 510 ha; đến năm 2000 diện tích rừng tăng lên 5.931 ha (tỷ lệ che phủ 14,69%) kể cả cây lâu năm, trong đó bạch đàn 2.535 ha, tràm cừ 2.437 ha, tràm bông vàng 959 ha. Rừng mới trồng từ năm 1997 - 1999 nên trữ lượng không lớn.

Nguồn tài nguyên động vật dưới tán rừng đã dần được phục hồi, đây là thành quả đáng ghi nhận của chương trình 327/CT, 773/TTg và 661, đã góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên cũng như khôi phục hệ sinh thái vốn có của vùng đất phèn.

Tài nguyên thủy sản

[sửa | sửa mã nguồn]

Qua điều tra của Viện Nghiên cứu Thủy sản II, có nhận xét[3]:

  • Thủy sinh vật có đến 334 loài, gồm: 181 loài tảo, 93 loài động vật nổi, 60 loài động vật đáy.

Ngoài ra, do môi trường nước nội đồng ngày càng được ngọt hóa, độ chua và thời gian ảnh hưởng chua phèn giảm, tạo điều kiện để các loài thủy sản về cư trú và phát triển, mở ra hướng đi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi.

Tài nguyên khoáng sản

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo các tài liệu điều tra địa chất thổ nhưỡng, trên địa bàn huyện Đức Huệ nghèo về khoáng sản[3].

  • Hiện tại ở một số lung phèn có than bùn, tập trung nhiều ở xã Mỹ Quý Tây, trấp Mốp Xanh, lớp than bùn dày 0,75 - 1,50m. Thành phần than bùn có độ tro thấp, mùn cao, lượng khoáng cao, có thể sử dụng làm phân bón hoặc chất đốt; song cần tính toán kỹ nếu muốn khai thác, bởi khai thác than bùn sẽ tạo điều kiện gia tăng oxyt hóa phèn, giảm pH, tăng độc tố trong dung dịch đất.
  • Cát trên sông Vàm Cỏ Đông từ cửa Rạch Tràm đến đầu kênh Trà Cú Thượng có trữ lượng khoảng 1 triệu m3, song khai thác phải quản lý chặt chẽ, tránh làm thay đổi dòng chảy và hủy hoại môi trường.

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Đức Huệ có 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Đông Thành (huyện lỵ) và 10 xã: Bình Hòa Bắc, Bình Hòa Hưng, Bình Hòa Nam, Bình Thành, Mỹ Bình, Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ hạt Tân An năm 1888. Địa bàn huyện Đức Huệ lúc bấy giờ thuộc tổng Cửu Cư Thượng

Dưới thời Pháp thuộc, huyện Đức Huệ ngày nay thuộc tổng Cửu Cư Thượng, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An (sau năm 1956 thuộc tỉnh Long An).

Ngày 3 tháng 3 năm 1959, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra sắc lệnh số 48/NV thành lập quận Đức Huệ thuộc tỉnh Long An. Quận Đức Huệ gồm 3 xã; quận lỵ đặt tại Quéo Ba thuộc xã Mỹ Quý, sau dời về xã Hiệp Hòa.

Ngày 15 tháng 10 năm 1963, quận thuộc tỉnh Hậu Nghĩa.

Về phía chính quyền cách mạng, tháng 5 năm 1959, tỉnh ủy Long An thành lập huyện Đức Huệ gồm 8 xã: Bình Hòa Bắc, Bình Hòa Nam, Bình Thành, Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Thạnh Đông và Mỹ Thạnh Tây.

Năm 1976, tỉnh Hậu Nghĩa giải thể, huyện Đức Huệ thuộc tỉnh Long An.

Ngày 26 tháng 6 năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 74/HĐBT[4], tách 948 ha diện tích tự nhiên và 70 nhân khẩu của xã Bình Thành thuộc huyện Đức Huệ để sáp nhập vào xã Thuận Nghĩa Hòa thuộc huyện Tân Thạnh (nay là một phần xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa). Xã Bình Thành còn 8.361,16 hécta diện tích tự nhiên và 4.055 nhân khẩu.

Ngày 23 tháng 11 năm 1991, tách phần đất xã Mỹ Thạnh Đông để thành lập thị trấn Đông Thành và ngày 24 tháng 3 năm 1994, tách phần đất xã Bình Thành để lập xã Bình Hòa Hưng.[5]

Ngày 16 tháng 6 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2003/NĐ-CP[6] về việc thành lập xã Mỹ Bình trên cơ sở 3.070 ha diện tích tự nhiên và 2.858 nhân khẩu của xã Bình Thành, 1.099 ha diện tích tự nhiên và 651 nhân khẩu của xã Bình Hòa Hưng. Huyện Đức Huệ bao gồm thị trấn Đông Thành và 10 xã: Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Bình, Bình Hòa Bắc, Bình Thành, Bình Hòa Hưng, Bình Hòa Nam.

Đức Huệ được xem là huyện nghèo nhất của tỉnh Long An, điều kiện kinh tế khó khăn. Nông nghiệp là ngành chủ yếu, nhưng khả năng cạnh tranh không cao. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ chưa phát triển, nên không hỗ trợ tích cực cho nông nghiệp phát triển. Thu nhập của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (>80%), trong khi lũ lụt, thiên tai diễn ra liên tiếp, cộng với biến động bất lợi về giá cả nông sản, làm cho đời sống người dân càng khó khăn, khả năng tích lũy tái đầu tư cho sản xuất hạn chế. Hệ thống giao thông chậm được đầu tư. Trước năm 2010, toàn huyện chỉ có được chưa đầy 2 km đường bộ được nhựa hóa. Trong tương lai, khi hoàn thành xây dựng các trục giao thông chính và tuyến đường vành đai biên giới N1 sẽ giúp cho Đức Huệ khai thác các lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế dịch vụ phát triển mạnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Khu di tích lịch sử cách mạng ở xã Bình Hòa Hưng đang được xây dựng. Đây là khu di tích lịch sử Cấp Quốc gia, đã hoàn thành vào năm 2015.

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Mỹ Quý Tây
  • Búng Tròn (Tỉnh lộ 838)
  • Con Sen
  • Hàng Trong Chanh
  • Chợ Nốp
  • Tho Mo
  • Làng Công Chinh
  • Bùi Công Trừng (chạy dọc biên giới).

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên DSVN2019
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ a b c d e f g h i j k l m n “Vị trí địa lý huyện Đức huệ”. theo website huyện Đức huệ. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2012.
  4. ^ Quyết định 74-HĐBT năm 1989 về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số xã, thị trấn và huyện thuộc tỉnh Long An do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
  5. ^ Nghị định 27-CP năm 1994 về việc điều chỉnh địa giới huyện, xã thuộc tỉnh Long An
  6. ^ Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 50/2003/NĐ-CP theo website thuvienphapluat.vn