[go: up one dir, main page]

Nam Định (thành phố)

thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Nam Định

Nam Địnhthành phố tỉnh lỵ của tỉnh Nam Định, Việt Nam.

Nam Định
Thành phố thuộc tỉnh
Thành phố Nam Định
Biểu trưng
Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: Cổng chào thành phố Nam Định, nhà thờ Khoái Đồng, nhà thờ Lớn Nam Định, cột cờ Nam Định, chùa Phổ Minh

Biệt danhThành Nam
Thành phố Dệt
Tên cũThiên Trường
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
TỉnhNam Định
Trụ sở UBND10 Trần Đăng Ninh, phường Cửa Bắc
Phân chia hành chính14 phường, 7 xã
Thành lập17/10/1921
Loại đô thịLoại II
Năm công nhận2024[1]
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDPhạm Duy Hưng
Bí thư Thành ủyNguyễn Anh Tuấn
Địa lý
Tọa độ: 20°25′42″B 106°10′25″Đ / 20,428207°B 106,173579°Đ / 20.428207; 106.173579
MapBản đồ thành phố Nam Định
Nam Định trên bản đồ Việt Nam
Nam Định
Nam Định
Vị trí thành phố Nam Định trên bản đồ Việt Nam
Diện tích120,90 km²[2]
Dân số (31/12/2022[3])
Tổng cộng364.181 người[3][2]
Mật độ3.012 người/km²
Dân tộcKinh, Hoa
Khác
Mã hành chính356[4]
Biển số xe18-B1-B2-B3
Số điện thoại0228.3.849.224
Số fax0228.3.831.922
Websitethanhpho.namdinh.gov.vn

Đây là một trong những thành phố được Pháp lập ra đầu tiên ở Liên bang Đông Dương. Nằm ở phía nam và là thành phố trung tâm tiểu vùng nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hoá, chính trị và tôn giáo ngay từ những thời kỳ đầu thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường, đặt dấu mốc đầu tiên cho một đô thị Nam Định sau này. Trong suốt thời kỳ lịch sử từ Thiên Trường cho đến Nam Định ngày nay, trải qua các triều đại Trần, Hồ, , Mạc, Tây Sơn, Nguyễn vùng đất này đã nhiều lần đổi tên như Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam, Thành Nam rồi Nam Định. Danh xưng Nam Định chính thức có từ năm 1822, gọi là Trấn Nam Định, sau đến 1831 gọi là tỉnh Nam Định dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1921, người Pháp đã phá Thành Nam quy hoạch lại và thành lập thành phố Nam Định. Lúc đó là thành phố cấp 3.

Địa lý

sửa

Thành phố Nam Định nằm ở phía bắc tỉnh Nam Định, cách thủ đô Hà Nội 80 km về phía đông nam, cách thành phố Thái Bình 16 km về phía tây, cách thành phố Hải Phòng 90 km về phía tây nam, cách thành phố Ninh Bình 28 km về phía đông bắc, có vị trí địa lý:

Địa hình

sửa

Thành phố Nam Định tương đối bằng phẳng, trên địa bàn thành phố không có ngọn núi nào. Thành phố có hai con sông lớn chảy qua là sông Hồngsông Nam Định. Trong đó sông Nam Định (sông Đào) nối từ sông Hồng chảy qua giữa lòng thành phố đến sông Đáy làm cho thành phố là một trong những nút giao thông quan trọng về đường thủy cũng như có vị trí quan trọng trong việc phát triển thành phố trong tương lai. Như vậy thực ra Nam Định cũng là một thành phố ở ngã ba sông.

Khí hậu

sửa

Thành phố Nam Định mang tính chất khí hậu cận nhiệt đới ấm ẩm điển hình, theo phân loại khí hậu Koppen, có tháng lạnh dưới 18°C, vào tháng 1 năm 1955 nhiệt độ thành phố xuống mức 3°C. Nhiệt độ cao kỷ lục của thành phố đạt được vào tháng 6/2016 với mức nhiệt trong lều khí tượng đạt 40,2°C. Nằm ở phía tây bắc của tỉnh Nam Định, lại nằm ở vị trí xa biển, so với các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, nhiệt độ trong mùa đông của thành phố thấp hơn đôi chút vì chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn của áp cao lạnh siberia, 16,4°C vào tháng 1 ở thành phố so với 17,3°C tại trạm Nghĩa Hưng, mùa hè nóng hơn so với các huyện ven biển. Thời tiết của thành phố Nam Định là sự giao thoa giữa Hải Phòng với Hà Nội. mùa lạnh thời tiết thường ấm hơn Hải Phòng và lạnh hơn Hà Nội, mùa hè nóng hơn Hải Phòng và mát hơn Hà Nội.

Dữ liệu khí hậu của Nam Định
Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Năm
Cao kỉ lục °C (°F) 32.3
(90.1)
35.2
(95.4)
36.7
(98.1)
38.3
(100.9)
39.5
(103.1)
40.2
(104.4)
39.4
(102.9)
37.6
(99.7)
35.8
(96.4)
36.4
(97.5)
34.4
(93.9)
31.3
(88.3)
40.2
(104.4)
Trung bình ngày tối đa °C (°F) 19.6
(67.3)
19.7
(67.5)
22.3
(72.1)
26.6
(79.9)
31.0
(87.8)
32.6
(90.7)
32.9
(91.2)
31.8
(89.2)
30.5
(86.9)
28.2
(82.8)
25.0
(77.0)
21.8
(71.2)
26.8
(80.2)
Trung bình ngày °C (°F) 16.4
(61.5)
17.0
(62.6)
19.6
(67.3)
23.5
(74.3)
27.2
(81.0)
28.8
(83.8)
29.3
(84.7)
28.6
(83.5)
27.3
(81.1)
24.7
(76.5)
21.4
(70.5)
18.1
(64.6)
23.5
(74.3)
Tối thiểu trung bình ngày °C (°F) 14.4
(57.9)
15.3
(59.5)
17.9
(64.2)
21.5
(70.7)
24.6
(76.3)
26.2
(79.2)
26.7
(80.1)
26.1
(79.0)
25.0
(77.0)
22.2
(72.0)
18.8
(65.8)
15.6
(60.1)
21.2
(70.2)
Thấp kỉ lục °C (°F) 3.0
(37.4)
5.3
(41.5)
6.4
(43.5)
12.1
(53.8)
17.2
(63.0)
19.2
(66.6)
21.3
(70.3)
22.3
(72.1)
16.7
(62.1)
13.3
(55.9)
6.7
(44.1)
5.1
(41.2)
3.0
(37.4)
Lượng Giáng thủy trung bình mm (inches) 24
(0.9)
29
(1.1)
49
(1.9)
93
(3.7)
177
(7.0)
206
(8.1)
230
(9.1)
296
(11.7)
323
(12.7)
226
(8.9)
62
(2.4)
28
(1.1)
1.743
(68.6)
Số ngày giáng thủy trung bình 9.3 13.1 16.3 13.4 12.1 12.9 12.4 15.4 14.5 11.9 7.1 5.6 143.9
Độ ẩm tương đối trung bình (%) 85.2 88.1 90.3 89.4 85.1 83.2 81.9 85.4 85.6 83.8 82.3 82.5 85.2
Số giờ nắng trung bình tháng 74 42 44 94 191 183 209 175 175 169 139 124 1.619
Nguồn: Vietnam Institute for Building Science and Technology[5]

Hành chính

sửa

Thành phố Nam Định có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 14 phường: Cửa Bắc, Cửa Nam, Hưng Lộc, Lộc Hạ, Lộc Hòa, Lộc Vượng, Mỹ Xá, Nam Phong, Nam Vân, Năng Tĩnh, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trường Thi, Vị Xuyên và 7 xã: Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Mỹ Phúc, Mỹ Tân, Mỹ Thắng, Mỹ Thuận, Mỹ Trung.

Lịch sử

sửa
Sơ đồ thành cổ Nam Định thời Pháp thuộc - một trong 4 thành trong Thăng Long tứ trấn
Giao chiến tại thành Nam Định giữa thực dân Pháp và quan binh Nam Định. Khi Henri Rivière chỉ huy một hạm đội pháo thuyền nhỏ và một tiểu đoàn thủy quân đánh bộ xâm lược Nam Định, thành phố lớn thứ nhì ở Bắc Kỳ, trong Chiến tranh Pháp – Đại Nam diễn ra từ năm 1858 đến năm 1884

Nam Định là thành phố lâu đời có lịch sử lâu đời.

Ngay từ thời Nhà Trần đã xây dựng Nam Định thành phủ Thiên Trường dọc bờ hữu sông Hồng, có 7 phường phố.

Năm 1262, Trần Thánh Tông đổi hương Tức Mặc (quê gốc của nhà Trần) thành phủ Thiên Trường, sau đó phủ được nâng thành. lộ.

Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), nhà Lê gọi là thừa tuyên Thiên Trường.

Năm 1469 dưới thời vua Lê Thánh Tông, lần đầu tiên có bản đồ Đại Việt, Thiên Trường được đổi làm thừa tuyên Sơn Nam.

Năm 1741, Thiên Trường là một phủ lộ thuộc Sơn Nam Hạ, bao gồm 4 huyện Nam Chân (Nam Trực), Giao Thủy, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên.

Năm 1831, là một phủ thuộc tỉnh Nam Định.

Ngày nay là các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh, Mỹ Lộc đều thuộc tỉnh Nam Định.

 
Bản đồ thành phố Nam Định năm 1924
Ga Nam Định thời Pháp thuộc
Ảnh chụp Bưu điện Nam Định thời Pháp thuộc, nay đã đổi sang kiến trúc khác

Dưới thời Nguyễn, Nam Định là một thành phố lớn cùng với Hà Nội và Huế.[6] Thời đó, Nam Định còn có trường thi Hương, thi Hội, có cả Văn Miếu như Hà Nội. Nam Định được công nhận là thành phố dưới thời Pháp thuộc ngày 17 tháng 10 năm 1921, hiện đã tròn 100 năm, sớm hơn cả Vinh, Mỹ Tho, Quy Nhơn, Cần Thơ, hay thậm chí là Huế (1929). Về quy mô dân số nội thành so với các thành phố ở miền Bắc chỉ đứng sau Hà NộiHải Phòng[7] (đã có hơn 400.000 dân, mật độ dân số đạt 17.221 người/km² vào năm 2011). Từng có liên hiệp nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương nên Nam Định còn được gọi là "Thành phố Dệt". Đây là thành phố có nhiều tên gọi chính và văn học: Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam Hạ, Thành Nam, Non Côi sông Vị, thành phố Hoa Gạo, thành phố Dệt, thành phố lụa và thép (theo cách gọi của các nhà văn Ba Lan thời kỳ chiến tranh Việt Nam), thành phố bên sông Đào, Nam Định,...

Cổng vào Văn Miếu Nam Định, nay đã không còn
Ngân hàng Nhà nước ở thành phố Nam Định thời Pháp thuộc, nay là chi nhánh tỉnh Nam Định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Nam Định là một trong số ít thành phố ở miền Bắc còn giữ lại được ít nhiều nét kiến trúc thời Pháp thuộc, có quán hoa, nhà Kèn, nhà thờ Lớn, các khu phố cổ từ thế kỷ XVIII–XIX, trong khi các tỉnh lỵ khác hầu hết được xây dựng và quy hoạch mới lại sau chiến tranh.[cần dẫn nguồn] Thành phố cũng từng có một cộng đồng Hoa kiều khá đông đảo vào giữa thế kỷ XIX chủ yếu đến từ tỉnh Phúc Kiến, đến nay con cháu họ vẫn sinh sống ở khu vực phố cổ: Hoàng Văn Thụ (Phố Khách), Lê Hồng Phong (Cửa Đông), Hai Bà Trưng (Hàng Màn, Hàng Rượu), Hàng Sắt, Bến Ngự, Bắc Ninh, Hàng Cau, Hàng Đồng, Hàng Đường,...

 
Toàn cảnh thành phố Nam Định thời Pháp thuộc nhìn từ trên cao

Ngày 17 tháng 10 năm 1921, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định về việc thành lập thành phố Nam Định được hưởng quy chế của thành phố cấp III.[8]

Năm 1928, thành phố Nam Định có dân số là khoảng 35.000 người.[3]

Năm 1942, thành phố Nam Định có diện tích 6 km² (dài 4,4 km và rộng 1,4 km) và dân số là 42.000 người.[3]

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định trong Sắc lệnh số 77 ngày 21 tháng 12 năm 1945, Nam Định là thành phố đặt dưới quyền cấp kỳ (Bắc Bộ).[3]

Từ năm 1945 đến năm 1956, Nam Định là Thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 1 tháng 9 năm 1950, Pháp sáp nhập 4 xã: Lộc An, Lộc Hạ, Lộc Hòa, Mỹ Xá thuộc huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định.[9]

Ngày 3 tháng 9 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 405/NĐ-TTg về việc sáp nhập thành phố Nam Định vào tỉnh Nam Định – thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Nam Định.[3]

Ngày 8 tháng 8 năm 1964, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 210-NV[10] về việc sáp nhập 5 xã: Lộc An, Lộc Hạ, Lộc Hòa, Lộc Vượng và Mỹ Xá về huyện Mỹ Lộc quản lý.

Ngày 21 tháng 4 năm 1965, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định số 103-NQ-TVQH[11] về việc thành lập tỉnh Nam Hà trên cơ sở tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định. Khi đó, thành phố Nam Định trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Nam Hà.

Ngày 13 tháng 6 năm 1967, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 76-CP[12] về việc sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định.

Ngày 27 tháng 12 năm 1975, Quốc hội ban hành Nghị quyết[13] về việc thành lập tỉnh Hà Nam Ninh trên cơ sở tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình. Khi đó, thành phố Nam Định là tỉnh lỵ tỉnh Hà Nam Ninh.

Thành phố Nam Định có 10 phường: Cửa Bắc, Năng Tĩnh, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Trần Đăng Ninh, Trần Hưng Đạo, Trần Tế Xương, Trường Thi, Vị Xuyên và 15 xã: Lộc An, Lộc Hạ, Lộc Hòa, Lộc Vượng, Mỹ Hòa, Mỹ Hưng, Mỹ Phúc, Mỹ Tân, Mỹ Thắng, Mỹ Thành, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận, Mỹ Tiến, Mỹ Trung, Mỹ Xá.

Ngày 27 tháng 4 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 125-CP[14] về việc sáp nhập 9 xã: Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận, Mỹ Tiến, Mỹ Thành, Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Phúc, Mỹ Hưng, Mỹ Trung vào huyện Bình Lục.

Ngày 12 tháng 1 năm 1984, Quyết định số 5-HĐBT[15] về việc sáp nhập xã Mỹ Trung và xã Mỹ Phúc thuộc huyện Bình Lục vào thành phố Nam Định.

Ngày 23 tháng 4 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng Quyết định số 142-HĐBT[16] về việc:

  • Chia phường Trường Thi thành phường Trường Thi và phường Văn Miếu.
  • Chia phường Năng Tĩnh thành phường Năng Tĩnh và phường Ngô Quyền.
  • Chia phường Cửa Bắc thành phường Cửa Bắc và phường Bà Triệu.
  • Chia phường Vị Xuyên thành phường Vị Xuyên và phường Vị Hoàng.
  • Chia phường Trần Tế Xương thành phường Trần Tế Xương và phường Hạ Long.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết[17] về việc chia tỉnh Hà Nam Ninh thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình. Khi đó, thành phố Nam Định là tỉnh lỵ của tỉnh Nam Hà.

Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội ban hành Nghị quyết[18] về việc:

  • Chia tỉnh Nam Hà thành tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam. Khi đó, thành phố Nam Định là tỉnh lỵ của tỉnh Nam Định.
  • Chuyển 7 xã: Mỹ Thuận, Mỹ Tiến, Mỹ Hà, Mỹ Thịnh, Mỹ Thành, Mỹ Thắng, Mỹ Hưng thuộc huyện Bình Lục của tỉnh Hà Nam về thành phố Nam Định quản lý.

Ngày 2 tháng 1 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 1-CP[19] về việc sáp nhập xã Nam Phong và xã Nam Vân của huyện Nam Ninh vào thành phố Nam Định.

Thành phố Nam Định có diện tích tự nhiên 6.760 ha và 263.600 nhân khẩu, bao gồm 25 phường, xã.

Ngày 26 tháng 2 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP[20] về việc thành lập huyện Mỹ Lộc trên cơ sở 7.897,72 ha diện tích tự nhiên và 74.354 nhân khẩu, có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 11 xã: Mỹ Trung, Mỹ Hưng, Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến, Mỹ Thuận, Mỹ Thành, Mỹ Tân, Lộc Hòa của thành phố Nam Định.

Thành phố Nam Định sau khi điều chỉnh địa giới hành chính còn lại 3.887,02 ha diện tích tự nhiên và 232.640 nhân khẩu, bao gồm 15 phường, 6 xã.

Ngày 6 tháng 9 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/1997/NĐ-CP[21] về việc sáp nhập xã Lộc Hòa của huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định.

Thành phố Nam Định có 4.545,14 ha diện tích tự nhiên và 240.784 nhân khẩu, bao gồm 15 phường: Hạ Long, Trần Tế Xương, Vị Xuyên, Vị Hoàng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Quang Trung, Ngô Quyền, Bà Triệu, Năng Tĩnh, Cửa Bắc, Trần Hưng Đạo, Trường Thi, Văn Miêu, Trần Đăng Ninh và 7 xã: Nam Vân, Nam Phong, Lộc Vượng, Lộc Hạ, Mỹ Xá, Lộc An, Lộc Hòa.

Huyện Mỹ Lộc có 7.239,01 ha diện tích tự nhiên và 65.247 nhân khẩu, bao gồm 10 xã: Mỹ Trọng, Mỹ Phúc, Mỹ Hưng, Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến, Mỹ Thuận, Mỹ Thành, Mỹ Tân.

Ngày 29 tháng 9 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 183/1998/QĐ-TTg[22] về việc công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại II thuộc tỉnh Nam Định.

Ngày 9 tháng 1 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2004/NĐ-CP[23] về việc:

  • Thành lập phường Lộc Vượng trên cơ sở 420,07 ha diện tích tự nhiên và 7.962 nhân khẩu của xã Lộc Vượng.
  • Thành lập phường Lộc Hạ trên cơ sở 349,50 ha diện tích tự nhiên và 6.931 nhân khẩu của xã Lộc Hạ.
  • Thành lập phường Thống Nhất trên cơ sở 36,53 ha diện tích tự nhiên và 1.200 nhân khẩu còn lại của xã Lộc Vượng; 0,60 ha diện tích tự nhiên và 221 nhân khẩu còn lại của xã Lộc Hạ; 13,70 ha diện tích tự nhiên và 1.464 nhân khẩu của phường Quang Trung; 18 ha diện tích tự nhiên và 4.193 nhân khẩu của phường Vị Hoàng.
  • Thành lập phường Cửa Nam trên cơ sở 127,60 ha diện tích tự nhiên và 4.828 nhân khẩu của xã Nam Phong; 50 ha diện tích tự nhiên và 1.300 nhân khẩu của xã Nam Vân.
  • Thành lập phường Trần Quang Khải trên cơ sở 90,60 ha diện tích tự nhiên và 8.489 nhân khẩu của phường Năng Tĩnh.

Thành phố Nam Định có 20 phường và 5 xã.

Ngày 28 tháng 11 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2106/QĐ-TTg[24] về việc công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I thuộc tỉnh Nam Định.

Ngày 16 tháng 7 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 721/NQ-UBTVQH14 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 2019)[25] về việc:

  • Thành lập phường Lộc Hòa trên cơ sở toàn bộ 6,43 km² diện tích tự nhiên và dân số 9.681 người của xã Lộc Hòa.
  • Thành lập phường Mỹ Xá trên cơ sở toàn bộ 6,22 km² diện tích tự nhiên và dân số 18.644 người của xã Mỹ Xá.

Thành phố Nam Định có 22 phường và 3 xã.

Ngày 5 tháng 5 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg[1] về việc công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính), tỉnh Nam Định đạt tiêu chí đô thị loại II.

Theo đó, công nhận TP. Nam Định dự kiến mở rộng địa giới hành chính đạt tiêu chí đô thị loại II có phạm vi 120,90 km² bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP. Nam Định hiện hữu và huyện Mỹ Lộc hiện hữu với 36 đơn vị hành chính cấp xã. Khu vực nội thị dự kiến có diện tích là 56,38 km², bao gồm các phường hiện hữu và khu vực dự kiến thành lập 4 phường. Khu vực ngoại thị dự kiến có diện tích là 64,52 km², bao gồm 9 xã còn lại của huyện Mỹ Lộc: Mỹ Hà, Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thành, Mỹ Tiến, Mỹ Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận.

Ngày 23 tháng 7 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nam Định (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 2024).[2] Theo đó:

  • Sáp nhập toàn bộ 74,49 km² diện tích tự nhiên và 84.045 người của huyện Mỹ Lộc (bao gồm thị trấn Mỹ Lộc và 10 xã: Mỹ Hà, Mỹ Hưng, Mỹ Phúc, Mỹ Tân, Mỹ Thắng, Mỹ Thành, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận, Mỹ Tiến, Mỹ Trung) vào thành phố Nam Định.
  • Thành lập 2 phường Nam Phong và Nam Vân từ 2 xã có tên tương ứng.
  • Thành lập phường Hưng Lộc trên cơ sở sáp nhập thị trấn Mỹ Lộc và xã Mỹ Hưng.
  • Sáp nhập phường Văn Miếu và xã Lộc An vào phường Trường Thi.
  • Sáp nhập phường Hạ Long và phường Thống Nhất vào phường Quang Trung.
  • Sáp nhập phường Trần Tế Xương và phường Vị Hoàng vào phường Vị Xuyên.
  • Sáp nhập phường Nguyễn Du và phường Phan Đình Phùng vào phường Trần Hưng Đạo.
  • Sáp nhập phường Ngô Quyền và phường Trần Quang Khải vào phường Năng Tĩnh.
  • Sáp nhập phường Bà Triệu và phường Trần Đăng Ninh vào phường Cửa Bắc.
  • Thành lập xã Mỹ Lộc trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Mỹ Thành, Mỹ Thịnh và Mỹ Tiến.

Sau khi sắp xếp, thành phố Nam Định có diện tích 120,90 km² và quy mô dân số 364.181 người, với 14 phường và 7 xã như hiện nay.

Kinh tế

sửa

Từ năm 2008 đến nay, tốc độ phát triển kinh tế năm sau cao hơn năm trước, đạt bình quân 14,32%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng (98,69%), tỷ trọng nông nghiệp (1,31%), tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của thành phố chiếm 95% xuất khẩu của tỉnh, tăng bình quân 19%/năm. Năm 2013, tổng thu ngân sách đạt hơn 1.313 tỷ đồng (tăng gấp hai lần so với năm 2011). Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người gần 69 triệu đồng/người.[cần dẫn nguồn]

Thương mại

sửa

Chợ Thành Nam (xưa)

sửa
 
Một khu họp chợ ở thành phố Nam Định thời Pháp thuộc, tiền thân của Chợ Rồng ngày nay

Vốn là một đô thị đã có từ lâu đời, thành phố Nam Định được biết đến như một đầu mối giao thương hàng hoá ở Bắc bộ. Trong quá trình lịch sử phát triển trên địa bàn thành phố Nam Định đã hình thành một hệ thống chợ đầy đủ và quy mô phục vụ cho phát triển thương mại ở nơi đây. Tiêu biểu nhất phải kể đến là chợ Rồng và chợ Mỹ Tho nằm ở trung tâm thành phố, cũng là hai chợ cấp 1 của tỉnh Nam Định.

  • Chợ Rồng là một trong những chợ lớn và có lịch sử lâu đời ở Bắc Kỳ (cùng với chợ Đồng Xuân - Hà Nội, chợ Sắt - Hải Phòng). Chợ Rồng được xây dựng từ năm 1922 do kỹ sư người Pháp từng thiết kế tháp Eiffel và cầu Long Biên thiết kế. Năm 1991 chợ Rồng bị cháy lớn (trước đó từng bị ảnh hưởng của bom Mỹ) và bị hư hỏng nặng, phải phá bỏ hoàn toàn để xây dựng lại ngay trên nền xưa. Theo Quyết định số 012/2007/QĐ-BCT về việc quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ Việt Nam, Chợ Rồng Nam Định có diện tích 10 000 m2.
  • Chợ Mỹ Tho là một trung tâm buôn bán lớn của tỉnh Nam Định. Đây là chợ đầu mối chuyên doanh các mặt hàng thực phẩm, công nghệ phẩm và hàng tiêu dùng.

Ngoài ra trên địa bàn thành phố còn có các chợ đầu mối như: Chợ Nguyễn Trãi, chợ đêm Phạm Ngũ Lão, chợ Lý Thường Kiệt; và các chợ truyền thống cấp 2: chợ Hoàng Ngân, chợ Cửa Trường, chợ Phù Long, chợ Đồng Tháp, chợ Năng Tĩnh, chợ Diên Hồng, chợ Văn Miếu, chợ Mỹ Trọng, chợ Kênh, chợ Năm Tầng, chợ Hạ Long, chợ Cầu Ốc, chợ Đò Quan, chợ Nam Vân, chợ Lộc An...

Trung tâm thương mại

sửa

Ngoài hệ thống chợ đã có từ lâu đời, trong phát triển theo hướng hiện đại, thành phố Nam Định đã quy hoạch và xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại đồng bộ đáp ứng nhu cầu mua sắm hiện đại của người dân.

Tiêu biểu như trung tâm thương mại GO! Nam Định, trung tâm thương mại Nam Định Tower, rạp phim Lotte Cinema Nam Định, Micom Nam Định, các chuỗi siêu thị khác như Thế giới Di động, siêu thị điện máy Media Mart, Pico, Điện máy Xanh,... tương lai là trung tâm thương mại Vincom Nam Định.

Dân số

sửa

Dân số tính đến ngày 1/4/2019 là 236.294 người.[26] 10% dân số theo đạo Thiên Chúa.

Thành phố Nam Định chưa mở rộng có diện tích 46,41 km² (4.641,41 ha), dân số tính đến ngày 31/12/2022 là 280.136 người (đã quy đổi).[27]

Thành phố Nam Định mở rộng có diện tích 120,90 km² (12.090,28 ha), dân số tính đến ngày 31/12/2022 là 364.181 người (đã quy đổi).[3]

Văn hóa

sửa

TP. Nam Định có những nét riêng như những con phố nhỏ vào mùa hoa gạo, món ăn đặc sản địa phương hay tiếng còi tầm của nhà máy dệt. Cùng với các con phố cổ, hoa gạo được coi là loài cây đặc trưng của đất và người Nam Định. Khi nhắc đến thành phố Nam Định là nhắc tới những địa điểm văn hoá nổi bật như Hồ Vị Xuyên, ngã tư Cửa Đông, Văn Miếu, đền Trần, phố hoa Nguyễn Du, cửa hàng hoa Cửa Đông,... tất cả đã tạo cho Thành Nam một dáng vẻ quyến rũ.

Kiến trúc và quy hoạch đô thị

sửa

Các phố lớn của Nam Định là Đại lộ Thiên Trường, Đông A, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Trần Phú, Trường Chinh, Giải Phóng, Lê Hồng Phong, Điện Biên, Hàng Tiện, Nguyễn Du, Hùng Vương, Nguyễn Công Trứ, Phù Nghĩa... Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được đặt trước Nhà hát 3/2, bên bờ hồ Vị Xuyên của Thành phố. Cột cờ Thành Nam là một trong 3 cột cờ ở Việt Nam, mặt chính quay ra phố Tô Hiệu, mặt sau là đường Cột Cờ, được xây dựng từ thời Nguyễn vào năm 1833, đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1962.

Gắn liền với lịch sử phát triển của Nam Định, cầu Đò Quan là một trong những điểm giao thông quan trọng nối hai bờ sông Đào. Bến Đò Quan đã từng là hải cảng lớn của xứ bắc (trước khi người Pháp xây dựng cảng Hải Phòng). Tàu của hãng Bạch Thái Bưởi chạy nhiều từ Nam Định đi khắp miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh... và cả Sài Gòn. Hiện nay thay cho bến Đò Quan ngày xưa cây Cầu Đò Quan nối đôi bờ sông Đào. Từ cầu Đò Quan, về phía thượng lưu có cầu Tân Phong, phía hạ lưu có cầu Nam Định, hai cây cầu to lớn khép kín một vòng tròn đường vành đai S2 (bao gồm một phần QL10, một phần QL21B và đường Lê Đức Thọ). Nối liền với Thái Bình bằng cầu Tân Đệ qua sông Hồng.

Thành phố Nam Định có sự giao thoa giữa kiến trúc cổ điển Việt Nam, kiến trúc nhà liền kề mặt phố của đô thị cổ, kiến trúc Trung Hoa, kiến trúc phương Tây và kiến trúc hiện đại. Có thể chia thành phố Nam Định ngày nay thành ba khu vực: khu phố cổ, khu phố Pháp và các khu mới quy hoạch (Hòa Vượng, Hòa Xá, Cửa Nam, Thống Nhất, Mỹ Trung, khu TĐC Trầm Cá, khu TĐC Đồng Quýt, khu TĐC Phúc Trọng - Bãi Viên...).

Khu phố cổ

sửa
 
Phố cổ Thành Nam ngày nay. Ảnh chụp phố Hàng Sắt

Thành phố đã từng có 40 phố cổ mang tên "Hàng" như Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Cau, Hàng Rượu, Hàng Thao, Hàng Mâm, Hàng Bát...

Thành phố Nam Định chủ yếu nằm ở phía bắc sông Đào (còn gọi là sông Nam Định). Nam Định là thành phố cổ thứ hai chỉ sau Hà Nội, có lịch sử xây dựng trước cả Phố Hiến và Hội An, nay đã hơn 750 tuổi. Nếu như Hà Nội xưa có 36 phố phường thì TP Nam Định cũng có 40 phố cổ. Những con phố nhỏ nằm ven bờ sông Đào mang dáng vẻ riêng gắn liền với hơn 750 năm phát triển của Thành Nam. Những phố cổ của Nam Định cũng như Hà Nội là các phố nghề như: Hàng Vàng, Hàng Bát, Hàng Kẹo, Hàng Mâm, Hàng Tiện, Hàng Nâu, Hàng Thao, Hàng Ghế, Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Vải Màn, Hàng Rượu, Hàng Sũ v.v... Hiện nay, một số phố không còn giữ lại được tên cổ như ở Hà Nội, và cũng không còn buôn bán những mặt hàng truyền thống tuy nhiên nó vẫn còn phần nào giữ được dáng vẻ cổ kính của nó. Hiện tại ở TP Nam Định còn một số phố mang tên gọi cổ là Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Cau, Hàng Thao, Hàng Đồng, Hàng Sắt, Bến Thóc, Bến Ngự, Cửa Trường, Tràng Thi,... còn lại phần lớn đã được đổi tên thành Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ, Bắc Ninh,... Thành phố đang phát triển mạnh lên phía bắc sông Vĩnh Giang và phía nam sông Đào.

Khu phố Pháp

sửa
 
Nhà thờ Lớn ở trung tâm thành phố Nam Định

Từ sau khi thành lập chính phủ Đông Dương năm 1890, người Pháp ở Nam Định đã tách lãnh thổ hành chính thành phố Nam Định ra khỏi huyện Mỹ Lộc, tổ chức thành 12 phố rồi đặt lại tên cho các đường phố.

 
Hoàng hôn trên thành phố Dệt

Năm 1921, Pháp lập ra Thành phố Nam Định, quy hoạch thành 10 khu phố với 40 phố. Khi ấy, Pháp đã lập thêm phố mới sau khi bạt thành lấp hào như: Avenue Clémenceau (nay là Trần Phú), Boulevard Galliéni (nay là Hoàng Hoa Thám), Rue Francis Garnier (nay là Máy Tơ), Avenue Brière L isle (nay là Trần Quốc Toản), Boulevard Paul Bert (nay là Trần Hưng Đạo).

Kiến trúc hiện đại

sửa
 
Cửa Đông Nam Định Plaza

Ngày nay chính quyền và nhân dân Nam Định đang xây dựng nhiều dự án đó là: khu đô thị mới Hoà Vượng, khu đô thị mới Thống Nhất, khu đô thị mới Mỹ Trung, khu đô thị mới Dệt may Nam Định, khách sạn 4 sao Nam Cường Nam Định, tổ hợp trung tâm thương thương mại chung cư cao cấp Nam Định Tower... đã nâng cấp công viên Vị Xuyên, Cung đường S2 nối tiếp 1/4 vòng tròn cùng cầu Tân Phong để hoàn thành đường vành đai hình tròn ôm gọn 50 km² nội đô thành phố hiện nay và các khu đô thị mới...

Giai đoạn 2017-2020: Xây dựng đường trục đô thị phía Nam sông Đào. Đoạn từ tỉnh lộ 490C đến cầu Tân Phong, hoàn thành khu đô thị dệt may, xây dựng khu hành chính trung tâm thành phố,...

Thể thao

sửa

Thành phố Nam Định là trung tâm thể thao lớn vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, đã từng được chọn là một trong những điểm thi đấu của SeaGames 22 với số môn thi đấu nhiều thứ 3 (sau TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Từ năm 1941 đội Cotonkin của Nam Định đã vô địch Đông Dương trong giải đầu tiên. Câu lạc bộ bóng đá Nam Định đã nhiều lần thi đấu thành công ở giải Vô địch quốc gia Việt Nam (V.league 1) một lần vô địch năm 1985. Sân vận động Thiên Trường từng được giới thể thao đánh giá cao về quy mô và vẻ đẹp thẩm mỹ chỉ đứng sau SVĐ quốc gia Mỹ Đình. Ngoài ra còn có nhà thi đấu Trần Quốc Toản, bể bơi Trần Khánh Dư, trường đào tạo VĐV, Cung thể thao cấp vùng với nhà thi đấu đa năng 4000 chỗ ngồi và bể bơi có mái che với 1000 chỗ ngồi đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nam Định cũng là nơi đăng cai chính, tổ chức nhiều môn thể thao nhất tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - 2014.

Ẩm thực

sửa

Ẩm thực Nam Định được biết đến với món phở Nam Định nổi tiếng. Ngoài ra còn có các món đặc sản, ẩm thực được sản xuất từ Thành Nam như: bánh gai bà Thi, chuối ngự, kẹo Sìu Châu, bánh mì Ba Lan, bánh đậu xanh Hanh Tụ, nem nắm, bánh nhãn, bánh cuốn làng Kênh, xôi cá rô, xôi xíu, bánh xíu páo, bánh gối, sủi cảo, bánh xu kem.

Du lịch

sửa
 
Tượng đài Trần Hưng Đạo

Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Trần, Bảo tàng tỉnh Nam Định, cột cờ thành Nam Định, nhà số 7 phố Bến Ngự, khu chỉ huy sở nhà máy Dệt, bảo tàng Dệt - May Việt Nam, cửa hàng ăn uống dưới hầm, cửa hàng cắt tóc dưới hầm, tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đặt trước Nhà hát 3/2, công viên Vị Xuyên, công viên văn hóa Tức Mặc,...

Giao thông

sửa

Đường bộ

sửa

Giao thông qua thành phố Nam Định dày đặc và thuận tiện:

Từ ngoài có 13 tuyến đường xuyên tâm đi đến thành phố.

Đường sắt

sửa

Thành phố Nam Định còn có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua. Ga Nam Định là một trong những ga lớn trên tuyến đường sắt Bắc Nam, thuận tiện cho hành khách vùng nam đồng bằng đi đến các thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đường thủy

sửa

Thành phố Nam Định nằm bên hữu ngạn sông Hồng, thuận tiện cho giao thông đường thủy và thuộc tỉnh có 72 km bờ biển.

Thành phố kết nghĩa

sửa

Tại thành phố Nam Định có đường Mỹ Tho ở khu đô thị mới Thống Nhất, chợ Mỹ Tho và ở thành phố Mỹ Tho cũng có một ngôi trường mang tên trường THCS Nam Định.

Để thể hiện tình hữu nghị giữa hai thành phố, hai đất nước Ý – Việt, Nam Định đã đặt tên cho một công viên khang trang hiện đại tại cửa ngõ thành phố là "Công viên Prato". Ở thành phố Prato cũng có con đường mang tên Nam Định với 4 làn xe dài 1,8 km.

Hình ảnh

sửa

Thời Pháp thuộc

sửa

Hiện tại

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ a b “Quyết định số 379/QĐ-TTg năm 2024 về việc công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính), tỉnh Nam Định đạt tiêu chí đô thị loại II” (PDF). Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 5 tháng 5 năm 2024. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2024.
  2. ^ a b c “Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 năm 2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Nam Định”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 23 tháng 7 năm 2024. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.
  3. ^ a b c d e f g “Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định và thành lập 3 phường thuộc thành phố Nam Định mở rộng” (PDF). tháng 1 năm 2023. tr. 49, 50. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2024.
  4. ^ Tổng cục Thống kê
  5. ^ “Vietnam Building Code Natural Physical & Climatic Data for Construction” (PDF). Vietnam Institute for Building Science and Technology. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2018.
  6. ^ “Vùng đất Nam Định từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Nam Định. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2011.
  7. ^ Thành phố Thái Nguyên tuy có tổng dân số lớn hơn thành phố Nam Định nhưng chủ yếu là cư dân làm nông lâm nghiệp nên số dân đô thị vẫn ít hơn.
  8. ^ Thành Ủy – HĐND – HBND TP. Nam Định (21 tháng 9 năm 2021). “Lịch sử 100 năm hình thành, xây dựng và phát triển thành phố Nam Định (17/10/1921 – 17/10/2021)”. Cổng thông tin điện tử thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2024.
  9. ^ “Đề án số 5404/ĐA-UBND về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện Mỹ Lộc giai đoạn 2023 – 2025” (PDF). Cổng thông tin điện tử huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. 21 tháng 12 năm 2023. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2024.
  10. ^ Quyết định số 210-NV năm 1964 về việc đưa năm xã ngoại thành của thành phố Nam Định về huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định
  11. ^ Quyết định số 103-NQ-TVQH năm 1965 về việc phê chuẩn việc thành lập các tỉnh Bắc Thái, Nam Hà, Hà Tây và việc sáp nhập xã An Hòa thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (cũ) vào xã Tiến Xuân thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình
  12. ^ Quyết định số 76-CP năm 1967 về việc hợp nhất huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định thuộc tỉnh Nam Hà thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là thành phố Nam Định
  13. ^ Nghị quyết năm 1975 về việc hợp nhất một số tỉnh
  14. ^ Quyết định số 125-CP năm 1977 về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Hà Nam Ninh
  15. ^ Quyết định số 5-HĐBT năm 1984 về việc mở rộng địa giới thành phố Nam Định thuộc tỉnh Hà Nam Ninh
  16. ^ Quyết định số 142-HĐBT năm 1985 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số phường của thành phố Nam Định thuộc tỉnh Hà Nam Ninh
  17. ^ “Nghị quyết năm 1991 về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh”. Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. 26 tháng 12 năm 1991. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  18. ^ Nghị quyết năm 1996 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh
  19. ^ Nghị định số 1-CP năm 1997 về việc điều chỉnh địa giới thành phố Nam Định thuộc tỉnh Nam Hà
  20. ^ Nghị định số 19-CP năm 1997 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Nam Định, huyện Hải Hậu, chia các huyện Xuân Thuỷ, Nam Ninh và thành lập thị trấn Thịnh Long thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
  21. ^ Nghị định số 95/1997/NĐ-CP năm 1997 về việc để xã Lộc Hòa tiếp tục trực thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
  22. ^ Quyết định số 183/1998/QĐ-TTg năm 1998 về việc công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại II
  23. ^ “Nghị định số 17/2004/NĐ-CP năm 2004 về việc thành lập phường thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định”. Chỉ dẫn Pháp luật. 9 tháng 1 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  24. ^ Quyết định số 2106/QĐ-TTg năm 2011 về việc công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I thuộc tỉnh Nam Định
  25. ^ “Nghị quyết số 721/NQ-UBTVQH14 năm 2019 về việc thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định”. Thư viện Pháp luật. 16 tháng 7 năm 2019.
  26. ^ Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Ấn bản năm 2020. Trang 21.
  27. ^ “Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định và thành lập 3 phường thuộc thành phố Nam Định mở rộng” (PDF). tháng 1 năm 2023. tr. 21. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2024.
  28. ^ “Kỷ niệm 59 năm ngày giải phóng thành phố (1/7/1954 – 1/7/2013) – nhìn lại mối quan hệ với Prato- thành phố dệt nổi tiếng nước Cộng hoà Italia”. Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2024.

Tham khảo

sửa