[go: up one dir, main page]

Bước tới nội dung

Vjekoslav Luburić

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vjekoslav Luburić
Vjekoslav Luburić vào thập niên 1940
Biệt danhMaks
Sinh(1914-03-06)6 tháng 3 năm 1914
Humac, Bosnia và Hercegovina, Đế quốc Áo-Hung
Mất20 tháng 4 năm 1969(1969-04-20) (55 tuổi)
Carcaixent, Tây Ban Nha
ThuộcNhà nước Độc lập Croatia
Quân chủngCơ quan giám sát Ustaše (1941–1943)
Cục Phòng vệ Croatia (1941–1942)
Quân lực Croatia (1944–1945)
Năm tại ngũ1929–1945
Cấp bậcSĩ quan cấp tướng
Chỉ huyCơ quan giám sát Ustaše, Cục III
Trung đoàn bộ binh số 9 (Phòng vệ Croatia)
Quân lực Croatia (tháng 5 năm 1945)
Tham chiếnChiến tranh thế giới thứ hai tại Nam Tư
Phối ngẫu
Isabela Hernaiz
(cưới 1953⁠–⁠ld.1957)
Con cái5
Người thân
  • Ljubomir Luburić
  • Marija Soldo

Vjekoslav Luburić (6 tháng 3 năm 1914 – 20 tháng 4 năm 1969) là một sĩ quan Ustaše người Croatia đảm trách vị trí đứng đầu hệ thống các trại tập trungNhà nước Độc lập Croatia (tiếng Croatia: Nezavisnoj Državi Hrvatskoj - NDH) trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Luburić cũng đích thân sát sao và lãnh đạo vụ diệt chủng người Serbia, người Do Tháingười Digan của NDH. Phạm nhiều tội ác chiến tranh, ông nổi tiếng là kẻ tàn bạo nhất trong giới chỉ huy Ustaše.[1] Do đó, ông còn bị gọi là "đồ tể".[2]

Sau chiến tranh, ông chỉ huy nhóm du kích hậu Ustaše Križari chống lại nhà nước Nam Tư mới, rồi chạy sang Tây Ban Nha dưới chế độ Franco. Năm 1957, Luburić thành lập tổ chức khủng bố lưu vong Kháng chiến Dân tộc Croatia (tiếng Croatia: Hrvatski narodni odpor — HNO).

Sáng 21 tháng 4 năm 1969, con trai Luburić phát hiện xác cha mình đẫm máu trong phòng ngủ. Luburić được xác định bị giết, nguyên nhân tử vong là sặc máu của chính mình một ngày trước đó. Luburić được chôn cất ở Madrid. Đám tang của ông có đến hàng trăm người theo chủ nghĩa dân tộc Croatia mặc quân phục Ustaše hô vang khẩu hiệu Ustaše và lời chào phát xít.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc và thuở thiếu thời

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo các sử liệu như tác phẩm Drobnjaci — pleme u Hercegovini (Drobnjaci — bộ tộc tại Hercegovina) (1930)[3] của nhà dân tộc học Serbia Andrija Luburić, họ Luburić thuộc về tộc Drobnjaci cư ngụ tại sông Piva.[4] Một chi tộc Luburić di cư tới tây Hercegovina và bị Croat hóa theo Công giáo La Mã, đây chính là nguồn gốc của Maks Luburić.[5]

Vjekoslav Luburić sinh ngày 6 tháng 3 năm 1914 tại làng Humac gần Ljubuški,[6] là con thứ ba trong gia đình người Croat gốc Hercegovina.[7][8] Cha là Ljubomir Luburić làm việc tại ngân hàng và mẹ là Marija Soldo nội trợ ở nhà.[9] Ngoài Vjekoslav, hai vợ chồng còn có một trai tên Dragutin và hai gái Mira và Olga.[10] Luburić là tín đồ Công giáo sùng đạo.[11]

Tháng 12 năm 1918, Ljubomir Luburić bị cảnh sát bắn khi đang buôn lậu thuốc lá và chết vì mất máu. Nguồn tư liệu khác lại cho rằng Ljubomir bị bắt giam, tra tấn ngâm trong nước lạnh và chết trong phòng giam không có lò sưởi.[9]

Sau cái chết của cha, Luburić bắt đầu "hận thù người Serb và chế độ quân chủ Serbia".[12] Ngay sau đó, chị gái Olga nhảy sông tự vẫn vì bị mẹ cấm kết hôn với một người Hồi giáo. Sau khi chồng và con gái chết, bà góa Marija vào nhà máy thuốc lá làm việc để nuôi ba con. Bà sớm tái hôn với Jozo Tambić và có thêm ba con nữa[9] là Zora, Nada và Tomislav.[10]

Luburić học tiểu học Ljubuški, rồi chuyển đến Mostar để theo lên trung học. Tại đó, Luburić kết giao với những thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc Croatia, và trở nên thô lỗ với giáo viên và bạn bè cùng trang lứa. Ngày 7 tháng 9 năm 1929, Luburić lần đầu tiên phải đối mặt với pháp luật khi bị bắt vì thói du côn và bị tạm giam hai ngày.[13] Sau đó, Luburic bỏ học và đến làm việc tại Sàn giao dịch Chứng khoán Công cộng Mostar. Năm 1931, Luburić gia nhập phong trào phát xít cực đoan Ustaše của Croatia có mục đích phá hủy Vương quốc Nam Tư để thành lập Đại Croatia.[6] Cùng năm, Luburić bị bắt vì biển thủ quỹ của sàn giao dịch chứng khoán.[13] Ngày 5 tháng 12, Luburić bị kết án 5 tháng tù vì tội tham ô. Ngay sau đó, ông trốn trại nhưng đến biên giới Albania-Nam Tư thì bị bắt lại. Mãn hạn, Luburić ra miền bắc Croatia, rồi đến Subotica, tại đó bí mật vượt biên sang Hungary. Lần đầu tiên, Luburić kết nối được với cộng đồng người Croat lưu vong ở Budapest, từ đó đi trại huấn luyện Janka-Pusta của Ustaše.[14] Nằm gần biên giới Nam Tư, Janka-Pusta là một trong những trại huấn luyện được Ustaše thành lập ở HungaryÝ là chính phủ ủng hộ phe Ustaše và có ý đồ chia chác lãnh thổ Vương quốc Nam Tư. Trại tụ tập hàng trăm người Croat di cư, chủ yếu là lao động chân tay trở về từ Tây Âu và Bắc Mỹ. Tân binh đều phải tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh Ante Pavelić, tập đánh trận giả và sản xuất tài liệu tuyên truyền chống người Serb.[15] Trong thời gian tại trại Janko Pusta, Vjekoslav Luburić được chiến hữu Jure Francetić đặt cho biệt danh "Maks".[9]

Tháng 10 năm 1934, vua Nam Tư Aleksandar I bị ám sát trong chuyến thăm ngoại giao tới Marseille, đây là âm mưu phối hợp giữa Ustaše và Tổ chức Cách mạng Macedonia quốc nội (tiếng Serbia-Croatia: Vnatrešna Makedonska Revolucionerna Organizacija - VMRO). Sau đó, chính quyền Hungary trục xuất hầu hết thành viên Ustaše ngoại trừ Luburić và một số người khác.[16] Luburić sống một thời gian ngắn tại Velika Kanjiža và có một con trai với một phụ nữ địa phương qua cuộc tình chốc lát.[17]

Chiến tranh thế giới thứ hai

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 6 tháng 4 năm 1941, Đức xâm lược Nam Tư.[18] Ngày 10 tháng 4, cựu sĩ quan Áo-Hung Slavko Kvaternik tuyên bố thành lập Nhà nước Độc lập Croatia (tiếng Croatia: Nezavisna Država Hrvatska - NDH) qua đài phát thanh.[19][20] Ngày 15 tháng 4, Pavelić đến Zagreb và tự xưng là Poglavnik (thủ lĩnh) của NDH, đảm bảo trung thành với Đức và phe Trục.[21] NDH được đa số người Croat ủng hộ, và Ustaše từ chỗ ít người biết đến đã nổi tiếng chỉ sau một đêm.[22][a] Đức và Ý cùng chia nhau ảnh hưởng trên lãnh thổ NDH. Khu vực do Ý chịu trách nhiệm được chia làm ba: Vùng I do Ý trực tiếp quản lý, Vùng II và III giao cho NDH.[25] Ngày 17 tháng 4, Ustaše đưa ra đạo luật hợp pháp hóa thành lập các trại tập trung và việc xử tử hàng loạt trên lãnh thổ NDH.[26] Mục tiêu hàng đầu của Ustaše là loại bỏ 1,9 triệu người Serb chiếm khoảng 30% tổng dân số NDH.[27]

Hoạt động thanh lọc ban đầu

[sửa | sửa mã nguồn]
Một gia đình người Serb bị giết năm 1941

Đầu tháng 4 năm 1941, Luburić bí mật vượt biên giới Nam Tư gần thị trấn Gola. Giữa tháng 4, ông đến Zagreb và được phân vào Cục Kinh tế của Bộ Tổng tham mưu Ustaše (tiếng Croatia: Glavni ustaški stan - GUS) với tư cách là phụ tá của Vjekoslav Servatzy.[17] Ngày 6 tháng 5, Luburić được phái đến làng Veljun gần Slunj, để xử lý 400 người Serb nhằm trả thù cho vụ sát hại một gia đình người Croat đêm hôm trước ở Blagaj gần đó. Không xác định được thủ phạm, Ustaše quyết định rằng người Serb tại Veljun phải hứng chịu trách nhiệm này và trừng phạt toàn bộ nam giới trong làng.[28] Luburić tập hợp được 50 lính Ustaše theo mình, đa số đều là lưu vong tại Ý vào thập niên 1930.[29] Tối 9 tháng 5, toàn bộ nam giới Serb làng Veljun bị giải đến Blagaj, bị giết bằng dao và dùi cui trong sân trường tiểu học. Cuộc giết chóc kéo dài suốt đêm. Sáng hôm sau, người ta thấy Luburić người đầy máu rời trường đến giếng rửa tay.[28]

Cuối tháng 6, các quan chức Ustaše báo cáo rằng bị nã súng khi lái xe đi qua Gornja SuvajaDonja Suvaja ở Lika. Chính quyền địa phương liền tiến hành tảo thanh ngôi làng.[30] Sáng 1 tháng 7, Luburić dẫn quân Ustaše đến hai làng.[31][32] Sử gia Max Bergholz viết rằng có tới 300 người quân Ustaše tham gia chiến dịch này.[33] Nhân chứng sống sót đồng thời là nhà báo Slavko Goldstein cho biết ngoài 250 vệ binh NHD, Luburić còn có khoảng 150 quân phụ trợ Ustaše.[31] Nhiều dân làng Gornja Suvaja và Donja Suvaja đã trốn vào rừng trước khi quân Ustaše đến. Những phụ nữ còn ở lại bị hãm hiếp và tra tấn cắt bỏ bộ phận sinh dục.[34] Cuộc thảm sát kéo dài khoảng hai tiếng; quân Ustaše chủ yếu giết nạn nhân bằng dao và dùi cui. Ít nhất 173 dân làng đã thiệt mạng, đa phần là người già, phụ nữ và trẻ em.[31][32]

Ngày 2 tháng 7, 130-150 quân Ustaše tấn công làng Osredci gần đó. Phần lớn dân làng chạy trốn trước trận thảm sát vì đã nghe được những tai họa tại Gornja và Donja Suvaja. Hai ngày liền, Ustaše tàn sát khoảng 30 người trong làng, hầu hết là người già và bệnh tật nên không thể chạy thoát trước.[35] Luburić lệnh cho quân đồng thời tàn sát dân làng Bubanj gần đó.[36] Theo tài liệu nội bộ Ustaše về vụ Bubanj, họ giết 152 thường dân Serb và đốt cháy 20 ngôi nhà. Còn theo nhân chứng sống sót, khoảng 270 người đã bị giết.[37]

Ngày 3 tháng 7, một trong những đơn vị của Luburić bắt giữ 53 người làng Nebljusi, trong đó có 10 trẻ em dưới 12 tuổi. Dân làng được chuyển bằng xe ngựa tới làng Boričevac gần đó, nơi đặt doanh trại và có hố đá vôi. 53 người bị giam trong doanh trại cùng với 12 người Serb bị bắt trước đó. Tối cùng ngày, họ bị chia thành nhóm gồm 8 người rồi từng nhóm bị đẩy xuống hố. Hai nạn nhân sống sót.[36]

Giữa tháng 7 năm 1941, Luburić được lệnh truy bắt hàng chục tù nhân trốn trại Kerestinec. Hầu hết những tù nhân trốn trại đều bị bắt lại hoặc giết tại chỗ, đổi lại một số lính Ustaše cũng mất mạng.[38]

Tới cuối tháng 7, Ustaše đã giết ít nhất 1.800 người Serb quanh vùng phụ cận Lika.[32] Tội ác này dưới thời NDH thúc đẩy hàng nghìn người Serb gia nhập quân kháng chiến Partizan của Josip Broz TitoChetnik của Draža Mihailović.[27] Thảm sát Lika được coi là casus belli để người Serb nổi dậy vào 27 tháng 7.[39] Cuộc nổi dậy là cớ để Ý đưa quân chiếm đóng Vùng II và Vùng III.[40]

Cấp trên cũng như chính Luburić tính sai khi cho rằng giết thường dân vô tội một cách tàn bạo sẽ dập tắt những ý đồ kháng cự đồng thời tạo ra "vùng sắc tộc thanh sạch". Goldstein cho rằng những hành động này đã phản tác dụng.[39]

Trại tập trung Jasenovac

[sửa | sửa mã nguồn]

NDH có hai cơ quan an ninh là Tổng cục An ninh và Trật tự công cộng (tiếng Croatia: Ravnateljstvo za javni red i sigurnost - RAVSIGUR) và Cơ quan Giám sát Ustaše (tiếng Croatia: Ustaška nadzorna služba - UNS).[41] Cả RAVSIGUR và UNS đều do con trai Slavko KvaternikDido lãnh đạo.[42][43][44] RAVSIGUR được thành lập ngày 4 tháng 5 năm 1941,[45] còn UNS ra đời vào tháng 8 cùng năm.[46][47][b] UNS được chia thành ba cục: I, III và IV. Cục III còn được gọi là Cục Phòng vệ Ustaše có nhiệm vụ quản lý các trại tập trung.[41] Tổng cộng có khoảng 30 trại tập trung nằm trên lãnh thổ NDH.[52] Từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1941, RAVSIGUR chịu trách nhiệm quản lý trại.[53] Luburić là người đứng đầu trong phần lớn thời gian tồn tại của Cục III.[54] Đại sứ Đức tại NDH Siegfried Kache nói Luburić đã lên kế hoạch thành lập mạng lưới các trại tập trung từ thời lưu vong.[38][55]

Tháng 5 năm 1941, Kvaternik ra lệnh xây dựng hai trại giam ở các làng Krapje (Jasenovac I) và Bročice (Jasenovac II), hai tiểu trại tiền đề cho trại tập trung Jasenovac. Hai trại bắt đầu hoạt động ngày 23 tháng 8.[56] Cùng ngày, đối mặt với việc Ý chiếm đóng Vùng II, Cục III đã ra lệnh giải tán tất cả các trại tập trung duyên hải NDH.[53] Trong giai đoạn đầu của Jasenovac, Luburić hiếm khi ra lệnh xử tử hàng loạt mà chưa được cấp trên chấp thuận.[57] Một quan chức hàng đầu Ustaše là Ante Moškov cho biết:

Cuối cùng thì lòng trung thành và tận tụy của Luburić cũng được đền đáp, ông trở thành một nhân vật thân tín trong hàng ngũ cận kề Pavelić khi chiến tranh tiếp diễn.[59] Cuối tháng 9 năm 1941, chính phủ cử Luburić sang Đệ tam Đế chế để nghiên cứu cách thức xây dựng và vận hành trại tập trung tại Đức.[58] Luburić đi thăm các trại tập trung Đức trong 10 ngày.[60][61] Các trại Ustaše sau đó được mô phỏng theo OranienburgSachsenhausen.[55][c]

Thi thể tù nhân Trại tập trung Jasenovac

Hệ thống trại Jasenovac được xây dựng trên khu vực đông dân Serb sinh sống.[60] Theo lệnh Luburić, từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1941, tất cả các làng Serb lân cận hai trại phụ đều bị san bằng, dân làng bị gom lại hết vào hết KrapjeBrocice.[63] Từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 11 năm 1941, Krapje và Bročice bị giải thể.[64] Tù nhân đủ khả năng bị điều đi xây dựng trại Jasenovac III còn gọi là Ciglana (Sân gạch).[65] Những người bệnh tật bị giết tại chỗ hoặc bị bỏ lại chờ chết. Trong số 3.000-4.000 tù nhân bị giam tại Krapje và Brocice chỉ có 1.500 người sống sót chuyển qua Ciglana.[64]

Với kiến thức học hỏi được tại Đức, Luburić tổ chức Ciglana hiệu quả hơn Krapje và Brocice.[66] Tháng 1 năm 1942, Jasenovac IV được lệnh thành lập dành riêng cho việc sản xuất da, với tên gọi Kožara (Thuộc da).[67] Trại phụ cuối cùng Jasenovac V cũng ra đời cùng lúc có tên Stara Gradiška theo tên làng cũ, là nơi hỗn hợp có cả nam và nữ cai ngục.[68] Hai em gái cùng mẹ khác cha của Luburić là Nada và Zora đều làm cai ngục trại này.[69] Nada tham gia vào nhiều cuộc tra tấn và hành quyết tại Stara Gradiška.[70] Nada kết hôn với Dinko Šakić.[71][72] Šakić từng là phó trại Stara Gradiska,[68] rồi làm trưởng trại Ciglana.[65] Luburić cũng dùng cả em họ mình là Ljubo Miloš.[69][73] Miloš từng chỉ đạo lao động tập trung tại Ciglana.[65] Giống như Luburić được bổ nhiệm đứng đầu Cục III khi cuối lứa tuổi 20, hầu hết thành viên Ustaše phụ trách quản lý hệ thống trại Jasenovac đều còn rất trẻ. Năm 1941, Šakić mới 20 tuổi còn Miloš 22 tuổi.[74]

Có hơn 1.500 lính Ustaše canh gác hệ thống trại Jasenovac.[60] Ciglana, Kožara và Stara Gradiška có thể từng giam giữ tổng cộng 7.000 tù nhân, nhưng số lượng không bao giờ vượt quá 4.000 vào một thời điểm.[75] Luburić đến thăm Jasenovac hai hoặc ba lần một tháng.[76] Ông khẳng định sẽ tự tay giết ít nhất một tù nhân trong mỗi lần đến thăm.[77] Luburić thích thú đùa cợt tù nhân khi kết liễu họ.[78] Người viết tiểu sử Tito là Jasper Godwin Ridley miêu tả lại: "Hắn vui sướng khi dí súng lục vào đầu tù nhân. Đôi khi hắn xiết cò, đôi khi thì không."[79]

Luburić ngồi cùng sĩ quan Đức tại Stara Gradiška, tháng 6 năm 1942

Thói tàn ác của Luburić lan sang các trại Ustaše khác. Có lần ông cố tình chuyển hàng trăm tù nhân bị sốt phát ban từ trại Stara Gradiška đến Đakovo để đẩy nhanh tốc độ lây lan dịch bệnh giữa các tù nhân.[80] Miloš khai "Luburić đã tạo ra một bầu không khí như vậy. Mọi Ustaše thực sự cảm thấy được kêu gọi phải giết tù nhân với niềm tin rằng đó là hành động yêu nước."[57][d] Sau thử nghiệm các xe khí ngạt bất thành, Luburić ra lệnh xây dựng một phòng hơi ngạt sử dụng kết hợp lưu huỳnh dioxidehydro cyanua. Phòng hơi ngạt được xây dựng kém và sau ba tháng không còn được sử dụng nữa. Không giống như các trại tập trung ở Đức, hầu hết tù nhân tại NDH bị giết bằng dao hoặc gậy.[71][81]

Đầu năm 1942, điều kiện ở Jasenovac được cải thiện phần nào do chuẩn bị đón tiếp phái đoàn Chữ thập đỏ. Những tù nhân khỏe mạnh hơn được cung cấp giường và chăn ga mới, được phép nói chuyện với phái đoàn. Nhưng những người bệnh tật kiệt sức thì bị hành quyết luôn. Sau khi phái đoàn kết thúc chuyến thăm, điều kiện trong trại trở lại như cũ.[82]

Khi một công chức người Croat gốc Do Thái tên là Dragutin Rosenberg định thuyết phục Luburić để được giao quần áo, thực phẩm cho đích danh một số tù nhân ở Jasenovac, Luburić lệnh chỉ chấp nhận hàng theo lô để không tiết lộ số phận tù nhân còn sống hay đã chết.[83] Luburić cũng tỏ ra không ưa nhận hối lộ, chẳng hạn khi đại diện Hội Chữ thập đỏ là Julius Schmidlin thử đưa tiền nhằm Jasenovac có thể đối xử nhân đạo hơn với tù nhân, nhưng Luburić đã tức giận từ chối.[84] Ngoài ra, Luburić không dung thứ cho việc lấy hàng hóa tịch thu từ tù nhân. Trường hợp điển hình là khi lính canh bị bắt quả tang lấy đồ trang sức tịch thu đem bán, đã bị Luburić ra lệnh xử tử. Trong số lính bị đánh chết có cả em trai của Ivica Matković đang làm phó cho Luburić.[85]

Tấn công Kozara

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 21 tháng 12 năm 1941, các đơn vị Ustaše dưới sự chỉ huy của Luburić, Rukavina và Moskov hành quân đến Prkose gần Bosanski Petrovac.[86] Luburić ra lệnh:[87]

Ustaše giải dân làng đi sau khi tấn công Kozara tháng 6 năm 1942

Ustaše gom hơn 400 thường dân Serb, chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em và giải đến khu rừng gần đó để hành quyết.[86]

Ngày 14 tháng 1 năm 1942, Luburić dẫn quân Ustaše đến làng Draksenić phía bắc Bosna và ra lệnh giết sạch cư dân ở đó. Vụ thảm sát lấy đi sinh mạng của 200 dân làng.[88] Giữa năm 1942, Cục Tuyên truyền và Tình báo Nhà nước (Državni izvještajni i promičbeni ured - DIPU) nghiêm khắc cảnh báo báo chí NDH cấm được đưa tin về Luburić, Cục III và "các trung tâm tập thể NDH".[89] Bất chấp DIPU, Luburić xuất hiện trong phim ngắn tuyên truyền năm 1942 Wacht an der Drina (Canh gác trên sông Drina).[90]

Tháng 6 năm 1942, Wehrmacht phối hợp với Lực lượng Phòng vệ Nhà nước và Ustaše phát động cuộc tấn công Kozara, nhằm đẩy lùi quân kháng chiến quanh núi Kozara ở tây bắc Bosna đang đe dọa quân Đức sử dụng tuyến đường sắt Beograd-Zagreb.[91] Quân Partizan bị tổn thất lớn nhưng chính dân chúng trong vùng mới phải chịu hậu quả đau đớn nhất. Từ ngày 10 tháng 6 đến ngày 30 tháng 7 năm 1942, 60.000 thường dân chủ yếu là người Serb sống quanh núi Kozara đã bị gom lại đưa đến các trại tập trung.[92] Tướng đặc mệnh toàn quyền Wehrmacht Edmund Gleis-Horstenau viết "Kozara sạch bóng người, cả phụ nữ lẫn trẻ em".[63]

Sau khi xóa sổ cư dân Kozara, Luburić nghĩ ra sáng kiến đồng hóa xóa bỏ bản sắc của trẻ em người Serb và đưa chúng vào Ustaše. Cuối năm 1942, ông "nhận nuôi" 450 cậu bé gom được khi giao tranh tại Kozara, gọi là janissary.[63] Mỗi sáng, các janissary phải tập quân sự và đọc Kinh Lạy Cha.[93] Thử nghiệm thất bại khi hầu hết janissary từ chối gia nhập Ustaše.[63] Ngoài ra, đa phần janissary sau đó đều chết vì suy dinh dưỡng, bệnh kiết lỵ và các bệnh khác.[93] Một nhóm tình nguyện viên Chữ thập đỏ từ Zagreb, dẫn đầu là Diana Budisavljević đã giải cứu hàng trăm trẻ em khác bị Ustaše bắt cóc sau trận Kozara.[94] Nhật ký Budisavljević mô tả lại cuộc gặp gỡ với Luburić tại Stara Gradiška, Luburić chửi mắng Budisavljević và nhóm tình nguyện "chỉ quan tâm đến trẻ em người Serb" trong khi còn vô vàn trẻ em Croatia và Hồi giáo Bosna tại NDH cũng đang phải chịu khổ. Luburić dọa bắt giữ tất cả rằng "sẽ không ai biết chuyện gì đã xảy ra với họ và họ đang ở đâu".[95]

Bị quản thúc và quay lại

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 8 năm 1942, Luburić được thăng cấp lên Bojnik (thiếu tá).[17] Glaise-Horstenau than phiền với Pavelić rằng Luburić đang can thiệp vào hoạt động của quân Đức.[96] Người Đức không tin tưởng Luburić, trong bản ghi nhớ nội bộ mô tả ông là "một nhân cách bệnh hoạn, loạn thần kinh".[63] Để lấy lòng người Đức, Pavelić thuyên chuyển Luburić tới Travnik.[96] Luburić được bổ nhiệm làm chỉ huy Trung đoàn bộ binh số 9 của Lực lượng Phòng vệ Quê hương Croatia (tiếng Croatia: Deveta pješačka pukovnija) với nhiệm vụ giữ gìn biên giới với Montenegro (đang bị Ý chiếm đóng) tại Đông Hercegovina, nơi hiện diện lực lượng lớn Chetnik.[97]

Khi Trung đoàn bộ binh 9 đang chuẩn bị lên đường đến Hercegovina, Luburić bắn chết một vệ binh dưới quyền.[e] Vụ việc làm dấy lên một làn sóng phản đối kịch liệt từ các vệ binh.[17] Luburić ngay lập tức bị tước quyền chỉ huy, để đại tá Franjo Šimić thế chỗ.[96] Cuối tháng 11, do Đức ra sức ép, Luburić bị quản thúc tại gia ở Zagreb.[98] Stanko Šarc được chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động tại Jasenovac khi Luburić vắng mặt. Ivica Brkljačić cũng đến thay thế cho đội phó của Luburić là Ivica Matković.[99] Điều kiện quản thúc Luburić rất nhẹ nhàng, ông có thể ra khỏi nhà đi dạo. Luburić vẫn giữ thực quyền với Jasenovac.[98] Ví dụ, cuối năm 1942, Luburić sắp xếp để phóng thích Miroslav Filipović, người bị tù vì có một loạt hành động tàn bạo với người Serb ở miền bắc Bosna. Filipović sau đó được bổ nhiệm làm trưởng trại Stara Gradiška.[100] Lãnh đạo Đảng Nông dân Croatia (tiếng Croatia: Hrvatska seljačka stranka – HSS) Vladko Maček và vợ sống cùng với gia đình Luburić trong khoảng hai tháng. Maček kể lại mẹ Luburić khóc tâm sự với vợ mình rằng bà cảm thấy hối tiếc vì đã sinh ra Luburić nếu những hành động tàn ác đang đồn đại về con trai là sự thật.[101]

Mladen Lorković, Bộ trưởng Nội vụ
Ante Vokić, Bộ trưởng Quốc phòng

Cuối năm 1942, tình trạng bất ổn ngày càng tăng tại NDH đe dọa đến lợi ích của Đức ở Đông Nam Âu. Đức bắt đầu gây áp lực lên Pavelić phải giữ cho NDH ổn định. Cuối cùng, người Đức đề xuất Pavelić cần ngăn chặn các hành động tàn bạo của Ustaše lên người Serb. Để đáp lại, Ustaše đã thành lập Giáo hội Chính thống Croatia nhằm đồng hóa người Serb, coi họ là "Người Croat theo đức tin Chính thống giáo".[102] Pavelić dùng hai cha con Slavko và Dido Kvaternik làm con dê tế thần chịu tội thay cho mọi rắc rối của NDH. Pavelić đổ lỗi cho Slavko khi mà Lực lượng phòng vệ và quân đội Ustaše không hạ được Partizan và Chetnik, còn Dido thì phải chịu toàn bộ trách nhiệm về các cuộc tàn sát người Serb dù mọi việc đều được Pavelić thông qua. Tháng 10 năm 1942, hai cha con bị đày sang Slovakia.[103] Ngày 21 tháng 1 năm 1943, UNS bị giải thể và hợp nhất vào Tổng cục An ninh và Trật tự công cộng (tiếng Croatia: Glavno ravnateljstvo za javni red i sigurnost - GRAVSIGUR) để thay thế cho RAVSIGUR. GRAVSIGUR liền sau đó có trách nhiệm quản lý các trại tập trung trên đất NDH.[99]

Giữa năm 1943, vẫn đang trong giai đoạn quản thúc, Luburić chuyển đến làng Šumec gần Lepoglava. Luburić cùng với sĩ quan Gestapo Kurt Koppel lên kế hoạch đánh du kích chống lại Partizan trong trường hợp Đức bại trận.[104] Số lượng quân Partizan hiện diện tại NDH tiếp tục gia tăng, từ chỉ 7.000 quân năm 1941, lên 25.000 quân năm 1942 và cuối năm 1943 thì đạt tới 100.000 quân. Ngày 8 tháng 9 năm 1943, Ý đầu hàng Đồng minh. Khá nhiều đơn vị quân Ý đầu hàng Partizan, nên Partizan đã thu được một lượng vũ khí hiện đại đáng kể.[105] Phần lớn thời gian năm 1944, Luburić vẫn phải đứng ngoài cuộc, nhưng thời vận trở lại sau khi âm mưu Lorković – Vokić bị vạch trần tháng 8 năm 1944. Ngày 30 tháng 8, Luburić đích thân giám sát việc bắt giữ Bộ trưởng Nội vụ Mladen Lorković và Bộ trưởng Quốc phòng Ante Vokić.[106][107] Hai người bị buộc tội mưu toan lật đổ Pavelić nhằm thành lập chính phủ thân Đồng minh.[108][109] Luburić tiếp tục được giao nhiệm vụ thẩm vấn Lorković và Vokić cũng như những kẻ tình nghi chủ mưu khác. Tháng 10 năm đó, Luburić được thăng cấp Pukovnik (đại tá).[17]

Tháng 12 năm 1944, Lực lượng Phòng vệ Croatia và Dân quân Ustaše hợp nhất thành Quân lực Croatia.[110] Ngày 7 tháng 12, Luburić buộc hơn 30 thành viên Quân đoàn Tình nguyện người Serb xuống tàu tại ga chính Zagreb và ra lệnh xử bắn. Luburić tỏ ra không quan tâm dù những người này đã được chính Pavelić phê chuẩn cho đi qua Zagreb tới Slovenia.[111]

Khủng bố ở Sarajevo

[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu năm 1945, Pavelić cử Luburić đến Sarajevo để triệt hạ cộng sản.[112] Ngày 15 tháng 2, Luburić có mặt tại Sarajevo.[8] Năm ngày sau, Hitler tuyên bố Sarajevo là một festung (pháo đài) cần được bảo vệ bằng mọi giá. Hitler chỉ định tướng Heinz Kutner tổ chức bảo vệ thành phố đề phòng quân kháng chiến Partizan tấn công.[113] Ngày 24 tháng 2, Kutner tổ chức tiệc vinh danh Luburić.[114] Trong bữa tiệc, Luburić tuyên bố ý định tiêu diệt quân cộng sản kháng chiến tại Sarajevo.[115] Luburić nhanh chóng bổ nhiệm chín sĩ quan Ustaše vào một nhóm công tác đặc biệt để xử tử những người cộng sản nổi tiếng hoặc nghi ngờ là cộng sản. Tổ công tác đóng trụ sở chính tại một biệt thự ở trung tâm Sarajevo, và được cư dân thành phố gọi là "nhà khủng bố".[114]

Ngày 1 tháng 3, quân Partizan phát động Chiến dịch Sarajevo để chiếm thành phố từ tay quân Đức và Ustaše.[8] Sarajevo bị bao vây và chia cắt khỏi phần còn lại của NDH.[116] Luburić thành lập một tòa án giả hình chuyên xử lý các trường hợp bị cáo buộc là phản quốc,[8] và các tội danh khác như thao túng giá cả.[114][117] Nhóm bị xét xử đầu tiên là 17 người Hồi giáo tị nạn từ Mostar.[118] Hàng chục người bị tình nghi là cộng sản đã bị hành quyết trong tháng 3.[119]

Quân kháng chiến Partizan tiến vào Sarajevo năm 1945

Bắt giữ và hành quyết tùy tiện tạo nên nỗi kinh hoàng cho người dân Sarajevo. Theo những người sống sót kể lại, đặc vụ của Luburić thường tra tấn bằng cách trói tay tù nhân ra sau lưng, kéo hai tay vào giữa hai chân, đặt một thanh chắn giữa hai đầu gối, treo ngược người rồi bắt đầu đánh đập. Thành viên Ustaše gọi đó là thẩm vấn, người bị tra tấn sau đó cũng bị giết hoặc giải đến trại tập trung. Luburić còn có thú vui là gọi gia đình nạn nhân đến, bắt phải nghe người thân mình bị tra tấn hay giết hại chi tiết ra sao. Khi các vụ giết chóc diễn ra, một số người Sarajevo vì lo sợ cho tính mạng đã phải trốn xuống hầm trú bom dù thành phố không hề bị ném bom trong nhiều tuần.[118]

Ngày 16 tháng 3, Luburić đã triệu tập một cuộc họp gồm hơn 1.000 thành viên chính trị và quân sự của Ustaše cùng với sự chúng kiến của quan chức Đức. Cuộc họp ra tuyên bố lên án Chủ nghĩa Bolshevik, Hội nghị Yalta và chính quyền cộng sản mới ở Beograd.[116] Ngày 21 tháng 3, Ustaše phát hiện ra một âm mưu ám sát Luburić. Halid Nazečić là một thanh niên cộng sản định tiến hành ám sát nhưng bị đồng bọn phản bội.[119] Biệt động Partizan giết bốn nhân vật Ustaše trong thành phố.[120] Để trả đũa, đêm 27 và 28 tháng 3, Ustaše treo cổ 55 người Sarajevo tại Marijin Dvor.[121] Xác họ đeo tấm biển trên cổ "Poglavnik muôn năm!",[115][122] và được dùng làm gương uy hiếp tinh thần kẻ khác.[117] Những ai định tìm thi thể người thân liền bị bắn.[121] Ngày 4 tháng 4, Luburić và tùy tùng rời Sarajevo. Khoảng 350 cảnh sát và 400 lính Ustaše ở lại bảo vệ thành phố.[123] Sau chiến tranh, Ủy ban chống tội ác xác định 323 người đã chết do sự khủng bố của Luburić.[124] Vài trăm người khác bị bắt vào các trại tập trung.[121]

Ngày 6 tháng 4, quân Partizan tiến vào giải phóng Sarajevo. Đoàn làm phim Liên Xô đã ghi lại hình ảnh khai quật thi thể tại sân biệt thự Luburić, trong đó có nhiều xác là trẻ em. Một nhân chứng khác là nhà báo người Mỹ Landrum Boling kể lại "từng mảnh thi thể xếp chồng lên nhau".[115][125] Nhiều xác chết có dấu hiệu bị tra tấn và cắt xẻo. Xác Halid Nazečić được xác định bị chặt đầu, khoét mắt và và bộ phận sinh dục bị dội nước sôi bỏng.[126]

NDH sụp đổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Rời Sarajevo, Luburić lên máy bay tới Zagreb. Trong khi cố gắng hạ cánh xuống sân bay Borongaj, máy bay gặp sự cố trên đường băng hư hại do bom. Đầu Luburić bị chấn thương và phải nhập viện. Khi Pavelić đến thăm, Luburić bày tỏ tâm trạng thất vọng, cáo buộc người Đức phản bội Croatia.[127] Được ít lâu, Luburić được thăng cấp tướng.[17] Đầu tháng 4, Luburić ra lệnh giết hết những tù nhân còn lại tại Jasenovac.[128] Ông ra lệnh tiêu hủy các tài liệu liên quan đến hoạt động của trại, khai quật và hỏa táng thi thể trong các ngôi mộ tập thể xung quanh. Luburić cho thủ tiêu những người có thông tin về tội ác chiến tranh của mình, như đặc vụ Gestapo Kopel.[129] Cuối tháng 4, Luburić phê chuẩn xử tử Lorković, Vokić và những ai dính líu đến âm mưu Lorković–Vokić.[130]

Khi quân Partizan đến gần, Luburić đề xuất Ustaše tử thủ Zagreb nhưng Pavelić từ chối.[131] Thành viên Ustaše đưa ra những ý kiến khác nhau. Một số đề nghị rút ngay toàn bộ sang Áo. Những người khác, trong đó có Luburić, ủng hộ việc thành lập quân du kích sau khi NDH sụp đổ.[132] Đầu tháng 5, Luburić gặp Tổng giám mục Zagreb Alojzije Stepinac, Tổng giám mục đề nghị ông không kháng cự lại quân Partizan. Ngày 5 tháng 5, chính phủ NDH rời Zagreb, Pavelić theo sau. Ngày 15 tháng 5, NDH hoàn toàn sụp đổ.[133] Hàng chục nghìn Ustaše đầu hàng quân Anh nhưng bị giao lại cho Partizan. Sau này, họ bị Partizan giết trả thù chung với hàng nghìn người Serb và Slovenia đã cộng tác với NDH.[134]

Một số quân Ustaše vẫn ở lại Nam Tư và chiến đấu du kích chống lại cộng sản, thường gọi là quân Križari (thánh chiến).[135] Luburić chỉ huy một nhóm nhỏ ẩn náu trong rừng ở miền nam Slovenia và miền bắc Slavonia, giao tranh với Quân đội Nhân dân Nam Tư (tiếng Serbia-Croatia: Jugoslovenska narodna armija — JNA) mới thành lập.[136]

Luburić trốn thoát bằng cách đặt giấy tờ căn cước cạnh xác một người lính đã chết. Luburić đã nhờ Matković và Moškov chuyển thư cho Pavelić lúc này đã trốn sang Áo, thông báo rằng sẽ tiếp tục chiến đấu. Có ba tường thuật khác nhau về hoạt động của Luburić ở Nam Tư thời hậu chiến. Theo lời một nhân chứng, Luburić đi về phía nam tới dãy núi Bilogora, nhập bọn với 50 lính Križari do Branko Bačić chỉ huy. Họ cùng tiến về phía tây, lập căn cứ trên núi Fruška Gora. Tháng 11 năm 1945, Luburić và một chục lính vượt biên trốn sang Hungary. Một phiên bản khác nói Luburić bị thương khi giao tranh với JNA và được tướng Rafael Boban giúp chuyển qua sông Drava tới Hungary, tướng Boban về sau quay lại Nam Tư nhưng không còn tin tức gì nữa. Phiên bản thứ ba do chính Luburić đề cập là ông đã sát cánh cùng Križari cho đến cuối năm 1947 khi bị thương nặng và buộc phải rời khỏi đất nước.[137]

Vợ chồng em gái cùng mẹ khác cha của Luburić là Nada và Šakić đã trốn sang Argentina.[72] Những người thân còn lại của Luburić thì không may mắn như vậy. Tháng 7 năm 1947, chính quyền Nam Tư bắt được Miloš khi trở về nước nổi dậy cùng một nhóm quân Križari.[138] Trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh, Miloš thừa nhận vai trò mình trong các vụ giết người tại Jasenovac. Ông bị kết án và xử tử năm 1948.[73]

Hậu chiến

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1949, Luburić chuyển đến Tây Ban Nha.[139] Đây là điểm đến thuận lợi cho các thành viên Ustaše lưu vong vì Tây Ban Nha là quốc gia duy nhất bên ngoài phe Trục công nhận NDH. [140] Luburić vào Tây Ban Nha với cái tên Maximilian Soldo (ghép giữa biệt danh Maks và họ mẹ thời con gái Soldo).[141] Khi đến nơi, Luburić bị chính quyền Tây Ban Nha bắt giam nhưng được thả ngay sau đó.[142] Cựu chỉ huy Sư đoàn Xanh (División Azul) Agustín Muñoz Grandes đã giúp Luburić ở lại định cư.[139] Luburić trú tại Benigànim.[142]

Trong khi đó, Pavelić cùng gia đình định cư ở Buenos Aires và bắt đầu làm xây dựng. Ông trở thành thủ lĩnh không chính thức của cộng đồng người Croat tại Nam Mỹ.[143] Việc Pavelić biệt xứ tận Argentina xa xôi khiến ông hầu như không còn được người Croat những nơi khác coi trọng, đặc biệt là ở châu Âu. Tháng 7 năm 1950, đối mặt với sự công khai chống đối, Pavelić phái Luburić đến Roma như một lời cảnh báo cho bất kỳ ai muốn thách thức quyền lực của ông với các cộng đồng người Croat ở Tây Âu. Sử gia Guy Walters cho biết Luburić đến với "danh tiếng đáng sợ" nhờ những thành tựu thời chiến. Tháng 8 năm 1950, theo lệnh Pavelić, Luburić đăng một tuyên bố trên một số tờ báo người Croat lưu vong ở Chicago, trong đó yêu cầu người Croat không được đi lính cho bất cứ quân đội nước ngoài nào khác. Dù được cho là không ra tay hạ sát bất kỳ đối thủ chính trị nào của Pavelić thời hậu chiến, danh tiếng Luburić đã làm phe chống đối trong các cộng đồng Croat hải ngoại giảm sút. Sau khi sự chống đối Pavelić lắng xuống, Luburić trở về Tây Ban Nha. Năm 1951, ông đến Hamburg để thành lập trung tâm tuyển mộ Ustaše cho phe ủng hộ Pavelić.[76] Cùng năm, Luburić ra báo Drina.[144]

Tháng 11 năm 1953, Luburic kết hôn với một phụ nữ Tây Ban Nha tên Isabella Hernaise và có bốn con, hai trai hai gái.[145]

Xung đột với Pavelić

[sửa | sửa mã nguồn]

Luburić hoạt động trong nhiều tổ chức lưu vong khác nhau ở Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đức, Canada và các quốc gia khác. Năm 1955, Pavelić đối thoại với những người Chetnik lưu vong về việc phân chia Bosna và Hercegovina giữa Đại Croatia và Đại Serbia khi Nam Tư sụp đổ, khiến Luburić tức giận.[146] Luburić viết bài nêu rõ quan điểm phải Croatia (giống như NDH) phải mở rộng đến tận sông Drina, trùm lên cả những khu vực của Serbia mà NDH chưa từng có được, ví dụ như Sandžak.[147] Luburić kịch liệt tố cáo Pavelić và những kẻ đi theo. Ngay sau đó, ông thành lập Hội thân hữu Drina (tiếng Croatia: Društvo Prijatelja Drine - DPD) và Kháng chiến Dân tộc Croatia (tiếng Croatia: Hrvatski narodni odpor - HNO) (về sau phát triển thành Phong trào xây dựng nhà nước Croatia (Hrvatski državotvorni pokret)).[148] Tháng 6 năm 1956, Pavelić thành lập tổ chức đối lập là Phong trào giải phóng Croatia (tiếng Croatia: Hrvatski oslobodilački pokret - HOP).[149]

Nguồn tin CIA từ Buenos Aires cho biết nước Anh có hỗ trợ cho hoạt động của Luburić tại Đức.[76] Ông điều phối mạng lưới khủng bố trên khắp châu Âu, hạt nhân tại Thụy Sĩ, Áo, Thụy Điển, Đức, Tây Ban Nha, cũng như tổ chức các chuyến bí mật xâm nhập Nam Tư.[150]

Năm 1957, Isabella nhận được một lá thư nặc danh mô tả chi tiết những hành động tàn ác của chồng mình trong chiến tranh và nhấn mạnh đến vai trò tàn sát trẻ em. Không lâu sau, Isabella đệ đơn ly hôn. Luburić được quyền nuôi con chung cũng như nhận ngôi nhà. Cùng năm, Luburić bán nhà và chuyển đến thành phố Carcaixent gần Valencia và mở một trại gia cầm. Trang trại chẳng mấy chốc ngừng hoạt động và Luburić đóng vai người bán hàng lưu động.[13] Ông lập nhà xuất bản nghiệp dư Drina Press đặt tại nhà mình.[151] Hàng xóm xung quanh chỉ biết về người đàn ông có tên Vicente Pérez García chứ không rõ về quá khứ thời chiến của Luburić.[150] Ông viết bài dưới bút danh Tướng Drinjanin và Bojnik Dizdar (Đại tá Dizdar).[151] Trong các bài viết, Luburić thừa nhận đã mắc một số sai lầm trong chiến tranh, nhưng chưa bao giờ thừa nhận hay hối hận về những hành động tàn bạo mà mình đã gây ra. Ông chủ trương "hòa giải dân tộc Croat" giữa phe ủng hộ Ustaše với những người thân cộng sản.[147] Luburić cũng tuyên bố đã liên lạc với tình báo Liên Xô.[152] Ông cho rằng Croatia nên trở thành một quốc gia trung lập trong trường hợp Nam Tư tan rã.[147]

Ngày 10 tháng 4 năm 1957, khi trở về từ lễ kỷ niệm ngày thành lập NDH ở Buenos Aires, Pavelić bị Cục An ninh Nhà nước Nam Tư (tiếng Serbia-Croatia: Uprava državne bezbednosti - UDBA) ám sát và bị thương nặng.[153][154] Tháng 12 năm 1959, Pavelić qua đời tại Madrid vì vết thương biến chứng. Do hận thù mâu thuẫn, Luburić không được có mặt tại tang lễ.[140] Sau khi Pavelić qua đời, Luburić lấy vai trò chỉ huy cuối cùng của Quân lực Croatia định nắm quyền kiểm soát HOP nhưng không thành công khi các lãnh đạo khác từ chối. Luburić càng ngày càng quân phiệt, thành lập các trại huấn luyện tân Ustaše ở một số nước châu Âu và xuất bản những bài báo liên quan đến chiến thuật quân sự và kỹ thuật đánh du kích.[155] Năm 1963, ông thành lập tờ báo Obrana (Phòng vệ).[144]

Các hoạt động của Luburić khiến mật vụ Nam Tư để ý và tìm cách tiêu diệt. Về sau, nhà chức trách Úc xác định có sáu cuộc ám sát Luburić bất thành.[156] Cuối cùng, điệp viên Ilija Stanić thâm nhập HNO thành công và ra tay. Ngày 20 tháng 4 năm 1969, Luburić bị giết bằng búa đập vào đầu ngay trong biệt thự mình.[157][158]

Sáng 21 tháng 4 năm 1969, con trai Luburić phát hiện thi thể đẫm máu của cha mình trong phòng ngủ. Luburić bị giết một ngày trước đó. Vết máu trên sàn cho thấy thi thể bị kéo khỏi bếp và giấu dưới gầm giường một cách thô bạo. Đầu có nhiều vết đập. Khám nghiệm tử thi khẳng định những cú đập không gây tử vong mà Luburić chết do sặc máu của chính mình.[159] Luburić được chôn cất ở Madrid. Đám tang có sự tham dự của hàng trăm người theo chủ nghĩa dân tộc Croatia mặc quân phục Ustaše, hô vang các khẩu hiệu của Ustaše và chào theo kiểu phát xít.[140] Cái chết của Luburić đánh dấu sự kết thúc cho các tờ DrinaObrana.[147]

Vụ sát hại Luburić xảy ra vào thời điểm UADB đang ám sát hàng loạt các nhân vật dân tộc chủ nghĩa then chốt người Croat trên khắp châu Âu, nên tất cả nghi ngờ đều dồn về đó.[140] Năm 1967, Luburić thuê con trai đỡ đầu là Ilija Stanić vào làm công ty xuất bản của mình. Cha Stanić là Vinko đã cùng làm việc với Luburić trong chiến tranh. Vinko bị bắt khi chính quyền Nam Tư đánh quân Križari và chết trong tù.[160] Stanić sống và làm việc ngay trong nhà Luburić. Ngay sau khi Luburić bị giết, Stanić trở về Nam Tư.[90] Tài liệu tình báo được giải mật cho thấy Stanić là điệp viên UADB với mật danh Mungos. Theo bản báo cáo tháng 5 năm 1969, Stanić nhận chất độc từ một đặc vụ khác và bỏ vào cà phê của Luburić. Khi thấy chất độc không giết được Luburić, Stanić bắt đầu hốt hoảng và về phòng lấy một chiếc búa. Lúc trở lại bếp, Luburić phàn nàn rằng không được khỏe. Trong khi Luburić định nôn vào bồn rửa, Stanić đã đánh nhiều cú vào đầu Luburić. Luburić ngã xuống sàn bất động. Stanić ra khỏi bếp để đảm bảo cửa trước đã khóa. Khi quay lại thấy Luburić đã đứng dậy bám vào bồn rửa và đang rên rỉ đau đớn, Stanić đập phát nữa làm vỡ sọ. Sau đó, Stanić quấn xác Luburić vào chăn và kéo đến một phòng ngủ gần đó. Stanić khai rằng ban đầu muốn giấu xác trong nhà in nhưng Luburić quá nặng. Trong phòng ngủ, Stanić giấu xác dưới gầm giường rồi bình tĩnh bỏ đi.[161][157][158]

Trong cuộc phỏng vấn với tuần báo Globus của Croatia tháng 7 năm 2009, Stanić thay đổi lời kể mà tuyên bố rằng Luburic đã bị hai thành viên HOP giết chết. Cảm thấy đau xót khi Luburić miệt thị cha mình và hoạt động du kích hậu chiến, Stanić tìm đến hai người và họ thuyết phục rằng chỉ thực hiện tra tấn đánh đập thôi. Stanić để hai người vào nhà và họ đã dùng thanh kim loại nặng đập đầu giết chết Luburić.[162] Năm 2012, Stanić lại thay đổi lần nữa, lần này cáo buộc hai người khác giết Luburić.[158]

Ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ nghĩa dân tộc Croatia

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau cái chết của Luburić, một số cộng sự thân cận của ông lên lãnh đạo HNO, dẫn đến đấu đá quyền lực tại Bắc Mỹ, Úc, Thụy ĐiểnArgentina. Quyền lãnh đạo HNO Argentina được giao cho em rể của Luburić là Dinko Šakić.[163]

Tháng 4 năm 1971, hai thành viên HNO xông vào đại sứ quán Nam Tư ở Stockholm và giết chết đại sứ Vladimir Rolović. Hai người bị bắt nhưng được thả vào năm sau khi một nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc Croatia cướp máy bay Thụy Điển uy hiếp đòi thả người.[164] Một trong hai kẻ giết Rolović là Miro Barešić đã chịu rửa tội trong tù và lấy tên thánh là Vjekoslav để vinh danh Luburić.[165]

HNO về sau có vài nghìn thành viên, nổi tiếng phải kể đến Zvonko Bušić, Gojko ŠušakMladen Naletilić. Bušić thực hiện vụ cướp chuyến bay TWA 355 đi Chicago ngày 10 tháng 9 năm 1976.[166] Šušak là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Croatia năm 1991.[167] Naletilić là chỉ huy quân sự bị Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ (International Criminal Tribunal for the former Yugoslavia - ICTY) kết án 20 năm tù vì tội ác chiến tranh chống lại thường dân Bosna.[168]

Franjo Tuđman, Tổng thống Croatia 1990–1999. Nhà báo Croatia Darko Hudelist cho rằng Luburić có ảnh hưởng đến chính sách của Tuđman.

Trong cuộc chiến giành độc lập, sĩ quan quân đội Croatia thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho Luburić. Ante Luburić (không phải họ hàng) là chỉ huy cao cấp trong trận Vukovar, được đặt cho biệt danh "Maks" vì sự bạo liệt trên chiến trường. Nhà báo Robert Fox nhận xét Ante "có vẻ vui với biệt danh này".[169] Đầu năm 1992, tướng Mirko Norac khi bị tổng thống Tuđman bắt từ nhiệm đã nhắc đến Luburić.[170]

Luburić được đề cập trong những câu mở đầu của bài hát theo chủ nghĩa dân tộc Croatia Jasenovac và Gradiška Stara như sau:[172]

Jasenovac i Gradiška Stara
to je kuća Maksovih mesara ...

Jasenovac và Gradiška Stara
đó là nhà đồ tể Maks ...

Nhà báo Croatia Darko Hudelist đồng thời là người viết tiểu sử tổng thống Tuđman coi Luburić là một trong ba nhân vật chính trị quan trọng nhất Croatia thời hậu chiến, bên cạnh Tito và Tuđman.[173] Hudelist cho rằng các bài viết của Luburić ảnh hưởng đến Tuđman, nổi bật là lời kêu gọi các phe phái khác nhau về ý thức hệ phải thống nhất lại tạo nên một cộng đồng người Croat. Vấn đề này trở thành một ưu tiên chính trị quan trọng cho Liên minh Dân chủ Croatia của Tuđman trong nhiệm kỳ tổng thống.[174] Sử gia Ivo Goldstein đồng tình với giả thuyết của Hudelist và phỏng đoán rằng chính Luburić cũng bị ảnh hưởng từ lời Franco kêu gọi hai phe Cộng hòa và Quốc gia hòa giải sau Nội chiến Tây Ban Nha.[175] Nhà báo Ivan Bekavac bác bỏ giả thuyết này đồng thời cáo buộc Hudelist đang đẩy Tuđman theo hướng thân phát xít.[176]

Năm 2017, tờ thông tin khu phố Sarajevo tại Dobrinja có in trích đoạn bài phát biểu của Luburić.[177] Tháng 7 năm 2018, Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa cầm quyền của Tây Ban Nha đề xuất đạo luật cấm tưởng niệm các nhân vật phát xít. Nếu luật được thông qua thì nhà chức trách Tây Ban Nha có thể cưỡng chế mộ phần Pavelić và Luburić với lý do chúng là nơi những kẻ theo chủ nghĩa tân phát xít đến viếng thăm, nên chuyển về Bosna hoặc các địa điểm ít nổi tiếng hơn.[178]

Ngày 29 tháng 9 năm 2018, nhà sử học Vlado Vladić tổ chức buổi quảng bá cuốn sách của mình có tựa đề Hrvatski vitez Vjekoslav Maks Luburić (Hiệp sĩ Croatia Vjekoslav Maks Luburić) tại Tu viện Công giáo La Mã ở Split.[179] Sự kiện này bị cánh tả Croatia lên án, cáo buộc Vladić tôn vinh Luburić và Giáo hội Công giáo tạo điều kiện xét lại lịch sử.[180] Khách dự có Dario Kordić, nguyên phó tổng thống Cộng hòa Croatia Herceg-Bosna (Hrvatska Republika Herceg-Bosna) trong chiến tranh Bosna. Kordić về sau bị Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ kết án 25 năm tù vì tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người khi đóng vai trò thanh lọc sắc tộc ở Thung lũng Lasva.[181]

Đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]
Bia tưởng niệm 55 nạn nhân người Sarajevo bị treo cổ theo lệnh Luburić vào đêm 27 và 28 tháng 3 năm 1945

Theo các báo cáo đương thời của Đức, khoảng 350.000 người Serb bị Ustaše giết hại.[182] Theo Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ, Ustaše tàn sát từ 320.000 đến 340.000 người Serb trong chiến tranh.[183] Hầu hết các sử gia hiện đại đều nhất trí Ustaše đã lấy đi sinh mạng 300.000 người Serb, hay khoảng 17% tổng số người Serb sinh sống tại NDH.[184]

Tại các phiên tòa Nürnberg, những vụ việc này được quy kết là tội diệt chủng.[182] Ustaše cũng phải chịu trách nhiệm cho cái chết của 26.000 người Do Thái và 20.000 người Digan.[185] Nhà sử học Emily Greble ước tính Luburić có thể khiến 200.000 người chết trong chiến tranh.[114] Khi ấy, Luburić khoe rằng Ustaše đã giết nhiều người Serb ở Jasenovac "hơn cả Đế chế Ottoman khi chiếm đóng châu Âu".[81][186] Khi trò chuyện với Hermann Neubacher, đại diện đặc mệnh toàn quyền của Bộ Ngoại giao Reichswehr về Đông Nam Âu, ông cũng cho rằng khoảng 225.000 người Serb đã bị giết ở Jasenovac.[187] Danh sách không đầy đủ các nạn nhân tại Khu tưởng niệm Jasenovac có tên của 83.145 người, gồm 47.627 người Serb, 16.173 người Digan và 13.116 người Do Thái.[188] Đa số các sử gia đồng thuận với con số khoảng 100.000 người đã thiệt mạng ở Jasenovac.[189]

Năm 1998, Šakić bị bắt ở Argentina và bị dẫn độ về Croatia năm 1999. Šakić bị kết án 20 năm tù vì tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.[72] Ông qua đời tháng 7 năm 2008.[190] Vợ là Nada cũng bị bắt cùng thời điểm nhưng được thả vì thiếu bằng chứng. Tháng 7 năm 2011, chính phủ Serbia ra lệnh bắt Nada mà không biết bà đã qua đời hồi tháng 2 nên phải thu hồi lại lệnh bắt.[191] Šakić mô tả anh vợ mình là người "nhân đạo" và "bảo vệ người Do Thái".[192]

Một vài nhân vật cùng thời với Luburić cũng như nhiều nhà nghiên cứu lại đưa ra một đánh giá hoàn toàn khác. Sĩ quan tình báo Abwehr Arthur Hafner lên án Luburić là một trong những "kẻ khát máu hung tợn nhất" của Pavelić.[193][194] Trong tài liệu học thuật, Luburić thường được mô tả là bạo dâm.[70][83][195] Học giả Holocaust Uki Goñi gọi Luburić là "kẻ tâm thần khát máu".[196]

Walters viết "Luburić là kẻ tồi tệ nhất trong số tay chân của Poglavnik".[76] Sử gia chuyên về Balkan Jozo Tomasevic mô tả Luburić là một trong những thành viên "tàn bạo và khát máu nhất" của phong trào Ustaše.[1] Carmichael gọi Luburić là "một trong những tội phạm chiến tranh khét tiếng nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai".[12][197] Các nhà sử học Ladislaus Hory và Martin Broszat mô tả Luburić là "một trong những thủ lĩnh Ustaše đáng sợ và đáng ghét nhất".[198] Một số tư liệu so sánh sự tàn bạo của Luburić với người Đức và gọi ông là "Eichmann của Croatia".[199]

  1. ^ Trước năm 1941, Ustaše có ít hơn 12.000 thành viên,[23] so sánh với Đảng Cộng sản Nam Tư có khoảng 6.000 đảng viên năm 1940.[24]
  2. ^ Theo một số tư liệu, Luburić được bổ nhiệm làm trưởng Cục III thay thế cho Mijo Babić bị giết. Như vậy, UNS phải được thành lập trước tháng 8 năm 1941[48][49] vì Babić tử trận ngày 3 tháng 7 khi đánh Chetnik tại Berkovići.[50][51]
  3. ^ Ustaše sao chép phương pháp tiếp cận của Đức với việc tiếp nhận tù nhân, đăng ký, phòng ở, điểm danh và lao động cưỡng bức. Mã màu tù nhân đưa ra cũng dựa trên Thanh tra Trại tập trung Đức (Inspektion der Konzentrationslager - IDL).[53] Ustaše cũng đặt ra giám trưởng và phó lấy từ chính trong các tù nhân, giống như kapos trong các trại tập trung Đức.[62]
  4. ^ Luburić tặng huy chương cho những Ustaše giết người hiệu quả nhất, và khuyến khích lính canh cạnh tranh nhau để đẩy nhanh số lượng giết chóc. Tháng 8 năm 1942, một lính canh tên là Petar Brzica giết được 1.360 tù nhân chỉ trong một đêm và được thưởng chiếc đồng hồ vàng, chai rượu và một con lợn sữa.[12] Các nhân viên trong trại thường say sưa quá độ và nghiện rượu.[57][81]
  5. ^ Có nhiều cách giải thích mâu thuẫn nhau về lý do Luburić giết lính vệ binh. Theo các tài liệu đương thời, Luburić kết tội người này gây loạn.[96] Sử gia Nikica Barić lại cho rằng Luburić giết người vô cớ.[97]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Tomasevich 2002, tr. 422.
  2. ^ Geromella, Dino (ngày 8 tháng 12 năm 2019), “Nakon ekshumacije španjolskog diktatora Franca, na redu su ustaški zločinci Luburić i Pavelić” [Sau khi mộ độc tài Tây Ban Nha Franco bị khai quật, đến lượt lũ Ustaše độc ác là Luburić và Pavelić], Nacional (bằng tiếng Croatia), lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2020, truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2022
  3. ^ Vojislav Ananić (ngày 7 tháng 8 năm 2012), “Drobnjaci, poreklo plemena” [Drobnjaci, nguồn gốc bộ tộc], Poreklo (bằng tiếng Serbia), lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2017, truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022
  4. ^ “Poreklo i prezimena svih Pivljana” [Nguồn gốc và họ của tất cả dân cư Piva], Poreklo (bằng tiếng Serbia), ngày 29 tháng 5 năm 2012, lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 9 năm 2021, truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022
  5. ^ Ratko Dmitrović (ngày 22 tháng 7 năm 2010), “Krvavo nedeljno jutro u gradu Karkahente” [Sáng Chủ nhật đẫm máu ở thị trấn Carcaixent], Pečat - List slobodne Srbije (bằng tiếng Serbia), lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2021, truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2022
  6. ^ a b Dizdar 1997, tr. 240.
  7. ^ Tomasevich 2002, tr. 378–379.
  8. ^ a b c d Greble 2011, tr. 222.
  9. ^ a b c d Ličina 1985, tr. 110.
  10. ^ a b Bitunjac 2013, tr. 196.
  11. ^ Tomasevich 2002, tr. 370, 556.
  12. ^ a b c Carmichael 2015, tr. 81.
  13. ^ a b c Ličina 1985, tr. 159.
  14. ^ Ličina 1985, tr. 111.
  15. ^ Lampe 2000, tr. 175.
  16. ^ Tomasevich 2002, tr. 35–36.
  17. ^ a b c d e f Dizdar 1997, tr. 241.
  18. ^ Roberts 1973, tr. 15.
  19. ^ Goldstein 1999, tr. 133.
  20. ^ Adriano & Cingolani 2018, tr. 174.
  21. ^ Ramet 2006, tr. 155.
  22. ^ Malcolm 1996, tr. 175–176.
  23. ^ Malcolm 1996, tr. 175.
  24. ^ Malcolm 1996, tr. 177.
  25. ^ Singleton 1985, tr. 176.
  26. ^ Goldstein 1999, tr. 136.
  27. ^ a b Malcolm 1996, tr. 176.
  28. ^ a b Goldstein 2013, tr. 115–121.
  29. ^ Yeomans 2015, tr. 74.
  30. ^ Bergholz 2016, tr. 106.
  31. ^ a b c Goldstein 2013, tr. 155.
  32. ^ a b c Adriano & Cingolani 2018, tr. 193.
  33. ^ Bergholz 2016, tr. 107.
  34. ^ Bergholz 2016, tr. 108.
  35. ^ Bergholz 2016, tr. 110.
  36. ^ a b Goldstein 2013, tr. 156.
  37. ^ Bergholz 2016, tr. 115.
  38. ^ a b Mataušić 2003, tr. 16.
  39. ^ a b Goldstein 2013, tr. 156–157.
  40. ^ Redzic & Donia 2004, tr. 16, 18.
  41. ^ a b Yeomans 2012, tr. 10.
  42. ^ Goldstein 1999, tr. 137.
  43. ^ Goldstein 2007, tr. 24.
  44. ^ Dulić 2005, tr. 256–257.
  45. ^ Kovačić 2009, tr. 315.
  46. ^ Tomasevich 2002, tr. 341, 399.
  47. ^ Mataušić 2003, tr. 91.
  48. ^ Ličina 1985, tr. 119.
  49. ^ Dulić 2005, tr. 82.
  50. ^ Dulić 2005, tr. 143–144.
  51. ^ Cohen 1998, tr. 29.
  52. ^ Goldstein 1999, tr. 137–138.
  53. ^ a b c Megargee & White 2018, tr. 48.
  54. ^ Tomasevich 2002, tr. 399.
  55. ^ a b Dulić 2005, tr. 255.
  56. ^ Megargee & White 2018, tr. 58–59.
  57. ^ a b c Dulić 2005, tr. 271.
  58. ^ a b Dulić 2005, tr. 351.
  59. ^ Biondich 2011, tr. 128.
  60. ^ a b c Korb 2010, tr. 297.
  61. ^ Mojzes 2011, tr. 57.
  62. ^ Levy 2013, tr. 70, 79.
  63. ^ a b c d e Levy 2013, tr. 67.
  64. ^ a b Megargee & White 2018, tr. 60.
  65. ^ a b c Megargee & White 2018, tr. 61.
  66. ^ Adriano & Cingolani 2018, tr. 212–213.
  67. ^ Megargee & White 2018, tr. 62–63.
  68. ^ a b Megargee & White 2018, tr. 64.
  69. ^ a b Ličina 1985, tr. 124.
  70. ^ a b Cox 2007, tr. 226.
  71. ^ a b Levy 2013, tr. 71.
  72. ^ a b c Perica 2002, tr. 195.
  73. ^ a b Carmichael 2015, tr. 101.
  74. ^ Biondich 2011, tr. 128–129.
  75. ^ Adriano & Cingolani 2018, tr. 215.
  76. ^ a b c d Walters 2010, tr. 257.
  77. ^ Okey 1999, tr. 265.
  78. ^ Koshar 2000, tr. 205.
  79. ^ Ridley 1994, tr. 164.
  80. ^ Glenny 2012, tr. 501.
  81. ^ a b c Levene 2013, tr. 278.
  82. ^ Megargee & White 2018, tr. 61–62.
  83. ^ a b Bauer 1981, tr. 280.
  84. ^ Favez & Fletcher 1999, tr. 179–182.
  85. ^ Miletić 1986, tr. 515.
  86. ^ a b Goldstein 2013, tr. 395.
  87. ^ Goldstein 2013, tr. 199.
  88. ^ Komarica & Odić 2005, tr. 60.
  89. ^ Yeomans 2012, tr. 253.
  90. ^ a b Carmichael 2015, tr. 74–76.
  91. ^ Tomasevich 2002, tr. 274.
  92. ^ Rubinstein 2014, tr. 195.
  93. ^ a b Dulić 2005, tr. 253.
  94. ^ Adriano & Cingolani 2018, tr. 229.
  95. ^ Knezevic, Gordana (ngày 22 tháng 7 năm 2017). “Balkans Without Borders: 'Diana's List' Of Children Saved From Death Camps Revealed” [Balkan không biên giới: Tiết lộ 'danh sách Diana' những trẻ em được cứu khỏi trại tử thần]. RadioFreeEurope/RadioLiberty (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2022.
  96. ^ a b c d Ličina 1985, tr. 131.
  97. ^ a b Barić 2003, tr. 159.
  98. ^ a b Krizman 1986, tr. 461.
  99. ^ a b Mataušić 2003, tr. 77.
  100. ^ Mataušić 2003, tr. 111.
  101. ^ Miletić 1986, tr. 617.
  102. ^ Goldstein 1999, tr. 147.
  103. ^ Tomasevich 2002, tr. 439–440.
  104. ^ Ličina 1985, tr. 138.
  105. ^ Goldstein 1999, tr. 149.
  106. ^ Tomasevich 2002, tr. 452.
  107. ^ Kovačić 2009, tr. 104.
  108. ^ Tomasevich 2002, tr. 328.
  109. ^ McCormick 2014, tr. 112.
  110. ^ Tomasevich 2002, tr. 426.
  111. ^ Stefanović 1984, tr. 306.
  112. ^ Ličina 1985, tr. 142.
  113. ^ Donia 2006, tr. 198.
  114. ^ a b c d Greble 2011, tr. 221.
  115. ^ a b c Donia 2006, tr. 197.
  116. ^ a b Greble 2011, tr. 224.
  117. ^ a b Yeomans 2015, tr. 24.
  118. ^ a b Greble 2011, tr. 223.
  119. ^ a b Hoare 2013, tr. 276.
  120. ^ Ličina 1985, tr. 143.
  121. ^ a b c Hoare 2013, tr. 277.
  122. ^ Greble 2011, tr. 227.
  123. ^ Greble 2011, tr. 228.
  124. ^ Donia 2006, tr. 197–198.
  125. ^ Greble 2011, tr. 229–230.
  126. ^ Greble 2011, tr. 229.
  127. ^ Jareb 1995, tr. 116.
  128. ^ Adriano & Cingolani 2018, tr. 266.
  129. ^ Ličina 1985, tr. 143–145.
  130. ^ Yeomans 2012, tr. 350.
  131. ^ Dizdar 1997, tr. 242.
  132. ^ Tomasevich 2002, tr. 752.
  133. ^ Pavlowitch 2008, tr. 262.
  134. ^ Tomasevich 2002, tr. 751–768.
  135. ^ Tomasevich 2002, tr. 560.
  136. ^ Goldstein 2013, tr. 501.
  137. ^ Radelić 2002, tr. 44–45.
  138. ^ Radelić 2002, tr. 6.
  139. ^ a b Bale 2017, note 77.
  140. ^ a b c d Carmichael 2015, tr. 104.
  141. ^ Ličina 1985, tr. 105.
  142. ^ a b Ličina 1985, tr. 154.
  143. ^ Adriano & Cingolani 2018, tr. 394–398.
  144. ^ a b Ličina 1985, tr. 160.
  145. ^ Ličina 1985, tr. 155–158.
  146. ^ Cohen 1998, tr. 67.
  147. ^ a b c d Hockenos 2003, tr. 70.
  148. ^ Adriano & Cingolani 2018, tr. 395–396.
  149. ^ McCormick 2014, tr. 176.
  150. ^ a b Ličina 1985, tr. 103.
  151. ^ a b Adriano & Cingolani 2018, tr. 396.
  152. ^ Clissold 1975, tr. 111.
  153. ^ McCormick 2014, tr. 178.
  154. ^ Adriano & Cingolani 2018, tr. 400–401.
  155. ^ Adriano & Cingolani 2018, tr. 419.
  156. ^ Nielsen 2020, tr. 89.
  157. ^ a b “Kako sam ubio ustaškog zlikovca Maksa Luburića” [Tôi đã giết tên Ustaše phản diện Maks Luburić như thế nào], SRBIN.INFO (bằng tiếng Serbia), 9 tháng 7 năm 2013, lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2021, truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2022
  158. ^ a b c Renata Rašović (ngày 5 tháng 5 năm 2012), “Agent Udbe: Luburića sam ubio jer je uvrijedio mog ćaću” [Đặc vụ Udbe: Tôi giết Luburić vì ông ta xúc phạm cha chú tôi], Večernji.hr (bằng tiếng Croatia), lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 8 năm 2017
  159. ^ Ličina 1985, tr. 103–105.
  160. ^ Walters 2010, tr. 258–259.
  161. ^ Nielsen 2020, tr. 90.
  162. ^ “Ilija Stanić: Ubili smo Luburića jer se razišao s Pavelićem” [Ilija Stanić: Chúng tôi giết Luburić vì ông ta bỏ Pavelić]. Jutarnji list (bằng tiếng Croatia). ngày 15 tháng 7 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2022.
  163. ^ Hockenos 2003, tr. 71–72.
  164. ^ Hockenos 2003, tr. 64.
  165. ^ Radoš, Ivica (ngày 10 tháng 3 năm 2010), “Za rođendan na dar dobio – otmicu aviona” [Ông ta nhận được quà sinh nhật là một vụ không tặc], Večernji list (bằng tiếng Croatia), lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 1 năm 2022, truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2022
  166. ^ Hockenos 2003, tr. 69.
  167. ^ Hockenos 2003, tr. 73—74.
  168. ^ “Appeals Chamber Confirms Sentences Against Mladen Naletilic and Vinko Martinovic” [Phòng kháng cáo xác nhận các bản án chống lại Mladen Naletilic và Vinko Martinovic]. ICTY. ngày 3 tháng 5 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2022.
  169. ^ Fox 1993, tr. 538.
  170. ^ Majetić, Vanja (ngày 14 tháng 3 năm 2018), “Odlazak vojničine starog kova kojem je Ženevska konvencija bila sveto pravilo” [Sự ra đi của người lính thế hệ cũ đối với những người coi Công ước Geneva là thiêng liêng], tportal.hr (bằng tiếng Croatia), lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 8 năm 2021, truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2022
  171. ^ Off 2004, tr. 189.
  172. ^ Vuletic 2011, tr. 2.
  173. ^ Hudelist 2004, tr. 686.
  174. ^ Hudelist 2004, tr. 618—623.
  175. ^ Goldstein 2008, tr. 772.
  176. ^ Bekavac 2007, tr. 9–12.
  177. ^ Knezevic, Gordana (ngày 20 tháng 8 năm 2018). “Spain Awakens Bosnian, Croatian Ghosts Of 1945” [Tây Ban Nha đánh thức bóng ma Bosna, Croatia năm 1945]. RadioFreeEurope/RadioLiberty (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2022.
  178. ^ Milekic, Sven (ngày 25 tháng 7 năm 2018). “Spanish Law May Mean Moving Croatian Fascist Tombs” [Luật pháp Tây Ban Nha có thể di chuyển những ngôi mộ phát xít Croatia]. Balkan Insight (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2022.
  179. ^ Milas, Dalibor (ngày 20 tháng 10 năm 2018). “Pristojna zemlja bi uhitila pisce koji veličaju Luburića” [Một đất nước đàng hoàng sẽ bắt giam tác giả nào dám tôn vinh Luburić]. Express (bằng tiếng Croatia). Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2022.
  180. ^ Vladisavljevic, Anja (ngày 12 tháng 10 năm 2018). “Croatian Writers Condemn Book Lauding Notorious Fascist Official” [Văn sĩ Croatia lên án cuốn sách đề cập đến sĩ quan phát xít khét tiếng]. Balkan Insight (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2022.
  181. ^ Bajruši, Robert (ngày 1 tháng 10 năm 2018). “KAKO SMO KAO DRUŠTVO POSTALI TOLIKO IMUNI NA ZLO? U Zagrebu se promovira knjiga o ustaškom ubojici, manjine se gađa hranom, podržavaju se revizionisti” [LÀM THẾ NÀO XÃ HỘI CHÚNG TA MIỄN NHIỄM SỰ TÀ ÁC? Cuốn sách về kẻ sát nhân Ustaše đang được quảng bá ở Zagreb, những người thiểu số đang phải kiếm ăn thì lũ xét lại được ủng hộ]. Jutarnji list (bằng tiếng Croatia). Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2022.
  182. ^ a b Singleton 1985, tr. 177.
  183. ^ “Jasenovac”. United States Holocaust Memorial Museum (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2022.
  184. ^ Cox 2007, tr. 225.
  185. ^ Megargee & White 2018, tr. 46.
  186. ^ Markusen & Kopf 1995, tr. 114.
  187. ^ Israeli 2013, tr. 142.
  188. ^ “List of individual victims” [Danh sách từng nạn nhân]. JUSP Jasenovac (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2022.
  189. ^ Pavlowitch 2008, tr. 34.
  190. ^ Levy 2013, tr. 72.
  191. ^ Bitunjac 2013, tr. 205.
  192. ^ Wittes, Benjamin (ngày 7 tháng 5 năm 1998). “Croatian Reckoning” [Món nợ Croatia]. The Washington Post (bằng tiếng Anh). ISSN 0190-8286. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2022.
  193. ^ Dulić 2005, tr. 291.
  194. ^ Dulić 2015, tr. 155.
  195. ^ Tanner 2001, tr. 152.
  196. ^ Goñi 2002, tr. 218.
  197. ^ Carmichael 2013, tr. 135.
  198. ^ Hory & Brozat 1964, tr. 87.
  199. ^ Bale 2017, tr. 307.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Adriano, Pino; Cingolani, Giorgio (2018), Nationalism and Terror: Ante Pavelić and Ustasha Terrorism from Fascism to the Cold War [Chủ nghĩa dân tộc và khủng bố: Ante Pavelić và chủ nghĩa khủng bố Ustaše từ chủ nghĩa phát xít đến Chiến tranh lạnh] (bằng tiếng Anh), Central European University Press, ISBN 978-963-386-206-3
  • Bale, Jeffrey M. (2017), Postwar Fascism, Covert Operations, and Terrorism [Chủ nghĩa phát xít thời hậu chiến, hoạt động chống phá và chủ nghĩa khủng bố], The Darkest Sides of Politics (bằng tiếng Anh), 1, New York City: Routledge, ISBN 978-1-3176-5946-4
  • Barić, Nikica (2003), Ustroj kopnene vojske domobranstva Nezavisne države Hrvatske, 1941–1945 [Cơ cấu lục quân Lực lượng Phòng vệ của Nhà nước Độc lập Croatia, 1941–1945] (bằng tiếng Croatia), Zagreb: Hrvatski institut za povijest, ISBN 978-9-5363-2438-5
  • Bauer, Yehuda (1981), American Jewry and the Holocaust: The American Jewish Joint Distribution Committee, 1939—1945 [Người Do Thái Mỹ và nạn diệt chung: Ủy ban phân phối chung của người Do Thái Mỹ, 1939-1945] (bằng tiếng Anh), Wayne State University Press, ISBN 978-0-8143-1672-6
  • Bekavac, Ivan (2007), Izmišljeni Tuđman: O lažima, krivotvorinama i namjerama Hudelistove "biografije" prvoga hrvatskog predsjednika [Tuđman hư cấu: Về những dối trá, giả mạo và ý đồ trong "tiểu sử" tổng thống Croatia đầu tiên của Hudelist] (bằng tiếng Croatia), Zagreb: Naklada Pavičić, ISBN 978-9-53630-867-5
  • Bergholz, Max (2016), Violence as a Generative Force: Identity, Nationalism, and Memory in a Balkan Community [Bạo lực là thế lực sinh sôi: Bản sắc, chủ nghĩa dân tộc và ký ức của một Cộng đồng Balkan] (bằng tiếng Anh), Ithaca, New York: Cornell University Press, ISBN 978-1-50170-643-1
  • Biondich, Mark (2011), The Balkans: Revolution, War, and Political Violence Since 1878 [Balkan: Cách mạng, chiến tranh và bạo lực chính trị từ năm 1878] (bằng tiếng Anh), Oxford University Press, ISBN 978-0-19-929905-8</ref>
  • Bitunjac, Martina (2013), Le donne e il movimento Ustascia [Phụ nữ và phong trào Ustaše] (bằng tiếng Ý), Roma: Edizioni Nuova Cultura, ISBN 978-8-86812-182-2
  • Carmichael, Cathie (2013), “Genocide and the Problem of the State in Bosnia in the Twentieth Century” [Diệt chủng và vấn đề nhà nước Bosna thế kỷ 20], trong Ingelaere, Bert; Parmentier, Stephan; Segaert, Barbara; Haers, Jacques (biên tập), Genocide, Risk and Resilience: An Interdisciplinary Approach [Diệt chủng, rủi ro và chống chịu: Tiếp cận liên ngành] (bằng tiếng Anh), New York City: Springer, tr. 131–149, ISBN 978-1-1373-3243-1
  • —— (2015), A Concise History of Bosnia [Sơ lược lịch sử Bosna] (bằng tiếng Anh), Cambridge: Cambridge University Press, ISBN 978-1-10701-615-6
  • Clissold, Stephen (1975), Yugoslavia and the Soviet Union, 1939–1973: A Documentary Survey [Nam Tư và Liên Xô, 1939–1973: Khảo sát tài liệu] (bằng tiếng Anh), Oxford: Oxford University Press, ISBN 978-0-19218-315-6
  • Cohen, Roger (1998), Hearts Grown Brutal: Sagas of Sarajevo [Tấm lòng trở nên tàn bạo: Truyền kỳ Sarajevo] (bằng tiếng Anh), New York: Random House, ISBN 978-0-81299-178-9
  • Cox, John K. (2007), “Ante Pavelić and the Ustaša State in Croatia” [Ante Pavelić và nhà nước Ustaše tại Croatia], trong Fischer, Bernd Jürgen (biên tập), Balkan Strongmen: Dictators and Authoritarian Rulers of South Eastern Europe [Kẻ mạnh Balkan: Những tên độc tài Đông Nam Âu] (bằng tiếng Anh), West Lafayette, Indiana: Purdue University Press, ISBN 978-1-55753-455-2
  • Dizdar, Zdravko (1997), “Luburić, Vjekoslav”, trong Dizdar, Zdravko; Grčić, Marko; Ravlić, Slaven; Stuparić, Darko (biên tập), Tko je tko u NDH [Ai là ai tại NDH] (bằng tiếng Croatia), Zagreb: Minerva, ISBN 978-953-6377-03-9
  • Donia, Robert J. (2006), Sarajevo: A Biography [Sarajevo: Tiểu sử] (bằng tiếng Anh), University of Michigan Press, ISBN 978-0-472-11557-0
  • Dulić, Tomislav (2005), Utopias of Nation: Local Mass Killing in Bosnia and Herzegovina, 1941–42 [Utopia của dân tộc: Giết người hàng loạt cục bộ tại Bosna và Hercegovina, 1941–42] (bằng tiếng Anh), Uppsala: Uppsala University Library, ISBN 978-9-1554-6302-1
  • —— (2015), “Rethinking Violence: Motives and Modes of Mass Murder in the Independent State of Croatia, 1941–5” [Suy nghĩ lại về bạo lực: Động cơ và phương thức giết người hàng loạt trại Nhà nước Độc lập Croatia, 1941–5], trong Carmichael, Cathie; Maguire, Richard C. (biên tập), The Routledge History of Genocide [Lịch sử diệt chủng của Routledge] (bằng tiếng Anh), New York City: Routledge, tr. 151–165, ISBN 978-1-3175-1484-8
  • Favez, Jean-Claude; Fletcher, John (1999), The Red Cross and the Holocaust [Hội Chữ thập đỏ và nạn diệt chủng] (bằng tiếng Anh), Cambridge University Press, ISBN 978-0-521-41587-3
  • Fox, Robert (1993), The Inner Sea: The Mediterranean and Its People [Nội hải: Địa Trung Hải và con người tại đó] (bằng tiếng Anh), New York City: Alfred A. Knopf, ISBN 978-0-39457-452-3
  • Glenny, Misha (2012), The Balkans: Nationalism, War, and the Great Powers, 1804-2012 [Balkan: Chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh và các đại cường, 1804-2012] (bằng tiếng Anh), London: House of Anansi Press, ISBN 978-1-77089-273-6
  • Goldstein, Ivo (1999), Croatia: A History [Croatia: Lịch sử] (bằng tiếng Anh), McGill-Queen's Press – MQUP, ISBN 978-0-7735-2017-2
  • —— (2007), “The Independent State of Croatia in 1941: On the Road to Catastrophe”, trong Ramet, Sabrina P. (biên tập), The Independent State of Croatia 1941–45 [Nhà nước Độc lập Croatia 1941–45] (bằng tiếng Anh), New York: Routledge, tr. 19—29, ISBN 978-0-415-44055-4
  • —— (2008), Hrvatska 1918–2008 [Croatia 1918–2008] (bằng tiếng Croatia), Zagreb: EPH, ISBN 978-9-53604-557-0
  • Goldstein, Slavko (2013), 1941: The Year That Keeps Returning [1941: Năm tiếp tục trở lại] (bằng tiếng Anh), Gable, Michael biên dịch, New York Review of Books, ISBN 978-1-59017-700-6
  • Goñi, Uki (2002), The Real Odessa: Smuggling the Nazis to Perón's Argentina [Odessa thực sự: Lén chuyển Đức quốc xã tới Argentina của Perón] (bằng tiếng Anh), New York City: Granta Books, ISBN 978-1-86207-581-8
  • Greble, Emily (2011), Sarajevo, 1941—1945 : Muslims, Christians, and Jews in Hitler's Europe [Sarajevo, 1941—1945: Người Hồi giáo, Cơ Đốc giáo và Do Thái ở châu Âu của Hitler] (bằng tiếng Anh), Ithaca: Cornell University Press, ISBN 978-0-8014-4921-5
  • Hory, Ladislaus; Broszat, Martin (1964), Der kroatische Ustascha-Staat 1941–1945 [Nhà nước Ustaše của Croatia 1941–1945] (bằng tiếng Đức), Stuttgart: Walter de Gruyter, ISBN 978-3-48670-375-7
  • Hudelist, Darko (2004), Tuđman: Biografija [Tuđman: Tiểu sử] (bằng tiếng Croatia), Zagreb: Profil, ISBN 978-9-53120-038-7
  • Israeli, Raphael (2013), The Death Camps of Croatia: Visions and Revisions, 1941—1945 [Trại tử thần Croatia: Tầm nhìn và thay đổi, 1941-1945] (bằng tiếng Anh), Transaction Publishers, ISBN 978-1-4128-4930-2
  • Jareb, Jere (1995) [1960], Pola stoljeća hrvatske politike: povodom Mačekove autobiografije [Nửa thế kỷ chính trị Croatia: dựa trên tự truyện Maček] (bằng tiếng Croatia), Zagreb: Institut za suvremenenu povijest, ISBN 978-9-5363-2402-6
  • Hoare, Marko Attila (2013), Bosnian Muslims in the Second World War [Người Hồi giáo Bosna trong Đệ nhị Thế chiến] (bằng tiếng Anh), Oxford: Oxford University Press, ISBN 978-0-231-70394-9
  • Hockenos, Paul (2003), Homeland Calling: Exile Patriotism & the Balkan Wars [Tiếng gọi Tổ quốc: Chủ nghĩa yêu nước lưu vong và các cuộc chiến tranh Balkan] (bằng tiếng Anh), Cornell University Press, ISBN 978-0-8014-4158-5
  • Komarica, Slavko; Odić, Slavko F. (2005), Zašto Jasenovac - nije osloboečen [Tại sao Jasenovac không được lộ ra] (bằng tiếng Serbia), Beograd: Institut za savremenu istoriju, ISBN 978-8-6740-3097-4
  • Korb, Alexander (2000), “Nation-Building and Mass Violence: The Independent State of Croatia, 1941–1945” [Xây dựng đất nước và bạo lực hàng loạt: Nhà nước Độc lập Croatia], trong Friedman, Jonathan C. (biên tập), The Routledge History of the Holocaust [Lịch sử Holocauste của Routledge] (bằng tiếng Anh), New York City: Routledge, tr. 291–302, ISBN 978-1-1368-7060-6
  • Koshar, Rudy (2000), From monuments to traces [Từ di tích đến dấu viết] (bằng tiếng Anh), New York City: University of California Press, ISBN 978-0-5202-1768-3
  • Kovačić, Davor (2009), Redarstveno-obavještajni sustav Nezavisne Državne Hrvatske od 1941. do 1945 godine [Hệ thống Cảnh sát và Tình báo của Nhà nước Độc lập Croatia từ năm 1941 đến 1945] (bằng tiếng Serbo-Croatia), Zagreb: Hrvatski institut za povijest, ISBN 978-9-5363-2474-3
  • Krizman, Bogdan (1986), NDH između Hitlera i Mussolinija [NDH giữa Hitler và Mussolini] (bằng tiếng Serbo-Croatia), 2, Zagreb: Globus, ISBN 978-8-63430-154-0
  • Lampe, John R. (2000), Yugoslavia as History: Twice There Was a Country [Nam Tư theo lịch sử: là một quốc gia hai lần] (bằng tiếng Anh), Cambridge University Press, ISBN 978-0-521-77401-7
  • Levene, Mark (2013), Annihilation: The European Rimlands, 1939–1953 [Hủy diệt: Vành đai châu Âu, 1939–1953], The Crisis of Genocide (bằng tiếng Anh), 2, Oxford: Oxford University Press, ISBN 978-0-19-150555-3
  • Levy, Michele Frucht (2013), “"The Last Bullet For The Last Serb": The Ustaša Genocide Against Serbs, 1941–1945” ["Viên đạn cuối nhắm người Serb cuối": Diệc chủng người Serb của Ustaše, 1941–1945], trong Crowe, David M. (biên tập), Crimes of State Past and Present: Government-Sponsored Atrocities and International Legal Responses [Tội ác Nhà nước quá khứ và hiện tại: Những hành động tàn bạo do Chính phủ bảo trợ và phản ứng pháp lý quốc tế] (bằng tiếng Anh), London: Routledge, tr. 54–85, ISBN 978-1-317-98682-9
  • Ličina, Đorđe (1985), “Vjekoslav Luburić”, trong Ličina, Đorđe; Vavić, Milorad; Pavlovski, Jovan (biên tập), Andrija Artuković, Vjekoslav Luburić, Xhafer Deva, Vančo Mihailov (bằng tiếng Serbo-Croatia), Zagreb: Centar za informacije i publicitet, OCLC 12595707
  • Malcolm, Noel (1996), Bosnia: A Short History [Bosna đoản sử], NYU Press, ISBN 978-0-8147-5561-7
  • Markusen, Eric; Kopf, David (1995), The Holocaust and Strategic Bombing: Genocide and Total War in the Twentieth Century [Holocaust và ném bom chiến lược: Diệt chủng và chiến tranh tổng lực trong thế kỷ 20] (bằng tiếng Anh), Boulder: Westview Press, ISBN 978-0-8133-7532-8
  • Mataušić, Nataša (2003), Jasenovac 1941—1945: Logor smrti i radni logor [Jasenovac 1941—1945: Trại tử thần và trại lao động] (bằng tiếng Serbo-Croatia), Zagreb: Spomen-Područje Jasenovac, ISBN 978-953-99169-4-5
  • McCormick, Robert (2014), Croatia Under Ante Pavelić: America, the Ustaše and Croatian Genocide [Croatia dưới thời Ante Pavelić: Mỹ, Ustaše và diệt chủng Croatia] (bằng tiếng Anh), New York City: Bloomsbury Academic, ISBN 978-1-78076-712-3
  • Megargee, Geoffrey P.; White, Joseph R. biên tập (2018), Camps and Ghettos under European Regimes Aligned with Nazi Germany [Trại tập trung tại các chính thể châu Âu bắt tay với Đức Quốc xã], The United States Holocaust Memorial Museum Encyclopedia of Camps and Ghettos, 1933–1945 (bằng tiếng Anh), III, Bloomington, Indiana: Indiana University Press, ISBN 978-0-25302-386-5
  • Miletić, Antun (1986), Koncentracioni logor Jasenovac 1941—1945 [Trại tập trung Jasenovac 1941—1945] (bằng tiếng Serbo-Croatia), 3, Beograd: Narodna knjiga, ISBN 978-8-63310-025-0
  • Mojzes, Paul (2011), Balkan Genocides: Holocaust and Ethnic Cleansing in the Twentieth Century [Diệt chủng Balkan: Thảm sát và thanh lọc sắc tộc trong thế kỷ 20] (bằng tiếng Anh), Rowman & Littlefield, ISBN 978-1-4422-0663-2
  • Nielsen, Christian Axboe (2020), Yugoslavia and Political Assassinations: The History and Legacy of Tito’s Campaign Against the Emigrés [Nam Tư và ám sát chính trị: Lịch sử và di sản của Chiến dịch chống lại cộng đồng lưu vong của Tito] (bằng tiếng Anh), Bloomsbury Publishing, ISBN 978-1-7883-1686-6
  • Off, Carol (2004), The Ghosts of Medak Pocket: The Story of Canada's Secret War [Bóng ma chiến dịch Medak Poket: Câu chuyện về cuộc chiến bí mật của Canada] (bằng tiếng Anh), Toronto: Random House Canada, ISBN 978-0-6793-1293-2
  • Okey, Robin (1999), “The Legacy of Massacre: The 'Jasenovac Myth' and the Breakdown of Communist Yugoslavia” ["Huyền thoại Jasenovic" sự tan rã của Nam Tư cộng sản], trong Levene, Mark; Roberts, Penny (biên tập), The Massacre in History [Thảm sát trong lịch sử] (bằng tiếng Anh), New York City: Berghahn Books, tr. 263–282, ISBN 978-1-5718-1934-5
  • Pavlowitch, Stevan K. (2008), Hitler's New Disorder: The Second World War in Yugoslavia [Rối loạn mới của Hitler: Chiến tranh thế giới thứ hai ở Nam Tư] (bằng tiếng Anh), London: Hurst, ISBN 978-1-85065-895-5
  • Perica, Vjekoslav (2002), Balkan Idols: Religion and Nationalism in Yugoslav States [Thần tượng Balkan: Tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc tại các nước Nam Tư] (bằng tiếng Anh), Oxford University Press, ISBN 978-0-19-517429-8
  • Ramet, Sabrina P. (2006), The Three Yugoslavias: State-Building and Legitimation, 1918–2005 [Ba nước Nam Tư: Xây dựng Nhà nước và Lập pháp, 1918–2005] (bằng tiếng Anh), Bloomington, Indiana: Indiana University Press, ISBN 978-0-253-34656-8
  • Redzic, Enver; Donia, Robert (2004), Bosnia and Herzegovina in the Second World War [Bosna và Hercegovina trong Đệ nhị thế chiến] (bằng tiếng Anh), Taylor & Francis, ISBN 978-0-203-30951-3
  • Ridley, Jasper Godwin (1994), Tito: A Biography [Tito: tiểu sử] (bằng tiếng Anh), London: Constable & Robinson, ISBN 978-0-0947-1260-7
  • Roberts, Walter R. (1973), Tito, Mihailović and the Allies 1941–1945 [Tito, Mihailović và Đồng minh 1941–1945] (bằng tiếng Anh), Durham, North Carolina: Duke University Press, ISBN 978-0-8223-0773-0
  • Rubinstein, William D. (2014), Genocide [Diệt chủng] (bằng tiếng Anh), Routledge, ISBN 978-1-317-86996-2
  • Singleton, Fred (1985), A Short History of the Yugoslav Peoples [Lược sử các dân tộc Nam Tư] (bằng tiếng Anh), Cambridge University Press, ISBN 978-0-521-27485-2
  • Stefanović, Mladen (1984), Zbor Dimitrija Ljotića: 1934–1945 [Hợp xướng Dimitrije Ljotić: 1934–1945] (bằng tiếng Serbo-Croatia), Beograd: Narodna knjiga, OCLC 13418730
  • Tanner, Marcus (2001), Croatia: A Nation Forged in War [Croatia thử lửa chiến tranh] (bằng tiếng Anh), New Haven, Connecticut: Yale University Press, ISBN 978-0-300-09125-0
  • Tomasevich, Jozo (2002), War and Revolution in Yugoslavia, 1941—1945: Occupation and Collaboration [Chiến tranh và cách mạng ở Nam Tư, 1941—1945: Chiếm đóng và cộng tác] (bằng tiếng Anh), Stanford: Stanford University Press, ISBN 978-0-8047-3615-2
  • Walters, Guy (2010), Hunting Evil: The Nazi War Criminals Who Escaped and the Quest to Bring Them to Justice [Săn lùng ma quỷ: Những tên tội phạm chiến tranh Đức quốc xã đã trốn thoát và nhiệm vụ đưa chúng ra trước công lý] (bằng tiếng Anh), Crown, ISBN 978-0-307-59248-4
  • Yeomans, Rory (2012), Visions of Annihilation: The Ustasha Regime and the Cultural Politics of Fascism, 1941—1945 [Tầm nhìn hủy diệt: Chế độ Ustaše nền chính trị văn hóa phát xít] (bằng tiếng Anh), University of Pittsburgh Pre, ISBN 978-0-8229-7793-3
  • Yeomans, Rory biên tập (2015), The Utopia of Terror: Life and Death in Wartime Croatia [Utopia khủng khiếp: Sống chết tại Croatia thời chiến] (bằng tiếng Anh), Rochester, New York: University of Rochester Press, ISBN 978-1-58046-545-8
Tạp chí

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]