Mỹ Tâm
Mỹ Tâm | |
---|---|
Sinh | Phan Thị Mỹ Tâm 16 tháng 1, 1981 Đà Nẵng, Việt Nam |
Nghề nghiệp | |
Sự nghiệp âm nhạc | |
Thể loại | |
Nhạc cụ | Hát chính, dương cầm, guitar |
Năm hoạt động | 1998–nay[1] |
Hãng đĩa | MT Entertainment |
Website | Trang mạng chính thức |
Phan Thị Mỹ Tâm (sinh ngày 16 tháng 1 năm 1981) là một nữ ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, thương nhân, đạo diễn âm nhạc và nhà thiết kế thời trang người Việt Nam. Cô được biết đến bởi các hoạt động âm nhạc nghiêm túc, sáng tạo và những cống hiến không ngừng cho dòng nhạc trẻ thịnh hành từ khi chính thức khởi nghiệp vào thập niên 2000. Được mệnh danh là "Nữ hoàng V-pop", cô là một trong những cái tên gây được ảnh hưởng mạnh mẽ tại ngành công nghiệp âm nhạc Việt và là nguồn cảm hứng cho nhiều lớp nghệ sĩ trẻ tiếp sau.
Được sinh ra tại tỉnh Đà Nẵng, Mỹ Tâm sớm bộc lộ năng khiếu về âm nhạc và liên tiếp giành chiến thắng tại nhiều cuộc thi ca hát lớn nhỏ lúc còn ở độ tuổi thiếu niên. Vào năm 2001, cô khởi nghiệp ca hát bằng album đầu tay mang về thành công lớn không lâu sau khi đạt tốt nghiệp thủ khoa tại trường Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Trong xuyên suốt thập niên 2000, cô cho phát hành một chuỗi các sản phẩm âm nhạc thành công về mặt thương mại, có bao gồm các album được đề cử cho giải Cống hiến như Hoàng hôn thức giấc (2005), Vút bay (2006) và Trở lại (2008). Bên cạnh việc tự thân sáng tác, cô còn nhiều lần tham gia hợp tác với các tác giả nổi danh trong các bài hát tạo được tiếng vang cho cô như "Tóc nâu môi trầm", "Họa mi tóc nâu", "Ước gì", "Hát với dòng sông" hay "Cây đàn sinh viên".
Trong suốt sự nghiệp, Mỹ Tâm giành được nhiều giải thưởng, đề cử và vinh danh trong nước và quốc tế, bao gồm 2 giải Cống hiến, 3 giải HTV Awards, 3 giải Mai Vàng, 1 giải Mnet Asian Music Awards, 1 giải World Music Awards, 1 giải Âm nhạc châu Âu của MTV, 11 lần liên tiếp nhận giải "Ca sĩ được yêu thích nhất" và 3 năm liên tiếp nhận giải "Gương mặt của năm" của Giải thưởng Làn Sóng Xanh. Cô tiếp tục được vinh danh bằng giải thưởng "Huyền thoại Âm nhạc Châu Á" tại sự kiện Top Asia Corporate Ball 2014 ở Kuala Lumpur. Cô được Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) công nhận là "Nghệ sĩ có album bán chạy nhất lãnh thổ" trong năm 2014.
Cuộc đời và sự nghiệp
1981-2000: Thưở niên thiếu và khởi đầu sự nghiệp
Phan Thị Mỹ Tâm được sinh ra tại Đà Nẵng, với quê gốc tại Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.[2][3] Cô là con út trong một gia đình gồm có tám anh chị em,[4] trong đó có 2 người hiện nay đang ở Mỹ, 2 người ở Sài Gòn và 4 người còn lại ở Đà Nẵng.[5] Cô có thành tích học rất khá và từng nhận được nhiều bằng thưởng cùng giấy khen từ nhà trường.[6] Cô từng có 3 năm theo học ba lê từ lúc sáu tuổi, trước khi chuyển sang học chơi guitar và đàn organ.[7] Cho dù thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ và Đoàn đội lúc ở trường,[8][9] cô lại không xem ca hát là sự nghiệp tương lai của mình.[7] Trong lúc học cấp 2, cô giành giải nhất cuộc thi ca hát toàn trường và được chọn làm gương mặt đại diện tại cuộc thi cấp Thành, nơi cô giành giải nhất.[7] Vào năm 1996, cô từng đoạt giải A "Liên hoan tiếng hát Miền Trung và Tây Nguyên"[10] và tiếp tục giành Huy chương vàng Giọng hát hay "Xuân 1997" toàn thành phố Đà Nẵng khi mới 16 tuổi.[7][11]
Mỹ Tâm từng được chọn vào Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội tại Hà Nội,[7] nhưng vì hoàn cảnh của gia đình mà cô khăn gói vào Sài Gòn để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc trong sự thiếu thốn về mặt tài chính vào năm 1997.[12] Cùng năm đó, cô bắt đầu theo học Hệ trung cấp chính quy Khoa thanh nhạc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.[13] Từ năm 1997 đến năm 1998, cô liên tiếp tham gia những hội diễn văn nghệ và các cuộc thi giọng hát hay của Quận và Thành phố.[11] Tháng 4 năm 1998, cô đoạt giải nhất ở hai hội thi đơn ca tại quận Tân Bình và Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.[11] Vào tháng 11 cùng năm, cô đến tham dự cuộc thi "Giọng ca vàng" do báo Mực Tím tổ chức.[11] Với số báo danh thứ 48, cô giành chiến thắng chung cuộc trong buổi thi chung kết với bài hát "Nhớ mùa thu Hà Nội" tại khán phòng nhà hát Bến Thành,[8] đánh dấu lần tỏa sáng đầu tiên của cô tại một sân khấu lớn.[14]
Vào đầu năm 1999, Mỹ Tâm trở thành ca sĩ độc quyền cho trung tâm Vafaco.[12] Bản thu âm đầu tiên của cô được thực hiện dưới sự chỉ đạo của nhạc sĩ Nguyễn Hà,[8][12][14] với ca khúc "Nhé anh" là bài tập thu thanh đầu đời của cô.[12] Vào lúc này, cô cũng giành giải nhất "Hội diễn văn nghệ ngành Giáo dục TP.HCM 1999 - 2000".[10] Đến giữa năm 2000, khi vừa kết thúc hợp đồng cùng hãng Vafaco, cô đồng sáng tác bài hát đầu tay mang tên "Mãi yêu" cùng nhạc sĩ Nguyễn Quang,[14] chỉ huy ban nhạc Trung tâm Ca nhạc nhẹ.[11] "Mãi yêu" cùng phần trình bày lại nhạc phẩm "I Love You" của Céline Dion đã giúp cô đạt được Huy chương Đồng tại Liên hoan Giọng ca vàng châu Á tại Thượng Hải, Trung Quốc.[8][12][14]
2001-02: Mãi yêu và Đâu chỉ riêng em
Vào tháng 6 năm 2001, Mỹ Tâm tốt nghiệp thủ khoa hệ trung cấp Nhạc viện Thành phố với số điểm 9,5.[15] Để có được kết quả này, cô phải hạn chế đi diễn để tập trung vào việc học tập và luyện thanh.[16] Trong buổi thi, cô đã trình bày một ca khúc tiếng Pháp, Ý và nhạc phẩm "Đâu phải bởi mùa thu" trước những đánh giá cao về kỹ thuật thanh nhạc của thầy cô,[16] trong đó có Nghệ sĩ ưu tú Quốc Trụ.[13][15]
Cũng trong thời gian này, cô chính thức cho phát hành album phòng thu đầu tay mang tựa đề Mãi yêu (2001).[8] Album mang những ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng nhạc pop rock đương thời, với sự hợp tác cùng các tác giả nổi danh như Bảo Chấn ("Bài ca đêm"), Võ Thiện Thanh ("Sóng") hay Bảo Phúc ("Tình mãi xanh").[17] Trong khi Mỹ Tâm đóng góp 2 bài hát tự sáng tác là "Mãi Yêu" và "Tình Mơ", nhạc sĩ Quốc Bảo, tiếp tục tham gia sáng tác cho cô 3 nhạc phẩm "Tóc nâu môi trầm", "Hai muơi" và "Em của tôi".[17] Mãi yêu đạt thành công về mặt thương mại, khi đã được ghi nhận vượt doanh số 54.000 bản.[18] Nhiều bài hát trong album này, mà nổi bật là "Tóc nâu môi trầm" được xem là một trong những bài hát trứ danh trong suốt sự nghiệp âm nhạc của Mỹ Tâm.[18][19] Cũng trong năm đó, Mỹ Tâm được Đài truyền hình Việt Nam bình chọn là "Nhân vật tiêu biểu trong năm 2001",[10] và lọt vào "Top 5 ca sĩ triển vọng" tại Giải thưởng âm nhạc Hoa Học Trò lần I do bạn đọc báo Hoa Học Trò bình chọn.[8] Mỹ Tâm còn thực hiện video âm nhạc cho "Nhé anh" và "Tình mãi xanh" trong khuôn khổ cuộc thi VTV - Bài hát tôi yêu năm đầu tiên.[20] Trong đêm trao giải diễn ra vào cuối tháng 9 năm 2002 tại Nhà hát Hòa Bình, cô giành giải "Ca sĩ được yêu thích nhất" và "Bài hát được yêu thích nhất" cùng video "Nhé anh" do đạo diễn Nguyễn Tranh thực hiện.[21] Cũng trong năm 2001, Mỹ Tâm tham gia chuyến lưu diễn "Cùng Sunsilk tỏa sáng ước mơ" do nhãn hàng Sunsilk tài trợ thực hiện tại 3 thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.[22]
Trong năm 2002, Mỹ Tâm cho phát hành nhiều đĩa đơn đạt thành công và liên tục tạo dựng dấu ấn cho riêng mình.[8] "Cây đàn sinh viên", đĩa đơn được Mỹ Tâm phát hành vào tháng 3, được xem là đĩa đơn đầu tiên do một hãng băng đĩa sản xuất tại Việt Nam.[23] Do nhạc sĩ Quốc An sáng tác,[24][25] bài hát nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong giới trẻ và sinh viên,[18][26][27] đồng thời mang về cho Mỹ Tâm giải "Nữ ca sĩ được yêu thích nhất" tại giải thưởng Mai Vàng lần VII, được tổ chức vào ngày 3 tháng 2.[28] Vào tháng 5, cô cho phát hành đĩa đơn "Ban mai tình yêu" với hình thức của một album rút ngắn và đem về thành công với bài hát "Tình lỡ cách xa".[23] Đây được xem là đĩa đơn đầu tiên do một ca sĩ tự sản xuất tại Việt Nam.[23] Cô tiếp tục cho ra mắt đĩa đơn "Hát với dòng sông",[22] một ca khúc được sáng tác bởi nhạc sĩ Quốc An và Nhất Huy.[26] Tuy không được xuất hiện trong bất kỳ sản phẩm âm nhạc chính thức nào và chỉ được Mỹ Tâm trình diễn trong một số chương trình ca nhạc, "Hát với dòng sông" lại tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ và trở thành một trong những bài hát trứ danh cho Mỹ Tâm.[26][29] Bài hát giúp cho Quốc An giành giải "Nhạc sĩ có ca khúc được yêu thích" tại lễ trao giải Làn Sóng Xanh năm 2002.[30]
Album phòng thu thứ hai của Mỹ Tâm, Đâu chỉ riêng em được giới thiệu lần đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tối 17 tháng 12 năm 2002,[31] gồm 11 ca khúc do chính cô biên tập,[32] với các sáng tác mới của nhạc sĩ Tường Văn ("Giấc mơ tình yêu"), Quốc An ("Khung trời mộng mơ"), Lê Quang ("Tình xót xa thôi") và Vũ Quốc Việt ("Một lần và mãi mãi").[32] Trong album, Mỹ Tâm còn thể hiện lại các nhạc phẩm nước ngoài nổi tiếng: "Poupée de cire, poupée de son" năm 1965 do ca sĩ người Pháp France Gall trình bày, được phổ lại lời Việt và đổi tên thành "Búp bê không tình yêu";[33] "Bang Bang (My Baby Shot Me Down)" của nữ danh ca người Mỹ Cher, được phổ lời và đổi tên thành "Khi xưa ta bé (Bang bang)";[32] và bản nhạc ăn khách "Thank You" được Mỹ Tâm trình bày bằng tiếng Anh và một đoạn tiếng Việt do chính cô sáng tác.[34] Video âm nhạc "Giấc mơ tình yêu" mà Mỹ Tâm thực hiện cùng đạo diễn Huỳnh Phúc Điền tại mùa giải VTV - Bài hát tôi yêu thứ 2 đã thắng giải "Video được khán giả yêu thích nhất" và "Video do Hội đồng Nghệ thuật bình chọn" trong buổi lễ diễn ra vào ngày 23 tháng 12.[35][36] Cô còn lần đầu tiên giành giải "Ca sĩ được yêu thích nhất" tại giải thưởng âm nhạc Làn Sóng Xanh 2002.[30]
2003-05: Yesterday & Now và Hoàng hôn thức giấc
Vào tháng 6 năm 2003, Mỹ Tâm tiếp tục cho phát hành album Yesterday & Now (tựa tiếng Việt: Ngày ấy & Bây giờ),[22][37] một tập hợp gồm nhiều bài hát thể hiện lại và các sáng tác mới của các tác giả như Trần Huân ("Họa mi tóc nâu"), Võ Thiện Thanh ("Ước gì") hay Lê Quang ("Niềm tin chiến thắng").[38] Đến nay, đây vẫn được xem là một trong những đĩa thu âm có lượng tiêu thụ cao nhất tại thị trường âm nhạc Việt Nam,[37] khi đã vượt ngưỡng 68.000 đĩa, tính đến đầu tháng 3 năm 2005.[39][40] Nhiều bài hát từ album cũng gây được tiếng vang cho Mỹ Tâm: "Ước gì" trở thành một trong những bài hát trứ danh trong sự nghiệp của cô, đồng thời mang về giải "Nữ ca sĩ được yêu thích nhất" tại giải Mai Vàng lần IX[41] và giải Làn Sóng Xanh cho "Nhạc sĩ có ca khúc được yêu thích nhất" thuộc về tác giả Võ Thiện Thanh;[29][42][43] "Niềm tin chiến thắng" là một trong các sáng tác ca khúc cổ vũ thể thao xuất hiện trong Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003, sau đó được hãng Pepsi chuyển nhượng lại làm nhạc hiệu quảng cáo cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam;[44] và "Họa mi tóc nâu" trở thành ca khúc gắn liền với tên tuổi của Mỹ Tâm, đem về cho tác giả Trần Huân giải "Nhạc sĩ có ca khúc được yêu thích nhất" tại lễ trao giải Làn Sóng Xanh năm 2003.[45] Trong cùng một hạng mục giải thưởng, Mỹ Tâm còn đem về cho nhạc sĩ Võ Thiện Thanh giải "Nhạc sĩ có ca khúc được yêu thích nhất" với nhạc phẩm "Xích lô" được bổ sung trong phiên bản VCD tái phát hành của Mãi yêu vào tháng 7 năm 2003;[22][45][46] và một giải nữa cho "Ca sĩ được yêu thích nhất".[45] Kết thúc năm 2003, Mỹ Tâm còn mang về giải "Ca sĩ được yêu thích nhất" do Vietnamnet bình chọn,[10] giải "Trái Tim Việt Nam"[22] và giải "Ngôi sao bạch kim - Nữ ca sĩ được yêu thích nhất năm" của báo Màn Ảnh Sân Khấu tổ chức bình chọn.[10][22]
—"Từ Liveshow của một ngôi sao: Đi đúng con đường của mình" - Tuổi trẻ.[47]
Chiều ngày 20 tháng 1 năm 2004, hãng nước giải khát quốc tế PepsiCo Việt Nam chính thức công bố việc Mỹ Tâm trở thành ca sĩ độc quyền trong 1 năm và sự kiên cô lên đường sang thủ đô Luân Đôn vào đêm mùng ba tết Giáp Thân để kịp tham dự buổi gặp gỡ những ngôi sao ca nhạc thế giới Britney Spears, Enrique Iglesias, P!nk và Beyoncé.[48] Vào cuối tháng 3 năm 2004, Mỹ Tâm chính thức trình diễn trong "Liveshow Ngày ấy & bây giờ" được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh (Sân vận động Quân khu 7, ngày 25 tháng 3) và Hà Nội (Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, 4 tháng 4).[49][50][51] Chương trình từng được dự kiến diễn ra ở Đà Nẵng, nhưng không thành do không thể tìm được nơi đứng ra tổ chức.[49][52] Đêm nhạc tạo được sự thu hút lớn từ dư luận, khi được đầu tư đến 3 tỷ đồng,[49] mức kinh phí đầu tư lớn nhất trong lịch sử làm đêm nhạc của Việt Nam bấy giờ.[53][54] Đêm diễn đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh thu về được 13.000 vé,[55] trong luồng đánh giá trái chiều của các nhà phê bình,[55] khi được nhìn nhận ở việc đầu tư về mặt hậu kỳ, vũ đạo và hình ảnh,[54] nhưng lại gặp những ý kiến khắt khe hơn về mặt giọng hát và kết cấu chương trình.[55] Buổi diễn tại Hà Nội được ước tính có xấp xỉ một vạn khán giả đến sân Mỹ Đình để xem cô biểu diễn.[56] Một album trực tiếp dưới dạng VCD/DVD của chương trình cũng được biên tập trong vòng 6 tháng và chính thức phát hành vào tháng 8 năm 2004.[22][57] Sản phẩm được đề cao, khi có ý kiến cho rằng "khâu biên tập dàn dựng kỹ lưỡng" và "phần hình ảnh và âm thanh của bộ album có chất lượng tốt".[57] Chương trình cũng giúp Mỹ Tâm tham gia mùa giải tiền Cống hiến năm 2004 bằng hai đề cử cho "Chương trình của năm" và "Ca sĩ của năm".[58] Vào tháng 9, cô tiếp tục trình diễn tại đêm nhạc "Quê hương tuổi thơ tôi" nằm trong chương trình "Âm nhạc và những người bạn" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng.[59] Trong năm, cô cũng giành giải Làn Sóng Xanh cho "Ca sĩ được yêu thích nhất",[43] và giải "Lá phong" (Maple Leaf) do Lãnh sự quán Canada tại Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng.[60]
Vào tháng 4 năm 2005, album phòng thu thứ 4 Hoàng hôn thức giấc (tựa tiếng Anh: The Color of my Life) của Mỹ Tâm được ra mắt.[61][62] Album được thực hiện trong suốt 1 năm, với 14 bài hát được chọn xuất hiện chính thức, trong đó có 4 bài hát được Mỹ Tâm tự sáng tác ("Vì đâu", "Nụ hôn bất ngờ", "Nhịp đập dại khờ" và "Nhớ").[61] Đồng thời, có hai bài hát được mua bản quyền quốc tế ("Người yêu dấu ơi", nhạc Nhật; "Không còn yêu", nhạc Pháp), cùng các sáng tác mới của Lê Quang, Võ Thiện Thanh và Trần Huân.[63] Bên cạnh giai điệu pop thân quen, album đánh dấu sự thể nghiệm lớn của Mỹ Tâm ở dòng nhạc Trung Đông.[64] Album tiếp tục nhận những luồng phản hồi trái chiều, khi được đề cao bởi "màu sắc trữ tình, sâu lắng xuyên suốt từ đầu đến cuối", nhưng vẫn "chưa tìm thấy ở album sự đột phá bất ngờ nào của Mỹ Tâm".[65] Tuy vậy, nó vẫn đem về cho Mỹ Tâm thành công lớn về mặt thương mại, khi đạt ngưỡng 20.000 bản ngay trong tuần đầu phát hành.[65] Album còn đem về cho Mỹ Tâm đề cử cho "Album của năm" và "Ca sĩ của năm" trong khuôn khổ giải Cống hiến năm 2005.[66] Tại lễ trao giải Làn Sóng Xanh 2005, Mỹ Tâm tiếp tục đoạt giải "Ca sĩ được yêu thích nhất" và mang về cho nhạc sĩ Tường Văn giải "Nhạc sĩ có ca khúc được yêu thích nhất" với nhạc phẩm "Rồi mai thức giấc".[67] Bài hát "Nhớ" còn đem về cho cô giải Yan Music Awards cho "Ca khúc được yêu thích nhất".[10] Một chuyến lưu diễn xuyên Việt miễn phí dành cho sinh viên được đầu tư hơn 3 tỉ đồng mang tên "Sức mạnh của những ước mơ" được Mỹ Tâm triển khai từ ngày 18 tháng 9 đến ngày 22 tháng 10 năm 2005.[68][69] Ước tính đã có hơn 12.000 khán giả đến dự đêm diễn đầu tiên tại khu ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Thủ Đức).[70] Một VCD/DVD thu trực tiếp từ chuyến lưu diễn mang tên "Liveshow Sức Mạnh Của Những Ước Mơ" cùng CD Album Vol.4,5 - "Dường Như Ta Đã" mang đậm âm điệu rock cũng được phát hành tháng 2 năm 2006.[22][64]
2006-2009: Vút bay, Trở lại và Nhịp đập
Sau gần 3 tháng chia tay khán giả Việt Nam,[71] Mỹ Tâm chính thức công bố về album Vút bay (tựa Anh: Fly) trong một đêm nhạc vào ngày 21 tháng 12 năm 2006.[72] Album gây được sự quan tâm tại thị trường âm nhạc quốc gia khi đánh dấu lần thực hiện album hoàn toàn tại nước ngoài đầu tiên của một ca sĩ Việt Nam.[73] Ở Vút bay, Mỹ Tâm hợp tác cùng công ty Hàn Quốc Nurimaru Pictures,[72] khi hãng tài trợ kinh phí và kết hợp cùng Bến Thành Audio-Video để phát hành album tại Việt Nam.[74] Chính thức thực hiện từ ngày 7 tháng 10, Mỹ Tâm trải qua thời gian hai tháng để chuẩn bị cho album này tại Hàn Quốc, và mô tả đây là sự đột phá mới của cô về phong cách biểu diễn.[72] Album gồm 11 nhạc phẩm, trong đó có 4 ca khúc được Mỹ Tâm thể hiện bằng tiếng Hàn gồm "Dường như ta đã" (chuyển lời Hàn), "Hãy đến với em", "Giọt sương" và "Ngày hôm nay"; còn lại là các ca khúc nhạc Hàn lời Việt như "Bí mật", "Khóc một mình", "Ô cửa sổ" và "Em chờ anh".[72][75] Album được giới phê bình nhìn nhận là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Mỹ Tâm, khi bất ngờ kết hợp nhiều thể loại đa dạng như dance, hip-hop, ballad hay house dance.[72][76] Dù vậy, album lại được ghi nhận một cách "mờ nhạt" tại thị trường trong nước và Hàn Quốc, đồng thời được đánh giá là album "kém sáng" nhất của Mỹ Tâm về mặt thương mại,[73][77] trong khi vẫn kịp đạt ngưỡng 15.000 bản ở tuần đầu phát hành tại Việt Nam.[78] Vút bay đồng thời giúp Mỹ Tâm giành được đề cử cho "Album của năm" và "Ca sĩ của năm" tại giải Cống hiến năm 2006,[79] lần đầu giành giải "Nhạc sĩ có ca khúc được yêu thích nhất" ở cương vị tác giả cho nhạc phẩm "Dường như ta đã" và "Ca sĩ được yêu thích nhất" tại giải Làn Sóng Xanh 2006.[80] Đến hết năm 2006, cô còn đem về giải Ngôi Sao Bạch Kim cho "Nữ ca sĩ có giọng hát xuất sắc nhất",[81] giải Yan Music Awards cho "Nghệ sĩ nữ yêu thích nhất".[10]
Sau khi tạm vắng bóng và từ chối tham gia nhiều hoạt động âm nhạc trong năm 2007, Mỹ Tâm bắt tay vào thực hiện dự án "Thời gian và tôi" kéo dài hơn 1 năm,[82] kể từ ngày 25 tháng 2 năm 2008.[74] Dự án này là sự hợp tác giữa công ty của cô và nhà sản xuất Cho Sung Jin của Hàn Quốc để thực hiện một số hoạt động, trong đó có việc thực hiện album mới, được bắt đầu bằng chuyến đi sang Hàn Quốc từ ngày 29 tháng 2 đến đầu tháng 4.[74] Vào đầu năm 2008, cô chính thức lên tiếng về album phòng thu thứ 6 Trở lại (tựa Anh: The Return).[83] Album được xem là sự quay lại của Mỹ Tâm ở thể loại pop ballad, với tổng cộng 12 ca khúc, gồm 2 sáng tác gốc của cô và các nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh, Dương Thụ, Hồ Hoài Anh và Phương Uyên.[83] Phần guitar xuất hiện trong album được nghệ sĩ Hàn Quốc nổi danh Sam Lee thực hiện; trong khi nhạc sĩ Lee Han Boem, người từng hợp tác trong nhạc phẩm "Bí mật", lại tiếp tục tham gia trong ca khúc "Và em có anh" cùng nhạc sĩ Quốc Bảo.[83] Trở lại được phát hành vào ngày 4 tháng 4,[83] trong những luồng phản hồi trái chiều, khi được cho là bước lùi kể từ lần thể nghiệm đáng chú ý ở Vút bay.[84] Bài hát "Hơi ấm ngày xưa" trích từ album này còn giúp Mỹ Tâm nhận được giải Mai Vàng 2008 cho "Nữ ca sĩ nhạc nhẹ được yêu thích nhất".[85] Vào ngày 1 tháng 9, cô cho phát hành album thứ 7 Nhịp đập (tựa Anh: To the beat) tiếp tục chịu những ảnh hưởng của dòng nhạc dance và phong cách Hàn Quốc.[22][86][87] Cũng vào thời gian này, Mỹ Tâm còn tổ chức chuyến lưu diễn xuyên Việt mang chủ đề "Sóng đa tần", đánh dấu lần đầu tiên có một ca sĩ người Việt thực hiện chuyến lưu diễn xuyên quốc gia tại năm thành phố trên cả nước: Thành phố Hồ Chí Minh (7 tháng 9 năm 2008), Hà Nội (14 tháng 9), Đà Nẵng (21 tháng 9), Buôn Ma Thuột (28 tháng 9) và Cần Thơ (5 tháng 10).[86] Một DVD "Live Concert Tour Sóng Đa Tần" cũng được phát hành ngày vào ngày 17 tháng 4 năm 2009.[22] Từ năm 2007 đến năm 2008, Mỹ Tâm đã đem về nhiều giải thưởng quan trọng, có bao gồm "Ca sĩ được yêu thích nhất" tại lễ trao giải 10 năm Làn Sóng Xanh vào ngày 20 tháng 12 năm 2007,[88] giải Làn Sóng Xanh cho "Ca sĩ được yêu thích nhất" năm 2007,[89] giải Mai Vàng năm 2008 cho "Nữ ca sĩ nhạc nhẹ",[90] 2 lần liên tiếp giành giải HTV Awards cho "Nữ ca sĩ được yêu thích nhất",[91][92] đề cử "Album của năm" cho Trở lại và lần đầu tiên đoạt giải "Ca sĩ của năm" tại giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm 2008.[93]
2010-2012: Những giai điệu của thời gian và Cho một tình yêu
Ngày 13 tháng 4 năm 2010, Mỹ Tâm chính thức phát hành tập sách ảnh mang tựa đề Những giai điệu của thời gian, mở đầu cho dự án năm 2010 và 2011 với tên gọi "Melodies of Time".[94] Trong ngày phát hành đầu tiên, Mỹ Tâm dành buổi ký sách và đĩa cho khán giả hâm mộ vào lúc 14 giờ cùng ngày tại nhà hát Bến Thành.[95] Tập sách ảnh dày 250 trang, trong đó có 7 chương chính được đặt tên theo 7 album mà Mỹ Tâm phát hành từ lúc vào nghề và một chương đặc biệt gồm những hình ảnh chụp phong cảnh đất nước trong các chuyến lưu diễn, tham quan từ Nam ra Bắc.[96] Đi kèm quyển sách ảnh là một CD các bài hát cô thể hiện thời còn là sinh viên với những bài ca về tình yêu quê hương, đất nước. Một album đặc biệt có tên đầy đủ là Những giai điệu của thời gian: Special Edition cũng đồng thời được ra mắt, gồm một số bài hát từ các tác giả nổi danh như Ngô Thụy Miên ("Bản tình cuối"), Quốc Dũng ("Em đã thấy mùa xuân chưa"), Tâm Anh ("Chuyện tình không suy tư") hay Y Vân ("Những bước chân âm thầm").[97] Bên cạnh đó, album còn có một sáng tác mới giữa Mỹ Tâm và Lê Quang mang giai điệu tango ("Đợi yêu") và một ca khúc của tác giả Ni Nguyễn với giai điệu valse trữ tình ("Sao em còn buồn").[98]
Cũng trong thời gian này, Mỹ Tâm chính thức lên tiếng về việc lần đầu tham gia loạt phim truyền hình Cho một tình yêu.[98] Được đạo diễn bởi Nguyễn Tranh và Lê Hoá, phim nhận được sự chú ý từ giới truyền thông,[99] khi được xem là một trong những dự án phim truyền hình ca nhạc đầu tiên tại Việt Nam.[100] Trong phim, cô không chỉ lần đầu tham gia vai chính mà còn xuất hiện trong vai trò đạo diễn âm nhạc.[99] Với nội dung được phỏng tác theo bộ phim "Corner with Love" (tạm dịch: "Hạnh phúc bất ngờ") của Đài Loan,[101] Mỹ Tâm vào vai Linh Đan, một cô gái nuôi ước mơ về âm nhạc, cùng chuyện tình giữa cô, Hải Đông (Quang Dũng) và Trần Vũ (Tuấn Hưng).[99] Cho một tình yêu nhận được nhiều luồng đánh giá tiêu cực, chủ yếu là ở phần diễn xuất của dàn diễn viên.[99] Do trong thời gian phim được trình chiếu, nhiều ca khúc mới được dùng trong phim của cô thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả trên các mạng xã hội,[102] vào ngày 8 tháng 3 năm 2011, cô chính thức ra mắt bài hát "Xin lỗi",[103][104] trước khi cho phát hành giới hạn đĩa đơn "Cho một tình yêu" vào ngày 25 tháng 12.[105] CD và DVD nhạc phim Cho một tình yêu gồm 12 sáng tác được chính thức phát hành vào ngày 8 tháng 9 năm 2011.[106] Cuối năm 2010, Mỹ Tâm nhận lời làm giám khảo của cuộc thi âm nhạc Sao Mai điểm hẹn cùng nhạc sỹ Tuấn Khanh và Hồ Hoài Anh.[107] Sự xuất hiện của cô tại cuộc thi được đánh giá là thành công về mặt hình ảnh, trước khi chương trình kết thúc vào ngày 3 tháng 1 năm 2011.[108] Trong năm 2010, cô lần thứ 3 đoạt giải HTV Awards cho "Nữ ca sĩ được yêu thích nhất",[109] đem về 3 giải Làn Sóng Xanh cho "Nhạc sĩ được yêu thích nhất", "Ca sĩ được yêu thích nhất" và "Gương mặt của năm".[110]
Đêm 14 tháng 1 năm 2011, Mỹ Tâm tổ chức "Liveshow Những giai điệu của thời gian - Kỉ niệm 10 năm ca hát" tại Thành phố Hồ Chí Minh.[111] Được đạo diễn Nguyễn Tranh đảm nhận, đêm diễn là nơi cô tri ân những cái tên từng giúp đỡ mình trong sự nghiệp âm nhạc.[112] Đêm diễn nhận được những phản hồi tích cực,[112] trước khi được Mỹ Tâm mang đến Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào ngày 16 tháng 3 cùng năm,[113] với 1.000 vé đặt trước đã được tiêu thụ hết.[114] Một DVD lưu lại đêm diễn mang tên "Liveshow Kỷ niệm 10 năm ca hát" cũng được Mỹ Tâm phát hành trong năm 2011.[22] Ngày 8 tháng 9, cô mở thêm một chương trình ca nhạc kịch khác mang tên "Cho một tình yêu" tại Nhà hát Thành Phố.[115] Lấy bối cảnh ở bộ phim cùng tên mà cô thủ vai chính trong năm 2010, đêm diễn kể về câu chuyện tình tay ba của các nhân vật bằng 25 ca khúc cũ và mới cùng nhiều phong cách khác nhau.[115][116] Đêm diễn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các nhà phê bình, khi đề cao khả năng biên tập nội dung và đạo diễn của cô.[115][116] Một DVD thu lại đêm nhạc cũng được cô cho phát hành vào năm 2012.[22]
Vào ngày 22 tháng 10 năm 2011, Mỹ Tâm cho phát hành video âm nhạc và đĩa đơn kỹ thuật số "Đánh thức bình minh", nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Video Âm nhạc Việt.[117][118] Sau 11 tuần tranh giải, video giành chiến thắng chung cuộc với giải thưởng 300 triệu đồng và giải "Nữ ca sĩ xuất sắc nhất" trong đêm trao giải vào ngày 15 tháng 1 năm 2012, đồng thời được chọn trình chiếu trên kênh MTV Châu Á.[119] Vào tháng 1 năm 2012, Mỹ Tâm trở thành giám khảo vòng loại miền Trung và vòng chung kết chương trình SV 2012 của Đài truyền hình Việt Nam.[120] Vào ngày 14 tháng 2 năm 2012, cô tiếp tục cho ra mắt đĩa đơn kỹ thuật số và video âm nhạc "Sai".[121][122] Trong một buổi họp báo diễn ra vào ngày 29 tháng 5, mùa thứ tư của chương trình Thần tượng âm nhạc: Vietnam Idol chính thức xác nhận việc Mỹ Tâm là nữ giám khảo thay thế cho Siu Black.[123] Vào ngày 2 tháng 6, Mỹ Tâm cho phát hành đĩa đơn kỹ thuật số và video âm nhạc cho "Chuyện như chưa bắt đầu".[124][125][126] Bài hát đạt thành công cả về thương mại lẫn chuyên môn, khi liên tục giữ vị trí quán quân trên Bảng xếp hạng Nhacso với hơn 140.000 lượt nghe,[126] video âm nhạc đạt 1 triệu lượt xem chỉ trong vòng 1 tháng phát hành trên Youtube,[127] đồng thời nhận được một đề cử cho hạng mục "Bài hát của năm" trong mùa Giải Cống hiến lần thứ 8,[125] nhưng lại để lỡ vào tay nhạc phẩm "Chiếc khăn piêu" của Tùng Dương.[128] Cũng trong đêm trao giải diễn ra vào ngày 25 tháng 4 năm 2013 đó, Mỹ Tâm lần thứ hai đem về giải "Ca sĩ của năm" do nghệ sĩ Trần Hiếu xướng danh.[128] Vào ngày 1 tháng 8 năm 2012, Mỹ Tâm chính thức là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên trở thành đối tác với hệ thống YouTube.[127][129] Sau khi phát hành một trích đoạn ngắn vào tháng 11, video âm nhạc chính thức cho "Trắng đen" đã được phát hành vào ngày 8 tháng 11.[130][131][132] Video được khán giả đón nhận nồng nhiệt, khi lọt vào 4 video âm nhạc được bình luận nhiều nhất và đứng thứ 32 trong danh sách được yêu thích nhiều nhất trong tuần đầu phát hành trên trang mạng xã hội YouTube.[132] Chỉ sau 24 giờ ra mắt, video đã thu về hơn 100.000 lượt xem, với gần 17.000 bình luận.[132] Vào ngày 30 tháng 11 năm 2012, Mỹ Tâm trở thành nghệ sĩ Việt đầu tiên đoạt giải thưởng Mnet Asian Music Awards (MAMA) cho "Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất" ("Best Asian Artist").[133] Dù không có mặt tại lễ trao giải, cô vẫn xuất hiện trên màn hình sân khấu lớn của lễ trao giải diễn ra tại Hồng Kông với chiếc cúp trên tay.[134] Tại lễ trao giải Làn Sóng Xanh 2012, Mỹ Tâm giành chiến thắng tại hạng mục quan trọng "Gương mặt của năm" và giải "Ca sĩ được yêu thích nhất".[135]
2013-nay: Tâm
Vào ngày 24 tháng 3 năm 2013, Mỹ Tâm cho ra mắt album phòng thu thứ 8 mang tên Tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh.[136] Là một sản phẩm mang giai điệu pop soul,[137][138] album gồm 10 sáng tác gốc của chính cô với sự hợp tác của Cho Sung Jin và các nhà sản xuất âm nhạc Hàn Quốc khác.[136] Album nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà phê bình,[1][138][139][140][141] và là album thành công nhất của Mỹ Tâm về mặt thương mại cho đến hiện nay,[142] khi đạt 5.000 bản chỉ trong ngày đầu tiên xuất bản và vươn lên vị trí đầu bảng nhiều tuần liền về số lượng tải trên hệ thống iTunes.[1][139] Nhằm quảng bá cho album, 5 video âm nhạc chính thức đã được đăng tải trên tài khoản Youtube chính thức của cô. "Sự thật ta yêu nhau" là video đầu tiên được phát hành vào ngày 20 tháng 1 năm 2013,[143] đã đạt 250.000 lượt xem và 6.000 lượt yêu thích chỉ sau 3 ngày ra mắt.[144] Video "Bạn tôi", một tác phẩm múa bóng do các sinh viên trường Đại học Yersin Đà Lạt thực hiện, đã được phát hành sớm hơn do sự cố rò rỉ vào chiều ngày 12 tháng 3,[145] thu về hơn 300.000 lượt xem chỉ sau 3 ngày ra mắt.[146][147] Sau khi phát hành đoạn giới thiệu ngắn vào ngày 19 tháng 3,[146] video "Vì em quá yêu anh" do chính cô làm đạo diễn được phát hành 1 ngày sau đó,[148] gây được chú ý khi đạt 200.000 lượt xem trên YouTube chỉ trong một ngày, rồi tăng lên 600.000 lượt xem và 16.000 lượt yêu thích sau đúng một tuần.[149] Video âm nhạc cho "Như một giấc mơ" phát hành vào ngày 15 tháng 6 tiếp tục đạt thành công,[150] khi vượt ngưỡng 2 triệu lượt xem và hơn 500.000 lượt yêu thích trong chưa đầy một tháng xuất bản, đưa số lượng người đăng ký theo dõi kênh của cô cán mốc 200.000 lượt.[151] Video âm nhạc cuối cùng của album, "Gởi tình yêu của em" được phát hành vào ngày 2 tháng 12 năm 2013.[152]
Vào ngày 24 tháng 8 năm 2013, Mỹ Tâm tổ chức đêm nhạc theo phong cách acoustic mang tên "Gởi tình yêu của em" tại Thành phố Hồ Chí Minh.[153][154] Cô tiếp tục đem chương trình này đến biểu diễn tại Hà Nội vào ngày 26 tháng 10,[155] trước khi tổ chức đêm diễn với mục đích từ thiện tại Đà Nẵng vào ngày 16 tháng 1 năm 2014.[156] Một DVD ghi lại chương trình cũng được phát hành trong một buổi ký tặng diễn ra vào ngày 27 tháng 4 năm 2014.[157] Cũng trong đêm diễn, cô lần đầu hé lộ ca khúc mới của nhạc sĩ Hoàng Nhã mang tên "Em phải làm sao".[158] Vào ngày 22 tháng 10, Mỹ Tâm phát hành đĩa đơn kỹ thuật số và video âm nhạc cho bài hát này.[159][160] Video đạt mốc 200.000 lượt người xem trong ngày xuất bản, lọt vào danh sách 8 video âm nhạc có lượt truy cập nhiều nhất trên YouTube toàn cầu, đứng ở vị trí thứ 2 trong các video âm nhạc phổ biến nhất và lọt vào 14 video âm nhạc được yêu thích nhất trong ngày.[161] Vào ngày 21 tháng 9 năm 2013, Mỹ Tâm chính thức xác nhận lần quay trở lại ngôi vị giám khảo tại cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam, mùa thứ 5.[162] Ngày 30 tháng 11, Mỹ Tâm lên tiếng về việc hủy tài khoản Youtube với tên miền "Mytamtube" và chuyển sang tài khoản mới do gặp sơ suất trong quá trình quản lý,[163] đồng nghĩa với việc xóa bỏ toàn bộ lượt xem, bình luận của người hâm mộ trên các video ca nhạc trong suốt thời gian qua.[164][165] Vào ngày 1 tháng 3 năm 2014, Tâm lần đầu tham gia biểu diễn cùng ca sĩ Hiền Thục với nhạc phẩm "Tóc nâu môi trầm" trong đêm nhạc Dấu ấn.[166][167] Mỹ Tâm xuất hiện trong vai trò giám khảo chương trình số 11 của Gương mặt thân quen, mùa thứ 2 được phát sóng vào ngày 7 tháng 6.[168] Vào ngày 21 tháng 7, Mỹ Tâm hợp tác trong ca khúc "Về bên anh" và "Nụ cười còn mãi", nằm trong album kỷ niệm 1 năm ngày mất của nam ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, Khúc ca cho em.[169][170]
Chiều 28 tháng 9 năm 2014, Mỹ Tâm chính thức công bố về chuyến lưu diễn miễn phí mang tên "Heartbeat", cùng với sự cộng tác với nhạc sĩ Lê Quang và Vĩnh Tâm trong phần nội dung âm nhạc.[171][172] Chương trình gây được sự chú ý đông đảo, khi được xem là đêm diễn tại sân vận động đầu tiên của cô sau 10 năm.[173][174] Có hơn 6.000 vé được đặt trước chỉ trong một giờ mở cửa,[173] với 35.000 vé tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã được đặt hết chỉ trong vòng 24 giờ đầu tiên.[175][176] Sau cùng, ước tính có 40.000 khán giả đến dự đêm diễn được diễn ra tại Sân vận động Quân khu 7 ngày 9 tháng 11,[177] và khoảng 25.000 người đến xem buổi trình diễn tại Sân vận động Hàng Đẫy vào ngày 23 tháng 11.[178] Toàn bộ chương trình gây được tiếng vang lớn cho Mỹ Tâm và được các nhà phê bình tán dương rộng rãi, khi được mô tả là "liveshow đáng nhớ trong sự nghiệp" của cô,[177][178][179][180][181][182][183] đồng thời mang về cho cô đề cử giải Cống hiến 2015 ở hạng mục "Chương trình của năm".[184] Trong khi đó, video âm nhạc "Vì mình còn yêu" được cô cho ra mắt trước thời điểm diễn ra đêm diễn "Heartbeat" thay cho lời cảm ơn khán giả hâm mộ lại nhận được phản hồi tiêu cực áp đảo, khi được đánh giá thiếu sự đầu tư và sáng tạo so với những sản phẩm âm nhạc trước.[185][186][187][188][188][189]
Trong năm 2013 và 2014, Mỹ Tâm liên tục xuất hiện tại nhiều hạng mục giải thưởng trong nước và quốc tế. Trong lễ kỷ niệm hai năm thành lập kênh MTV Việt Nam vào ngày 27 tháng 9 năm 2013, Mỹ Tâm chính thức trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam tranh giải "Nghệ sĩ xuất sắc thế giới" ("Best Worldwide Act") tại giải thưởng Âm nhạc châu Âu của MTV, được tổ chức vào ngày 10 tháng 11 tại Amsterdam, Hà Lan.[190][191] Vào ngày 25 tháng 10, cô được thông báo đã vượt qua 5 ứng cử viên khác để chính thức trở thành nghệ sĩ đại diện cho khu vực Đông Nam Á tranh giải ở vòng 2 của giải thưởng.[192][193] Sau khi dừng bước trước đối thủ Lý Vũ Xuân đến từ Trung Quốc,[194] Mỹ Tâm nhận cúp "Nghệ sĩ xuất sắc Đông Nam Á" từ đại diện của kênh MTV Việt Nam trên sân khấu cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam đêm 23 tháng 3 năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh.[195] Trong đêm trao giải diễn ra vào tháng 12 năm 2013, Mỹ Tâm giành giải Làn Sóng Xanh cho "Ca sĩ được yêu thích nhất" lần thứ 11 liên tiếp trong sự nghiệp,[196][197] trước khi cô công bố rút tên khỏi giải thưởng âm nhạc này kể từ năm 2014.[198][199] Tháng 10 năm 2013, Mỹ Tâm có xuất hiện trong danh sách đề cử "Nữ nghệ sĩ xuất sắc thế giới" của World Music Awards nhưng không thắng giải.[200][201] Vào tháng 3 năm 2014, cô tiếp tục lọt vào danh sách đề cử của giải thưởng này năm thứ 2 liên tiếp cho 3 hạng mục: "Nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất thế giới" ("World Best Female Artist"), "Nghệ sĩ trình diễn trực tiếp hay nhất thế giới" ("World Best Live Act") và "Nghệ sĩ giải trí xuất sắc nhất thế giới của năm" ("Worlds Best Entertainer Of The Year").[201] Vào ngày 27 tháng 5, Mỹ Tâm đến dự lễ trao giải diễn ra tại Monaco và trở thành 1 trong 25 nghệ sĩ khắp thế giới vinh dự nhận giải "Nghệ sĩ có album bán chạy nhất lãnh thổ" ("Best-selling artists from each major territory") do Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) chứng nhận.[202][203] Trong sự kiện "Top Asia Corporate Ball 2014" được bảo trợ bởi Bộ Văn hoá Du lịch Malaysia và Bộ Công Thương Malaysia diễn ra vào ngày 21 tháng 11, Mỹ Tâm được vinh danh với giải "Huyền thoại Âm nhạc Châu Á" ("Asia's Music Legend") dành cho những nghệ sĩ xuất sắc và biểu tượng trong lĩnh vực âm nhạc.[204][205] Đài truyền hình Việt Nam cũng xướng tên Mỹ Tâm khi trao giải "Ấn tượng VTV" cho "Nghệ sỹ ấn tượng nhất VTV 2014".[206]
Phong cách nghệ thuật
"Hát với dòng sông" là bài hát có phần ca từ lột tả về tình yêu đôi lứa và mang các yếu tố pop rock thường thấy ở Mỹ Tâm.
"Giấc mơ muôn màu" là đại diện nổi bật cho các nhạc phẩm mà Mỹ Tâm thử nghiệm ở dòng nhạc Trung Đông trong Hoàng hôn thức giấc.
"Hãy đến với em" mang đậm hơi thở từ Hàn Quốc với các ảnh hưởng từ R&B và dance được Mỹ Tâm thử sức trong Vút bay.
| |
Trục trặc khi nghe các tập tin âm thanh này? Xem hướng dẫn. |
Từ khi khởi nghiệp bằng album đầu tay vào năm 2001, phong cách âm nhạc của Mỹ Tâm thường được ghi nhận bởi những ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng nhạc trẻ đương thời, với các yếu tố pop rock nổi bật.[207][208][209] Dù vậy, cô cũng từng tham gia thể nghiệm với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Nếu như ở Hoàng hôn thức giấc (2005), các sáng tác mang yếu tố của dòng nhạc Trung Đông nổi bật hơn cả,[64][210] thì âm điệu R&B,[72][208] dance[72][208] và hip-hop[72][208] lại được thể hiện rõ rệt với Vút bay (2006) và Nhịp đập (2008). Ngoài ra, cô cũng từng thử sức với dòng nhạc trữ tình,[98] nhạc Latin,[211] ballad[208] hay pop soul.[138] Trong một cuộc phỏng vấn năm 2005, Mỹ Tâm cũng từng thổ lộ việc lấy Britney Spears và Jennifer Lopez làm hình mẫu cho mình.[210] Về ca từ, các nhạc phẩm mà Mỹ Tâm thể hiện thường mang các chủ đề liên quan đến tình cảm lứa đôi, tình bạn và cuộc sống đời thường.[29][141][147] Trang Vietnamplus khẳng định Mỹ Tâm "đã mở rộng thế giới pop 'mộc mạc' của mình bằng sự kết hợp và pha trộn nhiều thể loại âm nhạc trẻ trung, thời thượng, hấp dẫn giới trẻ".[208]
Mỹ Tâm còn được công chúng nhìn nhận ở cương vị của một nhạc sĩ.[1][75] Cô bắt đầu viết nhạc từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường tại Đà Nẵng và tiếp tục theo đuổi lối sáng tác chuyên nghiệp từ khi theo học thanh nhạc một cách bài bản sau này.[75] Trong khi các nhạc phẩm trước đây của cô như "Tình mơ", "Mãi yêu" hoặc các bài hát nhạc nước ngoài được cô phổ lời Việt ít nhận được sự chú ý của khán giả, thì sự nghiệp sáng tác của cô chỉ bắt đầu nở rộ kể từ khi Hoàng hôn thức giấc (2005) được ra mắt.[75] Trong bài nhận xét album Tâm (2013) trên tờ Tuổi trẻ, nhà báo Quỳnh Nguyễn từng nhận định "Có lẽ Tâm là ngôi sao nhạc pop duy nhất của Việt Nam thể hiện thành công ca khúc của nhiều nhạc sĩ khác nhau nhưng cũng thành công với những sáng tác của chính mình."[1] Vân An của VNExpress cho rằng "Mỹ Tâm có tài dẫn chuyện vừa chân thật, 'tưng tửng' nhưng lại cuốn hút đến kỳ lạ" khi "dẫn dắt khán giả hòa nhịp cùng dòng cảm xúc của mình để họ cảm được bài hát ấy một cách nhẹ nhàng và tự nhiên nhất".[141]
Mỹ Tâm sở hữu chất giọng nữ trung trầm (mezzo alto) hiếm có,[209] với âm vực dài 3 quãng 8,[212][213] trải dài từ C#3 đến C6,[213][214] cùng nốt với giọng ngực cao nhất có thể đạt tới E5.[213][214] Giọng hát của cô ở thưở đầu sự nghiệp từng được mô tả là "chất giọng alto trầm nhưng vang và sáng".[13] Dù vậy, công chúng thường nhìn nhận ở khả năng truyền cảm giọng hát của cô hơn là kỹ thuật thanh nhạc.[213] Tác giả Ngọc Hoàng từng nhận định "Nếu bạn đang mong chờ đến 1 giọng hát cao vút, một âm vực bát ngàn, đầy những kỹ thuật siêu việt thì có lẽ Mỹ Tâm không phải là sự lựa chọn của bạn. Cái hay của Mỹ Tâm là không nằm trong những khuôn khổ trên mà là ở chính cái chất giọng rất riêng, rất đặc biệt của Mỹ Tâm".[213] Nhà báo Tùng Lâm tiếp tục khẳng định "Giọng hát điêu luyện, mạnh mẽ và đầy xúc cảm của Mỹ Tâm không chỉ giúp cô có chỗ đứng vững chắc trong làng nhạc Việt, mà còn là cơ sở để người hâm mộ đặt trọn vẹn niềm tin khi cô đại diện cho Việt Nam 'đem chuông đi đánh xứ người'."[215]
Các hoạt động khác
Thương hiệu riêng
Vào năm 2007, Mỹ Tâm cho ra mắt công ty giải trí MT Entertainment do chính cô làm giám đốc,[216] đồng thời công bố về nhãn hiệu sữa tắm và nước hoa mang tên "My Time".[217] Được xem là nhãn hiệu nước hoa đầu tiên do một ca sĩ Việt Nam sở hữu,[218] "My Time" là sản phẩm do MT Entertainment và Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn phối hợp sản xuất,[218][219] với 4 mùi hương khác nhau[220] và được cô thực hiện trong vòng 8 tháng.[218][219][220] Vào năm 2012, cô lên tiếng về thương hiệu thời trang "Nightingale" mà cô tự thiết kế, với thời gian hơn 2 năm chuẩn bị.[221][222][223] Cô công bố dòng sản phẩm và xuất hiện với vai trò của một nhà thiết kế kiêm người mẫu chính cùng dòng thời trang này trên chương trình "Thời trang & Đam mê" vào tháng 8 năm 2013.[224][225][226] Trong khi "Nightingale" nhận được những phản hồi trái chiều,[227][228] cô vẫn tiếp tục cho ra mắt bộ sưu tập dành cho mùa hè vào tháng 4 năm 2014.[229] Vào ngày 31 tháng 12 năm 2013, một lễ khánh thành khai trương trụ sở làm việc mới của MT Entertainment cũng như ra mắt thương hiệu Nightingale được Mỹ Tâm tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.[230]
Hoạt động từ thiện
Mỹ Tâm nhiều lần tham gia hỗ trợ và có những đóng góp xã hội cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Trong chuyến lưu diễn phục vụ miễn phí cho sinh viên xuyên Việt "Sức mạnh của những ước mơ" vào năm 2005, cô hợp tác cùng Honda Việt Nam trong việc trao 50 suất học bổng trị giá 50 triệu đồng cho sinh viên nghèo vượt khó tại mỗi thành phố diễn ra chương trình.[68] Nhân đợt phân phối 7.000 sản phẩm nước hoa "My Time" đầu tiên ra thị trường, Mỹ Tâm trích 10.000 đồng trên doanh thu mỗi chai nước hoa và 70 triệu đồng để làm từ thiện.[218] Đêm diễn "Gởi tình yêu của em" tại Đà Nẵng vào năm 2014 cũng được cô tổ chức nhằm mục đích từ thiện, khi dùng lợi nhuận của việc bán vé để thực hiện chương trình trao quà cho bà con miền Trung chịu nhiều khó khăn và thiệt hại sau những trận bão lũ vào dịp Tết Nguyên Đán.[156]
Vào tháng 4 năm 2008, Mỹ Tâm thành lập quỹ từ thiện "MT Foundation", nhắm tới đối tượng là những trẻ em mồ côi, khuyết tật và các trẻ em nghèo hiếu học.[231] Bằng việc trích một phần lợi nhuận từ các sản phẩm âm nhạc và kinh doanh riêng, mỗi tháng Mỹ Tâm đều mang những phần quà và tiền từ MT Foundation đến với những mảnh đời cơ cực, cần giúp đỡ và chia sẻ.[86] Bên cạnh đó, cô còn tổ chức chương trình "Nâng bước ngày mai", một hoạt động thường niên của quỹ "MT Foundation", với ước tính trung bình 700 suất học bổng, tương đương 1.4 tỷ đồng được trao cho học sinh nghèo hiếu học ở các tỉnh, bên cạnh các hoạt động từ thiện khác dành cho bà con nghèo diễn ra vào mỗi năm.[232][233][234][235][236]
Ảnh hưởng và công nhận
Nhiều tác giả và nhà báo trong nước lẫn quốc tế từng nhìn nhận Mỹ Tâm là một trong những nữ nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam.[208][209][210] Trang văn hóa điện tử Hoa Kỳ Guest of a Guest từng xếp cô vào danh sách "5 Nghệ sĩ nhạc pop mà có thể bạn chưa từng nghe đến", khi cho rằng "Mỹ Tâm được biết đến như là 'Nữ hoàng V-pop' và cô ấy chắc chắn xứng đáng với danh hiệu đó".[238] Tương tự, trong danh sách 12 nghệ sĩ "Hiện tượng Pop toàn cầu mà bạn chưa biết" của ABC News, cô được đánh giá "là một trong những giọng hát được công nhận của khu vực Đông Nam Á".[239] Tờ Tuổi trẻ khẳng định "Dù yêu thích hay không yêu thích giọng hát Mỹ Tâm cũng rất khó phủ nhận vị trí 'đầu bảng' của cô trong thị trường nhạc trẻ suốt 15 năm qua. Mỹ Tâm cũng là nữ ca sĩ thuộc thế hệ 8X hiếm hoi được cả giới chuyên môn lẫn công chúng yêu mến".[1] Trong quyển Popular Music in Vietnam: The Politics of Remembering, the Economics of Forgetting, nhà phân tích Dale A. Olsen có gọi Mỹ Tâm là "ca sĩ nhạc pop nổi tiếng nhất tại Việt Nam trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21".[210]
Nhiều đồng nghiệp và nghệ sĩ khác từng đề cập đến Mỹ Tâm như là nhân tố ảnh hưởng hoặc là ca sĩ mà họ yêu mến, có thể kể đến như Hồng Nhung,[240] Hiền Thục,[241] Mỹ Lệ,[242] Quang Lê,[243] Hồng Đăng,[244] Nguyễn Hà,[245] Phú Quang,[246] Đông Nhi,[247] Nam Cường,[248] Thy Dung,[249] Đăng Khôi,[250] Uyên Trang,[251] và Đặng Thu Thảo.[252] Trong cuốn tản văn Thị Dân (2010), nhạc sĩ Quốc Bảo có chia sẻ "Tâm đã, đang và sẽ mãi mãi là 1 ngôi sao. Nhưng với tôi, Tâm là cô bé... chẳng sai chút nào. Em nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, hồn nhiên nhưng sâu lắng, giản dị nhưng nhiều khát vọng...".[14] Nữ nghệ sĩ Hàn Quốc Park Jeong-Ah từng thổ lộ việc yêu mến Mỹ Tâm nhờ phong cách ấn tượng trong một lần sang Việt Nam biểu diễn.[253] Là một cộng tác viên lâu năm của Mỹ Tâm, nhà sản xuất âm nhạc Hàn Quốc Cho Sung Jin có nhận xét về việc "Tôi luôn nhìn thấy sự đam mê, những kỹ năng âm nhạc của cô phát triển hơn sau mỗi ngày" và khẳng định "Mỹ Tâm chính là nghệ sĩ hoàn hảo nhất trong cả cuộc đời âm nhạc của tôi".[139] Trong chương trình Vân tay, nữ ca sĩ Mỹ Linh từng đánh giá Mỹ Tâm là ca sĩ hội đủ yếu tố để trở thành diva lớp kế cận.[254] Sau đêm lưu diễn MTV Exit diễn ra vào tháng 5 năm 2012, nhóm nhạc Simple Plan có cho rằng Mỹ Tâm "là một tài năng lớn, có phong cách làm việc chuyên nghiệp", đồng thời gọi cô là "siêu sao ca nhạc".[255] Theo Olsen, việc tham gia của Mỹ Tâm trong việc chuyển ngữ, trình bày và thu âm các bài hát nước ngoài phần nào đã giúp cô được nhìn nhận là người đi đầu trong các vấn đề về tác quyền tại Việt Nam.[210] Từ khi là đối tác của hệ thống YouTube vào năm 2012, Mỹ Tâm đã rút tên mình khỏi các trang nhạc số tại Việt Nam nhằm chuẩn hóa các vấn đề bản quyền ở phạm vi trong nước và quốc tế, đồng thời đưa âm nhạc của cô vào khuôn khổ các hệ thống nhạc trả phí.[256][257]
Trong xuyên suốt sự nghiệp, Mỹ Tâm giành được nhiều giải thưởng, đề cử và vinh danh trong nước và quốc tế.[258] Cho đến nay, cô đã giành được 2 giải Cống Hiến,[93][128] 3 giải HTV Awards,[91][92][109] 3 giải Mai Vàng,[28][41][85] 1 giải Mnet Asian Music Awards,[133] 1 giải World Music Awards,[202] 1 giải Âm nhạc châu Âu của MTV,[195] 11 lần liên tiếp nhận giải "Ca sĩ được yêu thích nhất" và 3 năm liên tiếp nhận giải "Gương mặt của năm" của Giải thưởng Làn Sóng Xanh.[258] Cô tiếp tục được vinh danh bằng giải thưởng "Huyền thoại Âm nhạc Châu Á" tại sự kiện Top Asia Corporate Ball 2014 ở Kuala Lumpur.[204] Cô được Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) công nhận là "Nghệ sĩ có album bán chạy nhất lãnh thổ" trong năm 2014.[203]
Danh sách đĩa nhạc
- Mãi yêu (2001)
- Đâu chỉ riêng em (2002)
- Yesterday & Now (2003)
- Hoàng hôn thức giấc (2005)
- Vút bay (2006)
- Trở lại (2008)
- To the Beat (2008)
- Tâm (2013)
Các buổi diễn
Trình diễn chính
|
Đồng trình diễn
|
Tham khảo
- ^ a b c d e f Quỳnh Nguyễn (6 tháng 4 năm 2013). “Vì đó là Tâm!”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm - MTV Exit”. MTV Exit. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm”. Nhac.vui.vn. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thành Luân (16 tháng 12 năm 2012). “Loạt ảnh "ngố tàu" của ca sĩ Việt thuở mới vào nghề (P1)”. Thể thao Ngày nay. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thiên Phong (18 tháng 7 năm 2014). “Những gia đình đông anh em của sao Việt”. Zing News. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm đã đi bước nào để trở thành Huyền thoại âm nhạc châu Á? - #2”. The Box. 4 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d e “World gets wise to My Tam”. Vietnamnews. 27 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d e f g An Du (22 tháng 11 năm 2014). “Nhìn lại con đường trở thành "Huyền thoại âm nhạc" của Mỹ Tâm”. Soha News. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm đã đi bước nào để trở thành Huyền thoại âm nhạc châu Á? - #4”. The Box. 4 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d e f g “Tiểu sử Mỹ Tâm”. Làn Sóng Xanh. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d e “Mỹ Tâm”. nhacso.net. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d e Văn Châu (23 tháng 11 năm 2014). “Hành trình đến giải Huyền thoại âm nhạc châu Á của Mỹ Tâm”. Zing News. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c “Tiểu sử ca sĩ Mỹ Tâm”. Tri thức sống. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d e “7 cột mốc âm nhạc không thể nào quên của Mỹ Tâm”. Tri thức sống. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tường Nam (19 tháng 8 năm 2014). “Những sao Việt là thủ khoa, á khoa ở trường ĐH”. Zing News. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b “Mỹ Tâm đỗ thủ khoa”. VnExpress. 12 tháng 7 năm 2001. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2010.
- ^ a b “Album: Mãi Yêu - Mỹ Tâm”. Làn Sóng Xanh. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Jenny O'Connor (20 tháng 9 năm 2012). “The Playlist: Top 5 Essential Artists for a Southeast Asian Road Trip”. GrooveTraveler. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm: Từ 'họa mi tóc nâu' đến huyền thoại âm nhạc châu Á”. Go News. 5 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Các ca sĩ nói về "VTV - Bài hát tôi yêu"”. VNExpress. 12 tháng 6 năm 2002. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Kết quả bình chọn của "VTV - Bài hát tôi yêu"”. VNExpress. 7 tháng 9 năm 2002. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d e f g h i j k l “Mỹ Tâm - MTV Exit - Việt Nam”. MTV Exit. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c T3 (22 tháng 10 năm 2006). “Single Vpop – Câu chuyện bình cũ rượu mới”. VTC News. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2014.
- ^ Xuân Lộc (21 tháng 2 năm 2002). “Quốc An: Âm nhạc không giới hạn”. Maivang.nld.com.vn. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2014.
- ^ “Nhạc sĩ Quốc An: Chất giọng quyết định thành công ca sĩ”. Tuoitre.vn. 13 tháng 7 năm 2005. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2014.
- ^ a b c Chủ nhật, 28/7/2002 06:25 GMT+7 (28 tháng 7 năm 2002). “Quốc An - Nhất Huy và ca khúc "Hát với dòng sông"”. Giaitri.vnexpress.net. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2014.
- ^ “"Không thử sao biết" - chương trình ca nhạc dành cho sinh viên”. Dantri.com.vn. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2014.
- ^ a b Thứ sáu, 25/1/2002 16:47 GMT+7 (25 tháng 1 năm 2002). “Đan Trường, Mỹ Tâm đoạt giải Mai Vàng lần VII”. Giaitri.vnexpress.net. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2014.
- ^ a b c “Những bài hát làm nên tên tuổi Mỹ Tâm”. Dân trí. 8 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b “Lam Trường, Phương Thanh dẫn đầu Top ten Làn Sóng Xanh”. VNExpress. 29 tháng 8 năm 2002. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Vũ Thùy Chinh. “Lưu luyến những giai điệu Mai Vàng”. Người Lao Động. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c “Mỹ Tâm - Đâu chỉ riêng em Vol. 2”. All Vpop. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Phiên bản gốc của những ca khúc đình đám”. AFamily. 14 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “"Thank You" - Mỹ Tâm”. Lyrics. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thy Lê (15 tháng 1 năm 2004). “VTV - Bài hát tôi yêu, vẫn là những gương mặt quen thuộc”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “10 video clip lọt vào chung kết VTV Bài hát tôi yêu”. Tuổi Trẻ Online. 29 tháng 11 năm 2003. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Mai Anh (25 tháng 11 năm 2014). “Mỹ Tâm - ca sĩ của những kỷ lục đáng nể”. Báo Giao Thông. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Album: Yesterday & Now- Mỹ Tâm”. Làn Sóng Xanh. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Trung Nghĩa (15 tháng 3 năm 2005). “Băng đĩa nhạc Việt: Ngày mai trời lại sáng?”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Hy vọng mới cho băng đĩa nhạc Việt”. VNExpress. 15 tháng 3 năm 2005. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b “Lễ trao giải Mai Vàng năm 2003”. Minh Tuệ. 24 tháng 10 năm 2003. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Ước gì là bản hit đình đám đã nhiều năm của Mỹ Tâm”. Mực tím. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tr.N (6 tháng 12 năm 2004). “Kết quả giải thưởng Làn Sóng Xanh 2004”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “"Niềm tin chiến thắng" là bài hát đạo nhạc?”. Dân trí. 21 tháng 12 năm 2005. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Trung Nghĩa (22 tháng 10 năm 2003). “Làn sóng xanh 2003: mới và trẻ”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mãi yêu - Mỹ Tâm (VCD)”. Phương Nam Film. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Từ Liveshow của một ngôi sao: Đi đúng con đường của mình”. Tuổi Trẻ Online. 33/31/2003. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
và|date=
(trợ giúp) - ^ “Ca sĩ Mỹ Tâm sẽ gặp gỡ các ngôi sao thế giới tại Anh quốc”. Tuổi Trẻ Online. 21 tháng 1 năm 2004. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Tr.N (16 tháng 3 năm 2004). “Liveshow Mỹ Tâm: chi phí trên 3 tỉ đồng”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Những bài hit để đời của Mỹ Tâm trong liveshow 10 năm trước”. YAN News. 6 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Huy Thọ - Hạnh Nguyên (3 tháng 4 năm 2004). “Liveshow trên sân Mỹ Đình: Có "dễ tính"?”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Q.N. - TR.N. (18 tháng 2 năm 2004). “Hai chương trình âm nhạc đáng chú ý”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Phong cách thời trang Mỹ Tâm qua 2 liveshow cách nhau 10 năm”. VNExpress. 24 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tr.N (25 tháng 3 năm 2004). “Liveshow Mỹ Tâm: nhiều bài mang phong cách rock”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c “Mỹ Tâm: Chưa đạt đẳng cấp diva”. 26 tháng 3 năm 2004. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ U.L. (4 tháng 4 năm 2004). “Thời tiết ủng hộ live show Mỹ Tâm”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tr.N. (17 tháng 9 năm 2004). “Ngày ấy & bây giờ: DVD liveshow Mỹ Tâm”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tr.N. (20 tháng 1 năm 2005). “Bất ngờ lớn tại giải thưởng âm nhạc Cống hiến”. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Ca sĩ Mỹ Tâm với live show "Quê hương tuổi thơ tôi"”. Người Lao Động. 21 tháng 9 năm 2004. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Linh Lan. “Ảo tưởng về giải "Lá phong" của ca sĩ Mỹ Tâm”. Người lao động. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tr.N (24 tháng 4 năm 2005). “Album Mỹ Tâm Vol.4: Hoàng hôn thức giấc”. Tuổi Trẻ Online Cười. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm đã đi bước nào để trở thành Huyền thoại âm nhạc châu Á? - #16”. The Box. 4 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tr.N (24 tháng 4 năm 2005). “Album Mỹ Tâm Vol.4: Hoàng hôn thức giấc”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c TR.N. - Q.N. (11 tháng 2 năm 2006). “Nữ ca sĩ làm mới mình”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tr.N (10 tháng 5 năm 2005). “Album Mỹ Tâm Vol.4 Hoàng hôn thức giấc tiêu thụ 20.000 bản”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tr.N (13 tháng 1 năm 2006). “Giải Cống hiến 2005: Chat với Mozart thắng áp đảo”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Kết quả Làn sóng xanh 2005: Bất ngờ với nhiều thắc mắc!”. Dân trí. 13 tháng 12 năm 2005. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Q.N. (16 tháng 9 năm 2005). “Mỹ Tâm lưu diễn xuyên Việt phục vụ SV”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thùy Trang. “Thiếu tài trợ, nhiều live show cuối năm bị bỏ dỡ”. Người lao động. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Q.N. (19 tháng 9 năm 2005). “Mỹ Tâm đưa "Sức mạnh của những ước mơ" đến với SV”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Trung Thành (22 tháng 12 năm 2006). “Mỹ Tâm trở lại với hình ảnh rất Hàn Quốc”. Dân Trí. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d e f g h T.Tr (21 tháng 12 năm 2006). “Mỹ Tâm ra mắt album nhạc Việt - Hàn”. Người Lao Động. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Thạch Tú (29 tháng 5 năm 2012). “Sao Việt "lận đận" phát hành album ở nước ngoài”. VNMedia. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c T.Tr (25 tháng 2 năm 2008). “Mỹ Tâm tiết lộ dự án âm nhạc mới”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d Trung Thành (24 tháng 1 năm 2007). “Mỹ Tâm vút bay”. Dân trí. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Trung Nghĩa (31 tháng 12 năm 2006). “Nhạc Việt 2007: Sẽ có mùa quả ngọt...”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Quỳnh Nguyễn (9 tháng 2 năm 2008). “"Xuất khẩu" âm nhạc: Thời của những tài năng trẻ”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm - Chuyện chưa kể ở Seoul”. Dân trí. 21 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Trung Thành (21 tháng 3 năm 2007). “Giải thưởng Cống hiến lần thứ 2 đã có chủ”. Dân trí. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Trung Thành (26 tháng 12 năm 2006). “Làn Sóng Xanh 2006: Đêm trao giải không bất ngờ”. Dân trí. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tr.N. (23 tháng 1 năm 2007). “Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm đoạt giải Ngôi sao bạch kim”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Tiểu sử Mỹ Tâm”. VNExpress. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d Trần Trung Thành (31 tháng 3 năm 2008). “Mỹ Tâm: Sau "Vút bay" thì… "Trở lại"”. Dân trí. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Quỳnh Trang (13 tháng 2 năm 2010). “Nhạc trẻ một năm nhìn lại”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b M. Khuê (23 tháng 12 năm 2012). “Mỹ Tâm thuở mặt tròn vành vạnh”. Người Lao Động. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Quỳnh Nguyễn (28 tháng 9 năm 2008). “Mỹ Tâm với nhiều hoạt động nghề nghiệp và xã hội”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Cẩm Lệ (3 tháng 10 năm 2008). “Dạo chợ... album”. Báo Phụ nữ. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Nhiêu Huy (21 tháng 12 năm 2007). “Làn Sóng Xanh tổng kết 10 năm nhạc trẻ”. VNExpress. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Nhiêu Huy (9 tháng 12 năm 2008). “Làn Sóng Xanh 2008: Đàm Vĩnh Hưng là ca sĩ của năm”. VNExpress. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Q.N. “Giải Mai vàng 2008: Quyền Linh đại thắng!”. 1/19/2009. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b T.T.D. (20 tháng 4 năm 2008). “Những khoảnh khắc HTV Award 2007”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Thành Trung (20 tháng 4 năm 2008). “Mỹ Tâm, Đan Trường lần thứ 2 đoạt giải HTV Award”. VTC News. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b “Giải Âm nhạc Cống hiến: Đỗ Bảo giành "cú đúp"”. Vietnamplus. 12 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm phát hành tập sách ảnh "Melodies of Time"”. Vietnamplus. 18 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thoại Hà (16 tháng 3 năm 2010). “Mỹ Tâm ra sách tâm sự chuyện nghề, trổ tài nhiếp ảnh”. VNExpress. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Hàn Quốc Việt (16 tháng 3 năm 2010). “Mỹ Tâm ra sách ảnh và hát nhạc xưa”. Tin Mới. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm cũng ra sách”. Megafun. 16 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Quỳnh Thi (16 tháng 5 năm 2010). “Mỹ Tâm đằm thắm cùng Những giai điệu của thời gian”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d Hoàng Lê (17 tháng 10 năm 2010). “Xem Cho một tình yêu: Phim dễ chịu nhờ... lời hát!”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Hoàng Lê (9 tháng 10 năm 2013). “4 phim ca nhạc đình đám hot nhất làng giải trí Việt”. CitiNews. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Bạch Mai (13 tháng 10 năm 2010). “Thất vọng Cho một tình yêu!”. Thanh Niên. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ LQTT (8 tháng 3 năm 2011). “Mỹ Tâm tung hit "Xin lỗi"!”. Mask Online. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Sơn Hà (8 tháng 3 năm 2011). “Mỹ Tâm tặng quà 8/3 bằng clip "Xin lỗi"”. Vietnamnet. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Dung Lâm (8 tháng 3 năm 2011). “Mỹ Tâm 'xin lỗi' tình yêu trong clip mới”. VNExpress. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm "nóng hừng hực" với sản phẩm phát hành hạn chế”. Vietgiaitri. 16 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm - Cho Một Tình Yêu”. All Vpop. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Ngô Bá Lục (23 tháng 9 năm 2009). “Mỹ Tâm làm giám khảo Sao Mai điểm hẹn 2010”. vnmedia. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2010.
- ^ Dung Lâm (3 tháng 1 năm 2011). “Mỹ Tâm 'quậy' cùng Sao Mai Điểm hẹn trên sân khấu”. VNExpress. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Thu Trang (6 tháng 4 năm 2010). “Mỹ Tâm: Hai lần bước lên nhận giải HTV Award 2010”. Tin tức Online. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Gia Tiến (5 tháng 12 năm 2011). “Làn sóng xanh 2011: Vẫn những gương mặt cũ”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Dung Lâm (15 tháng 1 năm 2011). “Mỹ Tâm 'biến hóa' liên tục trong liveshow”. VNExpress. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Dung Lâm (15 tháng 1 năm 2011). “Mỹ Tâm tri ân đạo diễn Huỳnh Phúc Điền”. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Dung Lâm (15 tháng 2 năm 2011). “Mỹ Tâm đem liveshow ra Hà Nội”. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Dung Lâm (1 tháng 3 năm 2011). “Mỹ Tâm gây sốt vé khi làm liveshow ở Hà Nội”. VNExpress. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Hà Uyên (9 tháng 9 năm 2011). “Mỹ Tâm biến hóa trong liveshow "Cho một tình yêu"”. Thanh niên. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Hoàng Dung (9 tháng 9 năm 2011). “Mỹ Tâm và khán giả thăng hoa với 'Cho một tình yêu'”. VNExpress. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Phương Hiền (23 tháng 10 năm 2011). “Mỹ Tâm đánh thức bình minh”. VOV. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ iTunes Việt Nam. “iTunes - Music - Đánh Thức Bình Minh (I Wanna Fly) - Single by My Tam”. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Gia Tiến (15 tháng 1 năm 2012). “Mỹ Tâm và Karik thắng giải MTV Việt Nam”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm làm giám khảo SV 2012”. Đài truyền hình Việt Nam VTV. 26 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ iTunes Việt Nam. “iTunes - Music - Sai (Wrong) - Single by My Tam”. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ N.Đinh (14 tháng 2 năm 2012). “Mỹ Tâm sắp lên xe hoa và tung MV 'Sai'”. Tiền phong. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Q.N. - Nguyễn Hà (30 tháng 5 năm 2012). “Mỹ Tâm, Huy Khánh tham gia Vietnam Idol”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Hoàng Dung (2 tháng 6 năm 2012). “Mỹ Tâm lấy nước mắt khán giả trong clip mới”. VNExpress. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Quỳnh Vũ (7 tháng 4 năm 2013). “Nhạc sĩ Hoàng Nhã: Chuyện như chưa bắt đầu...”. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Khoa Trần (7 tháng 4 năm 2013). “Mỹ Tâm hút khán giả với 'Chuyện như chưa bắt đầu'”. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Q.N. (2 tháng 8 năm 2012). “Mỹ Tâm trở thành đối tác của YouTube”. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Tâm Giao (25 tháng 4 năm 2013). “Mỹ Tâm vắng mặt nhận giải Cống Hiến 'Ca sĩ của năm'”. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tâm Giao (25 tháng 8 năm 2013). “Mỹ Tâm trở thành đối tác Việt Nam đầu tiên của YouTube”. Thanh niên. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tr.N. (2 tháng 11 năm 2012). “Mỹ Tâm thay đổi phong cách với "đen & trắng"”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Phương Giang (8 tháng 11 năm 2012). “Mỹ Tâm đem hình tượng 'miêu nữ' lên sân khấu Idol”. Zing News. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Hoàng Dung (13 tháng 11 năm 2012). “MV của Mỹ Tâm vào top 4 bình luận của YouTube”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tr.N. (30 tháng 11 năm 2012). “Mỹ Tâm giành giải Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất tại MAMA”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tr.N. (1 tháng 12 năm 2012). “Mỹ Tâm đoạt giải Nghệ sĩ châu Á xuất sắc tại MAMA”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Minh Trang (20 tháng 12 năm 2012). “Mỹ Tâm đoạt giải Làn sóng xanh 2012”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Minh Nguyễn (25 tháng 3 năm 2014). “Fan rồng rắn xếp hàng dài chờ Mỹ Tâm ký tặng album mới”. Thanh niên. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Chim gõ kiến (7 tháng 3 năm 2013). “Mỹ Tâm lấy tên mình đặt cho album vol.8”. Thanh niên. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Thiên Hương (26 tháng 3 năm 2013). “Mỹ Tâm và "cơn sốt" album”. Thanh niên. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Tâm Giao (9 tháng 4 năm 2013). “Album Mỹ Tâm đứng đầu lượt tải trên iTunes”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ M.T. (26 tháng 3 năm 2013). “Mỹ Tâm kể chuyện tình trong Album Vol.8”. Thế giới điện ảnh. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Vân An (29 tháng 3 năm 2013). “Mỹ Tâm kể chuyện buồn tình yêu”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm chia sẻ về album Vol 8 bán chạy nhất”. iOne Thanh niên. 28 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Minh Nguyễn (21 tháng 1 năm 2013). “Mỹ Tâm làm họa sĩ trong MV Sự thật ta yêu nhau”. Thanh niên. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thanh Hà (12 tháng 2 năm 2013). “Mỹ Tâm tiếp tục tung MV "Sự thật ta yêu nhau"”. Dân Việt. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm vội tung MV My Friend vì bị rò rỉ "bản nháp"”. Thanh niên. 12 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tâm Giao (13 tháng 3 năm 2013). “Sinh viên Đại học Yersin làm MV tặng Mỹ Tâm”. Tâm Giao. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Chi Mai (23 tháng 3 năm 2013). “Mỹ Tâm hài hước trong MV 'Vì em quá yêu anh'”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thiên Hương (30 tháng 3 năm 2013). “Mỹ Tâm phá kỷ lục của chính mình”. Thanh niên. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tâm Giao (15 tháng 6 năm 2013). “Mỹ Tâm hát bên đàn piano bốc cháy”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tâm Giao (26 tháng 6 năm 2013). “Mỹ Tâm tự xác lập kỷ lục mới cho MV”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Anh Tài (2 tháng 12 năm 2013). “Mỹ Tâm tung MV Gởi tình yêu của em khiến fan phát sốt”. Thế giới văn hóa. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Hoàng Dung (25 tháng 8 năm 2013). “Mỹ Tâm say sưa hát cùng tiếng đàn Hoài Sa”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Q.N. (20 tháng 8 năm 2013). “Mỹ Tâm ngẫu hứng cùng acoustic”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tâm Giao (25 tháng 9 năm 2013). “Mỹ Tâm mang 'Gửi tình yêu của em' đến Hà Nội”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tâm Giao (23 tháng 12 năm 2013). “Mỹ Tâm về quê làm đêm nhạc từ thiện mừng sinh nhật”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Duy Nam (28 tháng 4 năm 2014). “Mỹ Tâm cười tít mắt khi ký tặng DVD cho fans”. Tiền phong. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Hoàng Dung (22 tháng 8 năm 2013). “Mỹ Tâm ra mắt ca khúc mới trong đêm nhạc acoustic”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “'Em Phai Lam Sao (What Could I Do) - Single”. iTunes. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tâm Giao (22 tháng 10 năm 2013). “Mỹ Tâm viết tiếp tình yêu buồn của 'Chuyện như chưa bắt đầu'”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Phượng Hoàng (23 tháng 10 năm 2013). “MV mới của Mỹ Tâm lập kỷ lục trên YouTube toàn cầu”. VTC News. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm tiếp tục ngồi 'ghế nóng' Vietnam Idol 2013”. Thanh niên. 21 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thiên Hương (30 tháng 11 năm 2013). “Hủy kênh Mytamtube, Mỹ Tâm xin lỗi khán giả”. Thanh niên. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thiên Hương (1 tháng 12 năm 2013). “Vì sao Mỹ Tâm hủy kênh Mytamtube?”. Thanh niên. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Vụ Mỹ Tâm hủy kênh Mytamtube: Đối tác của YouTube tại Việt Nam lên tiếng”. Thanh niên. 6 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thiên Hương (2 tháng 3 năm 2014). “'Bật mí' về Hiền Thục, Mỹ Tâm và tô bún măng vịt ngon nhất”. Thanh niên. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thiên Hương (18 tháng 2 năm 2014). “Liveshow Dấu ấn: Mỹ Tâm song ca cùng Hiền Thục, Phương Mỹ Chi vắng bóng”. Thanh niên. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Anh Tuấn (5 tháng 6 năm 2014). “Mỹ Tâm chấm thi 'Gương mặt thân quen', Văn Mai Hương đi xa cùng Sơn Tùng”. iOne Thanh niên. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Đức Trí (22 tháng 7 năm 2014). “Mỹ Tâm, Thu Minh xúc động khi hát nhạc của Wanbi Tuấn Anh”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tâm Giao (11 tháng 7 năm 2014). “Mỹ Tâm thu âm ca khúc kỷ niệm ngày giỗ đầu Wanbi Tuấn Anh”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tr.N. (28 tháng 9 năm 2014). “Mỹ Tâm "gây sốc" khi làm liveshow miễn phí”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Vân An (29 tháng 9 năm 2014). “Mỹ Tâm làm liveshow miễn phí tại sân vận động”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Nam Sơn (11 tháng 10 năm 2014). “Hậu trường chuẩn bị liveshow Mỹ Tâm”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Q.N. (29 tháng 9 năm 2014). “Mỹ Tâm tâm huyết với tour miễn phí”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Nam Sơn (18 tháng 10 năm 2014). “Mỹ Tâm chăm chỉ tập luyện cho live concert”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Phương Thảo (21 tháng 10 năm 2014). “Liveshow của Mỹ Tâm tặng thêm 1.000 vé”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Thư Kỳ (13 tháng 11 năm 2014). “Những yếu tố giúp Mỹ Tâm thành công trong 'HeartBeat'”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Đức Trí (24 tháng 11 năm 2014). “Mỹ Tâm thỏa mãn 'cơn khát' của người hâm mộ ở Hà Nội”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thư Kỳ (10 tháng 12 năm 2014). “Giá trị từ những tấm vé xem liveshow miễn phí”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thư Kỳ (12 tháng 11 năm 2014). “Fan của giải thưởng uy tín thể hiện tình cảm với Mỹ Tâm”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Vân Nhiên (10 tháng 11 năm 2014). “Liveshow Mỹ Tâm thừa cảm xúc, thiếu đột phá”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Quang Định (10 tháng 11 năm 2014). “Mỹ Tâm cháy hết mình trong Nhịp đập trái tim”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Trung Nghĩa (10 tháng 11 năm 2014). “Vì sao gần 40.000 khán giả đến với đêm Mỹ Tâm?”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Ngọc Diệp (7 tháng 3 năm 2015). “Công bố đề cử Giải Âm nhạc Cống hiến lần 10 - 2015: Bảng đề cử tiếp tục 'nóng'...”. Thể thao & văn hóa. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Vân An (5 tháng 11 năm 2014). “MV mới của Mỹ Tâm bị chê toàn diện”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Minh Đạt (5 tháng 11 năm 2014). “Mỹ Tâm bị đánh giá đi thụt lùi vì MV sến sẩm”. Thanh Niên. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Minh Đạt (5 tháng 11 năm 2014). “Mỹ Tâm bị nghi 'chơi chiêu' với MV tệ bất ngờ trong sự nghiệp”. Thanh Niên. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Minh Nguyễn (3 tháng 11 năm 2014). “Mỹ Tâm hé lộ ca khúc tự sáng tác trước thềm live concert miễn phí”. Thanh Niên. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Minh Nguyễn (6 tháng 11 năm 2014). “Bất chấp mọi chê bai, Mỹ Tâm tung tiếp MV thứ 2 trên nền MV 'thảm họa'”. Thanh Niên. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Q.N. (29 tháng 7 năm 2013). “Mỹ Tâm tranh giải MTV EMA 2013”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Quỳnh Thi (26 tháng 8 năm 2013). “Kênh MTV "dậy sóng" vì Mỹ Tâm”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Minh Trang (25 tháng 10 năm 2013). “Mỹ Tâm đại diện Đông Nam Á dự MTV EMA 2013”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tâm Giao (25 tháng 10 năm 2013). “Mỹ Tâm dẫn đầu bình chọn MTV EMA khu vực Đông Nam Á”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Minh Trang (2 tháng 11 năm 2013). “Mỹ Tâm trượt top 10 MTV EMA 2013”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tâm Giao (24 tháng 3 năm 2014). “Mỹ Tâm nhận cúp 'Nghệ sĩ xuất sắc Đông Nam Á'”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tâm Giao (17 tháng 12 năm 2013). “Làn Sóng Xanh 2013 vinh danh Wanbi Tuấn Anh”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Q.N. (17 tháng 12 năm 2013). “Làn Sóng Xanh 2013: Nghệ sĩ trẻ thắng thế”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thiên Lý (9 tháng 12 năm 2014). “Mỹ Tâm bị rút tên khỏi đề cử Làn Sóng Xanh”. Lao Động. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Hương Bùi (9 tháng 12 năm 2014). “Mỹ Tâm bất ngờ rút khỏi Làn sóng xanh 2014”. Dân Việt. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tâm Giao (11 tháng 7 năm 2014). “Mỹ Tâm được đề cử giải thưởng World Music Awards 2013”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tâm Giao (11 tháng 7 năm 2014). “Mỹ Linh, Mỹ Tâm được đề cử World Music Awards 2014”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Song Ngư (28 tháng 5 năm 2014). “Mỹ Tâm nhận giải thưởng World Music Awards tại Monaco”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Q.N. (28 tháng 5 năm 2014). “Mỹ Tâm nhận giải World Music Awards”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Tâm Giao (22 tháng 11 năm 2014). “Mỹ Tâm được vinh danh tại Malaysia”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Q.N. (22 tháng 11 năm 2014). “Mỹ Tâm nhận Giải thưởng Huyền thoại Âm nhạc Châu Á”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm giành giải "Nghệ sỹ ấn tượng nhất VTV 2014"”. Tiền phong. 6 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Hiền Thục: 'Về nhạc trẻ, Mỹ Tâm đứng nhất Việt Nam'”. Báo Đất Việt. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d e f g “Mỹ Tâm, em đang ở đâu trong làng nhạc Việt?”. Vietnamplus. 7 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c Ngô Bá Lục (13 tháng 11 năm 2014). “Mỹ Tâm - Vì sao được yêu thương đến thế!”. Mỹ Tâm - Vì sao được yêu thương đến thế!. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d e Dale A. Olsen (2008). Popular Music in Vietnam: The Politics of Remembering, the Economics of Forgetting. Routledge. ISBN 1135858500. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Minh Nguyễn (23 tháng 10 năm 2014). “Mỹ Tâm thử nghiệm nhạc xưa theo phong cách Latin House”. Thanh niên. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Oanh Thủy (5 tháng 12 năm 2014). “Mỹ Tâm bất ngờ lọt top 10 nữ ca sĩ được ngưỡng mộ nhất châu Á”. Một thế giới. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d e Ngọc Hoàng (2 tháng 12 năm 2013). “Đo nội lực bộ ba: Mỹ Tâm -Thu Minh - Quỳnh Hương”. Người nổi tiếng. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b “Đo quãng giọng của Mỹ Linh, Thu Minh và Mỹ Tâm”. YAN News. 18 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tùng Lâm (21 tháng 9 năm 2014). “Mỹ Tâm - Hà Hồ và câu chuyện "Nữ hoàng giải trí"”. Đời sống & pháp luận. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm”. Thế giới văn hóa. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Mỹ Tâm và 'hành trình' thay đổi qua hơn 10 năm”. Megafun. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b c d K.H. (23 tháng 10 năm 2007). “Mỹ Tâm tạo thương hiệu mới bằng nước hoa”. VNExpress. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b “Mỹ Tâm và thương hiệu nước hoa của mình”. Zing News. 15 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b Thúy Bình (25 tháng 10 năm 2007). “Ca sĩ Mỹ Tâm đi bán... nước hoa”. Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ G.A. (25 tháng 12 năm 2012). “Bị chê mặc xấu, Mỹ Tâm tung dòng thời trang riêng”. Zing News. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Phương Giang (3 tháng 6 năm 2013). “Mỹ Tâm tự làm người mẫu trong BST cho giới trẻ”. Zing News. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Hoàng Dung (26 tháng 12 năm 2012). “Mỹ Tâm mở thương hiệu thời trang riêng”. VNExpress. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Vân An (28 tháng 8 năm 2013). “Mỹ Tâm làm vedette cho bộ sưu tập tự thiết kế”. VNExpress. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Vân An (27 tháng 8 năm 2013). “Mỹ Tâm khoe các thiết kế trên sàn catwalk”. VNExpress. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Lạc Thiên (13 tháng 8 năm 0213). “Mỹ Tâm chọn 'người tình' Lâm Vinh Hải làm biểu tượng thời trang”. Thanh Niên. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Misa Mi (2 tháng 9 năm 2013). “Gu thời trang của Mỹ Tâm gặp phản ứng khi ra mắt Nightingale”. Thế giới văn hóa. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Vân An (4 tháng 9 năm 2013). “Thiết kế của Mỹ Tâm vừa 'trình làng' đã bị chê”. VNExpress. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Thủy Tiên (18 tháng 4 năm 2014). “Mỹ Tâm "khoe" với fan bộ sưu tập mới”. Hoa học trò. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Minh Nguyễn (2 tháng 1 năm 2013). “Huy Khánh làm MC cho buổi ra mắt thương hiệu thời trang của Mỹ Tâm”. Thanh Niên. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Nghe Mỹ Tâm "bật mí" về Quỹ tù thiện Mỹ Tâm Foundation”. Tin247. Tin247. 17 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Đ.Hà (5 tháng 9 năm 2013). “Mỹ Tâm tiếp tục hành trình "Nâng bước ngày mai"”. Phụ Nữ Online. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Dung Lâm (15 tháng 11 năm 2010). “Mỹ Tâm cầm loa, phát quà cho người dân vùng lũ”. vnexpress. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2010.
- ^ L.V. (4 tháng 2 năm 2010). “Mỹ Tâm "nâng bước ngày mai" - Cần Thơ”. Công an. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2010.
- ^ V.P - MTO (30 tháng 9 năm 2010). “Mỹ Tâm & chuyến đi từ thiện đáng nhớ”. Báo An Giang. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2010.
- ^ Cát Tường (10 tháng 2 năm 2013). “Mỹ Tâm về quê làm từ thiện”. Phụ nữ Online. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ V.Q. (22 tháng 4 năm 2006). “Tạp chí Match du Monde”. Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “5 Pop Acts You've Probably Never Heard Of”. Guest of a Guest. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Dung Lâm (25 tháng 8 năm 2010). “Mỹ Tâm được đánh giá cao trên báo Mỹ”. VNExpress. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Hồng Nhung: "Tôi thích Mỹ Tâm..."”. Dân trí. 18 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Hiền Thục: Tôi chưa bao giờ gắng trở thành Mỹ Tâm”. Điện ảnh Kịch trường. 1 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2010.
- ^ Mỹ Lệ nói về Mỹ Tâm và Hồ Ngọc Hà talkshow Căn Phòng Số 8 - 27/8/2012. YouTube. 31 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “My Tam & Quang Le (MTV 20062013)”. YouTube. 21 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tâm Giao (22 tháng 2 năm 2015). “Nhạc sĩ Hồng Đăng khen Mỹ Tâm”. VNExpress. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Việt Phong (28 tháng 11 năm 2012). “Nhạc sỹ Nguyễn Hà: Hồi đầu Mỹ Tâm hát phô"”. Dân trí. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Huy Phạm (10 tháng 1 năm 2012). “Phú Quang khẳng định không 'dựa hơi' Trịnh Công Sơn”. VNExpress. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Đông Nhi chia sẻ về thần tượng Mỹ Tâm”. YouTube. 28 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Na Nghi (3 tháng 4 năm 2009). “Nam Cường: Treo hình Mỹ Tâm đầy phòng ngủ”. Dân trí. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ “Thy Dung tin vào duyên phận”. VNExpress. 28 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2010.
- ^ Võ Ngọc Linh (25 tháng 2 năm 2008). “Đăng Khôi ghét nhện và thích Mỹ Tâm!!!”. Tin247. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ H.N. (18 tháng 9 năm 2009). “Uyên Trang: "Tôi mến phục Mỹ Tâm"”. Dân trí. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tường Huy (21 tháng 12 năm 2012). “Hoa hậu Thu Thảo thần tượng Mỹ Tâm”. VNExpress. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Dạ Ly (2 tháng 7 năm 2007). “Các ngôi sao xứ Hàn đã đến!”. Thanh niên. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2010.
- ^ Mỹ Linh nói về Diva và Mỹ Tâm [Vân Tay - VTV #93]. YouTube. 25 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Ngọc Trần (27 tháng 5 năm 2012). “Simple Plan gọi Mỹ Tâm là 'siêu sao'”. VNExpress. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Phương Thảo (22 tháng 11 năm 2013). “Mỹ Tâm tiên phong bảo vệ bản quyền”. VNExpress. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Minh Thi (4 tháng 7 năm 2014). “Cuộc chiến bản quyền nhạc số: Ca sĩ tự bảo vệ mình hay bỏ rơi fan?”. Lao Động. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ a b “Mỹ Tâm và bộ sưu tập giải thưởng quốc tế đáng nể”. Mỹ Tâm. 23 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2015. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp)
Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Mỹ Tâm. |
- Trang mạng chính thức của Mỹ Tâm
- Mỹ Tâm trên YouTube
- Mỹ Tâm trên Facebook
- Mỹ Tâm trên Google+
- Mỹ Tâm trên BBC - Music
- MT Entertainment trên Facebook
- Mỹ Tâm Foundation