[go: up one dir, main page]

Mệnh phụ (chữ Hán: 命婦; Hangul: 외명부), theo ý nghĩa phổ biến thì là một danh từ gọi các phụ nữ có tước hàm thuộc các triều đại phong kiến ở Trung Quốc, cùng các quốc gia Hán quyển Đông Á như Việt NamTriều Tiên.

Chân dung một mệnh phụ thời nhà Minh.

Những phụ nữ có được danh xưng mệnh phụ đều phải do chính các vị Vua của triều đại ấy chính thức sắc phong, chế lệnh ban cho tước hàm cùng quần áo, thậm chí đôi khi có được thực ấp đất phong dù không phổ biến. Các triều đại lớn đều xem trọng nghi lễ, phẩm vị quan viên được thành lập là bắt buộc, song hành với đó thì các triều đại luôn cần có những tước hiệu cho mẹ hoặc vợ của họ để vinh danh dù không có thực quyền nào.

Khái quát

sửa

Vào thời nhà Chu, danh xưng mệnh phụ luôn ám chỉ đến vợ của quan viên, đại khái là tầng lớp Khanh-Đại phu phụ trợ Thiên tử lẫn các vị Vua chư hầu[1][2]. Sách Cựu Đường thư khi dẫn khái niệm mệnh phụ có nói:

  • 《周禮》有命夫朝人主,命婦朝女君。
  • Sách 《Chu Lễ》 có Mệnh phu bái Nhân chủ, Mệnh phụ bái Nữ quân.

Xã hội quân chủ khi xưa nếu đem Thiên tử cùng Vua chư hầu thống lĩnh cánh đàn ông, thì các Hậu và Quân phu nhân đều thống lĩnh các đàn bà. Cũng như quan viên, vợ của họ đều được xét vào diện có địa vị trong giới phụ nữ, để chia ra sang hèn so với vợ của những dân thường, từ đấy cách gọi 「Mệnh phụ」 ra đời. Theo đà phát triển của các triều đại, danh xưng mệnh phụ được chia ra 2 khái niệm tổng quát:

  • Nội mệnh phụ (內命婦): tức "Mệnh phụ ở trong Nội", tức chỉ đến Thái hoàng thái hậu, Hoàng thái hậu, Hoàng hậu, Phi tần cùng gia quyến của Hoàng thái tử. Đôi khi, "Nội mệnh phụ" còn nói đến các hoàng nữ chưa xuất giá.
  • Ngoại mệnh phụ (外命婦): tức "Mệnh phụ ở bên ngoài", tức chỉ đến các hoàng nữ đã thụ phong Trưởng công chúaCông chúa, vợ của Hoàng tử Vương công, và mẹ hoặc vợ của quan viên. Những người được phong tặng, tùy theo chế độ mà ngoài vợ của quan viên, còn có vợ của ông nội ông cụ[3].

Chế độ Mệnh phụ và Cáo mệnh

sửa

Trung Quốc

sửa

Thời nhà Đường là triều đại đầu tiên quy mô chế định tước hiệu cho phụ nữ gia quyến của quan viên đại thần. Lúc này khái niệm "Cáo mệnh" vẫn chưa tồn tại, mà chỉ là dựa theo công trạng của quan viên gia phong. Bên cạnh đó, "Ngoại mệnh phụ" nhà Đường cũng đem công chúa, vợ và con gái của hoàng tử tước vương đều gom vào, tạo thành một chế độ khá phức tạp[4][5]:

  • Hoàng cô phong Đại trưởng công chúa (大長公主), Hoàng tỷ muội phong Trưởng công chúa (長公主), Hoàng nữ phong Công chúa (公主), đều là trật Chính nhất phẩm;
  • Con gái Hoàng thái tử phong Quận chúa (郡主), trật Tòng nhất phẩm;
  • Con gái tất cả tước Vương phong Huyện chúa (縣主), trật Chính nhị phẩm;
  • Mẹ và vợ của Vương cùng Tự vương, phong Phi (妃);
  • Mẹ và vợ của quan Nhất phẩm cùng Quốc công, phong Quốc phu nhân (國夫人);
  • Mẹ và vợ của quan Tam phẩm trở lên, phong Quận phu nhân (郡夫人);
  • Quan Tứ phẩm, cũng như Huân quan hàm Nhị phẩm, mẹ và vợ phong Quận quân (郡君);
  • Quan Ngũ phẩm, cũng như Huân quan hàm Tam phẩm, mẹ và vợ phong Huyện quân (縣君);
  • Quan tản hàm còn làm việc, cũng giống Huân quan hàm Tứ phẩm, mẹ và vợ phong Hương quân (鄉君);
  • Mẹ của Hậu phi bậc Nhất phẩm, phong Chính tứ phẩm Quận quân (正四品郡君);
  • Mẹ của Hậu phi bậc Nhị phẩm, phong Tòng tứ phẩm Quận quân (從四品郡君);
  • Mẹ của Hậu phi bậc Tam phẩm, phong Chính ngũ phẩm Huyện quân (正五品縣君);

Chế độ nhà Đường cũng bắt đầu định quy tắc lễ cho mệnh phụ, khi nhập triều tham bái thì đều dựa vào lễ nghi phẩm trật của chồng hoặc con trai. Về vấn đề xin ban tước cho nữ giới trong nhà, những người con do vợ lẽ sinh ra (Thứ tử; 庶子) nếu có công danh thì chỉ có thể xin gia tôn cho mẹ cả đích mẫu, chỉ khi không có đích mẫu thì mẹ ruột mới được hưởng. Những bà mẹ tước phi và phu nhân tự động thêm chữ "Thái" (太) vào tên hiệu của mình để phân biệt với người vợ.

Danh vị "Cáo Mệnh phu nhân" (誥命夫人) là cách gọi có từ thời nhà Tống, dùng để phong cho các vợ hay mẹ của quan lại trong triều đình. Do việc phong tặng đều phải thông qua "Cáo thư" do hoàng đế phê chuẩn, và phải có sách phong chính thức nên các vị phu nhân này đều được gọi "Cáo Mệnh phu nhân" hay gọn thành "Mệnh phụ" để biểu thị tính trịnh trọng và sự chính danh của mình[6]. Họ có áo mũ dựa vào tước quan của chồng, con nhưng không có thực quyền chính trị nào cả.

Tước hiệu mệnh phụ thời nhà Tống về cơ bản học theo nhà Đường, nhưng bắt đầu chế định nên chế độ "Cáo mệnh", trở thành căn bản của nhiều triều đại sau. Nhà Tống gọi các bậc ngoại mệnh phụ tổng có 14 vị[7]:

  1. Đại trưởng công chúa (大長公主);
  2. Trưởng công chúa (長公主);
  3. Công chúa (公主);
  4. Quận chúa (郡主);
  5. Huyện chúa (縣主);
  6. Quốc phu nhân (國夫人);
  7. Quận phu nhân (郡夫人);
  8. Thục nhân (淑人);
  9. Thạc nhân (碩人);
  10. Lệnh nhân (令人);
  11. Cung nhân (恭人);
  12. Nghi nhân (宜人);
  13. An nhân (安人);
  14. Nhụ nhân (孺人);

Trước cải cách của Tống Huy Tông vào năm Chính Hòa thứ 3 (1113), triều Tống ngoài Đại trưởng công chúa đến Huyện chúa, thì còn hai tước hiệu đặc thù là Quận quân (郡君) và Huyện quân (縣君). Hai tước vị này ở thời Tống thì phạm vi gia phong rất rộng, từ nội mệnh phụ đến ngoại mệnh phụ, hoàng tử phi, tông nữ đều có thể gia phong tước hiệu này, nhưng sau đó từ "Quận quân" chia thành "Thục nhân" đến "Cung nhân", còn "Huyện quân" là 3 tước Mệnh phụ còn lại[8].

Khác với nhà Đường thì nhà Tống không dùng "phẩm cấp" để quy định thứ bậc cho ngoại mệnh phụ, ngoài duy trì "Nội mệnh phụ Ngũ phẩm", còn 14 tước vị này chia theo "đẳng giai", tức chỉ đơn thuần thứ tự bậc cao hơn và thấp hơn mà không gọi phẩm. Những tước vị này được quy định cụ thể để truy phong cho hàng quan chức nào theo những dịp đại phong[9], còn ngoài ra thì cũng tùy đặc chỉ mà có tước hiệu, như con gái công thần cũng có thể phong những tước hiệu vượt quá thân phận như Quận chúa cùng Huyện chúa[a], con gái của công chúa dù trước nay không có lệ gia phong nhưng ở thời Tống cũng có thể phong quận chúa[b], hay các hoàng tử phi đều thụ phong "Quốc phu nhân" cùng "Quận phu nhân" mà không gọi đơn giản là "Vương phi" như nhà Đường. Đây là một đặc điểm tương đối phổ biến thời Tống.

Triều đại nhà Nguyên tiếp bước quy chế mệnh phụ như của triều Tống, chia ra mệnh phụ dựa theo chồng con mà có địa vị được phân ra 3 hạng phẩm vị là từ Nhất phẩm đến Tam phẩm, từ Tứ phẩm đến Lục phẩm và từ Lục phẩm trở xuống[10]. Về phong hiệu chi tiết, căn cứ quy định phong tặng vị hiệu của quan viên, thu được 6 tước hiệu[11]:

  1. Quốc phu nhân (國夫人);
  2. Quận phu nhân (郡夫人);
  3. Quận quân (郡君);
  4. Huyện quân (縣君);
  5. Cung nhân (恭人);
  6. Nghi nhân (宜人);

Hai triều nhà Minhnhà Thanh đều mô phỏng quy định tước hiệu của nhà Tống nên có khá nhiều tương đồng. Cả hai đều đem "phẩm cấp" dùng cho ngoại mệnh phụ và chính thức đưa danh vị công chúa-quận chúa ra khỏi hệ thống ngoại mệnh phụ, khiến cho khái niệm mệnh phụ chỉ gói gọn trong gia quyến quan lại[12]. Theo nhà Minh, tước phong của các hoàng nữ và tông nữ về cơ bản được dựa theo nhà Tống[13], còn nhà Thanh chia hoàng nữ làm hai tước là "Cố Luân Công chúa" cùng "Hòa Thạc Công chúa", bên cạnh đó các tông nữ đều có hệ thống Cách cách phức tạp.

Căn cứ Minh sử cùng Thanh sử cảo, chế độ thứ bậc mệnh phụ cụ thể:

Phong hiệu Ngoại mệnh phụ Minh và Thanh
Địa vị của Phu quân Tước vị mệnh phụ tương ứng
Nhà Minh
Công tước Mỗ Quốc phu nhân (某國夫人), trong đó "Mỗ" là tên tước Công của chồng
Hầu tước Mỗ Hầu phu nhân (某侯夫人), trong đó "Mỗ" là tên tước Hầu của chồng
Bá tước Mỗ Bá phu nhân (某伯夫人), trong đó "Mỗ" là tên tước Bá của chồng
Quan viên Nhất phẩm và Nhị phẩm Nhất phẩm Phu nhân (一品夫人) và Nhị phẩm Phu nhân (二品夫人)
Quan viên Tam phẩm Tam phẩm Thục nhân (三品淑人)
Quan viên Tứ phẩm Tứ phẩm Cung nhân (四品恭人)
Quan viên Ngũ phẩm Ngũ phẩm Nghi nhân (五品宜人)
Quan viên Lục phẩm Lục phẩm An nhân (六品安人)
Quan viên Thất phẩm Thất phẩm Nhụ nhân (七品孺人)
Nhà Thanh
Thân vương và Quận vương Phúc tấn (福晋)
Bối lặc, Bối tử, Trấn Quốc công, Phụ Quốc công Phu nhân (夫人)
Công tước Công thê Nhất phẩm Phu nhân (公妻一品夫人)
Hầu tước Hầu thê Nhất phẩm Phu nhân (侯妻一品夫人)
Bá tước Bá thê Nhất phẩm Phu nhân (伯妻一品夫人)
Quan viên Nhất phẩm, Trấn Quốc tướng quân, Tử tước Nhất phẩm Phu nhân (一品夫人)
Quan viên Nhị phẩm, Phụ Quốc tướng quân, Nam tước Nhị phẩm Phu nhân (二品夫人)
Quan viên Tam phẩm, Phụng Quốc tướng quân, Khinh xa Đô úy Tam phẩm Thục nhân (三品淑人)
Quan viên Tứ phẩm, Phụng Ân tướng quân, Kỵ đô úy Tứ phẩm Cung nhân (四品恭人)
Quan viên Ngũ phẩm, Vân kỵ úy Ngũ phẩm Nghi nhân (五品宜人)
Quan viên Lục phẩm Lục phẩm An nhân (六品安人)
Quan viên Thất phẩm, Ân kỵ úy Thất phẩm Nhụ nhân (七品孺人)
Dưới Bát phẩm Bát phẩm Nhụ nhân (八品孺人) và Cửu phẩm Nhụ nhân (九品孺人)

Quy định phong tặng nhà Minh tương đối chi tiết. Ngoài chuyện thêm chữ "Thái" nếu người đàn bà ấy được gia phong vì con cái, thì cũng quy định đích mẫu còn thì không được thỉnh phong sinh mẫu, nếu có sinh mẫu còn sống mà chưa được phong thì không được phong thê tử trước. Khi phong thê tử, chỉ được ban ân gia phong đích thê và một kế thê, tức chỉ có "Nguyên phối thê tử" và "Kế thê đầu tiên" là được phong.

Thời Thanh cơ bản noi theo cách cũ của đời Minh, dùng "Cáo mệnh" (诰命) và "Cáo sắc" (诰敕) làm cơ sở phân chia thứ bậc. Đời Thanh quy định, phàm là quan viên triều đình khi đạt được chức quan thì cũng có đãi ngộ hạng ngạch tương ứng, xuất phát từ ưu đãi mà suy xét, quan viên có thể thông qua "Đàm ân cáo sắc" (覃恩诰敕) để có thể xin ban ân cho thành viên trong gia đình mình. Căn cứ phẩm cấp khác nhau của quan viên, phạm vi "Đàm ân cáo sắc" cùng hình thức cũng khác nhau.

Quốc gia đồng văn

sửa

Việt Nam

sửa

Tại Việt Nam, các triều nhà Lýnhà Trần đã không thể khảo được chế định toàn vẹn, chỉ hai triều đại Hậu Lê cùng nhà Nguyễn là có lượng tư liệu còn đủ, mới xác định được thứ bậc ngoại mệnh phụ đều mô phỏng Tống-Minh. Căn cứ Lịch triều hiến chương loại chíĐại Nam thực lục, tước phong mệnh phụ thời nhà Lê và nhà Nguyễn có thứ tự như sau.

Tước hiệu Ngoại mệnh phụ triều Lê
Phẩm vị Tước vị tương ứng
Tông thất Mệnh phụ
Con gái Hoàng thái tử và Thân vương Quận thượng chúa (郡上主)
Con gái Hoàng thái tôn, Tự Thân vương[c] và Công tước Quận chúa (郡主)
Con gái Hầu tước và Bá tước Quận quân (郡君)
Con gái Tử tước và Nam tước Á Quận quân (亞郡君)
Con gái Tá quốc sứ Huyện thượng quân (縣上君)
Con gái Phụng quốc sứ Huyện quân (縣君)
Con gái Dực quốc sứ Á Huyện quân (亞縣君)
Quan viên Mệnh phụ
Vợ của Quốc công Quốc phu nhân (國夫人)
Vợ của Quận công Quận phu nhân (郡夫人)
Vợ của Hầu tước Chính phu nhân (正夫人)
Vợ của Bá tước Tự phu nhân (序夫人)
Chính nhất phẩm Phu nhân (夫人)
Tòng nhất phẩm Đoan nhân (端人)
Chính nhị phẩm Thuận nhân (順人)
Tòng nhị phẩm Thục nhân (淑人)
Chính tam phẩm Trinh nhân (貞人)
Tòng tam phẩm Huy nhân (徽人)
Chính tứ phẩm Thạc nhân (碩人)
Tòng tứ phẩm Lệnh nhân (令人)
Chính ngũ phẩm Cung nhân (恭人)
Tòng ngũ phẩm Nghi nhân (宜人)
Chính lục phẩm An nhân (安人)
Tòng lục phẩm Nhụ nhân (孺人)
Chính thất phẩm Tĩnh nhân (靜人)
Tòng thất phẩm Thận nhân (慎人)
Chính bát phẩm Túc nhân (肅人)
Tòng bát phẩm (Chưa khảo được)
Chính cửu phẩm (Chưa khảo được)
Tòng cửu phẩm Cẩn nhân (謹人)

Tước hiệu nhà Lê đại đa phần là truy phong, tức sau khi qua đời thì tặng cha mẹ của quan viên, rồi mới tới người vợ. Khi phong tặng thì cha mẹ đều kém 1 bậc so với con trai, đây là áp dụng với cả công thần được thụ phong tước hiệu Công, Hầu và Bá, mà phạm vị bị giảm có khác biệt giữa quan văn và quan võ. Theo lệ thời Hồng Đức vào năm thứ 2 của Lê Thánh Tông, quy định về phong tặng quan viên:

  • Quan võ khi phong tặng thì cha mẹ kém 1 bậc so với con. Ví vụ người con là "Chính nhất phẩm" thì cha mẹ đều tặng chức tước theo "Tòng nhất phẩm", là "Tả Đô đốc" cùng "Đoan nhân". Mà người vợ luôn phải kém 4 bậc so với cha mẹ chồng, lúc này thì vợ quan Chính nhất phẩm sẽ là Tòng tam phẩm "Huy nhân".
  • Quan văn khi phong tặng thì cha mẹ kém 2 bậc so với con. Ví vụ người con là Chính nhất phẩm thì cha mẹ đều tặng chức tước theo Chính nhị phẩm, là "Thái bảo" cùng "Thuận nhân", người vợ giảm 5 bậc so với cha mẹ chồng là "Lệnh nhân".

Thời nhà Nguyễn cũng rất ít lạm tước, đến hoàng tộc nhà Nguyễn cũng phải luận công hay không mà gia phong, sự gia phong cũng rất ít, do đó tước hiệu ngoại mệnh phụ sử dụng gần như chỉ để phong tặng cha mẹ và vợ quan viên, đặc biệt là những ngoại thích (cha mẹ các hoàng thái hậu). Các hoàng nữ và tôn nữ chỉ có thân phận, hoàng nữ tuy có phong tước công chúa nhưng đại đa số chỉ là xưng hô mà không có tước phong thái ấp đúng nghĩa (xem kỹ ở bài Hoàng tộc nhà Nguyễn).

Tước hiệu Ngoại mệnh phụ triều Nguyễn
Nhất phẩm Phu nhân (夫人)
Nhị phẩm Phu nhân (夫人), sau đổi thành Đoan nhân (端人)[14]
Tam phẩm Thục nhân (淑人)
Tứ phẩm Cung nhân (恭人)
Ngũ phẩm Nghi nhân (宜人)
Lục phẩm An nhân (安人)
Thất phẩm An nhân (安人), sau đổi thành Nhu nhân (柔人)[14]
Bát phẩm Nhụ nhân (孺人), sau đổi thành Cẩn nhân (謹人)[14]
Cửu phẩm Nhụ nhân (孺人)
* Chú thích: Các tước hiệu của triều Nguyễn khi truy tặng cho quan viên là một tước chia làm "Chính" và "Tòng", ngoại trừ trật Nhất phẩm.

Triều Tiên

sửa

Nhà Cao Ly tại Triều Tiên, tước hiệu Phu nhân còn dùng để phong cho các con gái của quốc vương, như Cao Ly Quang Tông năm ấy phong hai con gái lần lượt là Thiên Thu điện phu nhân (千秋殿夫人) cùng Bảo Hoa cung phu nhân (寶華宮夫人). Mặt khác lại có các tước hiệu như Quốc Đại phu nhân (國大夫人; 국대부인), Quận Đại phu nhân (郡大夫人; 군대부인) và Phủ phu nhân (府夫人; 부부인) đều dành cho Ngoại mệnh phụ. Từ đây Cao Ly có cơ sở tước hiệu Ngoại mệnh phụ khá đặc thù được phát triển ở thời Triều Tiên ngay sau đó.

Đến thời kỳ nhà Triều Tiên, thực tế triều đại này chia làm rất nhiều giai đoạn, nhưng đều lấy Triều Tiên Thế TôngTriều Tiên Thành Tông làm cột móc lớn, bởi vì rất nhiều thay đổi về quan chế tước hiệu diễn ra sau Thế Tông và Thành Tông, trong đó là thứ bậc và tên tước vị của tông thất lẫn ngoại mệnh phụ. Sơ kỳ Triều Tiên, mẹ của vương phi ban đầu hoạch phong "Quốc Đại phu nhân", cụ thể là "Tam Hàn Quốc Đại phu nhân" (三韓國大夫人), sau mới sửa thành "Phủ phu nhân" như hiện tại biết đến. Hoặc như con gái quốc vương gọi Cung chúa (宮主; 궁주) cũng rất thường thấy, sau cũng dần sửa đổi cho khác biệt. Triều Tiên coi trọng Nho giáo, con trai của quốc vương ("vương tử") cùng con gái của quốc vương ("vương nữ") đều chia ra Đích (嫡) và Thứ (庶) rất gay gắt. Gọi là "Đích" tức là do chính thất vương phi sinh ra, còn "Thứ" là do hậu cung tần ngự sinh ra, do vậy tước hiệu vương thất giữa Đích tử-Thứ tử cùng Đích nữ-Thứ nữ của Triều Tiên cũng có khác biệt, đặc biệt là kể từ sau thời Thành Tông.

Chế độ Triều Tiên thời Thái TổThái Tông mô phỏng Trung Quốc và triều đại trước là Cao Ly, định phong tước cho mệnh phụ tông thất cùng mệnh phụ quan viên, song khoảng cách giữa các mệnh phụ lại khá nhập nhằng và phức tạp[15][16].

Tước hiệu Ngoại mệnh phụ Sơ kỳ Triều Tiên
Phẩm vị Tước vị tương ứng Vai vế xã hội
Tông thất Mệnh phụ
Chính nhất phẩm Tam Hàn Quốc Đại phu nhân (三韓國大夫人; 삼한국대부인) Vợ của Đại khuông Phụ Quốc Đại quân
Mỗ Hàn Quốc Đại phu nhân (某韓國大夫人; 모한국대부인)[d] Vợ của Phụ Quốc Phủ viện quân
Tòng nhất phẩm Mỗ Hàn Quốc phu nhân (某韓國夫人; 모 한국 부인) Vợ của Sùng Lộc chư Quân
Chính nhị phẩm Trạch chúa (宅主; 택주) Vợ của Chính Hiến chư Quân
Tòng nhị phẩm Vợ của Gia Tĩnh chư Quân
Chính tam phẩm Thận nhân (愼人; 신인) Vợ của Thông Chính nguyên doãn
Tòng tam phẩm Vợ của Trung Trực chính doãn
Chính tứ phẩm Huệ nhân (惠人; 혜인) Vợ của Phụng Chính Phó nguyên doãn
Tòng tứ phẩm Vợ của Triều Tản Phó chính doãn
Công thần Mệnh phụ
Chính nhất phẩm Mỗ Hàn Quốc Đại phu nhân (某韓國大夫人; 모한국대부인) Vợ của Tả Hữu Nghị Chính Phủ viện quân
Mỗ Hàn Quốc phu nhân (某韓國夫人; 모한국부인) Vợ của các Phủ viện quân
Tòng nhất phẩm Trạch chúa (宅主; 택주) Vợ các Quân
Chính nhị phẩm
Tòng nhị phẩm
Quan viên Mệnh phụ
Nhất phẩm Quận phu nhân (郡夫人; 군부인)
Trinh Thục phu nhân (貞淑夫人; 정숙부인)[17]
Vợ của quan viên Nhất phẩm
Nhị phẩm Huyện phu nhân (縣夫人; 현부인)
Trinh phu nhân (貞夫人; 정부인)[17]
Vợ của quan viên Nhị phẩm
Tam phẩm Lệnh nhân (令人; 영인) Vợ của quan viên Tam phẩm
Tứ phẩm Cung nhân (恭人; 공인) Vợ của quan viên Tứ phẩm
Ngũ phẩm Nghi nhân (宜人; 의인) Vợ của quan viên Ngũ phẩm
Lục phẩm An nhân (安人; 안인) Vợ của quan viên Lục phẩm
Thất phẩm trở xuống Nhụ nhân (孺人; 유인) Vợ của quan viên Thất phẩm trở xuống

Pháp chế Triều Tiên qua nhiều đợt tu sửa, từ sau Thành Tông thì trở thành chế độ gần như bất di bất dịch và được biết đến nhiều nhất. Vương đích tử thụ phong Đại quân (大君; 대군), các vương thứ tử phong Quân (君; 군), đích nữ là Công chúa còn thứ nữ là Ông chúa. Ngoài ra, các tước hiệu ngoại mệnh phụ cũng được bỏ đi nhiều định chế từ Thái Tổ, Thái Tông cùng Thế Tông, tạo ra một hệ thống tinh giản hơn.

Tước hiệu Ngoại mệnh phụ Trung kỳ Triều Tiên
Phẩm vị Tước vị tương ứng Vai vế xã hội
Siêu phẩm Công chúa (公主; 공주) Vương đích nữ, con gái của Vương phi
Siêu phẩm Ông chúa (翁主; 옹주) Vương thứ nữ, con gái của Hậu cung
Chính nhất phẩm Phủ phu nhân (府夫人; 부부인) Vợ của Phủ viện quân hoặc Vương đích tử Đại quân
Quận phu nhân (郡夫人; 군부인) Vợ của Vương thứ tử Quân hoặc Chính nhất phẩm Tông thất
Trinh Kính phu nhân (貞敬夫人; 정경부인) Vợ của quan viên Chính nhất phẩm
Tòng nhất phẩm Phụng Bảo phu nhân (奉保夫人; 봉보부인) Nhũ mẫu của Quốc vương
Quận phu nhân (郡夫人; 군부인) Vợ của Tòng nhất phẩm Tông thất
Trinh Kính phu nhân (貞敬夫人; 정경부인) Vợ của quan viên Tòng nhất phẩm
Chính nhị phẩm Quận chúa (郡主; 군주) Đích nữ của Thế tử
Huyện phu nhân (縣夫人; 현부인) Vợ của Chính nhị phẩm Tông thất
Trinh phu nhân (貞夫人; 정부인) Vợ của quan viên Chính nhị phẩm
Tòng nhị phẩm Huyện phu nhân (縣夫人; 현부인) Vợ của Tòng nhị phẩm Tông thất
Trinh phu nhân (貞夫人; 정부인) Vợ của quan viên Tòng nhị phẩm
Chính tam phẩm Huyện chúa (縣主; 현주) Thứ nữ của Thế tử
Thận phu nhân (慎夫人; 신부인) Vợ của Chính tam phẩm Tông thất (Đường thượng quan)
Thận nhân (慎人; 신인) Vợ của Chính tam phẩm Tông thất (Đường hạ quan)
Thục phu nhân (淑夫人; 숙부인) Vợ của quan viên Chính tam phẩm (Đường thượng quan)
Thục nhân (淑人; 숙인) Vợ của quan viên Chính tam phẩm (Đường hạ quan)
Tòng tam phẩm Thận nhân (慎人; 신인) Vợ của Tòng tam phẩm Tông thất
Thục nhân (淑人; 숙인) Vợ của quan viên Tòng tam phẩm
Chính và Tòng tứ phẩm Huệ nhân (惠人; 혜인) Vợ của Chính và Tòng tứ phẩm Tông thất
Lệnh nhân (令人; 영인) Vợ của quan viên Chính và Tòng tứ phẩm
Chính và Tòng ngũ phẩm Ôn nhân (溫人; 온인) Vợ của Chính và Tòng ngũ phẩm Tông thất
Cung nhân (恭人; 공인) Vợ của quan viên Chính và Tòng ngũ phẩm
Chính và Tòng lục phẩm Thuận nhân (順人; 순인) Vợ của Chính lục phẩm Tông thất
Nghi nhân (宜人; 의인) Vợ của quan viên Chính và Tòng lục phẩm
Chính và Tòng thất phẩm An nhân (安人; 안인) Vợ của quan viên Chính và Tòng thất phẩm
Chính và Tòng bát phẩm Đoan nhân (端人; 단인) Vợ của quan viên Chính và Tòng bát phẩm
Chính và Tòng cửu phẩm Nhụ nhân (孺人; 유인) Vợ của quan viên Chính và Tòng cửu phẩm

Phong tặng nhũ mẫu

sửa

Vào thời Minh-Thanh, quy chế tước vị đã hoàn chỉnh nên "Phu nhân" chỉ dùng cho ngoại mệnh phụ và các nữ quan có công lao. Ngoài ra, do hai triều Minh-Thanh triệt để tránh ngoại thích, họ không cho các vị hoàng tử và công chúa gần gũi thân mẫu mà thường giao nhũ mẫu chăm sóc, thành ra rất nhiều nhũ mẫu của hoàng đế được vinh hiển, như:

  1. Minh Thành Tổ phong nhũ mẫu (Mỗ thị) là Bảo Thánh Hiền Thuận phu nhân (保聖賢順夫人);
  2. Minh Hiếu Tông phong nhũ mẫu Thiệu thị là Kính Thuận phu nhân (敬順夫人);
  3. Minh Duệ Tông phong nhũ mẫu Diêu thị là Sùng Kính phu nhân (崇敬夫人);
  4. Minh Thế Tông phong nhũ mẫu Cao thị là Cung Phụng phu nhân (恭奉夫人);
  5. Minh Hy Tông phong nhũ mẫu Khách thịPhụng Thánh phu nhân (奉聖夫人);
  6. Khang Hi Đế phong nhũ mẫu Phác thị là Phụng Thánh phu nhân (奉聖夫人), nhũ mẫu Qua Nhĩ Giai thị là Bảo Thánh phu nhân (保聖夫人);
  7. Ung Chính Đế phong nhũ mẫu Tạ thị là Cung Cần phu nhân (恭勤夫人), nhũ mẫu Vương thị làm Thuận Thiện phu nhân (順善夫人);
  8. Càn Long Đế phong nhũ mẫu Đổng thị làm Ôn Thục phu nhân (溫淑夫人;

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Sách Thằng thủy yến Đàm lục (渑水燕谈录) có ghi: "Khi xưa, chỉ con gái Thân vương mới có thể phong Quận, Huyện chúa. Triệu Phổ lấy thân phận Nguyên huân, các con gái đều được phong Quận chúa. Hai con gái của Cao Hoài Đức cũng được đặc phong Huyện chúa".
    Nguyên văn: 故事,亲王女皆封郡、县主。趙普以元勛諸女封郡主,高懷德二女特封縣主。
  2. ^ Con gái công chúa phong quận chúa, có các con gái của Tần Lỗ Quốc Hiền Mục Minh Ý Đại trưởng công chúa - vị hoàng nữ thứ 10 của Tống Nhân Tông Triệu Trinh.
  3. ^ Chữ Hán là [嗣親王], đây là các Thân vương là con trai kế vị các Hoàng tử Vương, về mặt ý nghĩa thì đều là "Cháu trai của Đương kim Hoàng đế" giống Hoàng thái tôn.
  4. ^ "Mỗ" là chữ nào đó làm phong hiệu.

Tham khảo

sửa
  1. ^ 《国语·鲁语下》:"命妇,成祭服。"韦昭注:"命妇,大夫之妻也。"
  2. ^ 《舊唐書·卷一百五十三》: 休烈尋轉工部侍郎、修國史,獻《五代帝王論》,帝甚嘉之。宰相李揆矜能忌賢,以休烈修國史與己齊列,嫉之,奏為國子祭酒,權留史館修撰以下之。休烈恬然自持,殊不介意。舊儀,元正冬至,百官不於光順門朝賀皇后,乾元元年,張皇后遂行此禮。休烈奏曰:「《周禮》有命夫朝人主,命婦朝女君。自顯慶已來,則天皇后始行此禮。其日,命婦又朝光順門,與百官雜處,殊為失禮。」肅宗詔停之。
  3. ^ 卢平忠; 卢宁 (ngày 13 tháng 6 năm 2015). 最爱读国学系列:弟子规·增广贤文·声律启蒙·幼学琼林. 四川文艺出版社. ISBN 9787541136061.
  4. ^ 《舊唐書·卷四十三·志第二十三·職官二》: 凡外命婦之制,皇之姑,封大長公主,皇姊妹,封長公主,皇女,封公主,皆視正一品。皇太子之女,封郡主,視從一品。王之女,封縣主,視正二品。王母妻,為妃。一品及國公母妻,為國夫人。三品已上母妻,為郡夫人。四品母妻,為郡君。五品若勛官,三品有封,母妻為縣君。散官並同職事。勛官四品有封,母妻為鄉君。其母邑號,皆加「太」字,各視其夫、子之品。若兩有官爵者,從其高。
  5. ^ 《通典·職官十六·后妃》: 大唐外命婦之制:皇帝妃嬪及太子良娣以下為內命婦,公主及王妃以下為外命婦。今內命婦具職員令中。其制大約皆出於漢魏,不復重敘。諸王母妻及妃、嗣王邵王母妻亦同。文武官一品及國公其非始封者,帶三品以上,亦同。母妻為國夫人,三品以上母妻為郡夫人,四品母妻為郡君,若勳官二品有封,亦同四品。五品母妻為縣君。若勳官三品有封者,亦同五品。散官同職事。若勳官四品有封,母妻為鄉君,其母邑號皆加太,各視夫子之品。若夫子兩有官及爵,或一人有官及爵者,皆從高蔭。其不因夫子別加邑號者,夫人云某品夫人,郡君云某品郡君。縣君、鄉君準此。諸庶子有五品以上官封者,若嫡母在,所生之母不得為太妃以下。無者聽之。其承重者不合。中宗時,韋皇后表請諸婦人不因夫子而加邑號,許同見任職事,聽子孫用蔭,門施棨戟。制從之。武太后時,契丹寇平州,平州刺史鄒保英妻奚氏率城內女子助守,賊遂退,封為誠節夫人。又,咸亨元年,贈武太后母為魯國太夫人,謚曰忠烈。開元八年五月敕:「準令王妻為妃,文武官及國公妻為國夫人。母加太字。一人有官及爵者,聽從高敘。但王者名器,殊恩或頒異姓,妻合從夫受秩,甲令更無別條。率循舊章,須依往例。自今已後,郡嗣王及異姓王母妻,並宜準令為妃。」貞元六年,太常卿崔縱奏:「諸國王母未有封號,請遵典故為某國太妃。」吏部郎中柳冕等狀稱:「歷代故事及六典,無公主母稱號。伏請降於王母一等,命為太儀,各以公主本封加太儀之上。」從之。
  6. ^ 《宋史·志第一百一十四·職官一》: 凡命令之體有七:曰冊書,立后妃,封親王、皇子、大長公主,拜三師、三公、三省長官,則用之。曰制書,處分軍國大事,頒赦宥德音,命尚書左右僕射、開府儀同三司、節度使,凡告廷除授,則用之。曰誥命,應文武官遷改職秩、內外命婦除授及封敘、贈典,應合命詞,則用之。曰詔書,賜待制、大卿監、中大夫、觀察使以上,則用之。曰敕書,賜少卿監、中散大夫、防禦使以下,則用之。曰御札,布告登封、郊祀、宗祀及大號令,則用之。曰敕榜,賜酺及戒勵百官、曉諭軍民,則用之。皆承制畫旨以授門下省,令宣之,侍郎奉之,舍人行之。留其所得旨為底:大事奏稟得旨者為「畫黃?,小事擬進得旨者為「錄黃」。凡事乾因革損益,而非法式所載者,論定而上之。諸司傳宣、特旨,承報審覆,然後行下。
  7. ^ 《宋史·志第一百一十六·職官三》: 外內命婦之號十有四:曰大長公主,曰長公主,曰公主,曰郡主,曰縣主,曰國夫人,曰郡夫人,曰淑人,曰碩人,曰令人,曰恭人,曰宜人,曰安人,曰孺人。
  8. ^ 《鐵圍山叢談卷第一》: 是後因又改郡縣君號為七等:郡君者,為淑人、碩人、令人、恭人;縣君者,室人、安人、孺人。俄又避太室人之目,因又改曰宜人。其制今猶存。
  9. ^ 《宋史·志第一百二十三·職官十(雜制)》: 唐制,視本官階爵。建隆三年,詔定文武郡臣母妻封號:太皇太后皇太后皇后曾祖母、祖母、母並封國太夫人;諸妃曾祖母、祖母、母並封郡太夫人,婕妤祖母、母並封郡太君;貴人母封縣太君。宰相、使相、三師、三公、王、侍中、中書令,舊有尚書令。曾祖母、祖母、母封國太夫人;妻,國夫人。樞密使副、知院、同知、參知政事、宣徽節度使,曾祖母、祖母、母封郡太夫人;妻,郡夫人。簽書樞密院事曾祖母、祖母、母封郡太君;妻,郡君。同知樞密院以上至樞密使、參知政事再經恩及再除者,曾祖母、祖母、母加國太夫人。三司使祖母、母封郡太君妻,郡君。東宮三太、文武二品、御史大夫、六尚書、兩省侍郎、太常卿、留守、節度使、諸衛上將軍、嗣王、郡王、國公、郡公、縣公,母,郡太夫人;妻,郡夫人。常侍、賓客、中丞、左右丞、侍郎、翰林學士至龍圖閣直學士、給事中、諫議大夫、中書舍人、卿、監、祭酒、詹事、諸王傳、大將軍、都督、中都護、副都護、觀察留後、觀察使、防禦使、團練使,並母郡太君;妻,郡君。庶子、少卿監、司業、郎中、京府少尹、赤縣令、少詹事、諭德、將軍、刺史、下都督、下都護、家令、率更令、僕,母封縣太君;妻,縣君,其餘升朝官已上遇恩。並母封縣太君;妻,縣君,雜五品官至三任與敘封,官當敘封者不復論階爵。致仕同見任。亡母及亡祖母當封者並如之。父亡無嫡、繼母,聽封所生母。伎術官不得敘封。自宰相至簽書樞密院敘封與三世同,他官惟品至者實時擬封,餘皆俟恩乃封。咸平四年,從舍人院詳定群臣母、妻所封郡縣,依本姓望封。天禧元年,令文武升朝官無嫡母者聽封生母,曾任升朝而致仕,即許敘封。令給諫、舍人母並封郡太君,妻,郡君。四年,又令翰林學士至龍圖閣直學士如給、舍例。封贈之典,舊制有三代、二代、一代之等,因其官之高下而次第焉。凡初除及每遇大禮封贈三代者,太師、太傳、太保、左右丞相、少師、少傅、少保、樞密使、開府儀同三司、知樞密院事、參知政事、同知樞密院事、樞密副使、簽書樞密院事。凡遇大禮封贈三代者,節度使。三代初封,曾祖,朝奉郎;祖,朝散郎;父,朝請郎簽書樞密院事降一等,謂如父與朝散郎之類。凡封父、祖系武臣者,視文武臣封贈對換格。封贈一代亦如之。初贈,曾祖,太子少保;祖,太子少傅;父,太子少師。封贈曾祖母、祖母、母、妻國夫人。執政官、簽書樞密院事,郡夫人。凡遇大禮封贈二代者,太子太師、太子太傅、太子太保、特進、觀文殿大學士、太子少師、太子少傅、太子少保御史大夫、觀文殿學士、資政、保和殿大學士、金紫光祿大夫、銀青光祿大夫、光祿大夫、左右金吾衛上將軍、左右衛上將軍。二代初封,祖,通直郎,父,奉議郎。初贈,祖,朝奉郎;父,朝散郎。封贈祖母、母、妻郡夫人。觀文殿學士,資政,保和殿大學土,並淑人。凡遇大禮封贈一代者,文臣通直郎以上,武臣修武郎以上。一代初封贈父,文臣承事郎,武臣、內侍、伎術官、將校並忠訓郎,母、妻孺人。
  10. ^ 《元史·志第二十八·輿服一》: 一,命婦衣服,一品至三品服渾金,四品、五品服金褡子,六品以下惟服銷金,並金紗褡子。首飾,一品至三品許用金珠寶玉,四品、五品用金玉珍珠,六品以下用金,惟耳環用珠玉。同籍不限親疏,期親雖別籍,並出嫁同。
  11. ^ 《元史·志第三十四·選舉四》: 禮部從新分立等第:正從一品封贈三代,爵國公,勛正上柱國,從柱國母、妻並國夫人。正從二品封贈二代,爵郡公,勛正上護軍,從護軍,母、妻並郡夫人。正從三品封贈二代,爵郡侯,勛正上輕車都尉,從輕車都尉母、妻並郡夫人。正從四品封贈父母,爵郡伯,勛正上騎都尉,從騎都尉,母、妻並郡君。正五品封贈父母,爵縣子,勛驍騎尉,母、妻並縣君。從五品封贈父母,爵縣男,勛飛騎尉,母、妻並縣君。正從六品封贈父母,父止用散官,母、妻並恭人。正從七品封贈父母,父止用散官,母、妻並宜人。正從一品至五品宣授,六品至七品敕牒。
  12. ^ 《明史·志第三十·禮八嘉禮二》: 禮畢,升座,王妃、公主、郡主及外命婦,於丹墀拜賀如儀。
  13. ^ 《明史·志第三十·禮八嘉禮二》: 凡皇姑曰大長公主,皇姊妹曰長公主,皇女曰公主,親王女曰郡主,郡王女曰縣主,孫女曰郡君,曾孫女曰縣君,玄孫女曰鄉君。郡主以下,受誥封,不冊命。
  14. ^ a b c Thay đổi triều Tự Đức, năm thứ 27 (1874)
  15. ^ 【태조실록 9권, 태조 5년 5월 20일 병자 1번째기사】: 丙子/吏曹請顯祖宗重配匹: "一, 六品以上應祭三代者, 追贈三代考妣。 父對品, 祖曾祖, 各遞降一等, 妣竝同。 功臣則加二等。 一, 各品正妻, 一品郡夫人, 二品縣夫人, 正三品成均大司成以上淑人, 三品令人, 四品恭人, 五品宜人, 六品安人, 參外孺人。 令主掌吏曹, 奉敎給牒。 如因夫及子之功, 特恩封爵者, 不在此限。 一, 凡婦人受封者, 須是室女爲人正妻者, 得封。 雖係正妻, 原非室女者, 不許封爵, 止許稱某官某妻某氏。 其世係有咎明白者, 雖正妻不許封爵。 無封爵明文, 而擅稱者, 痛行理罪。 夫亡改嫁者, 追奪封爵。"
  16. ^ 【태종실록 34권, 태종 17년 9월 12일 갑자 1번째기사】: 甲子/定命婦封爵之式。 吏曹啓曰: "宗室正一品大匡輔國大君妻, 三韓國大夫人; 輔國府院君妻, 某韓國大夫人; 從一品崇祿諸君妻, 某韓國夫人; 正二品正憲諸君、從二品嘉靖諸君妻, 二字號宅主; 正三品通政元尹、從三品中直正尹妻, 愼人; 正四品奉正副元尹、從四品朝散副正尹妻, 惠人。 功臣正一品左右議政府院君妻, 某韓國大夫人; 諸府院君妻, 某韓國夫人; 從一品及正從二品諸君妻, 二字號宅主。 已上皆下批。 文武正從一品妻, 在前郡夫人改貞淑夫人; 文武正從二品妻, 在前縣夫人改貞夫人。 已上, 吏曹依前例, 僉議給牒。" 從之。
  17. ^ a b Thái Tông năm thứ 17 thay đổi.
Nguồn tham khảo